1
04:05 +07 Thứ tư, 24/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 38


Hôm nayHôm nay : 2294

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 248093

Tổng cộngTổng cộng : 27802377

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TÀI LIỆU & VĂN KIỆN

Tông Hiến Universi Dominici Gregis

Thứ hai - 18/03/2013 14:53-Đã xem: 1526
Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, Hồng Y Đoàn không có quyền hành hay bất kỳ quyền xét xử nào về những vấn đề có liên quan đến vị Giáo Hoàng Tối Cao, những vấn đề đó hoàn toàn được giữ cho vị Giáo Hoàng tương lai, để Ngài quyết định.
Tông Hiến Universi Dominici Gregis

Tông Hiến Universi Dominici Gregis

Tông Hiến Universi Dominici Gregis
 

Tông Hiến Universi Dominici Gregis về Việc Trống Ngôi Giáo Hoàng

Anthony Lê
 
Phần 4: Việc Trống Ngôi Giáo Hoàng (Papal Interregnum)
 
Tìm Hiểu Sơ Lược về Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Apostolic Constitution Universi Dominici Gregis)
 
 
Phần Giới Thiệu
 
Phần Một: Việc Vắng Ngôi Giáo Hoàng
 
Chương 1: Quyền Bính của Hồng Y Đoàn trong suốt thời kỳ vắng ngôi Giáo Hoàng.
 
Chương 2: Hồng Y Đoàn trong việc chuẩn bị để bầu chọn ra vị Giáo Hoàng Tối Cao.
 
Chương 3: Liên quan tới những Văn Phòng trong suốt thời kỳ vắng ngôi Giáo Hoàng.
 
Chương 4: Chức năng của các Bộ trong Giáo Triều Rôma trong suốt thời gian vắng ngôi Giáo Hoàng.
 
Chương 5: Nghi thức tang lễ cho vị Giáo Hoàng Rôma.
 
Phần Hai: Việc Bầu Chọn Ra Vị Giáo Hoàng Mới
 
Chương 1: Những ứng viên được quyền bầu chọn Giáo Hoàng.
 
Chương 2: Địa điểm bầu Giáo Hoàng và những ai được cho vào.
 
Chương 3: Bắt đầu việc chọn lựa.
 
Chương 4: Giữ tối mật tất cả mọi vấn đề có liên quan đến việc bầu chọn.
 
Chương 5: Thủ tục bầu chọn
 
Chương 6: Những vấn đề cần phải giữ kín và phải nên tránh trong việc bầu chọn ra Vị Giáo Hoàng Rôma.
 
Chương 7: Việc chấp nhận và công bố Giáo Hoàng mới và việc khởi sự triều đại Giáo Hoàng.
 
Phần Công Bố
 
Phần Chú Thích
 
Và sau đây là các phần trình bày rất vắn tắt, sơ lược.......
 

Phần I - Chương 1: Quyền Bính của Hồng Y Đoàn trong suốt thời kỳ vắng ngôi Giáo Hoàng.

Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, Hồng Y Đoàn không có quyền hành hay bất kỳ quyền xét xử nào về những vấn đề có liên quan đến vị Giáo Hoàng Tối Cao, những vấn đề đó hoàn toàn được giữ cho vị Giáo Hoàng tương lai, để Ngài quyết định.
 
Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, chính phủ và các ban, bộ của Tòa Thánh chỉ được hoàn toàn tín thác cho Hồng Y Đoàn về những công việc thường ngày và bất kỳ những vấn đề nào, vốn không thể nào bị đình chỉ được, và xúc tiến việc chuẩn bị mọi điều cần thiết để bầu chọn ra vị Giáo Hoàng mới. Nhiệm vụ này chỉ được thực hiện theo đúng với những qui định và giới hạn của Bản Tông Hiến này.
 
Hồng Y Đoàn không được phép tùy tiện làm bất cứ điều gì có liên quan đến các quyền của Tòa Thánh và của Giáo Hội La Mã.
 
Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, các luật lệ được ban hành ra bởi vị Giáo Hoàng Tối Cao không được phép sửa đổi, điều chỉnh, thêm hay bớt bất kỳ mọi điều luật hay thủ tục nào.
 

Phần I - Chương 2: Hồng Y Đoàn trong việc chuẩn bị để bầu chọn ra vị Giáo Hoàng Tối Cao.

Trong suốt thời gian trống Tòa, có hai loại Hồng Y Đoàn: Tổng Hồng Y Đoàn (General Congregations) (tức toàn thể các thành viên trong Hồng Y Đoàn được triệu tập trước khi bắt đầu việc lựa chọn) và Hồng Y Đoàn Đặc Biệt (Particular Congregations). Tất cả những vị Hồng Y không được phép ngăn trở, mà phải tham dự Kỳ Tổng Hồng Y Đoàn, khi các vị được thông báo cho biết về việc trống ngôi Giáo Hoàng.
 
Hồng Y Đoàn Đặc Biệt được thành lập nên bởi vị Hồng Y Thị Thần (Cardinal Camerlengo) của Giáo Hội Công Giáo La Mã và 3 vị Hồng Y đại diện cho 3 cấp bậc (đó là bậc Hồng Y Giám Mục, bậc Hồng Y Linh Mục và bậc Hồng Y Phó Tế (Trợ Tá)).
 
Trong thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, những vị thuộc Tổng Hồng Y Đoàn và Hồng Y Đoàn Đặc Biệt đều mặc áo tu màu đen với dây viền (piping) và khăn quàng vai (sash) đỏ với mũ chỏm (skull-cap), cây thánh giá đeo ở ngực (pectoral cross) và nhẫn.
 
Hồng Y Đoàn Đặc Biệt chỉ điều hành những công việc hằng ngày ít có tầm quan trọng hơn. Còn những vấn đề quan trọng hơn, phải do Tổng Hồng Y Đoàn định liệu. Bất kỳ những điều gì đã được quyết định, giải quyết hay từ chối bởi một vị trong Hồng Y Đoàn Đặc Biệt, thì không thể nào có thể thu hồi, rút lại, sửa đổi hay ban nhượng; quyền để thực hiện điều này hoàn toàn tùy thuộc vào Tổng Hồng Y Đoàn, thông qua việc bỏ phiếu đại đa số.
 

Phần I - Chương 3: Liên quan tới những Văn Phòng trong suốt thời kỳ vắng ngôi Giáo Hoàng.

Theo đúng các điều khoản của Mục 6 của Tông Hiến về Pastor Bonus, vào khi vị đương kim Giáo Hoàng băng hà, thì tất cả những vị Hồng Y đứng đầu các Bộ thuộc Giáo Triều Rôma như: vị Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các vị Hồng Y Tổng Trưởng, các vị Tổng Giám Mục Chủ Tịch cùng với tất cả các thành viên của các Bộ-ngưng hẳn việc thực thi chức năng trong các văn phòng. Một ngoại lệ dành cho vị Hồng Y Thị Thần và vị Chánh Án của Tòa Cáo Giải, được phép hoạt động như bình thường, nộp lên cho Hồng Y Đoàn những vấn đề mà họ vẫn thường trình lên cho vị Giáo Hoàng tối cao.
 
Cũng tương tự như thế, theo đúng với Tông Hiến Vicariae Potestatis, vị Hồng Y Tổng Đại Diện của Giáo Phận Rôma vẫn tiếp tục mọi hoạt động bình thường trong suốt thời gian trống ngôi Giáo Hoàng. Vị Hồng Y Chánh Xứ của Vương Cung Thánh Đường Rôma và vị Tổng Đại Diện của thành phố Vatican, cũng vẫn cứ hoạt động như bình thường.
 
Nếu trường hợp các văn phòng của vị Hồng Y Thị Thần của Giáo Hội La Mã và của vị Chánh Án của Tòa Cáo Giải bị trống vào lúc Đức Giáo Hoàng băng hà, hoặc trước khi việc bầu chọn ra vị Giáo Hoàng kế thừa, thì Hồng Y Đoàn sẽ nhanh chóng bầu ra một vị Hồng Y, hay các vị Hồng Y, tùy theo điều kiện cụ thể, để điều hành các văn phòng này, cho đến khi vị Tân Giáo Hoàng được bầu chọn ra. Việc bầu chọn là hoàn toàn theo thể thức bỏ phiếu kín và bí mật. Phiếu được mở ra trước sự hiện diện của vị Hồng Y Thị Thần của Giáo Hội La Mã và 3 vị Hồng Y đại diện cho 3 cấp bậc, nếu việc bầu chọn đó là chọn ra vị Hồng Y Chánh Án của Tòa Cáo Giải. Còn nếu việc đó là việc bầu chọn ra vị Hồng Y Thị Thần, thì phiếu bầu sẽ được mở ra trước sự hiện diện của 3 vị Hồng Y đại diện cho 3 cấp bậc, và vị Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
 
Nếu trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng, mà vị Tổng Đại Diện cho Giáo Phận Rôma chết đi, thì vị Đại Diện (Vicegerent) trong văn phòng lúc đó sẽ đảm nhận mọi chức năng tương xứng với một vị Hồng Y Tổng Đại Diện. Còn nếu như không có vị Đại Diện, thì vị Giám Mục Phụ Tá cao tuổi sẽ thi hành chức vụ này.
 
Ngay khi vị Giáo Hoàng Tối Cao băng hà, thì vị Hồng Y Thị Thần của Giáo Hội La Mã phải chính thức xác định về cái chết của Đức Giáo Hoàng, trước sự hiện diện của vị Chủ Các Cử Hành Lễ Nghi Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng, vị Giám Mục của Văn Phòng Riêng Tòa Thánh, của vị Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và của vị Trưởng Ấn, và vị Trưởng Ấn của Tòa Thánh sẽ chính thức viết Giấy Khai Tử. Vị Hồng Y Thị Thần cũng sẽ đặt dấu niêm phong trên phòng đọc sách và phòng ngủ của Đức Giáo Hoàng, các nhân viên cự ngụ trong căn hộ đó, sẽ cứ vẫn ở đó cho đến khi chôn cất xong vị Giáo Hoàng quá cố, thì lúc đó, toàn bộ căn hộ của vị Giáo Hoàng quá cố cũng sẽ được niêm phong.
 
Vị Hồng Y Niên Trưởng (Dean of the College of Cardinals) của Hồng Y Đoàn, về phần mình, sau khi được thông báo về cái chết của vị Giáo Hoàng bởi vị Hồng Y Thị Thần hay vị Hồng Y Tổng Trưởng Đặc Trách các Vấn Đề về Triều Chính của Đức Cố Giáo Hoàng, thì vị Hồng Y Niên Trưởng sẽ loan tin cho các vị Hồng Y, và triệu tậpTổng Công Hội Hồng Y. Vị Hồng Y Niên Trưởng cũng còn loan báo tin buồn này cho Giới Ngoại Giao Đoàn trực thuộc Tòa Thánh và những vị Đứng Đầu của các quốc gia trên thế giới.
 
Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, vị Thay Thế cho vị Hồng Y Quốc Vụ Khanh, vị Thư Ký đặc trách các mối quan hệ với các quốc gia và các vị Thư Ký của các Bộ thuộc Giáo Triều Rôma vẫn chịu trách nhiệm về các bộ của riêng họ, và của Hồng Y Đoàn.
 
Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, mọi quyền hành dân sự của vị Giáo Hoàng Tối Cao có liên quan đến Quốc Gia Vaticăn sẽ thuộc về Hồng Y Đoàn.
 

Phần I - Chương 4: Chức năng của các Bộ trong Giáo Triều Rôma trong suốt thời gian vắng ngôi Giáo Hoàng.

Trong suốt thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng, các Bộ trong Giáo Triều Rôma chỉ xử lý những công việc hằng ngày kém phần quan trọng.
 
Các vị chánh án của các Tòa Án tiếp tục xử lý những vụ việc có liên quan đến luật lệ và quyền hạn cho phép, đúng theo Mục 18, đoạn 1 và 3 của Tông Hiến Pastor Bonus.
 

Phần I - Chương 5: Nghi thức tang lễ cho vị Giáo Hoàng Rôma.

Sau cái chết của vị Giáo Hoàng Tối Cao, các vị Hồng Y sẽ cử hành các nghi thức tang lễ cầu hồn cho vị Giáo Hoàng quá cố trong suốt 9 ngày liên tục, đúng theo Ordo Exsequiarum Pontificis và Ordo Rituum Conclavis.
 
Nếu vị Giáo Hoàng La Mã chết bên ngoài Rôma, thì Hồng Y Đoàn phải có nhiệm vụ sắp xếp mọi thủ tục cần thiết để gìn giữ và chuyển thi hài về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vaticăn.
 
Tất cả mọi người, không ai được phép sử dụng bất kỳ phương tiện nào để quay phim hay chụp ảnh vị Giáo Hoàng quá cố ngay khi Ngài còn ở trên giường bệnh hoặc sau khi Ngài đã chết, hay thu âm những lời nói của Ngài. Nếu sau cái chết của Đức Giáo Hoàng, những ai muốn chụp hình để làm các phim tài liệu, thì phải được sự cho phép của vị Hồng Y Thị Thần của Giáo Hội La Mã.
 
Sau khi chôn cất vị Giáo Hoàng quá cố và trong suốt quá trình bầu chọn ra vị Giáo Hoàng mới, không một ai được ở trong căn hộ của vị Giáo Hoàng Tối Cao quá cố.
 
Nếu vị Giáo Hoàng quá cố có một di chúc về những gì thuộc về Ngài, những chúc thư, những tài liệu riêng, và đã nêu ra người thực hiện di chúc, thì người thực hiện di chúc, sẽ quyết định và thi hành những gì đã viết trong di chúc. Vị thực hiện di chúc đó sẽ chỉ báo cáo lại mọi hoạt động của mình cho vị Giáo Hoàng mới được bầu chọn lên.
 

Phần 2 - Chương 1: Những ứng viên được quyền bầu chọn Giáo Hoàng.

Quyền để bầu chọn ra vị Giáo Hoàng La Mã hoàn toàn tùy thuộc vào các vị Hồng Y của Giáo Hội La Mã, trừ những vị đã đến 80 tuổi trước ngày vị Giáo Hoàng Tối Cao băng hà, hay vào ngày mà Tòa La Mã trống ngôi. Tổng số các vị có quyền bầu chọn phải không được phép quá 120 vị.
 
Những vị Hồng Y nào đã bị tước vị Hồng Y theo giáo luật, và sau đó được trao lại chức Hồng Y, thì không được phép bầu.
 
Các vị Hồng Y có quyền bỏ phiếu phải đợi đúng 15 ngày nếu như vắng mặt ai trong số các vị, và sau thời gian tối đa là 20 ngày kể từ ngày trống ngôi Giáo Hoàn, tất cả những vị Hồng Y được quyền bỏ phiếu, đều có mặt lúc đó, thì sẽ chính thức tiến hành việc bầu chọn.
 

Phần 2 - Chương 2: Địa điểm bầu Giáo Hoàng và những ai được cho vào.

Cơ Mật Viện (Conclave) để bầu chọn ra vị Giáo Hoàng Tối Cao sẽ xảy ra trong nội thành của Vaticăn, trong những tòa nhà và khu vực qui định, gần những vùng cấm mọi người bén vãng tới.
 
Tất cả những vị Hồng Y có quyền bỏ phiếu, đều cư ngụ tại Domus Sanctae Marthae, vừa mới được xây dựng nên trong nội thành Vaticăn. Nếu vì lý do sức khỏe, phải cần có một y tá hiện diện, thì việc đó phải nhận được sự đồng ý của Tổng Hồng Y Đoàn.
 
Từ lúc bắt đầu tiến trình bầu chọn cho đến lúc công bố chính thức cho công cộng về danh tánh của vị Giáo Hoàng Mới, thì tất cả các phòng tại Domus Sanctae Marthae và cụ thể là tại Nhà Nguyện Sistine và những khu vực dành riêng cho việc cử hành phụng vụ, sẽ bị đóng cửa, không cho phép bất kỳ ai lạ mặt được vào, theo quyền của vị Hồng Y Thị Thần.
 
Trong suốt thời gian bầu chọn vị Giáo Hoàng mới, tất cả những vị Hồng Y được quyền bỏ phiếu, sẽ không được phép liên lạc ra thế giới bên ngoài, cho dù bằng cách viết thư, điện thoại, Internet hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp được sự xác nhận của Hồng Y Đoàn Đặc Biệt cùng với vị Hồng Y Chánh Án Tòa Cáo Giãi Tối Cao.
 
Trong suốt quá trình bầu chọn vị Giáo Hoàng mới, sẽ có một số linh mục từ hàng giáo sĩ chịu trách nhiệm giải tội bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và 2 bác sĩ y khoa, để đề phòng trong những trường hợp khẩn cấp
 

Phần 2 - Chương 3: Bắt đầu việc chọn lựa.

Khi mọi nghi thức tang lể cho vị Giáo Hoàng quá cố đã được cử hành xong theo đúng luật định và việc chuẩn bị bầu cử đã hoàn tất, thì vào ngày giờ đã định, tức vào ngày thứ 15 tính từ sau khi vị Giáo Hoàng cũ băng hà, cho đến không quá ngày 20, thì các vị Hồng Y cử tri (Cardinal electors) sẽ gặp nhau tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trong nội thành Vaticăn, hay tại bất kỳ nơi nào đó, tùy điệu kiện cụ thể, để cùng tham dự việc cử hành Phép Thánh Thể một cách trang nghiêm trong một thánh lể tạ ơn (votive mass) Pro Eligendo Papa. Việc cử hành này thường diễn ra vào giờ giấc thích hợp vào buổi sáng, để vào buổi chiều, các vị Hồng Y bắt đầu tiến trình chọn lựa vị Tân Giáo Hoàng.
 
Từ nhà nguyện Pauline trong Dinh Thự Tông Đồ (Apostolic Palace), là nơi mà các vị Hồng Y cử tri sẽ tụ tập vào một giờ giấc thích hợp nào đó vào ban chiều, và các vị Y ấy sẽ vận trang phục như ca đoàn, để cầu khẩn sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và cùng hát kinh Venci Creator, rồi long trọng kiệu sang Nhà Nguyện Sistine trong Dinh Thự Tông Đồ, là nơi mà cuộc bầu chọn sẽ được diễn ra.
 
Tại Nhà Nguyện Sistine, mọi việc sẽ được kiểm tra rất kỹ càng trước đó, với những nhân viên có kỷ thuật rất cao, để bảo đảm rằng không có một thiết bị thu hình nào được bí mật cài đặt trong khu vực này để thâu hình hay truyền các thông tin ra bên ngoài..
 
Khi các vị Hồng Y cử tri đã cùng tề tựu đông đủ, thì vị Hồng Y Niên Trưởng sẽ đọc to luật lệ bỏ phiếu, và sẽ tiến hành tiến trình bỏ phiếu theo thứ tự, tuổi tác, và thâm niên, rồi từng vị Hồng Y sờ vào các quyển sách Thánh Kinh, sẽ đọc to công thức lên.
 
Khi vị Hồng Y cuối cùng đã đọc lên lời thề, thì vị Trưởng Các Nghi Thức Cử Hành Phụng Vụ Cho Đức Thánh Cha (Master of Papal Liturgical Celebrations) sẽ đọc ra huấn lệnh Extra omnes, và những vị nào không tham gia vào Cơ Mật Viện thì buộc phải rời Nhà Nguyện Sistine.
 
Những người duy nhất còn ở lại trong Nhà Nguyện là vị Trưởng Các Nghi Thức Cử Hành Phụng Vụ Cho Đức Thánh Cha và vị được chọn để giảng cho các vị Hồng Y cử tri về lời suy gẫm thứ hai, có liên quan đến nghĩa vụ quan trọng đặt trên các vị Hồng Y cử tri đó, và buộc các vị phải hành động vì những điều thiện hảo và tốt đẹp chung của cả Giáo Hội hoàn vũ solum Deum praeoculis habentes.
 
Sau đó, vị Trưởng Các Nghi Thức Cử Hành Phụng Vụ Cho Đức Thánh Cha và vị được chọn để giảng cho các vị Hồng Y cử tri về lời suy gẫm thứ hai, sẽ rời khỏi Nhà Nguyện Sistine. Sau khi các vị Hồng Y cử tri đọc lời nguyện Ordo, thì các vị sẽ lắng nghe vị Hồng Y Niên Trưởng (hay người thay thế) hỏi các vị Hồng Y cử tri là có nên bắt đầu tiến trình chọn lựa hay không, hoặc là liệu có còn những khúc mắt nào đó không vốn cần được giải thích rõ có liên quan đến các qui phạm (norms) và các thủ tục đã được trình bày trong Tông Hiến.
 

Phần 2 - Chương 4: Giữ tối mật tất cả mọi vấn đề có liên quan đến việc bầu chọn.

Vị Hồng Y Thị Thần và 3 vị Hồng Y đại diện cho 3 cấp bậc có nhiệm vụ là bảo đảm tối mật tất cả mọi sự kiện diễn ra tại Nhà Nguyện Sistine, những khu vực lân cận, trước, trong suốt tiến trình bầu chọn, và cả sau khi tiến trình bầu chọn kết thúc. Nói cụ thể, sẽ phụ thuộc vào chuyên mô kỷ thuật cao của hai chuyên gia kỷ thuật đáng tin cẩn của Tòa Thánh.
 
Nếu có vị nào đó vi phạm, thì đó sẽ là trọng tội, và vị ấy sẽ được phán xét bởi vị Giáo Hoàng tương lai..
 
Trong suốt tiến trình chọn lựa, các vị Hồng Y bắt buộc phải chấm dứt viết thư từ liên lạc, nhận và gởi các thông tin ra bên ngoài, nói chuyện điện thoại, lắng nghe radio với những khác lãng vãng tại các tòa nhà. Do đó, tất cả các vị Hồng Y cử tri, bắt buộc phải dàn xếp mọi chuyện cho ổn thỏa trước khi tham dự vào tiến trình bầu chọn.
 
Các vị Hồng Y cử tri không được phép tiết lộ bất kỳ điều gì gián tiếp hay trực tiếp cho bất kỳ ai có liên quan đến các thủ tục bầu chọn, tiến trình bầu chọn, vân vân. Tất cả phải được giữ kín tuyệt đối.
 

Phần 2 - Chương 5: Thủ tục bầu chọn

Vị Tân Giáo Hoàng được chọn phải đạt được 2/3 trên tổng số phiếu.
 
Nếu tiến trình bầu chọn bắt đầu vào buổi chiều của ngày đầu tiên, thì chỉ cần một lá phiếu (ballot); vào những ngày kế tiếp, nếu không có vị nào được bầu chọn trong lá phiếu đầu, thì hai lá phiếu khác sẽ được đưa ra vào buổi sáng và 2 vào buổi chiều.
 
Tiến trình bỏ phiếu được thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm có: (1) việc chuẩn bị và phân phát các phiếu bầu do vị Chủ Nghi Thức, mỗi một vị Hồng Y cử tri sẽ nhận được ít nhất 2 hay 3 phiếu bầu; (2) sau đó rút phiếu, được thực hiện bởi 3 vị kiểm phiếu (scrutineers) và 3 vị có nhiệm vụ thu thập các phiếu bầu của những vị bị bệnh hay ốm đau và của 3 vị duyệt lại (revisers). Thì 9 vị Hồng Y này đều thuộc cấp bậc Hồng Y Trợ Tá hay Hồng Y Phó Tế.
 
Phiếu bầu có hình chử nhật, trên góc trái có chữ Eligo in Summum Pontificem, và phía dưới có khoảng trống để ghi tên người được chọn, do đó, phiếu bầu được thiết kể có thể gấp lại, sau khi tên của người được chọn được viết vào phiếu, thì phiếu sẽ được gấp lại làm đôi. Sau khi phân phát phiếu xong, vị Thư Ký của Hồng Y Đoàn, vị Chủ Các Nghi Thức Cử Hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha, và vị Trưởng Buổi Bầu Chọn phải rời khỏi Nhà Nguyện Sistine để cho các vị Hồng Y cử tri bầu chọn trong sự bí mật và im lặng tuyệt đối. Sau khi họ đã rời khỏi, thì vị niên trưởng Hồng Y của cấp bậc Trợ Tá/Phó Tế sẽ đóng cửa, rồi mở cửa, rồi lại đóng cửa cứ mỗi lần như vậy để cho 3 vị Hồng Y Trợ Tá/Phó Tế đi thâu phiếu của các vị Hồng Y bị bệnh hay ốm đau, và trở về lại Nhà Nguyện Sistine.
 
Giai đoạn 2 gồm: (1) việc đặt các phiếu đã thu thập vào thùng phiếu; (2) trộn và đếm các phiếu; (3) mở các phiếu. Sau khi gấp lại làm đôi, vị Hồng Y cử tri cầm cao lá phiếu để phiếu được trông thấy và tiến lên bàn thờ, là nơi mà 3 vị kiểm phiếu đang đứng, để vị Hồng Y cử tri đó bỏ phiếu vào thùng, được che bằng một cái đĩa, để chứng nhận là đã nhận được phiếu từ vị Hồng Y cử tri.
 
Khi tiến lên bàn thờ, vị Hồng Y cử tri sẽ đọc lớn những chữ sau của lời thề:
 
“Tôi được mời gọi với tư cách là chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, Người sẽ phán xét tôi, rằng phiếu bầu của tôi, được bầu cho người mà trước mặt Thiên Chúa, tôi nghĩ là được xứng đáng để được bầu lên.”
 
Sau đó, vị Hồng Y cử tri cuối đầu trước bàn thờ và quay trở lại chổ củ. Nếu vị Hồng Y cử tri có mặt, không thể tiến lên bàn thờ, vì lý do bệnh hoạn hay yếu đau, thì vị kiểm phiếu sẽ tới tận chổ của vị Hồng Y đó.
 
Sau khi phiếu đã được bỏ vào thùng, thì vị kiểm phiếu đầu tiên sẽ lắc mạnh thùng nhiều lần để hòa trộn các phiếu lại, và liền sau đó, vị kiểm phiếu cuối cùng sẽ tiến hành việc đếm phiếu. Nếu số các phiếu không tương xứng với số các cử tri bỏ phiếu, thì tất cả các lá phiếu đó sẽ bị đốt đi, và bắt đầu lại tiến trình bỏ phiếu.
 
Các vị kiểm phiếu sẽ ngồi trên một cái bàn đặt trước bàn thờ. Vị đầu tiên sẽ cầm lá phiếu, mở ra, ghi tên của người được bầu chọn, và chuyển lá phiếu sang cho vị thứ hai, vốn cũng làm tương tự như vị đầu, rồi sau đó chuyển cho vị thứ ba, và vị này sẽ đọc to và rõ ràng để tất cả các vì Hồng Y cử tri hiện diện lắng nghe và ghi vào trên một tờ giấy được phân phát ra cho mục đích này. Nếu trong suốt tiến trình mở phiếu, vị kiểm phiếu khám phá ra 2 phiếu được xếp lại trông giống như nó đến từ một vị Hồng Y cử tri, và những phiếu này có cùng tên người được chọn, thì cả hai phiếu được xem như là một, và nếu cả hai phiếu mang 2 tên người được chọn khác nhau, thì không có phiếu nào là hợp lệ cả.
 
Sau khi phiếu đã được mở hết, thì các vị kiểm phiếu sẽ cộng các tên được chọn qua tất cả những phiếu nhận được, viết vào giấy, và vị kiểm phiếu cuối cùng sẽ đọc to tên của những vị được chọn. Nếu không có vị nào đạt được 2/3 tổng số phiếu, thì vị Giáo Hoàng không được bầu chọn này; còn nếu vị nào đó đã nhận được 2/3 số phiếu bầu, thì theo giáo luật vị đó sẽ là vị Giáo Hoàng La Mã. Trong bất kỳ trường hợp này, cho dẫu việc bầu chọn có xảy ra hay không, thì những vị kiểm duyệt cũng sẽ phải tiến hành việc kiểm tra phiếu và những lời ghi của các vị kiểm phiếu.
 
Ngay sau khi việc kiểm phiếu thực hiện xong, và trước khi các vị Hồng Y cử tri rời Nhà Nguyện Sistine, thì toàn bộ các phiếu bầu chọn phải được những vị kiểm phiếu đốt, với sự trợ giúp của vị Thư Ký Cơ Mật Viện và các vị Chủ Buổi Lễ.
 
Để duy trì tính bí mật, các vị Hồng Y cử tri phải trao lại cho vị Hồng Y Thị Thần hay bất kỳ một trong ba vị Hồng Y đại diện 3-cấp bậc, tất cả những giấy ghi chú lại. Và những giấy này sẽ được đốt cùng các lá phiếu.
 

Phần 2 - Chương 6: Những vấn đề cần phải giữ kín và phải nên tránh trong việc bầu chọn ra Vị Giáo Hoàng Rôma.

 
Tiến trình chọn lựa phải do Chúa Thánh Thần soi sáng, không thiên vị bất kỳ ai, hay các vị Hồng Y cử tri không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ các thế quyền dân sự hay thế lực đời trong việc nên bầu hay phủ quyết bất kỳ ai.
 
Những vị Hồng Y cử tri không được phép hứa hẹn bằng lời nói, văn bản, vân vân với vị mình sẽ bầu chọn ra. Mọi việc bầu chọn phải tuyệt đối bí mật, trung thực, thật thà, và dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, chứ không phải vì mối quan hệ chân tình, bè bạn hay do ác cảm.
 
Vị Hồng Y nào, nếu đã được bầu chọn, thì không nên từ chối vì gánh nặng, mà nên khiêm tốn vâng phục theo thánh ý của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sẽ đỡ nâng và cất bớt gánh nặng cho vị ấy, Ngài sẽ thêm sức cho vị ấy trong nhiệm vụ mới là vị Kế Thừa Thánh Phêrô của Nước Thiên Chúa nơi trần gian này.
 

Phần 2 - Chương 7: Việc chấp nhận và công bố Giáo Hoàng mới và việc khởi sự triều đại Giáo Hoàng.

 
Sau khi đã bầu chọn xong, vị Hồng Y Niên Trưởng, sẽ nhân danh toàn thể các vị Hồng Y, rồi sau đó hỏi vị được bầu chọn những chữ sau:
 
Thưa, Ngài có chấp nhận việc Ngài được chọn là vị Giáo Hoàng Tối Cao của La Mã theo giáo luật không?
 
Ngay sau khi vị đó trả lời ưng thuận, thì vị Hồng Y Niên Trưởng mới hỏi tiếp:
 
Thế Ngài muốn mọi người gọi Ngài bằng tên gì?
 
Sau lời chấp nhận ưng thuận, thì vị được chọn sẽ tức khắc trở thành Đức Giám Mục của Toàn Giáo Hội La Mã, là Đức Giáo Hoàng thật sự, và là vị đứng đầu của Hội Các Giám Mục. Ngài liền sau đó có toàn quyền tối cao trên khắp cả Giáo Hội hoàn vũ.
 
Nếu vị được bầu chọn chưa phải là Đức Giám Mục [tức mới là linh mục, liền được phong lên thẳng Hồng Y, như trường hợp của Đức Hồng Y Averes Dullues, Dòng Tên của Hoa Kỳ], thì vị đó sẽ tức khắc được phong chức Giám Mục.
 
Cơ Mật Viện liền sau đó kết thúc, sau khi vị Giáo Hoàng Tối Cao tán thành việc lựa chọn Ngài.
 
Sau khi Thánh Lể nhậm chức Giáo Hoàng được long trọng cử hành xong, thì trong khoảng thời gian thích hợp, thì vị Giáo Hoàng sẽ chính thức quản lý Đại Vương Cung Thánh Đường Latarenô.
 

Phần Công Bố

 
Tông Hiến Universi Dominici Gregis được làm tại Rôma, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 22 tháng 2, Nhân Ngày Lễ Kính Thánh Phêrô Cả Tông Đồ của năm 1996, năm thứ 18 trong triều đại Giáo Hoàng của Tôi.
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Người Đầy Tớ của Những Người Tôi Tớ Chúa Để Được Ghi Nhớ Muôn Đời.
 
****

Tông Hiến Universi Dominici Gregis Về Việc Bầu Cử Giáo Hoàng

Giuse Đặng Văn Kiếm 02/04/2005
 
Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II đều được bầu vào năm 1978 chiếu theo Sắc Luật về Việc Bầu Cử Giáo Hoàng La Mã “Romano Pontifici Eligendo”, do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1975. Đức Gioan Phaolô II đã tu chính và bổ túc bằng Tông Huấn “Universi Dominici Gregis” (Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa), ký ban hành ngày 22 tháng 2 năm 1996.
 
Những bổ túc và thay đổi chính trong Tông Huấn Universi Dominici Gregis, được Tổng Thư Ký Bộ Giám Mục giải thích tại buổi họp báo ngày 23 tháng 2 năm 1996 với đề tài “Về Việc Trống Ngôi Tòa Thánh và Bầu Cử Giáo Hoàng La Mã”, gồm có:
 
Nơi cư trú của các Hồng Y tham dự cuộc bầu cử sẽ được đầy đủ tiên nghi hơn;
Chỉ bầu bằng phiếu kín “by scrutiny” (xem xét kỹ càng);
Các Hồng Y trên 80 tuổi quá tuổi đi bầu, nhưng được tham gia việc sửa soạn bầu cử;
Các điều luật về việc giữ bí mật trong cuộc bầu cử càng thêm chặt chẽ hơn.
Giáo Hoàng và Các Hồng Y
 
Giáo Hoàng do Hồng Y Đoàn (College of Cardinals) bầu lên. Giáo Luật không có điều khoản nào đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng phải rời khỏi ngôi vị trong trường hợp bệnh tật hay suy nhược, mặc dù Đức Giáo Hoàng được quyền từ nhiệm. Có 9 Giáo Hoàng đã từ chức trong suốt gần hai ngàn năm lịch sử Hội Thánh, vị từ chức gần đây nhất vào năm 1415 là Đức Gregory XII.
 
Năm 1179, Hồng Y Đoàn là cơ cấu cao cấp nhất trong Giáo Hội được thành lập để bầu Giám Mục La Mã, tức Giáo Hoàng của Hội Thánh Công Giáo. Lúc đầu số Hồng Y được giới hạn là 24 vị tại nước Ý Đại Lợi. Theo thời gian lan dần sang các nước Âu Châu khác, nên Đức Giáo Hoàng Phaolô IV (1555-1559) nâng số Hồng Y lên 70 vị, và Đức Sixtô V (1586) tiếp tục giữ số 70, tượng trưng cho 70 trưởng lão dân Do Thái xưa...
 
Đến năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tăng số Hồng Y lên 75 vị, và năm 1973 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nâng tổng số lên 120. Đức Gioan Phaolô II, qua Tông Huấn Universi Dominici Gregis, giới hạn tổng số Hồng Y có thể lên tới 180 vị, nhưng số Hồng Y cử tri bầu Giáo Hoàng 80 tuổi trở xuống sẽ không quá 120 vị.
 
Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II là hai vị Giáo Hoàng được xem như đã làm công việc quốc tế hóa Tòa Thánh Vatican khi bổ nhiệm các Hồng Y từ nhiều nước khắp nơi trên thế giới, đồng thời bổ nhiệm nhiều vị từ năm Châu đặc trách các công việc tại Giáo triều Rôma. Hiện tại 66 nước trên thế giới có sự hiện diện của các vị Hồng Y.
 
Tổng số các Đức Hồng Y hiện nay là 183 và 1 vị tên tuổi vẫn còn được giữ kín (in specta), nhưng chỉ có 117 vị dưới 80 tuổi là tuổi được tham dự “Mật Nghị” bầu cử Giáo Hoàng bao gồm 58 Âu Châu, 21 Châu Mỹ Latinh, 14 Bắc Mỹ, 11 Phi Châu, 11 Á Châu, và 2 Đại Dương Châu. Việt Nam chúng ta hiện nay có hai Hồng Y, đó là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 86 tuổi (20-5-1919) và Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn 71 tuổi (5-3-1934).
 
Thời Gian Trống Ngôi Giáo Hoàng (Papal Interregnum)
 
Khi Đức Giáo Hoàng qua đời, Đức Hồng Y Thị Thần (Cardinal Camerlengo - hiện nay là Đức Hồng Y Eduardo Martinez Somalo, người Tây Ban Nha) có bổn phận chứng nhận cái chết của Đức Giáo Hoàng, lập giấy khai tử, làm một “biến cố công cộng” bằng cách đập vỡ Chiếc Nhẫn Ngư Phủ (Fisherman’s Ring) và Dấu Ấn Giáo Hoàng (Papal Seal), và thông báo việc Đức Giáo Hoàng tạ thế cho Hồng Y Tổng Quản Nhiệm Giáo Phận Rôma (hiện nay là Đức Hồng Y Camillo Ruini, người Ý) cũng như Hồng Y Tổng Linh Mục Vatican Basilica (hiện là Đức Hồng Y Francesco Marchisano, người Ý).
 
Ngay sau khi được Hồng Y Thị Thần hoặc Quản Gia phủ Giáo Hoàng (Pontifical Household -hiện do Đức Tổng Giám Mục James Harvey) thông tin cho biết, Trưởng Hồng Y Đoàn (Dean of the College of Cardinals - hiện nay là Đức Hồng Y Josef Ratzinger, người Đức, Tổng Trưởng Bộ Đức Tin; người dự khuyết là Đức Hồng Y Angelo Sodano, người Ý, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh) thông báo ngay cho các Hồng Y trên thế giới qui tụ về Rôma, đồng thời loan tin cho các Chính phủ và Ngoại Giao đoàn tại Rôma. Phòng Thông Tin Báo Chí và Đài Phát Thanh Vatican sẽ chính thức loan tin Đức Giáo Hoàng qua đời. Hồng Y Thị Thần niêm phong các thư phòng của Đức Giáo Hoàng, và sắp xếp một chương trình mai táng liên tục 9 ngày.
 
(Theo dự kiến hiện nay thì Đức Tổng Giám mục Paolo Sardi người Ý, Phó Hồng Y Thị Thần, sẽ là người phụ giúp Đức Hồng Y Thị Thần điều hợp mọi việc trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng).
 
Trong suốt thời gian trống ngôi Giáo hoàng, Đức Hồng Y Thị Thần đại diện Hồng Y Đoàn chịu trách nhiệm chung, bao gồm việc mai táng Đức Giáo Hoàng và điều hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Ngài được 3 Hồng Y đang có mặt sẵn tại Rôma làm phụ tá; các vị này cứ 3 ngày sẽ được thay đổi. Tất cả các vị đứng đầu các cơ quan Giáo triều Rôma đều tạm ngưng thi hành mọi quyền hạn, ngoại trừ Hồng Y Thị Thần, Hồng Y Tổng Quản Nhiệm Giáo Phận Rôma, Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao (Major Penitentiary - hiện nay do Đức Hồng Y James Stafford, người Hoa Kỳ), Hồng Y Tổng Quản Nhiệm Đền Thánh Phêrô và Tổng Quản Trị nội thành Vatican (cả hai nhiệm vụ hiện nay do Đức Tổng Giám Mục Angelo Comastri, người Ý).
 
Tiến trình cuộc bầu cử Giáo Hoàng được gọi là một “Mật Nghị” (Conclave), từ tiếng Latinh có nghĩa là “Khóa Bằng Một Chìa Khóa”, nhấn mạnh đến việc giữ kín về tất cả mọi sự việc diễn ra kể từ lúc các Hồng Y được thông báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng cho tới khi bầu cử được vị Giáo Hoàng mới.
 
Khi các Hồng Y trên khắp thế giới đã tề tựu về Rôma, và ngay trong thời gian mai táng còn đang tiếp diễn, Hồng Y Đoàn bắt đầu các buổi họp khoáng đại do Hồng Y Thị Thần điều hợp, dưới sự chủ tọa của Trưởng Hồng Y Đoàn. Các Hồng Y nhận Bản Điều Lệ Bầu Cử. Hồng Y Thị Thần đọc qua các phần chính trong Bản Điều Lệ. Tiếp đó lần lượt từng vị tuyên thệ tuân theo đúng luật lệ bầu cử và “tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng La Mã”.
 
Vai Trò của Các Hồng Y Trên 80 Tuổi
 
Trước khi cuộc bầu cử chính thức bắt đầu, trong những buổi họp khoáng đại, các Đức Hồng Y lão thành cần tham gia thảo luận về các luật lệ bầu cử và về các vấn đề liên hệ tới việc quản trị Giáo Hội.
 
Đức Gioan Phaolô II khuyến khích các Hồng Y trên 80 tuổi tích cực tham dự các buổi họp khoáng đại, cầu nguyện cho sự thành công của việc bầu cử sắp được bắt đầu, và nhất là cố vấn cho các Hồng Y trẻ về trách nhiệm và các quyền lợi bầu phiếu của mình. Đây cũng là dịp để các ngài bán chính thức bàn thảo về những nhân danh có thể được bầu làm Giáo Hoàng, cũng như giúp các ngài “xem xét kỹ càng” để thẩm định một cách chính xác về lá phiếu của mình.
 
Nơi Cư Trú của Các Hồng Y
 
Trước đây, các Hồng Y được bầu phiếu cùng nhau ở tại Điện Giáo Hoàng (Papal Palace) nối liền với Nguyện Đường Sistine, nơi diễn ra cuộc bầu cử. Mỗi lần có cuộc bầu cử, Điện Giáo Hoàng đã được xếp đặt lại biến thành nơi ăn ở ngủ nghỉ cho các Hồng Y trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử, hoàn toàn thiếu tiện nghi.
 
Đức Gioan Phaolô II quyết định từ nay các Hồng Y sẽ cư ngụ tại tòa nhà Domus Sanctae Marthae đầy đủ tiện nghi hơn, cách Nguyện Đường Sistine chừng 350 thước (yards). Tòa nhà hai tầng này có 107 phòng (gồm phòng làm việc, phòng ngủ, phòng tắm) và 20 phòng đơn với phòng tắm. Có hai cách đi từ Domus Sanctae Marthae tới Nguyện Đường Sistine: Đi bộ ngang qua Đền Thánh Phêrô (St. Peter’s Basiclica), rồi dùng thang máy lên Nguyện Đường Sistine; hoặc ngồi xe buýt thẳng tới nguyện đường.
 
Ai Có Thể Được Bầu Làm Giáo Hoàng?
 
Theo Giáo Luật, các Đức Hồng Y có thể bầu cho bất cứ một người nam Công giáo nào cũng được, không phân biệt tuổi tác hay chủng tộc, với điều kiện là người được bầu cũng phải là hoặc sẽ trở thành Linh mục và Giám mục nếu ông chưa được phong chức từ trước. Trên lý thuyết, ngay cả Bí tích Rửa Tội cũng không đòi buộc phải có trước, chỉ cần người được bầu có ý muốn được Rửa Tội sau đó, rồi được truyền chức Linh mục và phong chức Giám mục Rôma. Tuy nhiên trong thực tế, các Hồng Y chỉ quan tâm đặc biệt và chỉ bầu cho một trong các vị hiện diện thuộc hàng ngũ Hồng Y Đoàn. Hiện tại không có Hồng Y nào dưới 80 tuổi mà chưa là Linh mục và Giám mục.
 
Vòng Bầu Phiếu Thứ Nhất
 
Các Hồng Y được quyền bầu phiếu phải bắt đầu cuộc bầu cử sớm nhất là 15 ngày và trễ nhất là 20 ngày, kể từ khi Đức Giáo Hoàng tạ thế. Cuộc bầu cử chính thức bắt đầu bằng một Thánh Lễ buổi sáng tại Đền Thánh Phêrô. Sau đó các Hồng Y đến Nguyện Đường Sistine, và nơi đây một lần nữa các ngài long trọng tuyên thệ tuân theo đúng luật lệ bầu cử, tôn trọng kết qủa bầu cử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi Giáo Hội, và đặc biệt tuyệt đối “tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng La Mã”. Tiếp theo vào buổi chiều, các Hồng Y ngồi vào ghế được kê chung quanh các bức tường của nguyện đường, và vòng bầu phiếu lần thứ nhất bắt đầu.
 
Các Đức Hồng Y được trao phiếu bầu cử, trong đó có ghi hàng chữ tiếng Latinh “Eligo in summum Pontificem”, có nghĩa là “Tôi xin bầu lên chức vị Giáo Hoàng”. Các Hồng Y viết vào phiếu bầu tên người mà mình muốn bầu cho, gấp lại làm tư, giơ cao phiếu bầu và lần lượt từng vị tiến lên đặt phiếu bầu của mình vào một Chén Thánh lớn trên bàn thờ.
 
Đức Hồng Y Thị Thần điều hợp việc kiểm phiếu với ba vị phụ giúp. Từng phiếu bầu được lần lượt mở ra và đọc lớn tên người được ghi trên phiếu bầu để các Hồng Y cùng theo dõi kết qủa. Một tổng kết được ghi nhận. Nếu tên vị nào được 2/3 (hai phần ba) tổng số phiếu bầu, vị đó được đắc cử Giáo Hoàng. Tất cả các phiếu bầu cử và giấy tờ ghi chép của các Hồng Y đều được đốt bỏ ngay tại chỗ.
 
Luật Giữ Bí Mật Nghiêm Ngặt Hơn
 
Những lần bầu cử trước đây, các Đức Hồng Y cử tri ăn ở ngủ nghỉ ngay tại Điên Giáo Hoàng nối liền với Nguyện Đường Sistine, nên không phải đi ra ngoài sân trống. Lần bầu cử Giáo Hoàng sắp tới là lần đầu tiên mỗi ngày các Hồng Y phải đi lại vài chuyến băng ngang qua khoảng trống 350 thước (yards), từ tòa nhà cư trú đến nơi bầu cử. Do đó để được bảo mật tuyệt đối, luật lệ càng nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó với các kỹ thuật truyền tin tân kỳ hiện nay, như điện thoại cầm tay và các máy móc thu thanh thu hình tối tân khác.
 
Các Đức Hồng Y sẽ không có bất cứ một tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp nào với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Mọi phương tiện truyền thông hoàn toàn giới hạn. Sẽ không có máy truyền thanh hay truyền hình, không điện thoại hoặc điện thư, không máy thu thanh hay thu hình, không máy copier hoặc photo, và không báo chí hay tạp chí. Các Hồng Y hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ với bên ngoài, và chỉ tập trung vào việc bầu cử Giáo Hoàng mà thôi. Chung quanh Nguyện Đường Sistine và nơi cư trú của các Đức Hồng Y sẽ được canh phòng rất cẩn thận và được kiểm soát thường xuyên, để việc bảo mật đạt mức tối đa. Mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cấm ngặt; vi phạm sẽ đương nhiên bị vạ tuyệt thông.
 
Chỉ Bầu Cử Bằng Phiếu Kín “By Scrutiny”
 
Luật mới do Tông Huấn Universi Dominici Gregis chỉ cho phép dùng một cách bầu cử duy nhất, đó là bầu bằng phiếu kín “xem xét kỹ càng”. Đức Gioan Phaolô II hủy bỏ hai cách bầu khác, đó là cách bầu bằng việc giơ tay biểu quyết (by acclamation) và cách thỏa thuận ủy nhiệm (by commission); cả hai cách này, trên thực tế đều đã không được sử dụng kể từ những năm cuối thế kỷ XIV, mặc dù vẫn còn ghi trong luật bầu cử.
 
Cuộc bầu cử Giáo Hoàng Urbanô VI năm 1378 bằng cách giơ tay biểu quyết đã gây ra một sự tranh chấp, tạo nên Giáo Hoàng giả (Anti-Pope) Clêmêntê VII, đưa đến cuộc ly khai lớn trong Giáo Hội (Great Schism 1378-1417); và trong một thời điểm ngắn có một vị thứ ba cũng đứng lên đòi nắm quyền kế vị Thánh Phêrô.
 
Trong thời gian bầu cử, một số người cần thiết khác được phép phụ giúp các Hồng Y. Tất cả đều cư ngụ chung tại toà nhà Domus Sanctae Marthae, và đều phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật về mọi việc xảy ra trong tiến trình cuộc bầu cử. Các vị gồm có:
 
Thư ký Hồng Y Đoàn cũng là Thư ký cuộc bầu cử;
Giám đốc Nghi Lễ (Master of Ceremonies) của Đức Giáo Hoàng và hai phụ tá;
Vài Linh mục từ Nhà Nguyện Giáo Hoàng (Papal Caristy) giúp cử hành các lễ nghi phụng vụ;
Một Linh mục phụ tá Trưởng Hồng Y Đoàn;
Vài Linh mục nói nhiều thứ tiếng lo việc Giải tội;
Hai Bác sĩ Y Khoa sẵn sàng cho việc chăm sóc sức khỏe;
Một số nhân viên lo việc nội trợ và ăn uống.
Từ Vòng Bầu Phiếu Thứ Hai
 
Ngày đầu tiên của cuộc bầu cử, các Đức Hồng Y chỉ bầu một lần vào buổi chiều. Như đã trình bày, nếu có vị nào đủ 2/3 (hai phần ba) tổng số phiếu bầu đương nhiên đắc cử Giáo Hoàng.
 
Nếu không có vị nào đắc cử trong vòng bầu phiếu thứ nhất, cuộc bầu cử được tiếp tục ngày hôm sau. Mỗi ngày, bầu hai lần buổi sáng và hai lần buổi chiều; cứ sau mỗi hai vòng bầu cử, tất cả các phiếu bầu và giấy tờ ghi chép đều phải đốt bỏ. Các phiếu bầu được tẩm chất hóa học khi đốt khói ra màu đen, dấu hiệu cho thế giới bên ngoài biết là chưa bầu được Giáo Hoàng.
 
Sau vòng bầu phiếu thứ 9 (tức sau 3 ngày bầu cử), các Hồng Y có thể quyết định nghỉ một ngày để xem xét và bàn thảo lại trước khi tiếp tục cuộc bầu cử. Sau đó cứ mỗi 7 vòng bầu cử, lại có thể nghỉ một ngày như trên.
 
Sau vòng bầu phiếu thứ 30 (tức sau 12-13 ngày bầu cử), nếu vẫn chưa có vị nào đủ 2/3 (hai phần ba) số phiều đòi hỏi, các Hồng Y có thể biểu quyết -với đa số tương đối- chấp thuận để tiếp tục tự do bầu như trước, hoặc chỉ giữ lại hai vị nhiều phiếu nhất ở vòng 30 làm ứng viên cho vòng bầu thứ 31. Kể từ vòng thứ 31, chỉ cần đa số tuyệt đối hay đa số qúa bán (tức 50%+1) là được đắc cử Giáo Hoàng.
 
Cuộc bầu cử cứ tiếp tục cho tới khi bầu được Giáo Hoàng mới. Không có giới hạn thời gian bầu cử là bao lâu, và cũng không giới hạn số vòng bầu cử là bao nhiêu. Tuy nhiên trên thực tế, cuộc bầu cử chỉ cần vài ngày là các Hồng Y bầu được Giáo Hoàng mới. Kể từ năm 1831 đến nay, chưa có cuộc bầu cử Giáo Hoàng nào kéo dài hơn 4 ngày.
 
Đức Giáo Hoàng Mới
 
Khi một vị có được số phiếu bầu đòi hỏi, ngài sẽ được vị Trưởng Hồng Y Đoàn hỏi rằng ngài có chấp nhận việc các Hồng Y bầu ngài làm Giáo Hoàng hay không, và nếu chấp nhận ngài lấy danh hiệu Giáo Hoàng là gì. (Việc đặt danh hiệu Giáo Hoàng là truyền thống bắt đầu có từ thế kỷ thứ X)
 
Nếu người được đắc cử đồng ý chấp nhận, lập tức ngài trở thành Giám Mục Giáo Phận Rôma và là Giáo Hoàng đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Cuộc bầu cử chấm dứt tại đây.
 
Theo truyền thống, dấu hiệu đầu tiên cho thế giới bên ngoài biết đã bầu được Giáo Hoàng mới, đó là cho khói trắng bốc lên từ ống khói Nguyện Đường Sistine do việc đốt các phiếu bầu và các giấy tờ ghi chép vòng bầu cuối cùng có tẩm chất hóa học tạo thành khói trắng. Tiếp theo, các Hồng Y lần lượt tiến lên chúc mừng và hứa vâng phục Đức Giáo Hoàng mới.
 
Từ sân thượng tiền đình Vatican Basilica, Hồng Y Phó Tế Trưởng (Senior Cardinal Deacon - hiện nay là Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estévez) công bố với thế giới bằng tiếng Latinh “Habemus Papam”, nghĩa là “Chúng ta có Giáo Hoàng”, và tuyên bố danh hiệu của vi tân Giáo Hoàng. Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện trên sân thượng ban huấn từ và Phép Lành Cho Thành La Mã và Thế Giới “Urbi et Orbi”.
 
Đức Tân Giáo Hoàng lãnh nhận trách nhiệm và có toàn quyền kiểm soát Tòa Thánh Vatican, là chính quyền trung ương của Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu về phương diện tôn giáo, và cũng là Quốc Gia Vatican trên phương diện chính trị ngoại giao đối với các nước trên thế giới.
 
Đức Giáo Hoàng mới không cần làm thêm một nghi lễ nào khác. Tuy nhiên, trong thực hành -như các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II đã làm năm 1978- một Nghi Lễ Đăng Quang Long Trọng sẽ được tổ chức trao khăn quàng “pallium”, một giây đeo bằng len choàng qua cổ và vai, tượng trưng cho địa vị và vai trò của Giáo Hoàng.
 
Sau cùng, Đức Tân Giáo Hoàng tới dâng Thánh Lễ nhận nhiệm sở tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran, là Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo Phận Rôma.
 
(Tổng hợp bài viết này ngày 1 tháng 4 năm 2005 để hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ cùng dâng lên Thiên Chúa là Cha Nhân Lành và giàu Lòng Xót Thương, tất cả tâm tình yêu thương xin cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị).
 

ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ THỨ 16 BAN HÀNH TỰ SẮC THAY ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN TRONG TÔNG HIẾN UNIVERSI DOMINICI GREGIS

 
Sáng thứ Hai 25 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã ban hành một Tự Sắc (Motu Proprio) thay đổi một số điều khoản trong Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh) đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 Tháng Hai năm 1996.
 
Những thay đổi có thể tóm tắt như sau:
 
1. Sửa đổi đoạn 37 - Tông Hiến Universi Dominici Gregis
 
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cho phép Hồng Y Đoàn bắt đầu Cơ Mật Viện trước thời hạn mười lăm ngày sau khi bắt đầu thời gian trống ngôi Giáo Hoàng (Sede Vacante) miễn là tất cả các vị Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng đã có mặt tại Vatican. Sửa đổi này cũng truyền rằng Cơ Mật Viện phải bắt đầu không quá 20 ngày sau khi bắt đầu thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, cho dù các Hồng Y cử tri chưa hiện diện đầy đủ.
 
2. Sửa đổi đoạn 48 - Tông Hiến Universi Dominici Gregis
 
Lời thề bí mật cũng được áp dụng cho các cá nhân được nêu tại câu 2 đoạn 55, bao gồm cả “hai kỹ thuật viên đáng tin cậy”, là những người có nhiệm vụ hỗ trợ các viên chức có thẩm quyền của Hồng Y Đoàn trong việc đảm bảo rằng không có thiết bị ghi hay phát những âm thanh hình ảnh nào được cài đặt bởi bất cứ ai trong các khu vực được đề cập, đặc biệt là trong nhà nguyện Sistina, nơi các cuộc bầu cử được thực hiện.
 
3. Sửa đổi câu 3 đoạn 55 - Tông Hiến Universi Dominici Gregis
 
Hình phạt dành cho việc vi phạm lời thề bí mật là vạ tuyệt thông tiền kết.
 
Tưởng cũng nên biết thêm, câu 3 đoạn 55 của Tông Hiến Universi Dominici Gregis quy định rằng “những hình phạt nặng nề theo sự lượng định của vị Giáo Hoàng tương lai sẽ được áp dụng” (cho những ai vi phạm lời thề bí mật). Nay thì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quy định rõ rệt rằng những ai vi phạm lời thề bí mật thì tức khắc bị vạ tuyệt thông.
 
Nguồn tin: Vietcatholic
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn