1
01:01 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 104

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 101


Hôm nayHôm nay : 922

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 283959

Tổng cộngTổng cộng : 27838243

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TÀI LIỆU & VĂN KIỆN

Lạy Chúa, Tại sao Ngài im lặng

Thứ năm - 13/06/2013 16:28-Đã xem: 1467
Gia đình tôi mấy đời đạo gốc, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa là đấng toàn năng, quyền phép vô biên, nhân từ và luôn thương yêu loài người như Cha Mẹ đối với con cái. Ngài sẽ ân thưởng nếu chúng tôi biết vâng lời tuân theo luật Chúa, Ngài sẽ răn dạy nếu chúng tôi hư đốn phạm tội, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi những ám hại xấu xa của kẻ thù. Ngài là đấng công bình, nếu chúng tôi chịu khó giữ đạo chân chính ngay thẳng, chúng tôi chắc chắn sẽ được lãnh nhận hồng phúc của Ngài.
Lạy Chúa, Tại sao Ngài im lặng

Lạy Chúa, Tại sao Ngài im lặng

LỜI DẪN NHẬP

 
Buổi sáng ngày 25 tháng 4 năm 1986, em trai tôi, Giuse Đinh Công Khanh, hớn hở sắp xếp đồ đạc lên xe để đi chơi với bạn bè. Em giơ tay vẫy chào từ giã mọi người trong gia đình lần cuối – vì em không bao giờ trở về nữa. Tối hôm đó, cảnh sát điện thoại báo tin, em đã bị tử nạn xe hơi, gần một khúc quanh trơn trượt, lạc tay lái. Em qua đời, khi vừa tròn 20 tuổi.
12 giờ trưa ngày 26, tôi đáp phi cơ từ Adelaide về Melbourne đi nhận xác em. Em nằm ngủ bình yên vĩnh viễn. Nước mắt, tưởng chừng như đã cạn sạch đêm qua, bây giờ, lại trào ra đầm đìa trên má.
1 giờ sáng ngày 27, tôi phóng xe tới nhà thờ thánh Phanxicô, cửa đã đóng, tôi đứng hét giữa trời: “Tại sao? Tại sao em tôi lại chết?” Như một thằng điên, tôi khản giọng hỏi Chúa.
Chúa im lặng.
Buổi tối ngày 18 tháng 12 cùng năm, gần tám tháng sau, chị tôi gọi điện thoại nức nở báo tin, bố tôi, Giuse Đinh Hưng Thịnh, vừa thất lộc tại Việt Nam, trên giường bệnh. Tất cả các con ở ngoại quốc, chẳng có đứa nào bên cạnh để Người nhắn nhủ đôi câu di ngôn trước khio an tâm nhắm mắt.
Lần này, tôi quì gối lặng lẽ, toàn thân cứng đờ bất động, tuyệt vọng nhìn lên thánh giá thều thào: “Lạy Chúa! Tại sao?”
Ngài vẫn im lặng.
Gia đình tôi mấy đời đạo gốc, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa là đấng toàn năng, quyền phép vô biên, nhân từ và luôn thương yêu loài người như Cha Mẹ đối với con cái. Ngài sẽ ân thưởng nếu chúng tôi biết vâng lời tuân theo luật Chúa, Ngài sẽ răn dạy nếu chúng tôi hư đốn phạm tội, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi những ám hại xấu xa của kẻ thù. Ngài là đấng công bình, nếu chúng tôi chịu khó giữ đạo chân chính ngay thẳng, chúng tôi chắc chắn sẽ được lãnh nhận hồng phúc của Ngài.
Hồng phúc của Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều hay ít tôi khó thấy được, nhưng đau khổ thì cứ hiển diện trước mắt. Tôi biết làm người thì ai cũng phải chịu đau khổ, nhưng tại sao gia đình tôi lại phải đón nhận liên tiếp những cái tang dồn dập như vậy? Quê hương tôi cũng thế, ngay từ nhỏ, khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã tận mắt nhìn thấy những xác người vô tội nằm chết ngu ngơ bên vệ đường Mậu Thân 1968, những kẻ tật nguyền lê lết ăn xin, những người điên loạn khóc cười la hét, những em bé gầy gò ốm yếu ruồi nhặng bu quanh vết thương ghẻ lở hôi hám. Tội nghiệp dân tộc tôi lầm than vất vả, tội nghiệp cho những tiếng gào bi thương than trời trách đất. Tại sao Chúa dựng con người, nhưng lại để con người chịu quá nhiều đau khổ? Tại sao Chúa ‘mang tiếng’ là công bình, nhưng những tai hoạ cứ tiếp tục giáng xuống trên đầu những người hiền lành thánh thiện?
Năm 1968, hai cái đại tang trong gia đình tôi, trước đó anh tôi vượt biển mất tích. Những người tôi yêu thương đều lần lượt lìa trần, bố tôi đã già tôi còn hiểu được, nhưng em tôi, đứa con đẹp trai vui vẻ dễ thương nhất nhà, em tôi có tội tình gì mà cũng tức tưởi ra đi khi tuổi đời còn son trẻ với một tương lai hứa hẹn rự rỡ?
Năm 1968, tôi đã là một ông thầy dòng vừa xong phân khoa triết đi dạy học. Tôi còn trẻ, nhiệt huyết còn sôi sục, lạc quan và tự tin. Lý tưởng phục vụ tha nhân sáng ngời, hăng say và cương quyết. Tôi, người đáng lẽ ra phải truyền bá và rao giảng niềm tin Kitô giáo, chính tôi, đã bị khủng hoảng đức tin vì sự ra đi vĩnh biệt của bố và em.
Bây giờ, 1995, mẹ tôi vẫn còn khóc khi ra thăm mộ. Gần mười năm rồi, vết thương vẫn chưa lành. Gia đình tôi hằng năm vẫn nhớ tới sinh nhật của em Khanh, để tính tuổi và dự đoán tương lai cho em. Mười năm sau, tôi không còn hỏi Ngài tại sao, bởi vì, Ngài vẫn im lặng gục đầu trên thánh giá.
Câu trả lời của Ngài, không phải ở trong nhà thờ, nhưng ở giữa cuộc sống của tôi và của mọi người.
Gần mười năm tìm kiếm, suy niện về những bất công của cuộc đời mà con người phải gánh chịu. Tôi quyết định đặt bút viết, không hẳn là dưới nhãn quan của một linh mục giảng đạo với những lý luận triết - thần - học có vẻ hơi khô khan khó hiểu, nhưng trong tâm trạng của mọi người. Thân phận Việt nam, như một lời nguyền của mụ phù thuỷ ác độc trong truyện cổ tích, luôn gắn liền với những bất hạnh hoạ vô đơn chí. Nếu bạn đã từng trải qua những thê thảm khốn cùng trong đời sống, nếu bạn đã từng hỏi Chúa nhiều lần mà Ngài vẫn im lặng, hy vọng tập sách này sẽ là câu trả lời, sẽ giúp bạn – như đã giúp tôi - tự chữa lành vết thương ngặt nghèo của những mất mát vĩnh viễn, những thương tật trên mình, những cay đắng tuyệt vọng trong cuộc đời vốn dĩ rất phi lý, rất bất công và tàn nhẫn.
Tập sách, dầu sao, không thể tránh khỏi những ý niệm chủ quan, người viết ước mong bạn đọc cảm thông và lượng thứ cho những suy tưởng cá nhân, và nếu có thể được, xin góp thêm ý kiến trong tình thân chia sẻ và phục vụ tha nhân vì vinh quang nước trời.
Hằn sâu trên định mệnh làm người là hai chữ đau khổ, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hằn sâu trên bộ mặt thế giới là chiến tranh, hận thù, nghèo đói, bệnh tật, tai ương tiếp nối. Hằn sâu trong trái tim mỗi người Công giáo, là những khắc khoải day dứt tìm kiếm lời giải thích cho những hệ luỵ khổ đau tràn ngập trong đời sống.
Phải chăng Chúa vẫn thờ ơ im lặng?
 
 

CHƯƠNG MỘT: Những lập luận thường dùng để giải thích và cắt nghĩa đau khổ

 
Một gia đình ngoan đạo thánh thiện, đột nhiên phải liên tiếp chịu đựng những tin buồn ập tới: Tháng này người cha mất việc, tuần sau người mẹ ốm liệt giường, hôm qua anh bị đụng xe, mới đây chị ra đường trời mưa trượt té gãy chân… Giở xem một trang báo, tin tức nóng hổi: Những kẻ sát nhân lãnh án tử hình; bà cụ già bị cướp tấn công hảm hiếp; chú rể trên đường tới đón cô dâu bị tai nạn xe hơi chết tại chỗ; trận bão tháng 6 quét về Ấn Độ, hàng chục ngàn người chết trôi lềnh bềnh. Tại Phi Châu, súng đạn dư thừa để chém giết nhau, nhưng cơm gạo thiếu thốn, chết đói như rạ…
Trong thiên chức linh mục, tôi đã dâng lễ cầu hồn cho nhiều người, đã cố gắng an ủi khuyên nhủ những tan vỡ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Tôi đã ngồi hàng giờ để lắng nghe những lời tỉ tê than thở, những tiếng khóc uất nghẹn không ngưng khi họ dài dòng kể lể về những đau khổ phải gánh chịu. Làm sao tôi có thể tiếp tục hướng dẫn hay xoa dịu họ bằng những lý thuyết của lòng Chúa nhân từ, yêu thương? Làm sao tôi có thể mở miệng ca tụng công lý hoà bình của một thế giới tốt đẹp? Tôi đã thấy những gia đình, ngay cả toàn thể cộng đoàn dân Chúa, cùng nhau quì gối khiêm nhường cầu nguyện cho sự bình phục của một thành viên đạo đức bệnh ung thư máu, và đã thấy sự thật hiển nhiên, hy vọng tiêu tan, cầu nguyện tưởng như vô ích, bệnh nhân tới ngày vẫn nhắm mắt xuôi tay. Khi phải đối diện với một khuôn mặt ngập ngụa nước mắt của một bà mẹ gào khóc trên xác con lạnh giá, hỏi bạn, tôi phải giải thích làm sao?
 
1. Phải chăng Chúa dùng Đau Khổ để trừng phạt tội lỗi con người?
Năm ngoái tại trường tôi dạy, Salesian College, Brooklyn Park, một cậu học sinh lớp 12 đang chơi đùa vui vẻ với bạn bè trong giờ nghỉ, bỗng ngã xuống bất tỉnh, chết thản nhiên, chết như một chiếc lá mùa thu thảnh thơi rơi cành, không một đau đớn, chưa kịp những luyến lưu từ giã trong nước mắt tiếc thương. Tôi tới thăm gia đình, chẳng biết phải làm sao để xoa dịu vỗ về một mất mát quá lớn lao. Tôi tưởng rằng mình sẽ thấy mọi người bu lại nức nở khóc than, tiếng kêu gào chắc sẽ sầu thảm cay đắng. Tôi đã lầm, và cũng không thể ngờ khi chính tay nghe được câu nói run run đầu tiên của cha mẹ cậu học sinh: “Cha biết không? Chúng con đã bỏ đi lễ đọc kinh cả năm nay…”
Tại sao họ lại nói vậy? Tại sao họ lại tự nhận trách nhiệm của cái chết của người con? Ai đã giảng dạy để họ tin vào một Thiên Chúa, Người đã vung tay giết chết một thanh niên học giỏi tài đức khôn ngoan để trừng phạt sự lười biếng của chính họ?
 
Tục ngữ Việt nam có câu: ‘Đời cha ăn mặn đời con khát nước’, bởi thế, làm gì cũng nên cẩn thận để đức lại cho con. Ai cũng phải lãnh nhận những hình phạt do tội lỗi của mình gây ra. Thiên Chúa công bình lắm, thượng phạt rất phân minh. Vì tin tưởng như vậy, nên mọi người cần phải làm lành lánh dữ. Thiên Chúa nhân từ, quyền năng và thông biết mọi sự, cha mẹ cậu học sinh không phải là người ngoan đạo, nên Chúa phạt họ? Nên bây giờ họ ngồi đó ăn năn, giá chúng ta chịu đi lễ đọc kinh hằng ngày, chắc con chúng ta không đến nỗi chết? Họ trách Chúa tại sao tàn nhẫn quá, nhưng lại chấp nhận ‘hình phạt’ của Ngài. Còn giở giọng la lối biết đâu Ngài lại phạt thêm? Cuộc đời đã nhẫn tâm với họ, tôn giáo chẳng những không an ủi được họ, lại còn áp đặt lên họ những lý thuyết thưởng phạt nghiêm khắc như toà án thời Trung Cổ: chặt đầu, thiêu sống, treo cổ tử hình.
Lý thuyết nhân quả - gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành - rất hợp lý để chúng ta giải thích cho những tai ương thảm kịch xảy đến trong cuộc đời. Tuy vậy, gieo hạt tốt chưa chắc gặt được lúa thơm. Khi ruộng nương đã trổ đòng đòng, hứa hẹn một vụ mùa trúng lớn, bỗng nhiên trận cuồng phong từ đâu thổi tới, phá tan tành, phá bầm dập sức sống nhú mầm, phá nát ước mơ chén cơm đầy lót dạ, xé rách manh chiếu vá ngả lưng, tất cả chỉ còn lại đôi dòng nước mắt nhạt nhoà bờ môi mặn đắng. Và như thế, ở hiền chưa chắc gặp lành. Khi tai hoạ xảy đến cho người hiền, nếu dùng lý thuyết nhân quả, chắc chắn họ sẽ mang nặng mặc cảm tội lỗi: “Lạy Chúa! Con đã làm gì nên tội để phải lãnh nhận hậu quả khủng khiếp này?" Nếu họ không tìm ra được trọng tội nào, họ sẽ oán trách chính họ và oán trách sao Chúa thẳng tay. Từ oán trách đến ghét bỏ không xa, đạo nghĩa chẳng được gì, giữ làm chi mất công, tốn giờ nhà thờ nhà thánh, đi chơi sướng hơn!
Câu chuyện có thật: Một cậu học sinh mười tuổi đi khám mắt định kỳ như thường lệ, lần này cậu phải đeo kính cận. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì cha mẹ và chị đều đeo kính. Nhưng không hiểu tại sao, cậu rất tức giận, khóc lóc và la hét um sùm. Sau một hồi khuyên nhủ và an ủi, mẹ cậu hiểu được lý do khi nghe cậu kể lại: Một tuần trước ngày đi khám mắt, cậu và hai anh bạn khác lục lọi đống sách trong nhà người hàng xóm để tìm truyện đọc, không ngờ họ kiếm ra được một cuốn ‘Playboy’. Biết rằng không nên, nhưng họ vẫn chăm chú lật xem những tấm hình phụ nữ khó nghèo chẳng có được một mảnh vải che thân. Bây giờ đo độ phải đeo kính cận, cậu kết luận rằng đây là hình phạt của Thiên Chúa dành cho cậu vì cậu dám coi hình con gái không chịu mặc quần áo.
Khi thấy một tên chuyên môn lừa đạo, gian dối ám hại kẻ khác, người Miền Nam thuờng nói: “Cứ để coi, có ngày nó gặp quả báo”. Chờ hoài chẳng thấy ngày ấy, vì nó cứ càng ngày càng giàu có sung sướng hơn. Để an ủi một kẻ ăn mày, người ta dùng câu ‘không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời’, nhưng tôi biết có những dòng họ quí phái thượng lưu từ đời tằng tổ cố ông cha con cháu chắt chút chít, và cũng có những gia đình nghèo hèn ‘con sãi ở chùa thì quét lá đa’ làm nghề ăn xin thì bốn năm đời nối tiếp. Có thể chúng ta sống không đủ lâu để chứng kiến sự thật ‘quả báo nhãn tiền’ dành cho kẻ gian ác, và hình như cũng có rất nhiều ‘người hiền’ không đủ thời gian để ‘gặp lành’. Anh Thanh qua Úc một mình, gia đình đều ở lại Việt nam, chấp nhận hy sinh, bỏ học dù học rất giỏi, anh lao đầu vào hãng xưởng làm hai ca cả ngày và đêm, cố gắng kiếm tiền thật nhiều để trở giúp gia đình thiếu thốn. Nghe lời bạn bè, anh chơi hụi lớn, chủ hụi giựt. Mất trọn mấy chục ngàn. Anh dở khóc dở cười, tiền không có, gia đình thúc hối, trách móc anh vô tâm, anh nổi cơn điên xách dao đi kiếm chủ hụi. Chưa làm được gì nó anh đã vào tù, tội cố ý đả thương nhân mạng, 5 năm cấm cố. Thằng chủ hụi nhởn nhơ bên ngoài, vừa xây thêm căn nhà thứ ba, lấy thêm con vợ thứ hai.
Nếu Chúa dùng đau khổ để trừng phạt tội lỗi nhân loại, thì chúng ta phải giải thích làm sao khi có nhiều người sống hiền hoà lành thánh cả một đời, mà trên vai vẫn hằn sâu những gánh nặng gian truân khổ ải, tai ương dập vùi? Chúng ta phải cắt nghĩa thế nào nếu cậu bé cận thị cứ lớn tiếng trách móc Chúa gian ác và tàn nhẫn: Lỡ coi hình con gái khó nghèo được vài phút mà bắt cậu cận thị cả đời?
Chỉ có con người mới thường dùng lý thuyết ‘nợ máu phải trả bằng máu’. Chỉ có con người mới trừng phạt con người. Con người đã ‘suy bụng ta ra bụng Chúa’, đã vô tình gán ghép cho Thiên Chúa sự công bình lạnh lùng bất chấp lòng khoan dung độ lượng. Tại Úc, tháng 5 năm 1995, một người mẹ đáng thương có đứa con trai bị giết, kẻ sát nhân – có những triệu chứng mang bệnh tâm thần – lãnh án hai mươi năm tù, vậy mà bà vẫn tuyên bố: “Hình phạt còn quá nhẹ, nó còn phải đối diện trước toà phán xét của Thiên Chúa, hoả ngục mới xứng với tội giết con tôi. Cảm ơn Chúa!” Tôi nhất định không tin Chúa hài lòng với lời cảm ơn để nhờ quyền năng Ngài cho mục đích thoả mãn lòng căm thù tàn nhẫn của con người.
 
2. Phải chăng Thiên Chúa có lý do khi gửi đau khổ đến cho con người?
Rất nhiều khi, những nạn nhân của tai hoạ thường cố gắng tự an ủi chính mình, rằng Thiên Chúa có lý do riêng của Ngài khi gởi tới thánh giá cho loài người, chúng ta không thể hiểu và không thể xét đoán hành động của Thiên Chúa. Tôi nghĩ đến trường hợp của một người, chị Linh.
Triệu chứng căn bệnh bắt đầu từ lúc chị cảm thấy rất mệt mỏi khi đi bộ mới được vài phút. Chị lầm tưởng rằng tại mình ít vẫn động thân thể. Nhưng vào một buổi tối nọ, đang đứng bình thường tự nhiên chị thấy bải hoải chân tay và ngã nhào xuống. Sáng hôm sau đi nhà thương, bác sĩ khám phá ra hệ thống điều khiển dây thần kinh của chị đang bị liệt dần, chủ không thể đi bộ được nữa, phải ngồi xe lăn cho đến cuối đời. Nghe tin, chị cắn răng đè nén rồi bất ngờ bật khóc: “Tại sao tôi lại bị bệnh này? Tôi đã cố gắng sống đạo đức ăn chay hãm mình, chồng con còn cần tôi, tại sao Chúa lại bắt tôi đau khổ cả đời như vậy?” Người chồng liền nắm tay vợ an ủi: “Em đừng nói như thế, chắc chắn Chúa có lý do của Ngài mà ta không thể hiểu được. Em phải tin rằng nếu Chúa muốn em khỏi bệnh, Ngài sẽ có đủ quyền uy để thực hiện điều đó, bằng không thì bệnh tình của em đều nằm trong chương trình và mục đích của Chúa.
Chị Linh tin lời chồng để cảm thấy bình an trong tâm hồn và đủ sức mạnh để đương đầu với sự thật. Phải tin để thấy những tai hoạ xảy ra đều có mục đích vì tất cả đều nằm trong sự điều khiển của Thiên Chúa (một sợi tóc trên đầu rơi xuống Chúa còn biết, huống chi chị Linh uống thuốc bị biến chứng rụng tóc trọc lóc cả đầu?). Chị Linh không dám giận Chúa, nhưng chị vẫn cảm thấy có điều gì đó không công bằng. Nhân vô thập toàn, nhưng chị sống rất dàng hoàng, chăm chỉ, thành thật, tại sao là chị mà không phải là ‘con mẹ’ Sáu lắm mồm chuyên môn đặt điều nói xấu người khác? Chị cảm thấy cô đơn và sợ hãi, lại không giám cầu nguyện xin ơn được chữa lành vì nếu chị bị bệnh là do ý Chúa thì cầu nguyện hoá ra hoá ra lại làm trái ý Ngài?
Năm 1924, linh mục Thornton viết một cuốn sách với tựa đề là ‘Chiếc cầu trên dòng sông San Luis Rey’, tác giả kể lại câu chuyện tại ngôi làng nhỏ bên Peru, có năm người cùng một lúc đi trên chiếc cầu, chẳng may cầu bị sụp, cả năm người đều chết. Tác giả liền đi điều tra cuộc sống của năm người bị nạn, và Cha Thornton đã khám phá ra rằng trong số đó có hai người mới trở lại đạo, hai người là dân trộm cướp hoàn lương, một người là ông trùm trong xứ. Sau cùng Cha Thornton vội vàng kết luận: Có lễ đã tới lúc cả năm người ‘nên’ chết trong ơn lành Thiên Chúa?!
Hãy tưởng tượng rằng thay vì năm người, lại có hơn 1500 hành khách chết chìm trên chiếc tàu nổi tiếng Titanic năm xưa mới ra khơi lần đầu đã bị đắm. Chẳng lẽ tất cả đều đáng phải chết? Chẳng lẽ họ đang sống trong ơn nghĩa của Chúa?
Hơn bốn mươi năm sau, cha Thornton viết một cuốn sách khác: ‘Ngày thứ Tám’, trong truyện kể lại cuộc đời của một gia đình lương thiện bị nhiều rủi ro và bị tụi du đãng hiếp đáp mặc dù họ vô tội. Cuối truyện, thay vì như những kết cấu bình thường trong phim tàu, tụi du đãng phải bị đền tội, gia đình lương thiện sẽ được hưởng phúc, cha Thornton không viết như vậy, Ngài lại đưa ra hình ảnh của một bức tranh thêu. Khi nhìn phía trước, chúng ta thấy được một tác phẩm nghệ thuật vô cùng công phu và quí giá: Cảnh hoàng hôn trên quê hương, có sông nước, có son đò đẩy đưa, có ánh mặt trời tím đỏ, có cầu tre mấy nhịp, có khói bóng chiều lơ lửng, có cánh chim là đà. Từng đường kim mũi chỉ rất công phu và khéo léo. Nhưng khi quay lại mặt sau, chúng ta sẽ thấy một đống chỉ lộn xộn, tứ tung, màu sắc hỗn loạn, có sợi dài sợi ngắn, có chỗ thắt gút, có chỗ cắt bỏ, có sợi kéo thẳng đường này, có sợi đi cong đường khác. Và Linh mục Thornton đã đưa ra một lập luận như sau để giải thích lý do tại sao những người hiền lành lại gặp tai hoạ: Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi người một hướng đi thích hợp theo kiểu mẫu của một bức thêu toàn mỹ. Vì những đòi hỏi của bức hoạ, sẽ có một số ‘đời chỉ’phải bị xoắn lại, bị thắt nút hay bị cắt ngắn. Một số ‘đời chỉ’ khác được kéo thẳng hơn, nhưng vì nó cần thiết để hình thành một bức hoạ tuyệt hảo. Nếu nhìn mặt trái của cuộc đời, những đau khổ mà Thiên Chúa gởi đến cho con người có vẻ khó hiểu, vô lý và lung tung rối răm, nhưng nếu chúng ta nhìn vào mặt phải của bức thêu, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi vết cắt, mỗi nút thắt đau khổ đều góp phần tạo dựng nên một bức tranh đẹp.
Cách giải thích này thật sự rất hợp lý và rất cảm động. Tôi tin rằng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận đau khổ, vì sự đau khổ của họ tiềm ẩn những ý nghĩa cao trọng, họ hạnh diện được đóng góp công sức để tạo nên một bức tranh vô giá do chính bàn tay Thiên Chúa sáng tạo. Tuy nhiên, mấu chốt đề tài chưa chấm dứt ở đây.
Chúng ta đã từng nghe tranh luận gay gắt về câu: Cứu cánh, hay mục đích, biện minh cho phương tiện. Vì mục đích tối thượng, người ta sẵn sàng ném vào lò lửa chiến tranh biết bao thế hệ tuổi trẻ. Vì những tham vọng cuồng tín u mê, người ta sẵn sàng hy sinh tính mạng, không phải của chính họ, nhưng của rất nhiều thanh niên nhẹ dạ ngây thơ nối gót. Luân lý căn bản của Công giáo không thể chấp nhận lối lý luận ‘xử dụng những phương tiện xấu để đạt được một mục đích tốt’. Không thể vì sợ nạn nhân mãn mà người cương quyết đang tâm giết chết hàng triệu bào thai vô tội. Không thể vì muốn giữ giá trị thị trường mà người ta đem đổ xuống biển hàng triệu tấn thực phẩm mỗi năm trong khi tại các quốc gia nghèo đói, dân chúng thiếu ăn suy dinh dưỡng. Không thể vì muốn thanh toán những món nợ của tiểu bang mà thủ hiến Melbourne đã cho phép Casino tự do hoạt động để thu lại những khoản thuế khổng lồ, mặc cho bao nhiêu gia đình tán gia bại sản,mức độ tội ác liên quan đến cờ bạc gia tăng chóng mặt theo cấp số nhân. Không thể vì muốn làm hài lòng cung phi của mình mà một Hoàng Đế đã ra chiếu chỉ chém đầu quan đại thần, móc trái tim chín lỗ dâng lên Đắc Kỷ ho gà. Và như vậy, Thiên Chúa cũng không thể lợi dụng những đau khổ hoả ngục của kẻ khác để tạo lập thiên đàng.
Chị Linh tàn tật trên xe lăn đã chối bỏ đức tin của mình sau khi bệnh tình trở nặng. Chị thách thức gia đình, bạn bè và ngay cả các Thầy các Cha làm ơn giải thích tại sao chị lại bị đau khổ như vậy. Nếu có Thiên Chúa, thì chị ghét Ngài, hận Ngài và căm thù những kế hoạch tiền định của ngài dành cho chị. Hỏi bạn, chúng ta phải giải thích làm sao cho chị hiểu?
 
3. Phải chăng Thiên Chúa muốn dùng Đau Khổ để dạy bảo con người?
Một quan niệm khác: Đau khổ sẽ dạy cho chúng ta được nhiều bài học, sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn, Thiên Chúa cũng giống như cha mẹ, rất thương con nhưng thỉnh thaỏng vẫn phải sửa trị con mình bằng hình phạt vì lợi ích của riêng nó. Một người mẹ nhất định không cho con ăn kẹo trước khi đi ngủ vì sợ con hư răng là một bà mẹ tốt, có trách nhiệm. Một người cha quan tâm giáo dục con cái sẽ bắt nó ở nhà làm bài xong mới được đi chơi. Đứa trẻ lúc đó sẽ tức tối phàn nàn tại sao cha mẹ lại khắt khe với nó như vậy, bởi vì nó còn bé. Khi lớn lên, nó sẽ hiểu và biết ơn những kỹ luật áp đăth ngày xưa của cha mẹ.
Thiên Chúa cũng giống như cha mẹ, phải chăng Ngài bảo vệ chúng ta khi nguy hiểm gần kề, Ngài hạn chế ban tặng những ước muốn lòng tham không đáy của con người, Ngài sửa phạt chúng ta khi cần thiết và Ngài kiên nhẫn chịu đựng những sự tức giận của nhân loại oán trách Ngài bất công?
Nếu một người không có bất cứ kiến thức về y khoa, bước vào phòng giải phẩu của một nhà thương, có lẽ anh sẽ nghĩ rằng các bác sĩ và y tá đều là những kẻ sát nhân đang tra tấn, cắt xẻo, khâu vá, đâm thọc người bệnh. Chỉ có ai hiểu được phương pháp giải phẩu sẽ thấy rằng ‘lương y như từ mẫu’ đang tìm cách cứu sống bệnh nhân chứ không phải tran tấn họ. Phải chăng Thiên Chúa cũng dùng những dao kéo đau đớn của phòng giải phẫu cứu chúng ta?
Chị họ tôi, con bà bác, đứa con cưng đẹp gái nhất nhà, cũng vừa xấp xỉ hai mươi. Qua Mỹ được vài năm, ban ngày đi học ban đêm giúp nhà hàng cho ông anh. Vào một đêm tình cờ, hai thằng Mỹ đen xông vào nhà hàng cướp của. Chị chưa kịp phản ứng đã bị bắn ngay đầu, ngã xuống chết liền tại chỗ. Chẳng có lời an ủi nào xoa dịu được niềm đau của gia đình bác tôi. Hỏi rằng đau khổ trong trường hợp này, có dạy dỗ cho ai được điều gì không?
Bạn học trên lớp tôi xưa ở Trạm hành Đà Lạt, vượt biên sang Mỹ, anh rất hiền lành, tài năng đức độ. Một ngày nọ, trên đường về nhà, anh cho một thằng Mỹ đen quá giang, nó giết anh cướp xe bỏ chạy. Làm ơn mắc oán. Anh bạn tôi có muốn học cái gì từ đau khổ cũng đều quá trễ, vì anh đã chết thảm thương.
Tất cả những lời chia buồn, khuyên nhủ, an ủi, vỗ về thường chẳng giúp gì được cho gia đình nạn nhân. Bởi vì những lời lẽ đó hình như chỉ để bào chữa cho Thiên Chúa, biến tai hoạ thành may mắn, biến đau khổ thành một ‘vinh dự’. Dĩ nhiên những vết dao điêu luyện của một bác sĩ có thể cứu sống nạn nhân, nhưng không phải bất cứ vết dao nào chém xuống thân thể người khác đều chữa lành họ. Dĩ nhiên đôi khi chúng ta phải cương quyết cấm đoán hay ngăn con cái làm làm việc này hay việc khác vì ích lợi của chúng nó, nhưng khônmg pahỉ bất cứ cấm đoán, ngăn cản hay đau khổ nào cũng đều mang lại ích lợi cho con cái.
Tôi sẽ sẵn sàng tin theo lập luận ‘đau khổ dạy dỗ và giúp chúng ta trưởng thành’ nếu tôi hiểu được sự liên quan mật thiết giữa hình phạt và tội lỗi của tôi. Một người cha khi răn dạy con cái, bởi vì những lầm lỗi chúng đã làm, mà không bao giờ cắt nghĩa cho chúng biết tại sao chúng bị phạt, thì người cha đó đã đi ngượic lại phương pháp giáo dục. Vậy nếu giải thích rằng đau khổ là những bài học quí giá mà Thiên Chúa đã dùng để dạy bảo những đứa con hư, tại sao Ngài không cho biết những lý do chính đáng trước khi xử dụng hình phạt? Tại sao Ngài cứ im lặng?
Vài năm trước đây tại Úc, vì sự lơ là của cha mẹ, đã có mấy em nhỏ chạy đuổi nhau bên cạnh hồ bơi lỡ trượt chân ngã xuống hồ chết đuối. Tại sao Chúa lại để cho những em bé vô tội chết oan? Chẳng dạy cho các em được bài học nào cả, vì chưa dạy thì các em đã chết. Hay là Chúa muốn dạy cho cha mẹ và những người coi sóc lần sau phải cẩn thận hơn? Bài học quá đắt giá! Phải chăng Chúa muốn cha mẹ trở nên những người ngoan đạo, tốt lành, biết thương người, biết quí trọng đời sống, biết xả thân tranh đấu cho luật lệ làm hàng rào quanh hồ bơi để đề phòng cho hàng trăm em bé trong tương lai? Nói sao đi nữa, giá phải trả đều quá đắt cho cái chết của các em. Và không lẽ Thiên Chúa lại cố ý tạo dựng các em bé tật nguyền, để chúng ta khi nhìn vào sẽ biết yêu thương, biết tội nghiệp các em, đồng thời cũng cảm thấy mình may mắn mà tạ ơn Thiên Chúa? Tôi không tin Thiên Chúa nhân từ có thể dùng những bất hạnh của một vài người như những con cờ thí để dạy bảo kẻ khác.
 
4. Đau Khổ để thử thách?
Nếu  nhiều cha mẹ có những đứa con tật nguyền thường được khuyến khích đọc Kinh Thánh, chương 22 sách Khởi Nguyên, để hiểu và chấp nhận gánh nặng ‘Chúa ban’. Câu truyện như sau: Chúa ra lệnh cho tổ phụ Abraham đem con đầu lòng yêu dấu là Isaac lên núi hiến tế làm lễ vật hy sinh cho ngài để tỏ lòng trung tín. Khi Abraham vượt qua được thử thách này, Chúa đã hứa ban cho ông con cái đông đúc như sao trên trời như cát dưới biển.
Giáo dân Việt Nam ngoan đạo thường tin tưởng rằng: Đau khổ là thử thách của Chúa, bởi vậy bảo đảm Chúa sẽ không trao cho ai một gánh nặng quá sức chịu đựng của họ. Tôi nhớ đến câu truyện đau lòng này: Người mẹ có đứa con vừa chết trong một cuộc giải phẫu không thành công, cô y tá liền kéo bà sang một bên khuyên nhủ: “Tôi biết chị rất đau khổ, nhưng tôi cũng biết rằng chị sẽ vượt qua được mất mát lớn lao này, vì Thiên Chúa gởi tới những thánh giá nặng nề như vậy cho những người đủ sức mạnh chịu đựng mà thôi!” Bà mẹ tội nghiệp, tay gạt nước mắt trả lời: “Thưa chị, nếu chị nói vậy thì giá tôi là một người đàn bà yếu đuối hơn, chắc con tôi vẫn còn sống?” Không ai phủ nhận lòng tốt của cô y tá muốn an ủi người mẹ đau khổ, rất tiếc, lời xoa dịu của cô trong trường hợp này, đã phản tác dụng.
Dĩ nhiên có một số người, nhờ trải qua những kinh nghiệm khổ đau, đã trở nên vững mạnh hơn, nhưng tôi cúng thấy nhiều gia đình tan vỡ sau cái chết của một người co, vì cha mẹ đổ lỗi cho nhau trong vấn đề chăm sóc lơ là, những người khác bị tai nạn tàn tật chân tay, đã ganh ghét với mọi người chung quanh và tính tình biến đổi khó chịu bất thường. Tôi đã thấy những vụ quên sinh tự tử vì không chịu nổi sự đau đớ triền miên trên giường bện ung thư. Nếu Chúa dùng đau khổ để thử thách nhân loại, nếu Ngài chỉ trao gánh nặng cho những người giỏi chịu đựng, có lẽ Ngài cũng nên biết là rất nhiều người đã không vượt qua được những thử thách đó. Họ thất bại đầu hàng, và tuyệt vọng.
 
5. Đau Khổ là công nghiệp?
Khi tất cả mọi lập luận không đứng vững, người ta chỉ còn cách bám vào lý thuyết sau cùng: Đau khổ đời này sẽ là công nghiệp đời sau. Đau khổ sẽ giải thoát chúng ta khỏi những vướng mắc hệ luỵ trần gian và sẽ dẫn đưa chúng ta tới một thế giới không còn khổ đau: Thiên Đàng.
Trước khi tạo dựng một con cá với đuôi và vảy, Thiên Chúa đã tạo dựng một đại dương cho nó bơi lội. Trước khi tạo nên một con chim với đôi cánh, Ngài đã tạo nên một bầu trời cho nó tha hồ bay nhảy. Bởi vậy, trước khi tạo nên một tâm hồn khao khát chân lý và sự bình an, Thiên Chúa chắc chắn phải tạo lập nước trời để con người có thể tận hưởng hạnh phúc toàn thiện trên thiên đàng.
Chúng ta, những người Kitô hữu, đều tin ở Thiên Đàng. Nếu không có đời sau, giữ đạo đời này vô ích. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, toàn bộ lý thuyết giảng dạy của Ngài chỉ như một chủ nghĩa nhân bản không hơn không kém. Tuy nhiên, lập luận kết hợp ‘Đau khổ với Thiên đàng’ cũng cần phải được cẩn thận suy xét.
Một em bé năm tuổi chạy ra đường đuổi theo trái banh, em bị xe cán chết. Trong thánh lễ cầu nguyện cho em, vị linh mục mới chịu chức đã giảng thuyết hùng hồn như sau: Đây không phải là lúc chúng ta khóc lóc buồn rầu, nhưng chúng ta cần mừmg rỡ hân hoan vì em đã được Chúa mời gọi ra khỏi trần gian của tội lỗi và đau khổ, với một tâm hồn trong trắng không vướng mắc bận nhơ. Bây giờ em đang sống trong hạnh phúc thiên đàng. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì lời mời gọi đó.
Tôi hiểu ý linh mục, chính tôi đã nhiều lúc dùng lý thuyết hạnh phúc thiên đàng để khuyên nhủ mọi người cho vơi bớt khổ đau trần thế. Công tâm mà nói thì lời giảng khá đúng bài bản giáo lý. Tuy vậy, trong trường hợp này, tôi cảm thông vô cùng với cha mẹ của em bé. Ba tôi, anh tôi, chịo tôi, em tôi và cháu tôi đã chết, tôi hiểu được cái hoảng hốt như điện giật, cái choáng váng như búa bổ vào đầu, cái đau thắt ruột thắt gan như hàng ngàn mũi kim châm vào người khi tôi nhận được những tin buồn của người thân. Cha mẹ vừa mất đứa con đầu lòng duy nhất, dù đức tin của họ thần thánh đến cỡ nào chăng nữa, họ cũng không thể vui mừng nổi. Cảm xúc tuôn trào như nham thạch núi lửa, họ đau khổ, họ giận dữ, họ oán trách Chúa đã đối xử bất công, họ kêu gào than thở, họ căn răng chịu đựng, họ đủ bình tĩnh tới nhà thờ, lê từng bước chân ra nghĩa trang chôn con đã phải kể là can đảm lắm rồi! Xin đừng bắt họ vui mừng vì con tôi đã mất nhưng chẳng tìm thấy, đã chết nhưng chưa biết bao giờ sống lại.
Có những tai hoạ ùa tới khủng khiếp đến độ chúng ta đành phải giả vờ tự nhủ rằng ‘sau cơn mưa trời lại sáng’, thời gian là liều thuốc quên đau khổ, đau khổ đời này làm sao xứng được với hạnh phúc đời sau? Trần gian là tạm bợ, thiên đàng mới vĩnh cửu, rồi chúng ta sẽ được đoàn tụ với mọi người thân yêu trê nước trời?
Nhờ tin tưởng rằng những người vô tội gặp đau khổ sẽ được đền bù xứng đáng ở đời sau, chúng ta mới chấp nhận được thực tại bất công và vô lý của đời sống hiện giờ. Tuy nhiên quan điểm kể trên có một khiếm khuyết nguy hiểm: Nó coi nhẹ cuộc đời, sống thụ động, chịu đựng hy sinh để chờ được hưởng phúc thiên đàng. Thân xác yếu đuối chỉ là cái vỏ bề ngoài sẽ bị tiêu tan như bụi đất, linh hồn mới quan trọng. Bởi vậy, tranh đấu làm chi? Vươn lên làm gì? Cuộc đời chóng qua, hãy cứ để cho những thằng ngu si múa gậy vườn hoang, kiếm danh kiếm lợi, lọc lừa gian trá, ức hiếp dân lành, rồi có lúc tụi nó sẽ sáng mắt. Hãy cứ sẵn sàng chịu đau khổ càng được nhiều công ích. Tôi nhớ tới những phương pháp đánh tội thế kỷ thứ 9 thứ 10; tôi nhớ tới những quốc gia tương tàn máu đổ vì chiến tranh; tôi nhớ tới những em bé ngấu nghiến bú ngực mẹ tìm sữa mà chẳng được giọt nào vì bà mẹ đã mấy ngày nhịn đói; tôi nhớ tới những mái tranh nghèo dột nát quê tôi, nguyên một gia đình ôm nhau tìm hơi ấm giữa cơn mưa xối xả thánh sáu, bên này người ta có lò sưởi, có sữa nóng, có chăn êm nệm ấm ê hề thừa thãi. Khoảng cách chênh lệch giữa các quốc gia giàu nghèo, giữa kẻ thống trị và đám nô lệ, giữa người nắm trọn quyền sinh sát và đa số nhẫn nhịn thầm lặng là hậu quả bi thương của quan niệm sống thụ động, cam phận chấp nhận thực tại, dù là một thực tại bất công.
Thần học sau Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: Nhiệm vụ của mọi tín hữu Kitô là phải cùng nhau xây dựng hình ảnh thiên đàng ngay ở trần gian. Thế giới và Giáo hội là một. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô không ngừng đưa ra những hiến chế, những bức thông điệp luân lưu kêu gọi mọi người hãy hoạt động cho Hoà Bình, Công Bằng, Bác Ái, Luân Lý, Đạo Đức, Nhân Quyền, Tự Do. Chúng ta không thụ động ngồi đó để chờ tới ngày hưởng phúc đời sau nữa, không ai được quyền lên thiên đàng một mình. Phải bắt tay kiến tạo hạnh phúc ngay ở đời này. Chúng ta cũng không đem tiền bạc phủ thê thừa mứa làm của lễ để mua chuộc nước Thiên đàng trong khi lại ích kỷ lạnh lùng trước những đói khổ của anh em đồng loại.
 
6. Phải chăng Thiên Chúa là nguyên nhân của đau khổ?
Lập luận nối kết giữa ‘Đau khổ và Thiên đàng’, hay nhưng lập luận khác, vẫn thường được chúng ta sử dụng để xao dịu những mất mát khổ đau bất hạnh trong cuộc đời. Những lập luận vẫn còn giá trị khi giúp chúng ta nguôi ngoai được nỗi buồn, chịu đựng được hoàn cảnh,chấp nhận giớ hạn yếu đuối của con người, vác thập giá theo Chúa và sẵn sàng phó thác mọi sự trong tay Ngài. Tuy vậy, nếu nhìn xa hơn, nó có vẻ khá nguy hiểm vì cung giống nhau ở một điểm: Tất cả đều cho rằng Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi khổ đau, Ngài muốn chúng ta chịu đau khổ để răn dạy, thưởng phạt hay thử thách nhân loại. Chúng ta đã xét nghiệm từng lập luận và đều thấy rằng không có lập luận nào đứng vững được nếu chúng ta tin ở lòng Chúa nhân từ, thương yêu con cái Ngài. Tại sao bây giờ chúng takhông thử đưa ra một lập luận khác, đối nghịch hẳn với với những quan niệm trên? Có lẽ Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của những đau khổ mà chúng ta đang gánh chịu? Có lẽ Ngài cũng không hề gởi tai hoạ tới cho những kẻ hiền lành? Ngài không sắp đặt cho đôi vợ chồng này sinh con tàn tật? Ngài cũng không muốn thấy em bé kia chết chìm, anh chị nọ bị giết? Biết đâu Ngài đang sẵn sàng đứng bên cạnh những kẻ khổ đau để nâng đỡ ủi an và ban thêm sức mạnh cho họ chịu đựng được những nghịch cảnh bỗng nhiên xảy ra? Chúng ta sẽ bàn luận kỹ lưỡng những giả thuyết này ở những chương sau, nhưng nếu giả thuyết tôi vừa đặt ra khả dĩ chấp nhận được, thì câu hỏi tại sao Chúa lại gởi tới tai hoạ đến cho những người hiền lành ‘không còn thích hợp nữa. Chúng ta hãy lại trở về với tiếng kêu bi thương: ‘Lạy Chúa! Tại sao Ngài im Lặng?’.
 

CHƯƠNG HAI: Câu truyện ông Gióp:

Thiên Chúa không thể làm được tất cả mọi sự?
 
Kinh thánh Cựu Ước có kể lại một câu truyện rất hay, đại ý như sau: Vào một ngày nọ, Satan xuất hiện trước mặt Thiên Chúa để mách bảo với Ngài về những tội lỗi mà con người đang mắc phạm dưới trần gian. Chúa liền hỏi ma qủy: “Ngươi có lưu ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên trái đất này liêm khiết, chính trực, kính sợ Ta và xa lánh tội lỗi như nó”. Ma quỷ liền trả lời: “Dĩ nhiên là hắn vâng lời và tuân phục Ông, vì Ông đã che chở và ban phát cho hắn đầy đủ mọi thứ: Nhà cửa, súc vật, ruộng nương, vợ đẹp con khôn. Thử lấy đi hết những gì hắn đang thụ hưởng, xem hắn có nguyền rủa Ông hay không?”
Chúa chấp nhận sự thách thức của ma quỷ. Bỗng nhiên lửa từ trời xuống phá huỷ nhà cửa ruộng nương và giết hết con cái của Gióp. Chính Gióp cũng bị phỏng đầy mình vô cùng đau đớn. Vợ ông xúi giục chồng chửi rủa Thiên Chúa, dù lỡ có bị Ngài phạt chết cũng cam lòng hả giận. Ba người bạn đến an ủi ông lúc đầu, rồi sau lại khuyên ông nên ‘nghỉ chơi’ với Chúa. Nhưng không có gì lay chuyển nổi lòng tin sắt đá chân tình của ông đối với Thiên Chúa. Cuối cùng, Chúa xuất hiện, khiển trách những người bạn ‘cà chớn’, và ân thưởng cho Gióp gấp đôi những gì ông đã mất. Bài học luân lý của câu truyện có vẻ khá đơn giản: Đừng mù quáng chối bỏ đức tin khi gặp hoạn nạn. Thiên Chúa có lý do riêng trong viẹc Ngài làm, nếu chúng ta kiên tâm nhẫn nại, Ngài sẽ đền bù gấp trăm ngàn lần những thiệt hại đau khổ của chúng ta.
Câu truyện, tưởng chừng như, lại rơi vào cái lập luận căn bản ‘Thiên Chúa gởi đau khổ đến để thử thách lòng tin con người’. Quan điểm này, không thể đứng vững được vì Thiên Chúa không thể giết những trẻ em vô tội, phá nhà phá cửa để chỉ chứng minh rằng ông Gióp trung thành và để thắng cả ma quỷ. Câu truyện tiếp diễn: Ba người bạn cùng sử dụng những luận điệu bênh vực cho Thiên Chúa, nào là Chúa quan phòng mọi sự, nào là chúng ta không được quyền xét đoán việc Ngài làm, nào là tại vì Gióp phạm tội nên ông phải sẵn sàng chịu đựng những hình phạt của Chúa … Gióp cay đắng cãi lại. Bởi vậy ông đã giám thách thức Chúa xuất hiện để trưng dẫn bằng cớ tội lỗi của ông, nếu không có thì Chúa phải chấp nhận là ông đã bị Ngài đối xử rất bất công.
Câu truyện ông Gióp đưa ra ba giả thuyết căn bản liên quan mật thiết với nhau: Giả thuyết thứ nhất, nếu Chúa toàn năng toàn thiện và công bình, thì bởi vì ông Gióp phạm tội, nên ông phải lãnh nhận hậu quả hình phạt. Giả thuyết thứ hai, nếu ông Gióp là người hiền lương đạo đức, thì phạt ông là Chúa bất công. Giả thuyết thứ ba, nếu Chúa không thể ngăn cản được đau khổ và tai hoạ đã xảy ra cho tôi tớ trung tín của Ngài, thì có lẽ Ngài không đủ uy quyền như chúng ta thường nghĩ.
Giả thuyết thứ nhất và thứ hai đều không chính xác theo tinh thần câu truyện, vì ông Gióp không phạm tội và Thiên Chúa không thể bất công. Chỉ còn lại giả thuyết thứ ba: Thiên Chúa không thể làm hết tất cả mọi sự. Giả thuyết này, thoạt nghe, rất nhiều người sẽ ồn ào phản đối và bác bỏ. Phúc Âm đã nói rõ: ‘Không có chuyện gì mà Thiên Chúa không làm được’. Tôi đồng ý hoàn toàn, nếu không, tại sao chúng ta lại phải tin ở một Thượng Đế còn khuyết điểm? Tuy nhiên, tôi sẽ chứng minh những đoạn sau cho bạn hiểu rằng: Có những chuyện Thiên Chúa không thể làm được, không phải bởi vì Ngài không đủ quyền năng, nhưng vì Ngài đã trao quyền năng đó cho con người và cho định luật tự nhiên. Chính vì thế Ngài không thể ‘xía’ vô quyền hành và tự do của con người, nếu Ngài can thiệp vào, thì đó không còn tự do thật sự nữa.
Nếu chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết thứ ba, chúng ta sẽ cất khỏi tâm hồn mình một gánh nặng to lớn: Thiên Chúa không dùng đau khổ để sửa phạt hay thử thách nhân loại. Ngài cũng không gởi những nghịch cảnh ngặt nghèo đến những người vô tội hiền lành. Ngài không phải là nguyên nhân của những ‘thánh giá’ tai họa mà con người đang chịu đựng.
Thế kỷ thứ 20 sắp qua, nhân loại không thể tiếp tục tin tưởng vào hình ảnh của một Thiên Chúa quyền uy khắt nghiệt như quan toà xét đoán tội lỗi và quyết định hình phạt. Họ chỉ tin vào một Thiên Chúa yêu thương, nhân từ, hơn cả cha mẹ trần thế. Một Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm con vào lòng ủi an vỗ về khi con bay nhảy ngoài cuộc đời gặp nhiều rủi ro lỡ chân vấp ngã. Câu hỏi của chúng ta bây giờ không phải là: Lạy Chúa, tại sao Ngài bắt con đau khổ nhiều quá?’ nhưng chính là: ‘Lạy Chúa! Ngài biết những đau khổ con đang phải gánh chịu, xin Ngài giúp con!. Chúng ta có quyền chạy tới cầu xin sự trở giúp của Ngài, không phải để bị xét đoán, không phải để được thưởng công hay bị sửa phạt, nhưng để được bổ sức và an ủi.
 

CHƯƠNG BA: Nguồn gốc đau khổ 

1. Đau khổ tự nhiên xuất hiện?
Một phụ nữ, sau khi nghe giảng, đã tới hỏi tôi: “Thưa Cha, nếu Thiên Chúa không gởi đau khổ đến cho con người, vậy thì, đau khổ ở đâu ra?” Theo phản ứng nhất thời, tôi định trả lời: “Tự nhiên nó xuất hiện”.
Tôi nhớ tới thằng cháu ngây thơ cụ của tôi: Lúc còn bé, nó rất tinh nghịch, chuyên môn phá phách đồ đạc trong nhà, nếu lỡ tay đánh đổ bình hoa, xé rách một quyển sách, khi bị tra hỏi, câu trả lời của nó rất đơn giản: “Con đâu có biết, tự nhiên nó như vậy mà!” Một hôm thằng bé leo cây hái xoài, em tôi bắt gặp hoảng hốt la lên: “Ti!Ai cho con trèo cây, té bây giờ, xuống ngay! Khốn nạn con cái nhà làm sao con leo được hỡ! Thằng Ti tỉnh bơ trả lời: “Con đâu có biết tự nhiên con ở trên cây mà!”
Câu tra vấn thông dụng nhất mà chúng ta thường được nghe ‘không có lửa làm sao có khói’ chứng tỏ rằng bất cứ chuyện gì xảy ra trên đời này cũng đều phải có nguyên nhân. Chúng ta khó lòng tin được chuyện ‘tự nhiên’ của thằng bé cháu tôi. Khi không thể cắt nghĩa được sự phát sinh của đau khổ trên trần gian, rất nhiều người đã quy trách nhiệm cho Thiên Chúa.
Cứ giả sử rằng con người với trí thông minh đã có thể giải thích được chín mươi phần trăm những biến chuyển xảy ra trên mặt đất, thì ít nhất cũng cũng còn khoảng mười phần trăm những sự kiện huyền bí mà khoa học cũng đành bó tay. Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đòi hỏi tất cả mọi chuyện đều phải hợp lý? Tại sao chúng ta không thể để cho vũ trụ có những chuyện ‘tự nhiên’ khi trí hiểu của con người vẫn còn nhiều giưói hạn?
Cách đây vài năm, tại Melbourme, vùng Clifton Hill, một người bất bình thường tự nhiên xách súng ra đường bắn loạn xạ, ba bốn người chết, vài người khác bị thương. Hãy thử suy luận xem tại sao kẻ sát nhân lại hành động như vậy: Có thể anh là một cựu chiến binh, bị ám ảnh bởi quá khứ, có thể anh bị ruồng rẫy bỏ rơi, bị say sưa, tuyệt vọng, bị khủng hoảng thần kinh?...
Đương không cầm súng ra đường bắn chết những người vô tội là một hành động phi lý. Tuy vậy, nếu chúng ta tìm tòi điều tra quá khứ của kẻ sát nhân, có thể chúng ta sẽ khám phá ra nguyên nhân và động lực đã thúc đẩy anh ra tay. Nhưng điều không thể giải thích được là tại sao bà Smith lại đi bộ ngang qua tầm đạn đúng lúc đó để bị vắn trọng thương, trong khi bà Ann tự nhiên tạt vô quán mua nước uống thoát chết? Tại  sao ông Peter, thường lúc đi làm về sẽ chạy hướng South Eastern, tự nhiên nổi hứng đổi đường định mệnh để bị bắn gục trên xe, còn ông Green, người chưa bao giờ uống hai ly cafê cùng một lúc, bỗng đổi ý uống thêm ly thứ hai trong quán thoát nạn?
Người Việt Nam sẽ trả lời rất vắn gọn: Bà Smith và ông Peter đã tới số, còn ông Green và bà Ann thì chưa. Tính mạng của hàng chục con người được đặt trong tay của số mệnh quyết định dùm. Đem số mệnh để giải thích có nghĩa là thú nhận rằng chúng ta không thể hiểu được số mệnh là gì, tại sao và khi nào chúng ta sẽ tới số? Tự nhiên nó tới, chúng ta đành phải chấp nhận. Thằng cháu’tự nhiên’ của tôi – như vậy – cũng có lý.
 
2. Thiên Chúa quan phòng?
Rất nhiều người tin tuyệt đối ở việc Chúa quan phòng mọi sự. Tôi đã tới thăm một phụ nữ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Xe của bà nát tan khi bị xe của một tên say rượu vượt đèn đỏ tông vào, vậy mà bà chỉ bị trầy da chút xíu. Gặp tôi bà nói: “Bây giờ thì con tin có Chúa thật sự, con không chết là nhờ sự che chở của Ngài.” Tôi mỉm cười yên lặng, nhưng đầu thì lại nhớ tới em tôi, nhớ tới một đám ma tôi đã cử hành vài tuần trước, một người chồng trẻ cũng bị đụng xe do một tên say rượu lái, chết tại chỗ. Tôi bỗng nhớ tới cô bé tám tuổi tên Samatha, bị xe Bus kéo lết đi hằng năm chục thước vừa qua đời trong nhà thương. Người phụ nữ ‘cao số’ này có thể tin là Chúa chưa muốn bà ta chết, tôi không tranh luận làm gì! Nhưng tôi khó lòng chấp nhận rằng Chúa muốn em tôi, muốn người chồng, muốn cô bé Samaiha chết thảm thương. Tại sao Chúa lại có thể cho người này sống bắt người kia chết tỉnh bơ như thế? Con người đâu có phải là những hình mộm mà Chúa muốn nắn, muốn bẻ muốn vứt bỏ lúc nào cũng được?
 
3. Những bất ngời tình cờ xảy ra, không rõ nguyên nhân
Chuyến gay định mệnh South Korean khoảng 10 năm trước, thiếu một hành khách vì trên đường tới phi trường, xe ông ta bị nổ lốp. Chính ông đã tức dẫn khi nhìn máy bay cất cách lên cao, nổ tung, và không bao giờ đáp xuống. Tất cả đều chết, ngoại trừ người hành khách trễ chuyến. Có phải ý Chúa muốn ông sống để cho hơn hai trăm hành khách uổng mạng hay không?
Những người lính đang chiến đấu trong trận địa không thể để tâm trí bị xáo trộn bởi những ý tưởng dành cho kẻ thù, chẳng hạn như đối phương cũng là những con người trẻ, dễ thương, có gia đình đầm ấm, có tương lai rực rỡ đang chờ đón họ trở về. Họ hiểu rằng súng đạn vô tình không có lương tâm, không biết tránh người này, né người kia. Chính sách của quân đội cũng không thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đặc biệt che chở cho những đứa con trai duy nhất của một gia đình. Bởi vậy, quân đội không gởi con một ra chiến tuyến, vì họ biết chắc chắn những bất trác không thể ngờ vẫn thường xảy ra hằng ngày.
Chúng ta hãy thử đặt lại câu hỏi: Bạn có tin rằng rất nhiều chuyện lành, chuyện dữ tự nhiên xảy ra trong đời sống mà bạn không thẻ hiểu được nguyên nhân tại sao hay không?
Như một sử gia không sáng tạo sự thật, nhưng ông đã sắp xếp sự thật trong một thứ tự cần thiết để theo dõi tiến trình của lịch sử, Kinh Thánh kể lại: Tự thuở đời đời, Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất. Mặt đất lúc đó trống không, hỗn độn và bóng tối phủ vây. Thiên Chúa liền tạo lập trật tự, Ngày phân định giữa ánh sáng và bóng tối, giữa bầu trời và trái đất. Công trình sáng tạo của Ngài trước hết là thiết lập trật tự cho những hỗn độn của vũ trụ. Sau khi tất cả đã vào khuôn phép, Ngài liền dựng nên chim trời cá biển, thảo vật động vật các loài và con người cho đến hết ngày thứ sáu. Ngày thứ bảy ngài nghỉ ngơi.
Chúng ta thừa biết rằng lời tường thuật “Thiên Chúa đã tạo nên trời đất trong sáu ngày” chỉ là một biểu tượng căn bản của sách Khởi Nguyên. Vì thế, chúng ta không nên chỉ hiểu theo nghĩa đen. Khoa học hiện thời đã minh xác rằng trái đất đã cần tới – không phải sáu ngày theo cách tính thời gian 24 tiếng hiện tại – nhưng là hàng tỷ năm mới vào được khuôn khổ như bây giờ. Giả sử như một ngày của Thiên Chúa dài cả bằng tỷ năm của con người, nên ngày thứ sáu chưa qua? Nên công trình sáng tạo của Ngài chưa thật sự hoàn tất? Giả sử như chúng ta đang sống trong hoàng hôn của ngày thứ sáu? Giả sử như trái đất vẫn còn cần thời gian để trật tự được hoàn chỉnh và bây giờ cuối thế kỷ 20, vẫn còn một ít hỗn độn đang dần dần đi vào nề nếp?
Những biến chuyển trong vũ trụ - hàng tỷ tỷ hành tinh - thường sẽ theo sát định luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã sáng tạo, tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có những sự kiện xuất hiện – không đối nghịch với định luật tự nhiên – nhưng thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nó: Những trận động đất kinh hồn, những cơn giông bão cuồng phong, những trận lũ lụt ngập nhà cửa, tất cả đều là những hỗn độn đang khép dần trong ngăn nắp, có thể đoán trước và đề phòng để tránh bớt thiệt hại, nhưng không thể ngăn cản. Tự nhiên nó tới mà hình như chỉ có chính nó mới hiểu nguyên nhân tại sao. Có thể trong tương lai, khi khoa học phát triển, con người sẽ tìm ra được những cách thế để vượt thắng và kiểm soát thiên nhiên. Lúc bấy giờ, những ‘tự nhiên’ thảm khốc sẽ bị đẩy lùi lùi dần dần. Hiện thời thì chưa, và chúng ta vẫn đành phải bất lực khoanh tay chịu đựng.
Những thiên tai bất ngờ này – không phải do Thiên Chúa – đã tạo nên nhiều nghịch cảnh cho con người: Mất nhà, mất cửa, chết chóc nghèo hèn đói khổ. Có lẽ Thiên Chúa cũng cảm thông và đau buồn khi con cái Ngài phải chịu đựng những tai hoạ tự nhiên, tình cờ xảy đến trong cuộc đời.
 

 

CHƯƠNG NĂM: Sinh, Lão, Bệnh, Tử

  
CÒN NỮA...
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn