1
06:12 +07 Thứ bảy, 20/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 54

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 52


Hôm nayHôm nay : 3687

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 207223

Tổng cộngTổng cộng : 27761507

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TÀI LIỆU & VĂN KIỆN

Kiến giải về Tình Yêu và Lòng Thương Xót Kitô giáo dưới góc độ Ngã Vị

Thứ sáu - 18/12/2015 10:54-Đã xem: 2955
Có vẻ như hai thứ “lòng thương xót” và “sự thanh thản” chỉ là một loại tình cảm, hoặc một thái độ luân lý, một chi tiết nhỏ so với những vấn đề căn bản của tín lý. Tuy nhiên, nếu theo nguyên tắc của Đức Giêsu: xem quả biết cây, việc so sánh nói trên có thể giúp chúng ta khám phá nét tinh tế của sứ điệp mặc khải Do Thái - Kitô giáo, một sứ điệp làm nổi bật ngã vị của cá nhân mỗi con người.
Kiến giải về Tình Yêu và Lòng Thương Xót Kitô giáo dưới góc độ Ngã Vị

Kiến giải về Tình Yêu và Lòng Thương Xót Kitô giáo dưới góc độ Ngã Vị

VÀI DỮ KIỆN TRIẾT HỌC

LIÊN QUAN ĐẾN KHÁI NIỆM MISERICORDIA

HAY

KIẾN GIẢI VỀ TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT KITÔ GIÁO

DƯỚI GÓC ĐỘ NGÃ VỊ

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.

Bài thuyết trình tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh, ngày 14/11/2015

DẪN NHẬP

Khái niệm misericordia, nhất là khi dùng khái niệm ấy cho Thiên Chúa, có lẽ là nét đặc trưng của Sách Thánh Do Thái - Kitô giáo, và phần nào trong kinh Coran của Hồi giáo. Trong các tôn giáo và văn hóa khác, người ta có thể tìm thấy nhiều khái niệm gần gũi như: tấm lòng, từ bi, tình yêu, cảm thông, bao dung,... Nét có vẻ tương tự của nhiều khái niệm ấy có thể làm chúng ta dễ dàng đi quá mau đến ý nghĩa thống nhất của những giá trị siêu hình gắn liền với bản chất người. Sự thống nhất ấy có thực, nhưng cũng không phải vì thế mà người ta bỏ qua những nét riêng biệt của mỗi nền văn hóa-tôn giáo; và đối với chúng ta, thì không được vì thế mà đánh mất nét đặc trưng, xuyên suốt của sứ điệp mặc khải.

Có lẽ chúng ta có thể tiếp cận khái niệm lòng thường xót bằng cách:

1/. So sánh khái niệm “lòng thương xót” với một lý tưởng sâu xa trong văn hóa Hy Lạp, khái niệm ataraxia. Nếu như, trong truyền thống Thần học Kitô giáo, lòng thương xót là một phẩm tính cao cả nhất của Thiên Chúa,[1] thì sự thanh thản là nét căn bản nhất của Thượng Đế, và của Triết gia trong văn hóa - tôn giáo Hy Lạp. Từ đó, ta có thể thấy nét đặc trưng của lòng thương xót trong Sách Thánh có khả năng làm nổi bật tính ngã vị.

2/. So sánh khái niệm “lòng thương xót” trong truyền thống Sách Thánh với “lòng từ tâm” (pitié) trong tư tưởng Triết học của Triết gia Đức A. Schopenhauer, một Triết gia chịu ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ và là người được coi như “Triết gia thực sự của thời hiện đại về lòng cảm thông”.[2] Nhưng đây lại là một phản ứng trong dòng sức sống của chính Kitô giáo, và chúng ta cũng đọc thấy một sự đe dọa của vũ trụ luận trên ngã vị.

I. KHÁC BIỆT TỰ CỘI NGUỒN

Có vẻ như hai thứ “lòng thương xót” và “sự thanh thản” chỉ là một loại tình cảm, hoặc một thái độ luân lý, một chi tiết nhỏ so với những vấn đề căn bản của tín lý. Tuy nhiên, nếu theo nguyên tắc của Đức Giêsu: xem quả biết cây, việc so sánh nói trên có thể giúp chúng ta khám phá nét tinh tế của sứ điệp mặc khải Do Thái - Kitô giáo, một sứ điệp làm nổi bật ngã vị của cá nhân mỗi con người.

1. Nền tảng văn hóa - tôn giáo[3] của ataraxia

Tự cội nguồn của nền văn hóa - tôn giáo Hy La và Kitô giáo, có lẽ có vài quan niệm liên quan đến vấn đề của chúng ta: quan niệm về thời gian, quan niệm về con người, quan niệm về Thượng Đế,...

- Trong các nền văn hóa tôn giáo ngoài Sách Thánh, thời gian đi theo vòng tròn. Thời gian không có khởi đầu và không có kết thúc, nhưng chỉ có những đại niên thật lớn, và vũ trụ sẽ lại trở về như lúc khởi đầu. Do đó, đặc tính tuần hoàn bao trùm tính lịch sử. Lịch sử cùng tất cả những sự kiện, biến cố, ngã vị,... không có tính tuyệt đối, nhưng bị tan loãng trong chu kỳ tuần hoàn của vòng thời gian. Người Hy Lạp không có được quan niệm sáng tạo từ hư vô như sách Sáng Thế.

Trong vòng tuần hoàn ấy, tinh thần và vật chất đều vĩnh cửu cùng với thời gian. Vật chất vốn mang bản chất hỗn độn, còn tinh thần là sự trật tự đều hòa. Tinh thần mang lại trật tự nào đó cho vật chất, chứ không phải tinh thần tạo ra vật chất (duy tâm) hoặc vật chất tạo ra tinh thần (duy vật). Phẩm tính tinh thần, biểu lộ trong nét trật tự, đều hòa trổi vượt hơn sự hỗn độn thất thường của vật chất.

- Con người là một thành phần của vũ trụ. Vũ trụ lớn hơn con người, cao quý hơn con người. Con người là tiểu vũ trụ (microcosmos) nên phải hòa với đại vũ trụ (macrocosmos). Trên nền tảng ấy, lý tưởng của cuộc sống con người đã hàm chứa giá trị ưu việt của một quy luật vũ trụ, quy luật bao trùm và vô ngã. Tính ngã vị không được đề cao nhưng là một sự khôn ngoan để biết quy luật và để hòa mình vào trật tự chung của vũ trụ.

- Đối với người Hy Lạp, Thượng Đế là Đấng hoàn toàn “hạnh phúc”. Hạnh phúc ấy hệ tại việc Ngài là nguyên lý của vũ trụ và muôn loài phải hướng về Ngài như mẫu mực; nhưng chính Ngài thì lại không cần quan tâm đến sự gì khác bên ngoài mình. Thượng Đế là nam châm hút sắt mà không biết mình hút. Từ cội nguồn của một quan niệm văn hóa tôn giáo khinh chê vật chất và thân xác, người Hy Lạp cho rằng thần tạo hóa (Démiurge), có trách nhiệm về vũ trụ này chỉ là một thứ thần thứ cấp. Chính Thượng Đế cao cả thì không hề dính dáng gì tới vũ trụ, đặc biệt là những thứ vụ trụ dính vào mặt đất và hay thay đổi. Ngược lại, thứ vũ trụ không dính vào đất, các tinh tú, lại biểu lộ một sự đều hòa, trật tự. Từ quan niệm ấy, người Hy lạp đã sớm đồng nhất Thượng Đế với những qui luật, những quy luật đều đặn của vũ trụ. Thượng Đế bày tỏ mình trong một vũ trụ trật tự, được điều hành theo những quy luật trật tự, nhất là trong các tinh tú. Vì thế, các tinh tú cũng được tôn trọng như là thần thánh. Triết gia Anaxagore (khoảng 500-428 TCN) đã bị kết án là vô luân vì chủ trương rằng mặt trời chỉ là một khối đá cháy đỏ. Ngược lại, Triết gia Socrate bị lên án vì ba tội, trong đó có tội du nhập thần mới, vì Socrate cho rằng ông có một vị thần hộ mệnh riêng, hướng dẫn và chỉ bảo cho ông trong những lúc khó khăn,…

- Từ những nền tảng văn hóa - tôn giáo ấy, người Hy lạp cũng không chấp nhận được các thần thánh hành xử theo ý muốn “trái chứng trở trời”. Trong lịch sử thần thoại của người Hy lạp, các thần già, thần Titans, như những “thổ địa”, hành xử theo kiểu “rừng nào cọp ấy”, dần dần bị thay thế bằng một “hệ thống trật tự” các thần trẻ mà đứng đầu là thần Zeus. Cũng thế, thay vì một thứ“siêu hình học” mang tính thần thánh mà con người phải lệ thuộc ý muốn ngẫu hứng của các ngài bằng việc cúng tế, người Hy lạp đã hình thành nên được một thứ “siêu hình học tự nhiên”. Thần thánh diễn tả ý muốn của mình qua quy luật và con người cũng tìm cách sống thuận theo thần thánh bằng cách sống đúng “quy luật tự nhiên”. Yếu tố logos thay thế cho ý muốn trái chứng trở trời của thần thánh; khát vọng tìm một sự hiểu biết mang tính khoa học (épisteme) là khát vọng lớn nhất, có khả năng biến những kiến thức mang tính thực hành của các dân tộc khác trở thành khoa học thực sự, khát vọng ấy không phải chỉ do tinh thần hiếu trí, mà còn là một thái độ mang tính tôn giáo, là con đường đạt được cứu cánh trở nên như thần thánh.

- Từ đây, thái độ của con người đứng trước thần thánh không còn là sự hên xui may rủi trôi nổi theo ý muốn của thần thánh, mà là một sự chắc tâm dựa trên khả năng của lý trí. Trước “hệ thống qui luật”, thế đứng của con người trở nên quan trọng hơn. Đây cũng là một “bừng tỉnh” về vị thế của con người. Cụ thể là các Triết gia trở thành mẫu người quan trọng nhất, rồi đến các vị lãnh đạo. Vị trí xã hội của giới tăng lữ bị hạ thấp, vì việc cúng tế chỉ là một cách an ủi, xuê xoa, dành cho những người bình dân, những người không có khả năng hiểu biết quy luật để sống đúng quy luật.

- Từ đó, ta thấy xã hội Hy Lạp cổ xưa có một số giá trị căn bản, theo đó, những khái niệm Thượng Đế, thiên nhiên, khôn ngoan, hạnh phúc, nhân đức, và thanh thản (ataraxia)… có ý nghĩa liên lập và thông hiệp chặt chẽ với nhau. Thượng Đế tỏ hiện trong các quy luật điều hoà của vũ trụ, người khôn ngoan là người biết sử dụng lý trí để hiểu được Thượng Đế và biết sống hoà hợp với thiên nhiên để nên giống với Ngài. Sống nhân đức hoặc sống giống với Thượng Đế, chính là biết tìm thấy hạnh phúc trong tình trạng thanh thản ataraxia.

2. Nền tảng “siêu hình” của Sách Thánh

Có thể nói 11 đoạn đầu Sách Sáng Thế là một thứ “siêu hình học” của toàn bộ Sách Thánh; trong đó, người ta thấy nhiều mạc khải rất “cách mạng” so với những quan điểm văn hóa tôn giáo khác.

- Câu đầu tiên trong Sách Sáng Thế là một khẳng định hoàn toàn mới: “Lúc khởi đầu,Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Quan niệm sáng tạo từ hư vô đã đưa vào thế giới một mô hình hoàn toàn mới. Thiên Chúa đã “cắt đứt” thời gian như một vòng tròn vô tận. “Biến cố” ấy không nằm trong vòng tuần hoàn của thời gian, không nằm trong diễn biến “tự nhiên”, tất yếu, theo đúng theo quy luật của vũ trụ. Tác động sáng tạo từ hư vô là một tác động của một ngã vị bên ngoài, bên trên vũ trụ; một ngã vị có lý trí và có tự do; đó là một ân ban. Tác động ấy khẳng định có một“thế giới” khác, “thế giới siêu nhiên”. Bản chất của vũ trụ này không còn thuần nhất là một vũ trụ“tự nhiên”, nhưng là sự đan bện giữa tự nhiên và siêu nhiên.

- Biến cố ấy cũng cho thấy, trong cuộc vận hành của vũ trụ, yếu tố ngã vị đi bước trước, ân ban trong tự do đi bước trước; và nhất là, trong cuộc vận hành của vũ trụ, ân ban có tính ngã vị sẽ chiến thắng “tính hư vô”. Việc sáng tạo từ hư vô được thể hiện trọn vẹn trong cuộc chiến thắng từng bước “tính hư vô” về ý nghĩa của vũ trụ. Cuộc vận hành của vũ trụ không còn là một vận hành vòng tròn, miên man, đều đặn, nhưng mang lấy một vận mạng hướng tới điểm thành toàn. Yếu tố lịch sử trở thành “môi trường” căn bản.

Con người không còn là “tiểu vũ trụ” phải thuận theo, phải hòa tan vào “đại vũ trụ” vô ngã; nhưng chính con người được sáng tạo nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, để đi vào cấp độ sống-với-Ai, sống với một Thiên Chúa ngã vị cũng như với tha nhân; và để lãnh trách nhiệm “thống trị mặt đất” (St 1,28). Môi trường lịch sử chính là nơi diễn ra một cuộc “cuộc chiến” gay go; trở nên như một “cuộc chơi” kỳ diệu, “cuộc phiêu lưu” đầy bất ngờ,...

Chỉ trên nền tảng siêu hình mới của sách Sáng Thế, chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn sự khác biệt căn bản giữa “bản chất” của Thiên Chúa, cũng như những “thái độ cư xử” của Ngài, so với hình ảnh Thượng Đế và tư cách của các vị ấy trong những nền văn hóa - tôn giáo khác.

- Kinh Thánh Do Thái Kitô giáo cho thấy một Thiên Chúa khác hẳn với hình ảnh Thượng Đế của người Hy Lạp. Thiên Chúa của Kinh Thánh không an vị, thanh thản trong thế giới hạnh phúc của Ngài, nhưng Ngài dính dáng vào thụ tạo, đặc biệt là con người. Thiên Chúa trong Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa “dấn thân”. Ngài “dính dáng” vào vận mạng của vũ trụ. Ngài như thể “liên lụy”vào vận mạng của con người.

Thiên Chúa dấn thân trong việc tự do sáng tạo nên vũ trụ. Rồi Ngài dấn thân khi hứa với Adong Evà về một ơn cứu độ (St 3,15); Ngài hứa với Noe, rồi đi vào một giao ước với Abraham (Xc. St 17). Tiến trình đó dẫn dần đến một giao ước chính thức, đúng nghĩa, giữa Thiên Chúa với Dân riêng trên núi Sinai (Xh 24).

- Qui chế giao ước là nét đặc trưng của “văn hóa - tôn giáo” Sách Thánh. Giao ước là mối tương quan đặt nền tảng trên giá trị của ngã vị. Trong giao ước, dù là giao ước cũ, ngã vị của Thiên Chúa làm bật lên ngã vị của con người. Giao ước là một đảm bảo cho phẩm giá của ngã vị. Vị thế con người là một phần “không thể thiếu” trong quy chế giao ước. Ngay trong sáng tạo, con người đã được vinh dự đón nhận phẩm giá “giống hình ảnh Thiên Chúa”, mà ý nghĩa sâu xa nhất là để “sống-với-Chúa”. Phẩm giá ấy được nâng cao khi con người trở thành “đối tác” với Thiên Chúa trong giao ước.

- Tuy nhiên, trong khi người Hy lạp tìm thấy vị thế quan trọng của con người với khả năng của lý trí, một lý trí biết khám phá quy luật của thần thánh, được hướng dẫn theo phạm trù đúng/sai, để biết “sống thế nào”; thì con người theo Sách Thánh lại tìm thấy vị trí cao quý của mình như một ngã vị, được mời gọi đi vào mối tương quan ngã vị; được hướng dẫn theo phạm trù căn bản là trung tín/bất trung, để hình thành nên một cách sống “sống với ai”.

3. Thái độ luân lý căn bản

- Thái độ ataraxia được đề cao đặc biệt như là một lý tưởng sống của những trường phái Triết học sau Aristote, nhưng đó không phải là một điều mới lạ, vì thực sự chủ trương này vẫn là lý tưởng chung, xuất phát từ nền tảng văn hóa tôn giáo Hy Lạp. Đối với người Hy Lạp nói chung, người khôn ngoan là người tránh được mọi xáo trộn, không bị đam mê lôi cuốn (Apathès).[4]Người khôn ngoan là người biết cách sống làm sao để không đau khổ, không giận dữ, không bực mình, không bị trói buộc. Các Triết gia sau-Aristote như các trường phái khoái lạc, khắc kỷ, hoài nghi, hoặc thần bí sau đó đều thiết tha tìm phương thức sống đạo đức trong tinh thần khôn ngoan ấy. Có lẽ Démocrite (khoảng 460 TCN) là người đầu tiên đã tìm cách diễn giải ý nghĩa của từ ataraxia. Theo Stobée, Démocrite nói rằng: “Ataraxia là tình trạng bình an, hoà điệu và cân bằng (nội tâm)”.[5] Triết gia khoái lạc Épicure (341-270) thì cho rằng, ataraxia hệ tại “được giải thoát khỏi mọi sợ hãi”. Tuy nhiên, chính các Triết gia Khắc Kỷ mới là những người hết lòng ca ngợi phẩm chất của ataraxia hơn cả. Trong tình trạng có được ataraxia, người khôn ngoan không bị lay chuyển,[6] thản nhiên đối với những gì đến từ bên ngoài;[7] người khôn ngoan không bị xáo trộn trong tâm hồn.[8] Lý tưởng sống của Triết gia khắc kỷ được phát biểu: nếu anh có một người bạn đau khổ, anh hãy tỏ vẻ cảm thông, nhưng lòng anh đừng rúng động. Điều đó có nghĩa là, mặc dù tỏ vẻ cảm thông, anh vẫn có thể ăn ngon, ngủ ngon và giữ được tình trạng thanh thản của chính mình. Lý trí khôn ngoan phải hướng dẫn để người ta biết cách dung hoà giữa trạng thái an ổn trong lòng và những biến động bên ngoài. Người Hy Lạp khôn ngoan phải biết giữ gìn sự thanh thản cho bản thân mình như yếu tố căn bản, rồi sau đó tìm phương thế diễn tả mối tương quan của mình với tha nhân, diễn tả cách nào đó để không rơi vào tình trạng sai lạc hoặc ác độc.

- Trong khi đó, dù với lối diễn tả “nhân hình”, Sách Thánh cho thấy một vị Thiên Chúa không phải như một quy luật, không phải như một Đấng an ổn, thanh thản trong chính Ngài, nhưng là vị Thiên Chúa đi vào cuộc “phiêu lưu tình nghĩa” với con người. Ngài sáng tạo con người trong yêu thương, Ngài tuyển chọn Dân riêng và đem lòng quyến luyến với Dân:

“ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Dnl 7,7; xc. Dnl 10,15;…).

Thiên Chúa nhất quyết giành lấy Dân riêng cho mình, không muốn chia phần cho bất cứ ai khác:

“Vậy ngươi không được phủ phục trước một thần nào khác, vì ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương, Người là một Vị Thần ghen tương” (Xh 34,14; xc. Dnl 4,24;…).

Thiên Chúa tự buộc mình trong lời hứa (St 3,15), và đặc biệt trong Giao ước (Xc. Xh 24,1-18); rồi Thiên Chúa thể hiện phẩm chất trung tín của Ngài trong lời hứa và giao ước:

“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).

Mối thâm tình của Thiên Chúa với Dân của Ngài không phải là một sự an ổn có phần “đóng kín”, mà là sự “rung động” của tình thương để rộng mở với ai khác. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:“sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Nói rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, đó là điều mà mọi tôn giáo, các học thuyết đạo đức luôn đồng ý với nhau. Nhưng có tấm lòng đến độ chịu “để gió cuốn đi”, thì đây lại là một phẩm chất đặc biệt của Kinh Thánh, của Kitô giáo.

Truyền thống Kinh Thánh đề cao phẩm chất cao cả nhất của Thiên Chúa là lòng từ bi thương xót:

“CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8; xc. Xh 34,6;...).

Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng khẳng định phẩm chất từ bi thương xót như thế trong sứ vụ của Ngài. Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng những lời đã được tiên báo trong ngôn sứ Isaia:

“Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 14-19).

Khi Tân Ước nói Chúa Giêsu chạnh lòng thương, thì điều đó không chỉ tỏ bày một phẩm chất đạo đức luân lý, nhưng còn hàm nghĩa Chúa Giêsu chính là Đấng tỏ lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Mt 9,36: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. (xc. Mt 14,14; Mt 15,32; Lc 7,13;...).

Lòng từ bi thương xót chính là dấu hiệu căn bản để nhận ra Đấng Mêsia. Do đó, những ai không đi vào mạch nguồn của Kinh Thánh để khám phá ra một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, sẽ có nguy cơ không nhận ra và không tin vào Đức Giêsu:

“Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11, 2-6).

Chúa Giêsu đã thể hiện đến cùng lòng “yêu thương điên rồ” của Thiên Chúa khi chấp nhận đường lối cứu độ bằng cách trao ban chính bản thân và cả cuộc đời mình cho nhân loại (trao thân gửi phận). Thập giá và bí tích Thánh Thể là thứ tình yêu “điên rồ” như vậy.

Trên nền tảng ấy, ta có thể thấy từ ngữ Hy Lạp ataraxia chính là phản nghĩa với các từ ngữ được Kinh Thánh dùng để chỉ tấm lòng của Thiên Chúa: - "Splagchnizomai" (chạnh lòng thương); hoặc từ "rahamim" {lòng yêu thương bắt nguồn nơi tấm lòng người mẹ (rekhem) hoặc nơi tâm can (rakhamim) của người cha},… và lòng từ bi thương xót...

Đây không phải chỉ là một sự khác biệt văn hoá, không phải là một sự đa dạng làm cho phong phú kho tàng văn hoá của con người. Một cách nào đó, sự khác biệt này hàm chứa một sự đối nghịch sâu xa về giá trị, khiến cho điều tốt của bên này lại có thể chính là sự sa đoạ của bên kia. Chính vì tiêu chuẩn giá trị về sự khôn ngoan theo kiểu ataraxia như thế, người Hy Lạp cho rằng thập giá là sự điên rồ. Một Thiên Chúa yêu thương đến độ nhập thể làm người, hy sinh chịu chết khổ đau vì yêu thương… đó là điều chẳng những không khôn ngoan mà còn trái ngược hẳn với sự khôn ngoan, là sự điên rồ:

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1, 22-25).

Dĩ nhiên, trong một cái nhìn toàn diện hơn, ta cần phải có một thái độ bao dung và tìm được “chữ hòa” trong những giá trị tự nhiên và giá trị siêu nhiên, vì “ân sủng không phá hủy nhưng kiện toàn bản tính tự nhiên”;[9] giống như trường hợp Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói “agape”không loại trừ “eros”, nhưng thanh lọc và nâng cấp “eros”. Cũng thế, lòng thương xót không loại trừ ataraxia nhưng thanh lọc và nâng cấp ataraxia. Ataraxia là một thái độ minh Triết có thể giúp con người, trong một vài trường hợp, vượt qua thái độ ham muốn những điều vụn vặt. Nhưng khi người ta tuyệt đối hóa thái độ ataraxia như một lý tưởng mang lại hạnh phúc, cứu cánh của đời người, thì người Kitô hữu cần xác tín hơn vào thái độ xót thương...

- Một ví dụ cụ thể: Khi tôi bị ai chửi mắng, có một cách giải quyết, đó là xóa bỏ ngã vị người ấy, theo kiểu: đời là thế, cuộc sống vẫn luôn như vậy... và ta thấy nhẹ lòng hơn; đó là cách tìm ataraxia. Hoặc người ta cũng có thể giải gỡ nỗi đau ấy một cách khác, mang tinh thần Kitô giáo nhiều hơn: tôi càng nhìn rõ, nhận thức rõ kẻ đó là ai, tên gì, hiểu hoàn cảnh của người đó và nhận ra kẻ đó đáng thương, nhất là được Chúa thương xót...; đây lại là phương cách tìm thấy sức sống của misericordia.

II. NHIỀU BIẾN THÁI TRONG “HOA TRÁI”

1. Nền tảng Triết học của Schopenhauer

a/. Ý chí chứ không phải lý trí là nền tảng của vũ trụ và con người

Triết học Schopenhauer (1788-1860), trước tiên là một sự phê bình quan điểm duy lý ở đỉnh cao của Kant; nhưng đồng thời cũng là một sự đảo ngược đối với toàn bộ truyền thống duy lý của Triết học Tây Phương. Cụ thể, thực tại mà Kant nói tới như là “vật tại thân”, cái mà lý trí không thể đạt tới, thì đối với Schopenhauer, “vật tại thân” chính là một sự sống, một mãnh lực sống của toàn bộ vũ trụ mà Schopenhauer gọi là ý chí. Chính ý chí mới là cội nguồn của toàn bộ vũ trụ và dĩ nhiên đối với cả con người. Ý chí sống của vũ trụ là một sức mạnh vô giới hạn, liên tục sáng tạo, hình thành nên muôn vàn sự vật và nẩy sinh các giá trị; đồng thời lại có khả năng tự vượt qua chính những hình thức ấy để tạo nên những hình thức và những giá trị mới.

Ông cho rằng sai lầm của các Triết gia chính là coi con người như “động vật có lý trí”. Theo ông, ý thức chỉ là bề mặt của tâm thức. Bên dưới trí năng hữu thức chính là dục vọng, dục vọng vô thức hay hữu thức. Thỉnh thoảng ta thấy như thể trí năng có thể điều khiển ý chí, nhưng trong toàn bộ, trí năng chỉ là hiện tượng nhất thời.

“Lý trí là quan năng tạo ra cái quan niệm, đối tượng của luận lý học”... Yếu tính của quan năng này không phải là tìm kiếm cái nguồn cội không bị điều kiện hóa... Các quan niệm do trí năng tạo ra chỉ là “những biểu tượng của biểu tượng”;[10] “là những biểu tượng được rút ra từ những biểu tượng”;[11] trí năng chỉ nhằm để sắp xếp, xác định và để nối kết những kiến thức tức thời của trí hiểu, chứ không bao giờ sản sinh ra một sự hiểu biết đích thực...

Trong khi đó, ý chí là thực tại duy nhất, không phân chia và không có thời gian, thoát khỏi nguyên lý cá biệt hóa. Chính ý chí tự biểu hiện cách đa dạng trong sức mạnh, trong giống loại, và cả trong tính cách khả tri của vũ trụ... Đó là một sự đa dạng hóa siêu hình chứ không phải là chỉ có tính hiện tượng.

b/. Sự ưu thắng của ý chí chung trên cá thể

Bản thể tự tại của ý chí nằm trong chủng loại hơn là trong cá nhân. Sức mạnh của ý chí thúc đẩy vũ trụ chuyển động, nhưng tất cả mọi hoạt động sẽ qua đi, chỉ còn lại cái ý chí vĩnh cửu. Mỗi sinh vật đều được thúc đẩy hoạt động đến độ “hy sinh” cả bản thân mình cho sức sống của ý chí được tiếp tục tồn tại trong giống loại. Đối với con người cũng không có ngoại lệ. Mỗi cá nhân không có giá trị gì đối với thiên nhiên, và thiên nhiên không chăm lo cho từng cá nhân, mà chỉ chăm lo cho loài. Do đó, đời sống con người không phải là một ân huệ để vui hưởng, nhưng là nhiệm vụ nặng nề phải chu toàn, đó là phục vụ cho ý chí sống của tất cả vũ trụ.

c/. Tâm tình bi quan

Không kể nguyên nhân của chủ trương bi quan do từ tính tình cá nhân từ thuở thơ ấu của ông, cũng như do mối tương quan xung khắc với bà mẹ, tính chất bi quan trong Triết học của Schopenhauer do từ một khám phá ra sức mạnh của “nguyên lý túc lý”, với tất cả tính cách tất định của nó, chi phối toàn bộ vũ trụ, từ những sự kiện vật lý, đến các lý luận luận lý, các bài toán cho đến cả bình diện đạo đức.

Cuộc sống con người không thể nào thoát được quy luật tất định. Quy luật ấy xô đẩy vạn sự như một sức mạnh mù quáng, tất cả chỉ nhằm đưa đến một cái gì vô nghĩa. Ông cho rằng, “cuộc đời là một cuộc buôn bán, mà tiền lời không đủ bủ đắp các chi phí”. Con người không thể có được hạnh phúc thực sự, vì con người không bao giờ có thể lấp đầy được lòng ham muốn vô đáy, con người chỉ có thể tìm cách tạm thời chấm dứt một số đau khổ nào đó. Đời người là một nỗ lực không có mục tiêu, không có ý nghĩa “đời sống của mỗi cá nhân... thực sự là một bi kịch, mà đi vào chi tiết, nó có đặc tính của một hài kịch”.

Sự sống vô nghĩa của ý chí đưa Schopenhauer tới lập trường bi quan, chối từ và cam chịu đầy khổ hạnh... theo đó các biểu hiện của sự sống nơi những cá thể và cá nhân con người thật ra chỉ do từ một sức sáng tạo vô ngã, hướng tới sự thống trị của giống loài và của toàn thể vũ trụ.

d/. Nẻo đường giải thoát

Đứng trước thách đố của “vật tại thân” mà Kant đã nêu ra và khẳng định con người không thể biết được nó là gì, Triết học của Schopenhauer khám phá ra “khung cửa hẹp” để con người có thể đi vào bản chất chân thực của thế giới, bản chất của “vật tại thân”, đó là: con người có được kinh nghiệm hay có được một nhận thức về chính ý chí của mình. Vì chính mỗi người chúng ta cũng là “vật tại thân”, và bản chất sự sống của mỗi người như vật tại thân ấy không là gì khác hơn sinh hoạt của ý chí, mang tính tất yếu của quy luật vô ngã và thuộc về một ý chí phổ quát của cả vũ trụ. Như thế, con đường “từ bên trong” cho phép con người thâm nhập vào bản chất của vật tại thân, và từ đó mà khám phá ra chân lý của cả vũ trụ, chân lý ấy không là gì khác hơn chính ý chí phổ quát. Văn phong của Schopenhauer ít có từ ngữ trừu tượng, nhưng tràn ngập những kinh nghiệm và những kiến giải về những điều có thể so chiếu với kinh nghiệm con người.

Schopenhauer giới thiệu hai đường lối để con người có thể giải thoát khởi sự xô đẩy nghiệt ngã và mù quáng của ý chí: đó là con đường đạo đức và con đường thẩm mỹ.

- Với con đường chiêm ngưỡng cái đẹp trong nghệ thuật, con người có thể thoát ra khỏi sự xô đẩy của dục vọng, chế ngự được sự khích thích của những ham muốn ích kỷ. Nhiệm vụ của nghệ thuật là giúp con người nâng cao tâm hồn để chiêm ngưỡng chân lý một cách vô dục. Ông định nghĩa nghệ thuật gần giống như điều Kant đã nói trong tác phẩm “Phê Bình Khả Năng Phán Đoán”: đối tượng của khoa học là cái phổ quát chứa đựng nhiều cái đặc thù, đối tượng của nghệ thuật là cái đặc thù chứa đựng một cái phổ quát. Niềm vui mà nghệ thuật mang lại là người ta có thể ngắm nhìn đối tượng nghệ thuật, trực giác được cái phổ quát của nó, tìm thấy nơi đó cái “linh tượng” theo kiểu Platon và thoát khỏi ảnh hưởng của cái dục vọng nơi ý chí cá nhân. Đối với Schopenhauer, ngành nghệ thuật cao cấp nhất chính là âm nhạc.

- Con đường giải thoát khác, đó là nẻo đường của tình yêu và nhất là lòng thương cảm. Ta có thể đọc thấy ở đây một nhiều lời của Schopenhauer mà ngỡ như là lời của một giáo phụ Kitô giáo.

Chống lại tính duy lý trong luân lý của Kant, Schopenhauer coi lòng thương cảm chính là nền tảng của luân lý. “Lòng thương cảm (pitié), hay lòng trắc ẩn (compassion), là sự tham dự trực tiếp, không có một ẩn ý nào trước hết vào những đau khổ của người khác, và sau đó là tham dự vào cách làm ngừng lại, hoặc tiêu hủy những điều xấu ấy”.[12]

“Lòng thương cảm ấy đưa tới hành động tích cực để gạt bỏ hoặc giảm thiểu nỗi khổ của tha nhân: Hành động đích thực, tích cực hoặc tiêu cực, là một điều tốt luân lý, là được hướng dẫn nhằm tới lợi ích hoặc thuận lợi cho một ai khác”.[13]

Để cho hành động của tôi được thực hiện chỉ nhằm tới tha nhân, thì điều thiện cho tha nhân ấy cũng phải là sự thiện cho tôi, với cùng một lý do và cùng một danh nghĩa y như vậy.

“hoặc là, giả thiết rằng, bằng một phương cách nào đó, tôi đồng nhất với hắn, đến độ tất cả những khác biệt giữa tôi và tha nhân bị tiêu hủy, hoặc ít là bị giảm thiểu đến một điểm nào đó; bởi vì chính trên sự khác biệt này mà tính ích kỷ ngự trị”.[14]

Như thế, ông khẳng định lòng thương cảm này là nguyên lý hiện thực duy nhất của một sự công chính và của tất cả mọi tình yêu thương chân thực. Lòng thương cảm không phải chỉ là nền tảng của luân lý. Hơn nữa, lòng thương cảm còn mang một chức năng siêu hình căn cốt. Trong kinh nghiệm về lòng thương cảm, con người cảm nhận được một sự duy nhất căn bản của mọi hữu thể, ngay cả với những vật vô hồn. Như thế, lòng thương cảm khai mở yếu tính tối hậu của sự vật, sự duy nhất của vật tại thân. Cũng như tính dục là một một “tổ ấm đích thực”của ý chí, khi mà ý chí tự khẳng định, thì cũng vậy, lòng thương cảm xuất hiện cho chúng ta như một sự khởi đầu của ý chí, khi mà ý chí đạt tới sự chối từ chính bản thân mình. Do đó, lòng thương cảm còn mang tính siêu hình hơn là tính dục; chắc chắn rằng tính dục như là kinh nghiệm riêng tư của ý chí, cho phép con người xuyên thấu lớp vỏ của hiện tượng, để đạt tới một hạt nhân của hữu thể, nhưng lại không giải thoát con người khỏi sự hành hạ của khát vọng và của sự khác biệt. Chỉ có kinh nghiệm về lòng thương cảm mới dẫn dắt con người đạt đến yếu tính không chia cắt của hữu thể.

- Mỗi con người đều có chung một ý chí sống, nó là bản chất nội tại của bản thể cá nhân. Con đường luân lý để giải thoát khỏi đau khổ không phải chỉ là từ bỏ sự sống cá nhân, nhưng làm sao để triệt tiêu chính cái ý chí sống, phủ nhận cái muốn sống thì ý chí cá nhân mới có thể dứt mình ra khỏi cái gốc chủng loại và từ bỏ mọi hiện hữu trong chủng loại. Đó là một thứ “tự do sống” đích thực, là giác ngộ, hay là thứ “không còn ý chí sống”. Đó là trường hợp con người đối diện với cái chết. Sợ chết là một thái độ sai lạc; can đảm chấp nhận cái chết của mình vì một lý tưởng nào đó thì cũng chỉ là phủ nhận ý chí sống cá nhân. Chỉ có thái độ bình thản, trở về với cội nguồn của ý chí sống phổ quát như trước khi có sự hiện hữu vắn vỏi của bản thân mình, hoặc sau cái chết của cá nhân mình, điều đó mới hóa giải được khổ đau. Trong trường hợp này, Phật giáo dùng danh từ Niết Bàn để diễn tả (?). Như thế, lòng thương cảm có thể giúp cho con người vượt qua được giới hạn cá nhân, đạt tới lòng thương với toàn thể loài người. Ở đây, con người nhận ra tất cả mọi người và cả vũ trụ đều có cùng một bản chất...

Thật ra hai con đường giải thoát mà Schopenhauer giới thiệu chỉ là một phương thức đối phó có tính thuần luân lý, nghĩa là một phương cách tạm bợ, chỉ có tác dụng giới hạn trong từng tình huống riêng lẻ. Bởi vì sức mạnh của ý chí phổ quát, ý chí bao trùm mọi ý nghĩa và mọi vận hành của vũ trụ vẫn còn đó như một thách thức ngạo nghễ, thường xuyên đối với thế đứng quá nhỏ nhoi của con người, cũng như đối với lý trí cá nhân mỗi người. Như thế, lòng thương cảm mà ông đề cao như một thái độ siêu hình có khả năng “giải quyết” phận người thật ra cũng là một điều “phi lý”; vì cuối cùng Schopenhauer vẫn phải nói rằng: “Các hành vi cá nhân của chúng ta... hoàn toàn không có tự do... cho nên mọi cá nhân tuyệt đối không bao giờ có thể làm được điều gì khác hơn điều họ đang làm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả cần ghi nhận, đó là lòng thương cảm của Schopenhauer, không nhằm tới cá vị với tất cả giá trị cao quí, nhưng là một phương thế nhận chìm cá vị trong vào một thứ vũ trụ như ý chí phổ quát, mù quáng, vô nghĩa của chủ nghĩa hư vô”.

- Ta có thể thấy tất cả những tôn giáo hoặc Triết học lấy vũ trụ luận làm nền tảng sẽ thường đưa tới một lý tưởng tìm một sự an bình trong sự hòa, thuận theo qui luật chung, để có được một sự ataraxia, một trạng thái tìm lý tưởng sống an bình như mặt nước hồ thu... Nhưng đó luôn là giải pháp làm tan loãng ngã vị đọc đáo của con người.

2. “Thấu cảm” (empathie) như nẻo đường đi vào “câu chuyện đời” của ngã vị

Nếu như sứ điệp về một Thiên Chúa thương xót là nét đặc trưng của Do Thái-Kitô, thì lòng cảm thông, một khái niệm gần tương đương với lòng thương xót, đã được không ít các Triết gia đề cập đến, hoặc ủng hộ hoặc chê bai, Từ Platon, Aristote, Khắc Kỷ,... của thời Thượng Cổ; cho đến J.J Rouseau, Lessing, đặc biệt là Kant, Schopenhauer. Lòng thương cảm cũng được đề cập khá nhiều, cách này cách khác, trong Triết học thế kỷ XX và XXI như M. Buber, các Triết gia thuộc trường phái Francfort, Walter Schulz, E. Levinas,.... Nói chung, không phải chỉ có Schopenhauer phản đối lại Kant, nhiều trào lưu Triết học khác, đặc biệt là trào lưu hiện tượng luận cũng không chấp nhận lối nhìn duy tâm, chủ nghĩa mô hình của Kant, nên tìm một cách thức khác để giải đáp vấn đề tha nhân. Có lẽ trào lưu hiện tượng luận từ E. Husserl, M. Scheler và thánh nữ Edith Stein, học trò của Husserl, đã để lại cho Triết học mối ưu tư về việc lý giải sự hiện hữu của tha nhân. E. Stein viết cuốn Le Problème de l' Empathie (vấn đề thấu cảm)“Thấu cảm”, hay “tha-giác”, được coi như khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân để có thể hiểu được tha nhân...

Đức Hồng y W.Kasper, tóm kết phần tiếp cận Triết học với nhận định:

“Để kết luận, ta có thể xác nhận rằng những phân tích hiện tượng luận mà chúng ta vừa kể ra đã đi đến điểm mà chúng ta đặt câu hỏi cần phải vượt qua. Ta có thể nói đến một tiếng “De profundis” (Từ vực thẳm). Vì những bản phác thảo này đưa ra ánh sáng một khó khăn nan giải - một vấn đề tranh cãi không giải pháp - trong đó tư tưởng bị khóa lại, và chúng chỉ ra sự cần thiết của một câu trả lời mà suy tư của con người, theo bản tính của nó, không thể một mình tìm thấy được. Thực sự lòng thương xót, theo định nghĩa, là một hành động tuyệt đối tự do, có thể tự do chấp nhận hay từ chối. Khi thực hiện nỗ lực suy tư cuối cùng, có thể buộc phải đặt ra định đề về lòng thương xót và khẳng định rằng diễn từ Kitô giáo về lòng thương xót, trong hạt nhân con người của mình, giới thiệu một câu trả lời hữu ích và đầy đủ ý nghĩa cho tình trạng con người: dù sao điều náy đáng để tranh luận”.[15]

3. Vài nét về lòng thương cảm Kitô giáo

a/. Nẻo đường chiến thắng hư vô của Sách Thánh

Quả thực, nếu ta không chấp nhận được lập trường của Schopenhauer trong căn bản, thì cũng phải công nhận rằng những ghi nhận và phân tích của ông về thế giới và con người có một phần sự thật không nhỏ. Có một sức mạnh nghiệt ngã của một thứ quy luật mù quáng, vô nghĩa, bi đát, chua cay,... một sức mạnh chỉ tuân theo một nguyên lý túc lý, một thứ nguyên lý khẳng định tính tất định của vũ trụ, sức mạnh ấy vẫn trói buộc con người, vẫn xô đẩy mạnh mẽ hành trình đời người... Đó là bóng dáng của hư vô chủ nghĩa. Quả thực, cuộc sống con người, khi không có Chúa, sẽ bị chi phối do qui luật “tự nhiên”, vốn là qui luật nghiệt ngã đè bẹp con người... mà chỉ có mối tương giao ngã vị chân thực, bắt nguồn từ Ngã Vị Thiên Chúa mới có khả năng giải gỡ.

Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ từ hư vô, đó là một tác động khởi đầu của một Ngã Vị, Ngã Vị ấy“chiến thắng” cái hư vô. Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa, để con người có thể sống-với Chúa và nhờ đó mà sống với nhau. Vũ trụ được đặt dưới quyền “đặt tên”của con người, nghĩa là con người thống trị sự hiện hữu vô nghĩa của thế giới để đưa tất cả vào tương quan tình nghĩa. Vũ trụ không là gì khác hơn một phương tiện dành cho loài người có thân xác, để loài người sử dụng như món quà trao tặng nhau trong yêu thương.

Như thế, với mạc khải Do Thái - Kitô giáo, không phải “hư vô” chỉ được vượt qua một lần với“biến cố” sáng tạo từ hư vô của Thiên Chúa, nhưng hư vô còn bị chinh phục trên bình diện ý nghĩa, trong một vận hành mang tính lịch sử. Ở đây, tính “hư vô” được vượt qua không phải chỉ bằng một thái độ luân lý để giải quyết từng phận người, hoặc trong một vài tình huống, nhưng chính là trên bình diện “siêu hình”; không phải cách giải gỡ bằng đường lối trốn chạy, buông bỏ,... nhưng là một thái độ đối diện cách tích cực. Giải pháp Kitô giáo, ngược với Schopenhauer, làm nổi bật ngã vị của mỗi cá nhân. Con người chiến thắng quy luật vô ngã và tất định của vũ trụ khi đưa vũ trụ vào tương quan ngã vị:

“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 4, 19-21).

b/. Ngã vị trở nên rõ nét trong “cuộc chơi” với một Thiên Chúa Ngã Vị

Khi người mẹ cho con cái bánh, thì sự trao ban ấy không đơn thuần nằm trong cái bánh ngon hay dở, nhưng cái bánh chỉ là cách thức người mẹ tỏ bày chính bản thân mình, một bản thân đầy tình thương đối với đứa con. Tình thương của mẹ mời gọi đứa con, không phải chỉ nhận cái bánh vì cái bánh ngon mà thôi, nhưng nhận ra tấm lòng của mẹ. Đứa con nào chỉ vui thích hay buồn phiền vì cái bánh, đứa con ấy có nguy cơ không sống nên người; vì có thể, trong suốt cả cuộc đời, nó chỉ làm, chỉ học, chỉ hưởng thụ vì những thứ đồ vật, những thứ qui về cho bản thân mình. Ngược lại, nếu đưa con vui mừng vì tình thương của mẹ, đứa con đó có cơ may biết sống với ai, biết làm việc cho ai, biết vui buồn vì ai…

Cũng thế, khi Chúa ban một ơn nào cho con người, thì điều quan trọng là Chúa mặc khải tình thương của Chúa. Nhưng người nào chỉ biết đón nhận “ân sủng thụ tạo” mà không biết tìm đến nguồn mạch của ơn huệ là chính Chúa, thì người ấy bỏ mất nguồn mạch chính yếu của ân sủng, tức là đón nhận “ân sủng bất thụ tạo”.[16]

Con người được sáng tạo trong tình thương. Phẩm chất chính yếu của con người yêu thương là có khả năng và khao khát dính dáng đến ai-khác. Ơn gọi và sứ mạng cao quý của con người là được sống trong tình yêu của Chúa và tình yêu thương với ai khác, và chính tương quan sống-với-ai ấy giúp con người càng là chính mình hơn; giống như Triết thuyết của Martin Buber (1878- 1965), hoặc như cha ông ta nói: “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Điều đó có nghĩa là ngã vị không phải chỉ là một cá nhân đóng kín, nhưng luôn là một ngã vị như một “vai tuồng”, một thế đứng trước một ngã vị khác. Ngã vị chân chính còn luôn phải vượt qua sự vật trung gian để đụng chạm được đến “cõi lòng”, hay đúng hơn là đụng chạm đến “chính cái tôi” của ai khác.

III. KIẾN GIẢI VỀ TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT KITÔ GIÁO DƯỚI GÓC ĐỘ NGÃ VỊ

Kitô giáo là tôn giáo của tình yêu. Tình yêu ấy không phải chỉ là một tình cảm vui buồn, thích thú hay hờn giận,... nhưng đặt nền tảng trên nền tảng siêu hình của hữu thể người, phản ảnh và thông dự vào chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là thứ tình yêu vừa “bảo đảm” được tính ngôi vị, lại vừa hiệp nhất trọn vẹn trong một bản tính chung. Đóng góp đặc sắc của truyền thống Do Thái Kitô giáo chính là mối tương giao ngã vị, được thanh lọc tinh tuyền và được nâng lên tới tầm mức siêu hình. Tình yêu Kitô giáo không phải chỉ là một tình cảm trong mỗi người, hay một đức tính nhằm hoàn thiện bản thân, nhưng thiết yếu nhằm thông hiệp với ai-khác trên bình diện ngã vị, hợp nhất với ai-khác trong một cộng đồng ngôi vị.

1. Đạo “sống-với-ai”

Trước tiên, ta thấy ý nghĩa sống-với-ai là ý nghĩa xuyên suốt trong tinh thần Kinh Thánh và đạo lý Giáo Hội. Ta có thể tóm tắt ý nghĩa sống-với ấy trong hai đoạn văn tiêu biểu:

a/. Ý nghĩa căn bản của phẩm giá con người trong Kinh Thánh: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).

Ý nghĩa nền tảng của đoạn Kinh Thánh này cho thấy vận mạng con người chỉ có thể hoàn thành trọn vẹn khi sống hiệp thông với Chúa và với nhau:

“Tiếp nối công trình đào sâu chủ đề “imago Dei” khởi đi từ Công đồng Vatican II, trong các trang sâu đây, Ủy Ban Thần học Quốc Tế muốn tái xác nhận cái chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để có thể hưởng nhận việc hiệp thông cá nhân với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và hiệp thông với nhau trong các Ngài, cũng như để nhân danh Thiên Chúa thực thi trách nhiệm quản lý thế giới tạo vật. Trong ánh sáng chân lý này, trần gian xuất hiện không phải như một thứ gì to lớn nhưng vô nghĩa, mà là một nơi chốn được tạo dựng nhằm vào việc hiệp thông nhân vị”.[17]

b/. Trong Tin Mừng Gioan, chữ “như” có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa căn bản, ý nghĩa Thần học của từ “như” phải được hiểu, không phải chỉ là một sự tương tự trong so sánh, nhưng có nghĩa là “nền tảng”“nguồn gốc”“phát sinh”. Chẳng hạn:

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (…) Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9.12).

Ở đây, không phải là tình yêu của Chúa Giêsu đối với các môn đệ dựa theo khuôn mẫu tình yêu của Chúa Cha với Đức Giêsu; và cũng không phải là tình yêu của con môn đệ với nhau dựa theo khuôn mẫu của tình yêu Chúa Chúa Giêsu với môn đệ. Nhưng tình yêu của Chúa Cha đổ tràn trên Đức Giêsu chính là “nền tảng”“nguồn gốc”“phát sinh” ra tình yêu của Đức Giêsu với môn đệ; và tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ là “nền tảng”“nguồn gốc”“phát sinh” ra tình yêu của các môn đệ với nhau.[18]

2. Tình yêu Kitô giáo thiết lập một “cộng đồng ngôi vị”[19]

Một ngã vị hướng tới một ngã vị khác để thiết lập nên một cộng đồng ngôi vị. Nếu chúng ta trở về với một cộng đồng nền tảng là đời sống gia đình, một khuôn mẫu duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được một phẩm tính riêng biệt: đó là một cộng đoàn các ngôi vị. Nơi gia đình, chúng ta sẽ nhận ra được bóng dáng của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Gia đình thiết yếu là một cộng đồng ngôi vị. Tông Huấn đời sống gia đình viết:

“Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi...”.[20]

Ta có thể hiểu một “cộng đồng ngôi vị” là nơi mỗi thành viên không chỉ đóng góp tài năng, tiền bạc, đức độ,… nhưng là đóng góp chính “cái tôi toàn vẹn của mình”, cũng như đón nhận toàn vẹn cái tôi của ai khác. Ý nghĩa này cho ta thấy một sự khác biệt sâu xa giữa gia đình với các thứ cộng đồng hay cộng đoàn khác. Nơi xí nghiệp chẳng hạn, ta không đóng góp cái tôi toàn vẹn và người khác cũng không đón nhận toàn vẹn cái tôi của ta. Nơi đó người ta chỉ đóng góp công sức, tài năng…để nhận lại những gì lợi ích cho cái tôi riêng của mình; đó chỉ là những “cộng đồng chức năng”

Trên trần gian này, chỉ có duy nhất gia đình mới có được phẩm tính của một “cộng đồng ngôi vị”. Khế ước hôn nhân là một khế ước mà hai người “trao thân gửi phận” cho nhau, để liên đới với nhau một cách trọn vẹn. Thật vậy, trong gia đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình; được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ “cái tôi” vừa làm cho các thành viên có được một “quê hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với cả điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình; và đây là chính là nguyên tắc của đời sống yêu thương đích thực:

“Tình yêu thương vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị...”.[21]

Trong cộng đồng ngôi vị ấy, ý nghĩa của sự tôn trọng phẩm giá mới sáng lên rõ nét và chân thật nhất. Tôn trọng là thái độ cơ bản để thiết lập tha nhân như một nhân vị và như một chủ thể đủ tư cách để đi vào cuộc đối thoại, cuộc chơi bình đẳng trong kiếp nhân sinh. Điều quan trọng là, trong gia đình, ngã vị như một nhân vị căn bản ấy được trao tặng và được chấp nhận theo luật“cho không”. Nguyên lý căn bản của cộng đồng ngôi vị là sự tặng không; vì ngôi vị là điều không thể đánh giá, nên không thể trao đổi. Thái độ tôn trọng, khả năng trao tặng và lãnh nhận cái tôi của nhau như thế chắc chắn không phải là kết quả của một bài toán đánh giá “nhân cách”, mà chính là sự chân nhận thứ phẩm giá “bên dưới” nhân cách, đó là chân nhận ngã vị.

“Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người cái phẩm giá con người như tước hiệu duy nhất có giá trị, trở nên sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại sẵn sàng vô vị lợi, quảng đại phục vụ và tương trợ sâu xa”.[22]

Dưới ánh sáng của tình yêu ấy, ta có thể thấy tình yêu Kitô giáo xây dựng nên một “cộng đồng ngôi vị”, nơi đó mỗi cá nhân “đóng góp” vào cộng đồng chính bản thân mình và đón nhận bản thân của ai khác; nơi đó, mỗi người chấp nhận đi vào cuộc phiêu lưu sống-với ai khác trên một hành trình đầy biến động thăng trầm của lịch sử. Nói cách khác, tình yêu Kitô giáo đặt nền vững chắc trên sự thông hiệp “bản thân và cuộc đời”, gần giống như một thứ “trao thân gửi phận” cho nhau (trao tặng bản thân và đồng hành trọn cả cuộc đời). Vì thế, ta có thể thấy “công thức yêu”Kitô giáo được diễn tả trong giao ước hôn nhân: tôi nhận anh/em làm chồng/vợ, và hứa giữ lòng chung thủy...

Hơn nữa, kinh nghiệm về tha nhân trong đời sống gia đình mang những phẩm tính căn bản của vấn đề tha nhân: đó là một sự trân trọng phẩm giá của mỗi người. Sự trân trọng này làm nên cội nguồn của thái độ đối thoại, tương trợ, chia sẻ, phục vụ,… theo quy luật “cho không”. Khi sinh ra, con người đi vào đời với những kinh nghiệm đầu tiên về tha nhân qua đời sống gia đình. Những kinh nghiệm đầu tiên có thể dài ngắn tùy hoàn cảnh mỗi người, nhưng cũng tạo nên được một“ánh chớp” lóe sáng soi chiếu hành trình kiếp nhân sinh. Chính kinh nghiệm về tha nhân trong đời sống gia đình trở nên mẫu mực của mọi tương quan tha-ngã trong đời sống con người. Theo ngôn ngữ của tông huấn, kinh nghiệm ấy như “việc thực tập căn bản”, như “gương mẫu và là một khích lệ” cho các tương quan xã hội:

“Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dấu bằng các đức tính: kính trọng, cộng bằng, ý thức đối thoại, tình yêu”.[23]

Như thế, chính những ý nghĩa nhân bản trong đời sống gia đình là lý tưởng cho xã hội chứ không phải ngược lại. Người Kitô hữu không được biến gia đình thành một thứ xí nghiệp nhỏ, với quy luật trao đổi sòng phẳng; ngược lại, cần mở rộng những tương quan nhân bản của gia đình đến các tương quan xã hội mỗi ngày mỗi rộng lớn và vững chắc hơn. Cũng thế, tình yêu Kitô giáo có khả năng thanh luyện và nâng cấp tình yêu con người, và người Kitô hữu cần khám phá tình yêu của Thiên Chúa trên hành trình sống yêu thương giữa con người với nhau.

Do đó, tình yêu “sống với ai” trong tinh thần Kitô giáo nhằm xây dựng nên một “cộng đồng ngôi vị”. Bí tích Rửa tội, là giao ước nền tảng của đời sống đức tin, diễn tả một thực tại nền tảng, Chúa ban Con Một của Ngài để chết/Phục Sinh cho con người, và người tín hữu thì chết đi cho con người cũ để sống cuộc đời như một con người mới. Giao ước ấy khiến cho hai bên “thuộc về nhau”. Ta cũng thấy lối giải thích về “ơn cứu chuộc” hiện nay đã vượt qua lối trình bày biểu tượng của Kinh Thánh và cách lý giải “đền thay” của thánh Anselme, cũng như nền Thần học Kinh viện thời Trung Cổ. Thiên Chúa cứu độ con người là “hòa giải”, tái lập lại “tình thân” giữa con người với Chúa và con người với nhau, con người trở nên con của Chúa, được “đồng thừa tự với đức Kitô”,…[24] Ta có thể diễn tả thực tại cứu độ ấy là một “cộng đồng ngôi vị”, trong đó các ngôi vị “thuộc về nhau”.

Tình thương Kitô giáo xây dựng nên một sự hiệp thông “móng nền” chứ không phải chỉ là sự ăn khớp “kèo cột”; tương tự như anh em với nhau, dù có khác tính tính tình, cãi vã nhau thường xuyên, nhưng vẫn còn thông hiệp trong “móng nền”“một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Trong khi tình nghĩa chúng ta với bạn bè, với “người ngoài” thì thiết yếu phải xây dựng trên sự ăn khớp của tính tình, của phương thức làm việc... mà thiếu nhưng yếu tố ấy thì “cộng đồng chức năng” sẽ sụp đổ.

3. Ngã vị (persona) hay phẩm cách (personalitas)?

Con người chỉ trở nên chính mình trong tương quan, và thái độ tương quan ấy làm nên phẩm cách của một con người. Con người như một ngã vị (persona) thiết yếu phải thể hiện chính mình trong nhân cách (personnalitas). Bình thường, người ta nhận ra một người “có nhân cách” là người có đức độ hoặc tài năng. Thế nhưng, xét trên bình diện siêu hình, “nhân cách” hay “đức độ” hay “tài năng”... vẫn là điều con người “có” chứ không phải là điều con người “là”. Tài năng, đức độ... vẫn có thể “bay đi mất” mà cái tôi trần trụi thì vẫn luôn ở lại đó. Trong khi Triết học nói đến ngã vị như một cái tôi cá thể hiện hữu ấy (subsistens distinctum) thì các khoa tâm lý, xã hội lại chỉ có thể bàn đến nhân cách (personnalitas) của con người. Trong đời sống xã hội, trong tương quan ngã vị của con người với nhau, người ta thường nhìn nhận một con người qua nhân cách của người ấy. Người ta kính kẻ đức độ, người ta phục người có tài năng, hoặc người ta xum xoe với người đẹp, người có tiền, có địa vị... Điều ấy nếu được đẩy xa một chút nữa thôi, người ta sẽ rớt vào tình trạng, hoặc chủ trương hoặc vô tình, nhìn nhận xã hội, hoặc nhà nước là chủ thể bạn tặng phẩm giá cho cá nhân con người,...

Điều éo le của kiếp người là, trên bình diện nhân cách, ai cũng biết rằng con người không có điểm xuất phát bằng nhau, thế mà mỗi người lại cứ phải chạy đua trên cùng một đường đua, với những chuẩn mực của mức đến như nhau. Có người sinh ra đã nhận lãnh biết bao ưu thế, và có người, ngay khi sinh ra, đã chịu biết bao thiệt thòi,... mà thiệt thòi lớn nhất là chính ngã vị của họ không được tôn trọng xứng đáng.

Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa một nền luân lý đặt nền trên nhân cách và một nền tảng siêu hình đặt nền trên ngã vị, bằng cách so sánh hai chiều hướng khác nhau của tình yêu, tình yêu con người và tình yêu Thiên Chúa:

- Tình yêu con người khởi đi từ việc đón nhận cái hay cái tốt nơi ai khác (1). Rồi khi đã gắn bó với nhau qua một quá trình, người ta thấy rõ được “ai khác” ấy, không phải chỉ thấy những điều hay điều tốt mà còn đầy những điều xấu, những điều tệ hại, người ta được mời gọi để trung tín với tình yêu vì đã “đồng hội đồng thuyền” với nhau (2). Sau cùng, đến lúc nào đó, ngay cả khi “ai khác” ấy đã mất tất cả những phẩm tính tốt đẹp, nhân cách cũng chẳng còn gì, mà người ta vẫn đón nhận như là “của mình”, thuộc về mình, thì đó mới là mức độ của tình yêu quảng đại và tốt đẹp nhất (3).

- Ngược lại, tình yêu của Thiên Chúa đối với con ngưởi lại khởi đi từ việc chấp nhận “ai khác”một cách vô điều kiện, hoặc hơn nữa là một tình yêu tha thứ. Chúa thương ta ngay khi ta còn là tội nhân (Xc. Rm 5,8) (3). Rồi Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành, liên lụy với con người trong hành trình cuộc đời một cách “trung tín” (2). Cuối cùng, chính tình yêu tặng-không của Thiên Chúa và bề dày nghĩa tình của Chúa với ta trong dòng lịch sử mới làm nẩy sinh những điều hay điều tốt nơi bản thân ta (1).

Chính chiều hướng “ngược ngạo” của tình yêu Thiên Chúa làm nổi giận những người Do Thái ưu tuyển. Điều “ngược ngạo” là tình yêu của Thiên Chúa gắn phẩm giá một con người, với chính ngã vị (persona), trong khi tình yêu con người thì luôn nghiêng về nhân cách (personalitas). Con đường cứu độ của Thiên Chúa không phải được mở ra trên nóc nhà, và chỉ có những người ưu tuyển mới có thể leo lên được, nhưng là con đường hầm ở cũng đáy cuộc đời để ai cùng có thể“chui” qua được. Thiên Chúa cứu độ con người không phải bằng cách “nắm tóc”, vì nhiều người nghèo của Chúa cũng chẳng có tóc; nhưng Thiên Chúa cứu độ con người bằng cách nâng từ chân, và cả nhưng người yếu kém nhất về nhân cách thì cũng có thể được cứu độ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:

“Mặc dù người con này đã phung phí hết phần gia sản của hắn, tuy nhiên, nhân tính của hắn vẫn còn nguyên”.[25]

Trong một “cộng đồng ngôi vị”, người ta không được quyền đặt điều kiện tiên quyết về nhân cách, theo kiểu con có ngoan thì mẹ mới nhận làm con; nhưng chính người mẹ chân chính phải liên đới, liên lụy với đứa con để giúp nó thăng tiến nhân cách. Tương quan vợ chồng với nhau cũng vậy, anh chị em với nhau cũng vậy,... điều chính yếu là đón nhận và trân trọng một ngã vị“đơn thuần”, và chính điều ấy mới là nền tảng để giúp mỗi thành viên được sống tốt hơn. Có lẽ có khá nhiều tất xấu của con người phát xuất từ một phản ứng vô thức, do ngã vị của mình đã không được chấp nhận. Một ông cha xứ hiểu rằng mình không được con chiên quí mến, sẽ thường lấy luật lệ cứng nhắc để điều hành sinh hoạt giáo xứ...

Như thế, yêu thương chân chính là đón nhận bản thân và liên đới, hoặc liên lụy với cuộc đời của ai khác. Tình yêu của Thiên Chúa “đảm nhận” vấn đề nhân cách của người Kitô hữu chứ không phải đòi hỏi nhân cách tốt như điều kiện căn bản. Thiên Chúa xét xử công bằng không phải là một thứ chấm bài thi nhân cách của con người, nhưng là thiết yêu là làm sáng tỏ thái độ của con người đối với hồng ân được đón nhận vào cộng đồng ngôi vị của Thiên Chúa. Tình yêu thương của người tín hữu cũng vậy. Khi người Kitô hữu “yêu tha nhân vì Chúa”, thì đó không phải chỉ là một mệnh lệnh luân lý mà là nhận ra một thực tại: nhờ Chúa, ta nhận ra tha nhân là người anh em của tôi. Ngược lại, thiếu nền tảng siêu hình ấy, người vô thần đương nhiên phải chọn lập trường“bạn ra bạn, thù ra thù”.

4. Lòng thương xót Kitô giáo như một “khả năng chạm đến ngôi vị”

Trong đời sống thường ngày, con người luôn bị thúc đẩy do thái độ “ăn gian”. Con người luôn sợ mình không được yêu chân thật, mình không được chấp nhận từ chính bản thân, và không được liên lụy trong cả cuộc đời. Nỗi sợ ấy khiến cho con người luôn phải “trang điểm” cho bản thân và cuộc đời mình bằng những thứ “sự vật”. Con người muốn khẳng định mình bằng tài năng, bằng địa vị, bằng sắc đẹp, bằng tiền bạc và thậm chí bằng đức độ,... để có thể được người khác chấp nhận. Thái độ “ăn gian” là khi người ta lấy những “sự vật” để thay thế cho bản ngã đích thực; lấy những điều thuộc “chức năng” để làm cho “phẩm giá” của mình được ngon lành hơn... Thái độ ăn gian chính là cám dỗ có thể chinh phục được người khác bằng “sự vật”, thậm chí nhằm trao đổi hoặc mua bán tình yêu bằng một thứ “sự vật” nào đó; theo kiểu “Tao đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu... tao muốn đứa con gái nào chẳng được...”. Gia kêu đã quá tuyệt vời khi không sử dụng những ưu thế của mình, thế lực và tiền bạc, để giải quyết mong ước gặp Đức Giêsu, nhưng ông đến với Chúa trong một ngã vị trần trụi, một con người lùn, leo lên cây như một đức trẻ (Xc. Lc 19,1-10).

Thái độ ăn gian đưa đến những thứ tương giao giả tạo, tương giao có tính xã giao, tương giao có tính thực dụng, tương giao có tính lợi dụng hoặc tương giao có tính gây hấn đe dọa... Khi người ta chi biết tôn trọng người giầu mà khinh chê kẻ nghèo, sợ người giỏi mà coi thường kẻ dốt, khúm núm trước người có địa vị mà lại lên mặt với dân đen; khi người ta tặng quà cáp để được lợi lộc, khi người ta dùng sức mạnh của đồng tiền hay vũ lực để bắt người khác làm theo ý mình... Một điều vô cùng khó của con người, đó là khả năng chơi với nhau ở mức độ phẩm giá căn bản; mà điều này chỉ có thể có được khi người ta công nhận mọi sự đều là hồng ân. Con người đã được lãnh nhận nhưng-không chính bản thân và cuộc đời của mình. Phẩm giá của con người không do chính mình, không do xã hội cấp phát theo một số điều kiện nào đó... “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

Trong thực tế lịch sử, khi nào những thứ trang điểm rơi rụng thì người ta lại có cơ may nhận ra nét “tôn nghiêm” căn cản của ngã vị con người: khi đối diện với một xác người chết, khi đối diện với một người nô lệ, khi gặp thấy một ai đó sống còn “không ra người”... Khi chạm tới một ngã vị trần trụi, người ta có cơ may tìm được thái độ tôn trọng chân thật nhất, tôn trọng tha nhân như là đối tác “ngang hàng”. Hơn nữa, chạm vào một ngã vị trần trụi, con người còn có cơ may nghe được lời cầu khẩn thâm trầm nhất của một ngã vị, lời cầu khẩn “có ai chấp nhận bản thân và cuộc đời của tôi không?”... Ngã vị không phải là “duy ngã độc tôn” (solipsisme hoặc egotisme), nhưng luôn luôn là một ngã vị trong tương quan với một ngã vị khác, đó chính là cái nghèo-tôn nghiêm căn bản, là tiếng kêu căn bản vươn tới lòng thương xót chân thực. Lòng thương xót, ở mức độ siêu hình căn bản của phận người, có lẽ không phải chỉ là một tâm tình đối với “nỗi khổ (nhất thời) của ai đó” (lòng thương hại), nhưng là nhận ra “một ai đó chân thực qua nỗi khổ của người ấy”. Lòng thương xót là khả năng đập phá tất cả những thứ “trang điểm”, vượt qua lớp vỏ của cái thuộc chức năng để khám phá ra một ngã vị vốn tự bản chất là “nghèo-tôn nghiêm”, để nhận ra “âm tính” của một ngã vị, vốn luôn cần được chấp nhận đơn thuần từ một ngã vị khác. Chính vì thế mà tình yêu không thể là sự trao đổi, nhưng thiết yếu phải là trao tặng. Tình yêu, là tác động như một ân ban trong tự do của một ngã vị, chính là cứu cánh của đời người; và điều gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý hướng dẫn hành động của con người. Trong ánh sáng mặc khải Kitô giáo, ta hiểu được nguyên lý căn bản của Kitô giáo chỉ có thể là tình yêu chân chính như là lòng thương xót. Nếu như lòng thương xót là phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa, là sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu (Lc 4, 4-22), thì lời cầu nguyện chân chính nhất chỉ có thể là lời cầu nguyện của người nghèo, lời cầu nguyện dai dẳng và lì lợm (Xc. Lc 18, 1-8...), lời cầu nguyện:“lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” (Lc 18, 39...). Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót, nói rằng: có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu (từ bi thương xót).

“Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”.[26]

Có phải không lòng thương xót Kitô giáo chính là nét duyên chân thật, lóng lánh, lung linh ẩn sau mọi cá tính, mọi tài năng, mọi thái độ luân lý của mỗi người?

TẠM KẾT

1/. Để phác họa một cách khái quát, xin tạm dùng một hình ảnh: Một đứa bé lạc giữa chợ...

- Có người không thương gì cả: mày mang xui xẻo cho tao... đi chỗ khác đi.

- Có người tìm ataraxia: cho mày 10 ngàn mua bánh mì, rồi đi chỗ khác để tao làm ăn.

- Có người thương hại: thôi để tao đưa mày tới đồn cảnh sát, để người ta đưa mày vào viện mồ côi.

- Có người lại thấy: ôi tao cũng mồ côi như mày; mà ai chẳng mồ côi; rồi bố mẹ mày cũng có lúc phải chết như bố mẹ tao thôi. Buồn làm gì. Đó là thái độ của Schopenhauer.

- Có người thương xót: thôi về nhà tao, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo...

2/. Khi không nhận ra được mức độ siêu hình của tình yêu Kitô giáo, đời sống Giáo Hội vẫn không thể diễn tả được thứ “linh đạo của người nghèo”, vốn là đường nét căn bản của sứ điệp Nước Trời. Đời sống của Giáo hội, nói chung, không phải là không quan tâm giúp đỡ những người nghèo, nhưng đó chỉ là “linh đạo cho người nghèo”, và đó là những hoạt động bác ái mang tính luân lý thuần túy. Phải chăng vì không đụng đến mức độ siêu hình của tình yêu và lòng thương xót Kitô giáo nên, khi ra ngoài lãnh vực hoạt động bác ái, thì những nguyên lý danh giá, nguyên lý đề cao người ưu tuyển, nguyên lý luân lý thuần túy... lại chi phối cách mạnh mẽ. Chẳng hạn: trước khi ban bí tích Rửa Tội cho người lớn thì nghi thức phụng vụ đã đòi hỏi thứ điều kiện“xứng đáng”“...vậy ông (bà,anh,chị) đã thực thi giáo huấn của Chúa, tuân giữ giới răn của Người, sống tình huynh đệ và chăm chỉ cầu nguyện để xứng đáng trở thành Kitô hữu chưa?”. Cũng thế, người ta thường đào tạo người Kitô hữu hoặc đào tạo tu sĩ bằng cách xây dựng nhân cách, mà lại quên giúp người thụ huấn hiểu ra “khả năng” đón nhận một ngã vị đơn thuần. Dù có loay hoay đạo nghĩa thế nào, người Kitô hữu, đặc biệt là các đấng bậc, vẫn cứ xử sự như người anh cả trong dụ ngôn đứa con hoang đàng: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15,30).

Vì thế, tính “đảo ngược” của Tin Mừng Đức Giêsu lại thường bị “đảo xuôi” theo cách nghĩ và cách ứng xử quen thuộc của xã hội con người.

 

***

THƯ TỊCH

 

1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dives in Misericordia, Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót, ngày 30-11-1980.

2. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Familiaris Consortio”, về Gia Đình, ngày 22-11-1981.

3. Hồng y Walter Kasper, Lòng Thương Xót, Khái niệm căn bản của Tin Mừng và chìa khóa cho đời sống Kitô hữu.

4. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., Đời Sống Tâm Linh, tập 8.

5. Arthur Schopenhauer, Siêu Hình Tình Yêu, Siêu Hình Sự Chết, Hoàng Thiên Nguyễn dịch, Văn Học, 2006.

6. Ivan Gobry, Le Vocabulaire grec de la philosophie, ellipses, 2002.

7. Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999.

 

 

 


[1] Xc. Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II.30.4; hoặc: Summa Theologiae, I-II. 113.9; hoặc John Paul II, Dives in Misericordia, ss. 4,6...

[2] Hồng y Walter Kasper, Lòng Thương xót, Khái niệm căn bản của Tin Mừng và chìa khóa cho đời sống Kitô hữu., chương II: Tiếp cận Tổng quát; 1/ Tiếp cận Triết học.

[3] Xc. Giuse Nguyễn Hữu Nghị O.P., Thánh Thomas bàn về sáng tạo, sự dữ và nguyên nhân đệ nhất, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2015, tr. 9-11.

[4] Épictète, Entretiens, III, XIII, 11. Trích lại trong Ivan Gobry, Le Vocabulaire grec de la philosophie, ellipses, 2002

[5] Stobée, Éclogues, II, VII, nt.

[6] Diogène Laerce, Vies, doctrines et sentences des philosophes illustres, VII, 117. nt.

[7] Marc Aurèle, IX, 31, nt.

[8] Épictète, Manuel, XXIX, 7; Cicéron, Tusculanes. V, VII, 17, nt.

[9] Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q.1, a.8, ad. 2.

[10] A. Schopenhauer, Le Monde comme volonté et comme représentation, p. 70-71. Trích lại trong Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999

[11] A. Schopenhauer, De la Quadruple racine du principe de Raison suffisante, p. 235. Trích lại trong Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999

[12] A. Schopenhauer, Le Fondement de la morale, p. 118. Trích lại trong Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999.

[13] A. Schopenhauer, Le Fondement de la morale, p. 117. Trích lại trong Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999

[14] A. Schopenhauer, Le Fondement de la morale, p. 118. Trích lại trong Alain Roger, Le Vocabulaire de Schopenhauer, Ellipses 1999

[15] Hồng y Walter Kasper, Sđd, chương I,1

[16] Thần học phân biệt “ân sủng bất thụ tạo”, tức là chính Chúa; và “ân sủng thụ tạo”, tức là những ân huệ khác với chính bản thân Chúa. Khi lãnh nhận ân sủng, dù là ân sủng thụ tạo, người tín hữu được nhắc nhở phải biết tìm trở về với ân sủng bất thụ tạo…

[17] Xc. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Văn kiện Hiệp thông nhân vị và quản lý tạo vật, 2002, số 4.

[18] Xc. Giuse Lê Minh Thông, O.P. Tình Yêu và Tình Bạn trong Ga 15,9-17, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2009, trang 129-148.

[19] Trong bài này, chữ “ngã vị” và chữ “ngôi vị” được dùng lẫn lộn, tùy theo cách nói quen thuộc trong mỗi hoàn cảnh mà thôi.

[20] John Paul II, Tông Huấn “Familiaris Consortio”, về Gia Đình, số 18.

[21] John Paul II, Tông Huấn “Familiaris Consortio”, về Gia Đình, số 13.

[22] John Paul II, Tông Huấn “Familiaris Consortio”, về Gia Đình, số 43.

[23] John Paul II, Tông Huấn “Familiaris Consortio”, về Gia Đình, số 43.

[24] Xc. Felippe Gomez S.J, Kitô Học phần II, Lớp Liên Dòng Mến Thánh Giá, Tp. HCM, 2001, chương IX.

[25] John Paul II, Thông điệp “Dives In Misericordia”, Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót, ngày 30-11-1980, n. 6.

[26] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp “Dives In Misericordia”, Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót, ngày 30-11-1980, số 58. Một Danh Hiệu Khác Của Tình Yêu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ