1
13:58 +07 Thứ sáu, 19/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 42

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 41


Hôm nayHôm nay : 6995

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 197707

Tổng cộngTổng cộng : 27751991

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TÀI LIỆU & VĂN KIỆN

Tính cộng đoàn trong Tuần Chầu Lượt ở các Giáo phận Miền Bắc

Thứ hai - 09/03/2015 10:24-Đã xem: 1926
Nếu Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh là lớn nhất, trọng nhất đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo cách chung, thì cách riêng ở Việt Nam, đối với các giáo xứ ở các giáo phận miền bắc, dịp lễ đặc biệt nhất, được quan tâm và có tính quy tụ nhất trong năm lại là Tuần Chầu Lượt. Đây là dịp quy tụ đông đủ nhất các thành viên trong giáo xứ.
Tính cộng đoàn trong Tuần Chầu Lượt ở các Giáo phận Miền Bắc

Tính cộng đoàn trong Tuần Chầu Lượt ở các Giáo phận Miền Bắc

Dẫn nhập

Một trong những đặc tính nổi bật của Phụng vụ Kitô giáo mà ta dễ thấy nhất chính là tính cộng đoàn. Ngay trong cấu trúc danh từ “Phụng vụ” cũng đã hàm chứa tính chất liên hệ của Phụng vụ tới cộng đoàn. [1] Tất cả các hình thức cầu nguyện hay nghi lễ của Công Giáo mà được gọi là Phụng vụ thì đều phải mang tính cộng đoàn bởi vì trong Phụng vụ, giáo hội dạy phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư.[2] Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một hình thức cử hành Phụng vụ không mới nhưng rất đặc trưng, mang đậm nét văn hóa, để thấy được chiều kích cộng đoàn của Phụng vụ Kitô giáo. Đó là Lễ Chầu Lượt hay Tuần Chầu Lượt ở các giáo phận miền bắc Việt Nam.
Nếu Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh là lớn nhất, trọng nhất đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo cách chung, thì cách riêng ở Việt Nam, đối với các giáo xứ ở các giáo phận miền bắc, dịp lễ đặc biệt nhất, được quan tâm và có tính quy tụ nhất trong năm lại là Tuần Chầu Lượt. Đây là dịp quy tụ đông đủ nhất các thành viên trong giáo xứ. Lễ Giáng Sinh hay Phục sinh là những đại lễ trọng có tầm mức lớn, nhưng xét cho cùng thì ở đâu cũng có và cử hành như nhau, còn Lễ Chầu của giáo xứ thì phải ở tại xứ mình mới thực sự ý nghĩa. Vì thế, các thành viên trong các giáo xứ, dù đi làm ăn ở rất xa, công việc bận rộn thế nào cũng cố gắng sắp xếp để về quê tham dự Tuần Chầu Lượt của giáo xứ, giáo họ của mình. Những ngày diễn ra chầu lượt không chỉ có những nghi lễ Phụng vụ long trọng mà còn thực sự là một kỳ hội, không riêng với giáo dân trong xứ đó, mà cả các giáo xứ lân cận nữa. Ngày Chầu Lượt là ngày quy tụ giáo dân từ khắp các xứ đạo chung quanh, đặc biệt là những người thân hữu – có liên hệ họ hàng với giáo dân trong xứ - từ những nơi rất xa cũng đến dự. Đây quả thực là cơ hội để giáo dân các xứ giao lưu với nhau, là dịp để các linh mục quy tụ nhau cùng dâng hy tế tạ ơn … Tất cả các sinh hoạt của kỳ lễ đều nói lên một sự hiệp thông sâu sắc và thể hiện rất rõ tính cộng đoàn của nền Phụng vụ Kitô giáo.
  1. Chầu Lượt
1.  Khái niệm
Cụm từ “Tuần Chầu Lượt” có vẻ xa lạ với giáo dân miền Trung và miền Nam (trừ ra các giáo dân gốc Bắc) tuy nhiên hình thức này không phải là không có ở các nơi khác, mà thực ra nó chỉ xuất hiện dưới tên khác mà thôi. Trước tiên, chúng ta cần hiểu cụm từ “Tuần Chầu Lượt” theo nghĩa của nó. Chữ “Tuần” trong hạn từ này không hiểu là bảy ngày theo quan niệm của chúng ta ngày nay, cũng không phải là mười ngày theo nghĩa chữ Hán ngày xưa. Tuần ở đây là một chuỗi ngày liên tiếp, có thể có số ngày khác nhau, (tuần tam nhật: ba ngày; tuần bát nhật: tám ngày; tuần cửu nhật: 9 ngày …), trong trường hợp này thường là ba ngày. Tuy nhiên, có nhiều giáo phận chỉ tổ chức trong một ngày nên không gọi là Tuần Chầu mà chỉ gọi là ngày hay Lễ Chầu Lượt mà thôi. Về kết cấu từ ngữ, tự bản thân chữ “Chầu Lượt” cũng đã thể hiện rất rõ nghĩa của nó: “Chầu” đó là những giờ Chầu Thánh Thể của các nhóm, các hội đoàn khác nhau; “Lượt” nghĩa là lần lượt, luân phiên cử hành liên tục trong suốt thời gian tổ chức.
  2. Lịch sử hình thành và phát triển của hình thức Chầu Lượt.
Hầu như không ai biết rõ Tuần Chầu Lượt xuất hiện ở Việt Nam khi nào? Vì sao lại phát triển mạnh ở Miền Bắc? Nó hình thành khi nào? Do ai khởi xướng? v.v. Có nhiều giả định khác nhau: Có người cho là nó bắt nguồn từ cuộc truyền giáo của các Tu sĩ Dòng Đa-minh vào Giáo phận đàng ngoài. Có người lại cho rằng do các Tu sĩ Dòng Tên khởi xướng. Lại cũng có ý kiến khác cho là xuất hiện thời Đức Cha Đa-minh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục Giáo phận Bùi Chu …Mỗi người một ý nhưng không lý lẽ nào có cơ sở chắc chắn. Vì thế, tạm thời ta chưa biết chính xác lịch sử hình thành của Tuần Chầu Lượt ở Việt Nam.
Nhiều người quả quyết việc này đã phát xuất từ Milanô, một thành phố ở Bắc Italia vào năm 1534 do một Linh mục dòng Phanxicô tên là Cha Giuse Piantanida da Fermo.  Trong thời gian đó, thành Milanô phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn tệ, Cha Giuse đã yêu cầu các công dân của thành hãy ngước mắt lên trời để tìm sự giải cứu.  Ngài đã tổ chức việc Chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ liền. Ngày nay người ta vẫn gọi việc Chầu này là “Qua rant' ore” tiếng Ý có nghĩa là 40 giờ.  Sở dĩ 40 giờ có ý tưởng nhớ Chúa nằm trong mồ hay chết khoảng 40 giờ (từ 3:00 giờ chiều Thứ Sáu, tới 6:00 giờ sáng Chúa Nhật) trước khi phục sinh. Việc chầu bắt đầu từ nhà thờ chính tòa Milanô và lan sang các nhà thờ khác luân phiên nhau.
[3]
Theo cuốn “Phụng vụ Thánh Thể” của Linh mục Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ[4]: Chầu Thánh Thể và hình thức Chầu Lượt là sinh hoạt của Kitô giáo có từ thế kỷ XI. Ngay từ thế kỷ IX đã xuất hiện việc cầu nguyện trước nơi cất giữ Thánh Thể cho bệnh nhân. Đến thế kỷ XI nó được công khai bởi các đan sĩ Cluny ở Pháp. Sau đó, người ta bắt đầu làm những hào quang quý giá và dựng nhiều lễ đài sang trọng để đặt Mình Thánh Chúa cho giáo dân tôn thờ. Ban đầu, thời gian chầu kéo dài khoảng 40 giờ, ứng với 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu. Đến năm 1527, Jean Antoine Bellotti thiết lập phong trào thờ lạy Thánh Thể và tổ chức 40 giờ chầu thánh cho mỗi quý trong một năm (ba tháng một lần). Cách làm này được Đức Giáo Hoàng Clemente VIII khích lệ và truyền áp dụng trong toàn thể Giáo hội. Dần dần, “40 giờ chầu thánh” dẫn đến việc xuất hiện giờ “Chầu Lượt” (Adoration Perpétuelle).
Như vậy, ta có thấy hình thức Chầu Lượt xuất hiện trước khi Công Giáo đến Việt Nam. Cho nên, việc hình thành và phát triển Chầu Lượt có lẽ đã bắt đầu ngay khi niềm tin được gieo vãi vào Việt Nam. Và điều này cũng lý giải phần nào lý do Chầu Lượt phát triển mạnh ở giáo tỉnh miền bắc là nơi có những điểm đón nhận Tin mừng đầu tiên ở Việt Nam.
  3. Mục đích của Chầu Lượt
Tuần Chầu được cử hành với mục đích sơ khởi là để thờ lạy, tôn vinh Thánh Thể Chúa, tưởng niệm thời gian Chúa Giêsu chịu chết nằm trong mồ. Sau này nó mang thêm ý nghĩa là “Giờ Chầu đền tạ”
[5] (Adoration Resparatrice), nghĩa là cầu nguyện trước Thánh Thể để xin ơn tha thứ và đền tạ về những tội lỗi con người xúc phạm đến Mình Thánh Chúa. Cũng nên nói đến những mục đích tùy phụ khác như: - để đáp ứng ước muốn chiêm ngưỡng Chúa qua Thánh Thể, - chống lại lạc giáo, - tăng cường lòng đạo đức của giáo dân, - cổ vũ sự hiệp nhất …
  1. Những nét chính của Chầu lượt ở các giáo phận Miền Bắc.
    1. Vài hình thức Chầu Lượt
      1. Chầu Lượt trên Đất Việt
Tuy vẫn là một Giáo hội duy nhất, nhưng ở mỗi phần đất khác nhau, Giáo hội Việt Nam có những nét đặc thù theo vị trí địa lý và vùng văn hóa. Chính điều này tạo nên những nét độc đáo của đời sống đức tin và cử hành Phụng vụ của người dân Việt.
Ở các giáo phận miền trung và miền nam ngày nay, hình thức chầu Thánh Thể liên tục vẫn được nhiều giáo xứ tổ chức hàng năm và được gọi dưới các tên khác nhau là Chầu Thánh Thể hoặc là Chầu Mình Chúa. Tuy nhiên, lịch Phụng vụ chung của nhiều Giáo phận không quy định gì về việc này (trừ một số giáo phận ảnh hưởng của dân bắc di cư như Vĩnh Long
[6], Ban Mê Thuột[7], Qui Nhơn[8] …). Việc cử hành tùy thuộc vào sáng kiến của mỗi giáo xứ và linh mục sở tại. Thời gian thông thường là trong vòng một ngày như lễ Mình Máu Thánh Chúa hoặc vào một dịp lễ đặc biệt của Giáo xứ. Thành phần tham dự chủ yếu là các giáo dân, các hội đoàn trong giáo xứ mà thôi.
Ở Tổng Giáo phận Huế có một hình thức đặc biệt đáng chú ý. Tại trung tâm Thánh mẫu La Vang có một nhà nguyện Thánh Thể và việc chầu thánh thể diễn ra quanh năm, kể cả khi đang có Thánh lễ ở nhà nguyện chính hoặc tại linh đài Đức Mẹ. Mỗi ngày đều có một giáo xứ hoặc một cộng đoàn dòng tu trong giáo phận luân phiên về tại La Vang đểchầu Thánh Thể thay mặt địa phận. Thời gian chầu kéo dài từ sáng cho đến chiều tối, sau đó linh mục ban phép lành và cất Thánh Thể chứ không có Thánh lễ ở nhà nguyện Thánh Thể này.
Ở các giáo phận miền bắc, cụ thể từ giáo phận Vinh trở ra, các phiên chầu được tổ chức lần lượt ở các giáo xứ giáo họ vào tất cả các Chúa nhật quanh năm theo sự sắp xếp của Tòa Giám mục được công bố trong lịch Công Giáo của giáo phận. Và đây là dịp lễ lớn không chỉ dành riêng cho mỗi giáo xứ mà còn liên đới đến các giáo xứ lân cận trong vùng nữa.
  1. Đặc trưng của Chầu Lượt ở Miền Bắc
Như đã nói, liên đới với các giáo xứ chung quanh là một đặc điểm nổi bật trong hình thức chầu lượt ở các giáo phận miền bắc. Điều này thể hiện một sự hiệp thông giữa các cộng đoàn trong Phụng vụ.
Trước tiên, phải nói rằng đây là dịp lễ có tầm quan trọng đặc biệt với người giáo dân nơi diễn ra Chầu lượt. Người miền bắc thường hay đi làm ăn ở xa quê hương, những ngày lễ tết là dịp họ về thăm gia đình. Và dịp Lễ Chầu Lượt thường là lúc quy tụ đầy đủ nhất các thành viên trong giáo xứ, giáo họ, từ khắp nơi xa gần về tham dự và chung tay tổ chức ngày chầu.
Chầu lượt của một giáo xứ cũng là dịp để các hội đoàn, đặc biệt là các ca đoàn trong vùng có dịp giao lưu với nhau. Mỗi phiên chầu được một giáo xứ hoặc một hội đoàn đăng ký và chủ sự, thời gian thường chỉ khoảng 30 phút. Tuy nhiên có những giáo xứ có quá nhiều các hội đoàn đến tham dự thì thời gian cho mỗi phiên chầu chỉ còn khoảng 10 đến 15 phút. Nhìn vào số lượng các hội đoàn tham dự, người ta có thể đánh giá được mối tương quan của giáo dân chủ nhà với các giáo xứ liên hệ.
Một nét riêng của người miền bắc mà dường như đã thành tục lệ hay truyền thống trong các ngày Lễ Chầu là việc đãi tiệc và tiếp đón khách ở nhà xứ cũng như ở các gia đình giáo dân. Ăn uống là một nét rất đặc trưng của người Việt, đặc biệt là người miền bắc. Không biết từ đâu nhưng người ta thường nói rằng : “có lễ thì phải có lạt” hay “lễ với lạt phải đi chung với nhau. “Lạt” ở đây ám chỉ việc ăn uống, tiệc tùng trong các dịp lễ. Trong dịp Lễ Chầu, cha xứ và hội đồng giáo xứ mời đông đảo các linh mục ở các xứ lân cận hoặc có liên hệ với giáo xứ về dâng lễ đồng tế, có nơi còn có truyền thống mời Đức Giám Mục về chủ tế (như ở giáo phận Bùi Chu). Các giáo dân thì mời những người thân quen với gia đình mình về tham dự chầu, và chắc chắn sau Thánh lễ là có tiệc tùng ăn uống. Đối với quan niệm của nhiều người, để cho quý khách đến dự Lễ Chầu mà phải ra về là một sự thất lễ, là tiếp đón chưa chu đáo. Vì vậy, dù đôi khi người đến dự không quen biết ai, nhưng vẫn được mời dự tiệc.
  1. Các phần chính trong tuần hay ngày Chầu Lượt ở Miền Bắc.
    1. Các việc chuẩn bị
Vì là dịp lễ lớn và có thể kéo dài nhiều ngày nên công việc chuẩn bị là phần rất quan trọng. Các linh mục quản xứ sẽ đốc thúc để giáo dân chuẩn bị cả về vật chất, tinh thần và thiêng liêng để dịp lễ mang lại nhiều ơn phúc và niềm vui.
Về vật chất: Ngay trước kỳ lễ nhiều ngày, ban tổ chức phải tiến hành sửa sang nhà thờ, nhà xứ, mời khách, trang trí, dọn vệ sinh, gửi thư mời quý Cha và quý quan khách. Tất cả các thành phần đều được mời gọi tham gia chuẩn bị.
Về tinh thần: Các hội đoàn tập dượt để chuẩn bị cho ngày lễ như các đội kèn, phường trống, hội trắc, bát âm … đặc biệt phần Phụng vụ đòi hỏi các ca đoàn phải luyện tập rất nhiều. Những giáo xứ có ít ca đoàn thì việc phục vụ nhiều Thánh lễ trong mấy ngày lễ liên tiếp là một phần việc khá vất vả.
Về thiêng liêng: Thông thường việc ban bí tích hòa giải tổ chức trong tuần kề trước Lễ Chầu để mọi Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn xứng đáng cho các Thánh lễ và các nghi lễ Phụng vụ. Có nơi còn làm tuần đại phúc để cầu xin ơn Chúa trước khi Lễ Chầu diễn ra.
  1. Các giờ chầu Thánh Thể và Thánh lễ
Tùy theo truyền thống của mỗi vùng hay mỗi giáo phận mà có sự tương đồng hay khác biệt về thời gian chầu dài hay ngắn, liên tục hay ngắt đoạn, và kể cả số Thánh lễ và các ý chỉ của các lễ cũng khác nhau. Ở đây xin đề cập đến hai giáo phận tiêu biểu: Giáo phận Bùi Chu đại diện cho khối các giáo phận Dòng, và Giáo phận Hà Nội cho khối còn lại.
Ở giáo phận Bùi Chu và một số giáo phận Dòng, người ta vẫn duy trì tên gọi là Tuần Chầu Lượt với thời gian là 3 ngày. Thánh lễ khai mạc diễn ra vào chiều thứ 7, sau lễ không có nghi thức kết thúc mà linh mục chủ sự sẽ đặt Mình Thánh Chúa để tôn thờ. Một giờ chầu chung khai mạc cho tuần chầu, sau đó các hội đoàn thay nhau chầu Chúa đến nửa đêm. Sáng ngày Chúa nhật có thánh lễ thứ hai và sau đó lại tiếp tục Chầu cho đến trưa. Thánh lễ buổi trưa gọi là Lễ Chính Tiệc thường do Giám mục giáo phận chủ tế. Nhiều nơi kết hợp ban bí tích Thêm sức trong dịp này vì có sự hiện diện của Đức Cha. Sau thánh lễ là tiệc mừng cả ở nhà xứ và cả các tư gia. Đến khoảng 2 giờ chiều lại tiếp tục chầu cho đến chiều và thường có rước kiệu hay còn gọi là Cung nghinh Thánh Thể. Sau đó ngày chầu kết thúc bằng một Thánh lễ. Sáng ngày thứ Hai có một thánh lễ nữa gọi là Lễ Bế Mạc Tuần Chầu. Cũng nên biết một số nơi còn duy trì một giờ chầu để kết thúc tuần chầu sau Thánh lễ Bế mạc để tạ ơn.
Ở các giáo phận khác, cụ thể như tại Giáo phận Hà Nội, việc chầu lượt chỉ diễn ra gọn trong một ngày Chúa Nhật. Tuy vẫn có những phần chuẩn bị tương tự các nơi khác, nhưng Thánh lễ khai mạc diễn ra vào sáng ngày Chúa Nhật và bế mạc vào lễ Chiều cùng ngày. Thánh lễ buổi trưa là long trọng nhất với sự tham gia của đông đảo linh mục và giáo dân các nơi. Giáo phận Hà Nội không có truyền thống Giám mục chủ sự lễ này như một số nơi khác. Vậy nên vị chủ tế thường là Cha quản Hạt hoặc một vị nào được Cha chính xứ mời. Vì diễn ra gọn trong một ngày nên sau Thánh lễ trưa, dù vẫn có tiệc mừng nhưng Thánh Thể vẫn được tiếp tục chầu cho đến giờ cung nghinh Thánh thể buổi chiều. Cũng nên biết là hình thức ăn uống, tiệc tùng trong các ngày lễ ở Giáo phận Hà Nội không được chú trọng nhiều như ở Bùi Chu.
  1. Cung nghinh Thánh Thể
Cung nghinh Thánh Thể còn được gọi là Kiệu Thánh Thể hay Kiệu Săngti là một nét đẹp thể hiện rõ nét tính cách văn hóa của vùng miền. Đối với giáo dân miền bắc nói chung thì việc rước kiệu luôn được chú ý. Hằng năm mỗi giáo xứ đều có những cuộc rước kiệu, thường là Kiệu Thánh Thể ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa và Chầu Lượt, kiệu kính Đức Maria trong tháng Hoa và kiệu kính Thánh Bổn mạng. Trong đó, kiệu Thánh Thể mang tính Phụng vụ nhiều hơn. Tất cả các hội đoàn được mời tham gia đoàn rước. Đây cũng là dịp để các Hội Kèn, Hội Trống, Hội Bát Âm, Hội Trắc, …thể hiện tài năng của mình để tôn vinh Chúa. Các hội đoàn đạo đức khác như Legio Mariae, Hội Mân Côi, Hội Gia Trưởng, Hội Hiền Mẫu … cũng nô nức phô diễn hàng ngũ và trang phục. Tuy nhiên, điểm nhấn chính là Thánh Thể được linh mục kiệu đi dưới phương du hay còn gọi là Lọng che. Có các em nhỏ tung hoa. Các em giúp lễ thì xông hương. Qua mỗi trạm lại dừng lại để tôn thờ Thánh Thể trong ít phút.
  1. Tính Cộng đoàn thể hiện qua những nét văn hóa
Qua vài nét mô tả sơ lược, chúng ta có thể thấy được không khí đặc trưng của đời sống đạo ở Việt Nam nói chung và các xứ đạo miền bắc nói riêng. Từ đó, chúng ta nhận ra những nét điển hình của tính cách cộng đoàn trong đời sống Phụng vụ trong việc Chầu lượt ở miền bắc. Đây là một nét đặc trưng bởi vì chính giáo hội xác định rằng các hoạt động Phụng vụ không phải là các hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, là bí tích hiệp nhất, là Dân thánh được quy tụ và tổ chức dưới quyền các giám mục.[9]
  1. Sự quy tụ
Ngay  tự bản chất, Hội Thánh là một sự quy tụ. Khi nói Phụng vụ là công việc chung của Giáo hội là ta nói đến việc cử hành chung của một cộng đoàn được quy tụ nhân danh Đức Kitô. Ngày Lễ Chầu với những nghi thức mang đậm nét văn hóa không chỉ quy tụ con cái trong đại gia đình giáo xứ, các giáo dân lân cận hay có liên hệ, mà còn thu hút sự quan tâm của những người lương dân trong khu vực. Người ta nô nức đổ ra đường để xem đoàn rước kiệu, nghe đoàn kèn đồng thổi hay hội bát âm tấu diễn và xem những chú lính trắc nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, điêu luyện. Đoàn kiệu Thánh Thể với cờ quạt, trống phách linh đình giống như một lễ hội. Thiết tưởng, qua hình thức này nhiều người ngoại có cơ hội hiểu biết thêm về đời sống cộng đoàn hiệp nhất của Công Giáo và tính cách văn hóa trong đời sống đạo.
  1. Sự giao lưu
Sự giao lưu, trao đổi cũng là một hiệu ứng của đời sống cộng đoàn, và ở đây là cộng đoàn Phụng vụ. Việc tổ chức tuần Chầu Lượt có rất nhiều công việc khác nhau. Mỗi nơi lại có cách thức chuẩn bị riêng. Vì vậy, đến tham dự chầu tại một giáo xứ, ngoài việc chính là tôn vinh Tình Yêu Chúa trong Bí tích Thánh Thể, người ta còn có cơ hội chia sẻ và giao lưu học hỏi lẫn nhau trong các công việc Phụng vụ, trong tinh thần sống đạo và cách thức thể hiện niềm tin của mình ra bên ngoài. Những tiếng hát lời ca tuyệt mỹ của các ca đoàn là một lời mời gọi các ca đoàn khác cũng mỗi ngày cố gắng hát hay hơn. Việc tổ chức chu đáo, nghiêm trang để lại cho những nơi khác những kỹ năng và phương pháp quý giá, và những thiếu sót cũng là những kinh nghiệm để lần sau đến lượt xứ mình tổ chức được chu toàn hơn. Như vậy, cộng đoàn tính được thể hiện qua sự học hỏi giao lưu và chia sẻ để mỗi cộng đoàn giúp nhau thăng tiến một cách rất tế nhị.
  1. Sự phối hợp
Ngày chầu lượt với những bận rộn cũng là cơ hội để các thành viên trong cộng đoàn làm việc chung với nhau, từ đó có sự phối hợp ăn ý từ những việc nhỏ cho đến những chuyện lớn để cùng nhau chung tay làm phong phú thêm đời sống cộng đoàn. Nói đến sự phối kết hợp trong việc tổ chức Phụng vụ và nghi Lễ Chầu Lượt, ngoài các sự phối hợp của các thành viên, các hội đoàn trong giáo xứ, ta cũng nên kể đến những sự hợp tác với các hội đoàn bên ngoài như việc mời một ca đoàn của xứ khác cộng tác hát lễ, hay mời các hội đoàn khác tham dự giờ chầu chung… Tất cả những việc đó được diễn ra tốt đẹp là một thành quả của sự cộng tác nhịp nhàng, phối hợp ăn ý của các thành viên trong một cộng đoàn duy nhất quy tụ chung quanh Đức Kitô.
  1. Sự chia sẻ
Một đặc trưng không thể không nói đến ở đây là sự chia sẻ với anh chị em mình trong cả bữa tiệc thần linh và bữa tiệc vật chất. Nếu trong việc Chầu Thánh Thể, các tín hữu được tận hưởng chung những ân sủng từ mạch suối Đức Kitô; qua Thánh lễ, ta được tham dự Bàn tiệc Thánh nuôi dưỡng phần hồn, thì ngay sau đó, những con người thân thương ấy cũng được chung chia với nhau những của ăn vật chất. Bữa ăn không chỉ nói lên sự hưởng thụ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nó đặc biệt là dấu chỉ của tình yêu thương và sự hiệp thông, bởi chẳng ai có thể ngồi ăn cùng mâm một cách ngon lành vui vẻ với kẻ thù bao giờ. Một bàn tiệc no say vui vẻ là sự quy tụ của những người có lòng thương mến nhau. Như vậy, Chầu lượt trở nên dịp để các tín hữu chia sẻ với nhau niềm vui trong những bàn tiệc nuôi sống cả thể xác và bồi bổ cả tâm hồn nữa.

Tóm Kết

Chầu lượt là một hình thức không mới nhưng mang những nét đặc biệt nói lên được tính cộng đoàn, sự hiệp nhất trong Phụng vụ. Các nghi thức cũng thể hiện được những nét đẹp văn hóa, sự giao lưu và hòa nhập giữa văn hóa Á Đông với Phụng vụ Tây Phương.
Phải công nhận có vài nơi mà việc tổ chức đi đến mức thái quá như: quá chú trọng hình thức mà lãng quên chiều sâu của Phụng vụ; quá lưu tâm đến phô trương thanh thế, đánh bóng chính mình mà làm lu mờ nhân vật chính là Đức Giêsu Thánh Thể đang hiện diện thực sự giữa cộng đoàn; và nhiều người quá chú trọng đến bữa tiệc vật chất làm cho chính những con cái giáo xứ không còn thời gian cho bữa tiệc thần linh của chính giáo xứ họ được dành cho chính họ trong dịp Lễ Chầu của xứ mình; … Tất cả những thiếu sót hay thái quá ấy vẫn xảy ra đây đó, và thực sự là điều cần lưu tâm rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận được giá trị Phụng vụ của hình thức Chầu lượt và vai trò của nó trong đời sống Kitô giáo ở Miền Bắc Việt Nam. Điểm nổi bật đáng ghi nhận là chính tính cách cộng đoàn, điều đã làm cho Phụng vụ giảm bớt vẻ nghiêm trọng, trở nên gần gũi, dễ thương hơn và dễ hòa nhập hơn với văn hóa của người Việt Nam hơn. Chúng ta cần nhìn ra giá trị thực và phát huy, thấy được những bất cập để loại bỏ, thì Lễ Chầu Lượt sẽ thực sự làm nên sức sống cho cộng đoàn Phụng vụ của người Công Giáo Việt Nam.
 

[1] Xem thêm trong phần Từ ngữ Phụng vụ - Liturgia trong phần Dẫn nhập Phụng vụ, Giáo trình Phụng vụ Tổng quát của Lm. Nguyễn Cao Luật, OP.
[2] Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, Số 27.
[3] http://www.tinmung.net/HOI%20DAP/132.htm, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2013.
[4] Phụng vụ Thánh Thể, Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, tr 189-190.
[5] Phụng vụ, Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
[6] http://www.giaophanvinhlong.net/Lich-Phung-Vu.html, truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
[7] http://gpbanmethuot.vn/lichchauthanhthe, truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
[8] http://gpquinhon.org/qn/news/Lich-Phung-Vu/Phien-chau-luot-tai-cac-giao-xu-nam-2013-2014-1740/, truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
[9] Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, Số 26.
 

Tác giả bài viết: Tu sĩ Vinh Sơn Trần Văn Duy, CSC

Nguồn tin: CSC

 

Hỏi 132
 
Xin Cha cho con hỏi: 
1. "Chầu lượt" được bắt nguồn từ đâu, và từ khi nào ạ?
 2. Chầu lượt ra đời trong hòan cảnh nào? 
3. Ngoài ý nghĩa, tôn thờ Thánh Thể, Chầu lượt con mặc lấy ý nghĩa của việc hội nhập văn hóa hay không? 
4. Hình thức sinh hoạt Chầu lượt, nhất là ở miền Bắc. Xin Cha giúp con cả 4 câu hỏi trên, càng sớm càng tốt. Con cám ơn Cha nhiều.
 bachhongsc
 
 
Đáp:

Thánh Thể, Chầu Thánh Thể, Chầu liên tiếp, Chầu lượt, Kiệu Thánh Thể… Riêng về việc Chầu Lượt mà Anh nêu thắc mắc, chúng tôi xin được trả lời như sau:1.      Để trả lời câu 1 và 2 của Anh chúng tôi xin ghi vắn tắt: Việc Chầu Thánh Thể mà chúng ta quen gọi là Chầu Lượt là một hình thức đặt Thánh Thể để cho người tín hữu thay nhau chầu liên tiếp trong nhiều giờ.  Tại các giáo phận, Chầu lượt là chầu Mình Thánh Chúa lần lượt theo phiên thứ từ xứ này qua xứ khác trọn 52 ngày Chúa Nhật trong năm. Việc chầu này đã có một lịch sử lâu dài.  Người ta có thể quả quyết việc này đã phát xuất từ Milanô, một thành phố ở Bắc Nước Italia (Ý) vào năm 1534 do một Linh mục dòng Phanxicô tên là Cha Giuse Piantanida da Fermo,.  Trong thời gian đó, thành Milanô phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn tệ, Cha Giuse đã yêu cầu các công dân của thành hãy ngước mắt lên trời để tìm sự giải cứu.  Ngài đã tổ chức việc Chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ liền (ngày nay người ta vẫn gọi việc Chầu này là “Qua rant' ore” tiếng Ý có nghĩa là 40 giờ.  Sở dĩ 40 giờ có ý tưởng nhớ Chúa nằm trong mồ hay chết khoảng 40 giờ (từ 3:00 giờ chiều Thứ Sáu, tới 6:00 giờ sang Chúa Nhật) trước khi phục sinh. Việc chầu bắt đầu từ nhà thờ chính tòa Milanô và lan sang các nhà thờ khác luân phiên nhau.  Các tín hữu tích cực tham gia việc cầu nguyện trước Thánh Thể, việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trong thời gian chầu lượt.  Trời Cao đã không trì hoãn và đã đáp lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa qua việc Thờ Chầu này.  Hoàng Đế Charles V và Francis Vua Nước Pháp đã tới cửa Thánh Milanô để ký kết hiệp ước hòa bình.  Đến khoảng năm 1548 - 1550, Thánh Philiphê Nêri và Inhaxiô Loyola đã phổ biến việc chầu này tại giáo đô Rôma và Đức Thánh Cha Clementê VIII, qua Tông Chiếu “Graves et diuturnae” ban hành ngày 25 tháng 11 năm 1592, đã phê chuẩn việc thánh thiện này bằng cách ban ân xá, đại xá cho những ai xưng tội, rước Lễ và viếng những nhà thờ đang có cuộc Chầu Lượt.  Trong tài liệu ấy, Đức Thánh Cha đã viết rằng: “Ta quyết định cách công khai rằng trong Mẫu Thành Rôma (Mother City of Rome) một cuộc cầu nguyện không ngừng như thế được thực hiện trong các nhà thờ vào những ngày ấn định tại đó cử hành việc sùng kính đạo đức Bốn Mươi Giờ, xếp đặt thế nào để các nhà thờ và thời gian mọi giờ, mọi ngày và đêm, cả năm tròn làn hương cầu nguyện được dâng lên không gián đoạn trước Thiên Nhan.”
2.     Năm 1900, dưới thời Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, Thánh Bộ Lễ Nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Việc thực hành ấy (Chầu Lượt Bốn Mươi Giờ) còn tồn tại cho tới ngày nay trong khắp Giáo Hội.
3.     Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập tới việc Chầu lượt này trong Tông Thư Dominicae Cenae: “Việc thờ chầu Chúa Kitô trong Bí Tích Tình Yêu này phải được biểu lộ qua nhiều hình thức: Cầu nguyện tư trước Thánh Thể, làm Giờ Thánh, những cuộc tôn thờ định kỳ - ngắn, dài, hàng năm (Bốn Mươi Giờ) – Phép lành Thánh Thể, Rước Thánh Thể, Đại Hội Thánh Thể.”
Giáo Luật cũng đề cập tới việc này: “… Hằng năm vào thời gian thuận tiện, nên tổ chức ngày chầu trọng thể Bí tích cực Thánh Chúa, dù không phải là chầu lượt, để cộng đoàn địa phương có thể suy niệm và tôn thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể cách chuyên chú hơn”(Giáo Luật khoản 942).
Việc Chầu Lượt là một hình thức tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, mục đích không phải là một cuộc trình diễn văn nghệ hay văn hóa.  Tuy nhiên, trong phạm vi Phụng vụ cho phép, cũng có thể có những nét văn hóa cá biệt của dân tộc, cao dâng tình Chúa, xây dựng tình người và tôn vinh Chúa trong mọi sự.
4.     “Ở Việt Nam, truyền thống Chầu lượt cũng đã có từ gần 100 năm nay với những tên gọi khác nhau như: Chầu phước chuyến (cách gọi của các giáo phận thuộc miền cao nguyên trung phần), Chầu Mình Chúa (cách gọi của các giáo phận từ Đà Nẵng trở vào).  Riêng giáo phận Vinh, việc tổ chức Tuần chầu lượt có quy củ và long trọng hơn, được ví như cuộc tổ chức Đại hội Thánh Thể miền, ngày Tết của giáo xứ: Các linh mục trong hạt buộc phải tập trung về giáo xứ có phiên thứ Tuần chầu, chia sẻ và ngồi tòa giải tội giúp giáo dân có dịp thuận tiện đến tòa cáo giải làm hòa với Chúa và chuẩn bị xứng đáng cho Tuần chầu; khách từ các giáo xứ bạn cũng tới hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với giáo xứ thực hiện phiên thứ Tuần chầu. Có giáo xứ vì đông giáo dân, chia làm nhiều giáo họ nên Tuần chầu được chia phiên thứ từ ngày... thứ hai đầu tuần. Theo truyền thống thì bắt đầu sáng thứ sáu khai mạc tuần chầu và bế mạc vào ngày Chúa Nhật. Tuần chầu lượt ở giáo phận Vinh có từ năm 1918, dưới thời Đức Cha Anrê Lêông Giuse Bắc, tuần chầu được chính thức quy định trong Thư chung đề ngày 19/06/1918”
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ