1
02:21 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 121

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 97


Hôm nayHôm nay : 2135

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 285172

Tổng cộngTổng cộng : 27839456

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA » SUY NIỆM THÁNG MÂN CÔI

THỨ SÁU 12/10/2012 Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm B

Thứ ba - 09/10/2012 22:52-Đã xem: 1431

 
 
CHƯƠNG TRÌNH THÁNG 10 – THÁNG MÂN CÔI
HOA HỒNG MẦU NHIỆM
 
NỘI DUNG
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ:
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
5. LẦN HẠT
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU
2. TRUYỆN TÍCH
 
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ: Lc 11, 15-26
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: 'Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi'. Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".
 
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
Bấy giờ Đức Giê su trừ một tên quỷ… ” (Lc 11,15).
Một mặt nào đó, chúng ta đang bị ma quỷ thống trị, quỉ câm làm ta không nói được những điều phải nói. Thiên Chúa dựng nên chúng ta, ban cho chúng ta muôn ngàn ơn lành, đúng ra, chúng ta phải biết tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Trái lại, chúng ta để miệng lưỡi chúng ta tham gia vào công việc của ma quỷ. Chúng ta hay nói hành nói xấu anh chị em. Chúng ta cần cầu xin Chúa trừ quỉ trong tâm hồn chúng ta.
 
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
Lạy Chúa Giêsu, trên hành trình tiến về Nước Chúa, chúng con phải chiến đấu rất nhiều với quỷ dữ. Những thế lực đó chúng con không thắng nổi nếu không có Chúa trợ giúp. Xin Chúa thương chữa lành quỷ câm trong chúng con, để chúng con biết chúc tụng Chúa, và loan báo Tin Mừng Nước Chúa bằng chính cuộc sống chúng con.
 
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
Mẹ ơi, xin Mẹ dạy chúng con biết dùng miệng lưỡi để chúc tụng Chúa, để nói những lời lành thánh, những lời yêu thương, đầy tình bác ái đối với tha nhân.
 
5. LẦN HẠT
(quý vị có thể lần 5 chục theo ngày trong tuần hoặc 1 chục như dưới đây)
Chúa Giêsu chịu phép rửa nơi sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
 
 
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU
Kinh LẠy Cha
Thánh Louis Marie Grignion de Montfort
Kinh Lạy Cha hay kinh Chúa dạy có một giá trị cao cả, vượt trên mọi sự, là vì Tác Giả của kinh này không phải là một con người hay thiên thần, mà là Vua của triều thần thiên quốc và nhân quần, là Thiên Chúa và là Cứu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Thánh Cyprianô nói rằng, chỉ có Cứu Chúa, Đấng mà chúng ta được sinh vào đời sống ân sủng, mới đáng là Vị Thầy Siêu Phàm của chúng ta và mới đáng dạy chúng ta cầu nguyện. 
Kết cấu tuyệt vời, tác động êm ái và sự trong sáng của kinh nguyện thần linh này nói lên sự khôn ngoan của Vị Sư Phụ Thần Linh của chúng ta. Đó là một kinh ngắn gọn nhưng có thể dạy chúng ta rất nhiều. Kinh này rất hay trong tầm mức hiểu biết của người vô học, và cũng là nguồn suy niệm khôn cùng về các mầu nhiệm đức tin cho giới học thức.
Kinh Lạy Cha chứa đựng tất cả những phận sự của chúng ta đối với Thiên Chúa, những tác động của mọi nhân đức và những lời khấn nguyện cho cả nhu cầu về tinh thần cũng như vật chất của chúng ta. Ông Tertullianô nói rằng, Kinh Lạy Cha là một bản tóm tắt Tân Ước. Thánh Tôma Kempi nói rằng, kinh này vượt trên mọi ước muốn của các thánh; là đúc kết tất cả mọi lời hay ý đẹp của các Thánh Vịnh và thánh ca; chúng ta xin Chúa mọi sự chúng ta cần nơi kinh này; chúng ta chúc tụng ngài xứng đáng nhất bằng kinh này; chúng ta nâng linh hồn chúng ta từ đất lên đến trời để kết hợp với Thiên Chúa nhờ kinh này.
Thánh Gioan Chrisôtômô nói rằng, chúng ta không thể là môn đệ của Thầy mình nếu chúng ta không cầu nguyện như Người đã làm và theo đường lối Người đã dạy chúng ta. Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha vốn thích lắng nghe kinh nguyện mà chúng ta được Con Ngài dạy cho, hơn là những kinh của riêng chúng ta với tất cả giới hạn phàm trần bất hảo.
Chúng ta phải đọc Kinh Lạy Cha với một lòng tin tưởng rằng Chúa Cha hằng hữu sẽ nhậm lời kinh nguyện này là kinh nguyện của Con Ngài, Đấng mà Ngài luôn lắng nghe, trong khi đó, chúng ta lại là chi thể của Con Ngài. Thiên Chúa chắc chắn sẽ đáp lại lời khẩn nguyện nơi Kinh Lạy Cha, vì là Cha tốt lành như Ngài làm sao lại có thể từ chối một lời cầu bằng ngôn ngữ của một người Con rất đẹp lòng Ngài, một lời cầu được bảo đảm bằng công nghiệp của Người, và một lời cầu được dâng lên từ sự van nài tha thiết của Người.
Thánh Augustinô nói rằng, bất cứ khi nào chúng ta đọc Kinh Lạy Cha một cách sốt sắng, các tội nhẹ của chúng ta sẽ được tha thứ. Người công chính một ngày sa ngã bảy lần, nhưng, nhờ Kinh Lạy Cha với bảy lời nguyện, họ sẽ vừa tránh khỏi sa ngã, vừa được gìn giữ khỏi các kẻ thù thiêng liêng. Vì biết chúng ta yếu đuối và bất lực là chừng nào, lại còn gặp bao khó khăn thử thách, Chúa đã đặt ra kinh của Người vừa ngắn gọn lại vừa dễ đọc, để nhờ đọc một cách sốt sắng và thường xuyên, chúng ta chắc chắn sẽ được Thiên Chúa Toàn Năng cứu giúp cấp thời.
Hỡi các linh hồn đạo hạnh, những người ít để ý đến kinh mà Con Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và bảo chúng ta luôn luôn đọc kinh ấy, tôi xin qúi bạn là đã đến lúc qúi bạn nên nghĩ lại đi. Qúi bạn chỉ thích những lời nguyện do loài người đặt ra. Cho dù là ai đi nữa, được thần hứng nhất trên đời này đi nữa, cũng không thể nào biết cách phải cầu nguyện hơn chính Chúa Giêsu Kitô! Qúi bạn tìm kiếm những kinh nguyện trong các sách do bàn tay phàm nhân viết ra, làm như qúi bạn cảm thấy xấu hổ khi đọc kinh Chúa Dạy chúng ta cầu nguyện vậy.
Qúi bạn cho rằng những kinh nguyện trong các sách đó là những kinh nguyện dành cho giới học giả và giầu có, thuộc thành phần thượng lưu, còn Kinh Mân Côi là kinh chỉ để dành cho đàn bà, con nít và thành phần hạ cấp. Những kinh nguyện qúi bạn thường dùng được coi như hay hơn và đẹp lòng Thiên Chúa hơn những gì chứa đựng nơi Kinh Lạy Cha! Thật là một chước cám dỗ rất nguy hại trong việc làm mất đi hứng thú cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, và thay vào đó bằng những kinh nguyện tầm thường khác.
Nói như thế không phải là tôi phủ nhận các kinh nguyện của các thánh đặt ra để khuyến khích tín hữu chúc tụng Thiên Chúa, nhưng điều không thể chấp nhận ở đây là người ta đề cao những kinh nguyện của các thánh hơn kinh nguyện của chính Lời Nhập Thể dạy cho. Nếu họ coi thường kinh nguyện Chúa dạy này, thì chẳng khác gì họ bỏ một suối nước để đến với một rãnh nước, không uống nước trong mà uống nước đục vậy. Kinh Mân Côi bao gồm Kinh Lạy Cha và Lời Chào Thiên Thần là một giòng nước trong, hằng tuôn chảy từ mạch ân sủng, trong khi những kinh nguyện khác nơi các sách vở, chẳng là gì khác ngoài những tia nước nhỏ xíu cũng phát xuất từ cùng một nguồn mạch này.
Ai đọc Kinh Lạy Cha cẩn thận, để ý từng chữ, suy niệm từng lời, đúng là người có phúc, vì họ tìm thấy mọi sự mà họ cần hay mong ước.
Khi chúng ta đọc kinh nguyện tuyệt diệu này, chúng ta chạm đến ngay Trái Tim của Thiên Chúa lúc chúng ta gọi Ngài là Cha, Lạy Cha chúng con, một tên gọi ngọt ngào. Ngài là Cha dấu yêu nhất trong tất cả mọi người cha: toàn năng trong việc tạo dựng, diệu kỳ trong việc bảo tồn thế gian, khả ái trong sự quan phòng thần linh, và luôn vô cùng thiện hảo trong ơn cứu độ của Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta, do đó, chúng ta tất cả là anh em với nhau, và Thiên đàng là quê hương của chúng ta, là sản nghiệp cho chúng ta thừa hưởng. Điều này đã đủ dạy cho chúng ta yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân, và đừng gắn bó với những sự ở trên đời này.
Vậy chúng ta phải yêu Cha chúng ta ở trên trời và phải lập đi lập lại:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, Cha là Đấng tràn đầy trời đất bằng hữu thể vô cùng của Cha. Cha hiện diện khắp mọi nơi, Cha ở trong các thánh nhân.
Với vinh quang của Cha, Cha ở trong kẻ bị án trầm luân. Với chính trực của Cha, Cha ở trong các kẻ lành. Với ân sủng của Cha, Cha cũng ở ngay trong tội nhân. Với sự nhẫn nại, mà Cha khoan dung cho họ. Xin cho chúng con biết kêu cầu Cha, cho chúng con hằng nhớ rằng chúng con từ Cha mà đến. Xin cho chúng con biết sống như con cái đích thực của Cha. Xin cho chúng con biết hướng đời của chúng con về Cha, đừng bao giờ trở mặt. Xin cho chúng con biết sử dụng mọi khả năng của chúng con, tâm trí, hồn thiêng và sức lực của chúng con qui hướng về Cha. Chỉ một mình Cha mà thôi. 
DANH CHA CẢ SÁNG
Vua Đavít là một tiên tri đã nói Tên của Chúa là thánh và uy linh, và tiên tri Isaia thì viết, các tầng trời luôn vang vọng những lời chúc tụng của các thiên thần Seraphim không ngừng tôn vinh sự thánh thiện của Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.
Ở đây, chúng ta xin cho tất cả thế gian nhận biết và tôn thờ những ưu phẩm của Thiên Chúa là Đấng rất ư cao cả và thánh hảo. Chúng ta xin cho Ngài được nhận biết, yêu mến và tôn thờ nơi dân ngoại, nơi dân Thổ Nhĩ Kỳ, nơi dân Do Thái, nơi dân man rợ và nơi tất cả những kẻ bất trung - để tất cả mọi người biết phụng sự và tôn vinh Ngài bằng một đức tin sống động, một đức cậy vững vàng, một đức mến bừng cháy, và bằng việc từ bỏ tất cả những tin tưởng sai lầm. Tóm lại, chúng ta nguyện cầu cho tất cả mọi người nên thánh vì Thiên Chúa của chúng ta là Đấng Toàn Thiện.
NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN
Xin Cha cai trị linh hồn chúng con bằng ân sủng của Cha. Để sau khi chết, chúng con được xứng đáng cai trị với Cha trong vương quốc của Cha, trong vĩnh phúc tuyệt vời. Ôi lạy Chúa, chúng con vững tin vĩnh phúc này sẽ đến; chúng con hy vọng và trông đợi vĩnh phúc ấy, vì Chúa là Cha đã hứa ban cho theo lòng nhân lành cao cả của Cha; vĩnh phúc đã được trao đổi cho chúng con bằng công nghiệp của Thiên Chúa Ngôi Con và Chúa Thánh Linh Đấng là Ánh Sáng đã tỏ vĩnh phúc ấy cho chúng con.
Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
Như ông Tertullianô nói, câu này không có nghĩa là chúng ta sợ rằng người ta làm sai lệch đi những định liệu của Thiên Chúa, vì không có một sự gì xẩy ra ngoài sự quan phòng thần linh, sự quan phòng đã biết trước điều xẩy ra và làm cho điều ấy xẩy ra đúng như dự định trước của mình. Không có một trở ngại nào trên đời này có thể cản trở được ý muốn của Thiên Chúa khi đến thời điểm phải xẩy ra.
Khi chúng ta đọc “ý Cha thể hiện” là chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta hạ mình xuống chấp nhận tất cả những gì Ngài thấy đáng gửi đến cho chúng ta ở đời này. Chúng ta cũng xin Ngài giúp cho chúng ta thực hiện, trong mọi sự và mọi lúc, Thánh Ý Ngài được tỏ ra cho chúng ta qua các giới răn, một cách mau mắn, thiết tha và bền vững, như các thần thánh ở trên trời.
Chúng ta thực hiện nhiều tác động nhân đức cao trọng của Kitô giáo, khi chúng ta công bố những lời kinh thần linh này một cách chuyên chú bằng miệng lưỡi của mình.
Khi đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta thực hiện các tác động của đức tin, đức thờ phượng và đức khiêm nhượng. 
Khi chúng ta xin cho “Danh Cha cả sáng”, chúng ta bày tỏ lòng nhiệt thành bừng cháy cho vinh quang của Ngài. 
Khi chúng ta xin cho Nước Ngài rộng lan, chúng ta thực hiện tác động của đức cậy; với ước mong cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta tỏ ra tinh thần vâng phục trọn hảo.
Khi xin cho mình “lương thực hằng ngày”, chúng ta thực hiện sự nghèo khó trong tinh thần và thoát ly khỏi các sự vật trần thế. 
Khi chúng ta xin Ngài “tha nợ chúng con”, là chúng ta thực hiện tác động ăn năn đau đớn tội lỗi. 
Khi xin “tha cho kẻ có nợ chúng con”, chúng ta chứng tỏ nhân đức xót thương ở một mức độ cao cả nhất. 
Khi xin Thiên Chúa trợ giúp ta trong “mọi cơn cám dỗ”, chúng ta thực hiện những tác động khiêm nhường, khôn ngoan và mạnh mẽ. 
Khi chúng ta trông đợi ngài “cứu chúng con cho khỏi sự dữ” là chúng ta thực hiện đức nhẫn nại.
Sau hết, khi chúng ta xin tất cả những điều này - không phải chỉ cho một mình chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả tha nhân và mọi chi thể của Giáo Hội - là chúng ta đang thi hành bổn phận làm con cái thực sự của Thiên Chúa, là chúng ta đang bắt chước tình yêu của Ngài bao gồm tất cả mọi người, và chúng ta đang tuân giữ giới răn yêu thương nhau vậy.
Nếu chúng ta thật lòng muốn như điều chúng ta đọc nơi môi miệng, và nếu ý hướng của chúng ta không chênh lệch với những điều diễn đạt nơi Kinh Lạy Cha, thì, nhờ đọc kinh này, chúng ta sẽ ghét mọi tội lỗi và sẽ giữ tất cả mọi lề luật của Chúa. Bởi vì, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa đang ở trên trời - cách biệt chúng ta bởi sự cao cả vô cùng của Ngài - là chúng ta đặt mình trước nhan Ngài, chúng ta sẽ được bao phủ trong sự uy linh tràn đầy. Bấy giờ sự kính sợ Chúa sẽ làm tiêu tán mọi kiêu căng, và chúng ta sẽ sấp mình trước Thiên Chúa trong sự hư vô tuyệt đối của chúng ta.
Khi chúng ta đọc danh xưng “Cha”, và nhớ rằng chúng ta hiện hữu là do Chúa qua cha mẹ của chúng ta, kể cả những sự hiểu biết qua các thầy dạy của chúng ta; các vị ấy là những người thay Thiên Chúa và là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, mà chúng ta không thể nào không tôn kính và trọng kính, hay, nói cho đúng hơn, tôn kính Thiên Chúa nơi các vị ấy. Bởi đó, ngay cả trong tư tưởng của chúng ta cũng không được bất kính hay làm phiền khổ các vị ấy.
Chúng ta không thể nào lộng ngôn khi chúng ta nguyện cho “Danh Cha cả sáng”. Nếu chúng ta thực sự coi Nước Thiên Chúa như gia nghiệp của mình, chúng ta không thể nào lại dính bén với những sự vật trần gian.
Nếu chúng ta chân thành xin Thiên Chúa cho anh em mình có cùng một ơn phúc như chúng ta cần, tự nhiên chúng ta sẽ bỏ qua hết những thù ghét, cãi lẫy và hờn giận. Dĩ nhiên, nếu chúng ta xin Thiên Chúa mỗi ngày cho chúng ta “lương thực hằng ngày”, chúng ta sẽ gớm ghét sự tham lam và nhục dục đầy dẫy vây bọc cuộc sống của chúng ta.
Khi thành khẩn xin Thiên Chúa “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, chúng ta không để cho sự giận dữ và những tư tưởng thù hận xảy ra - Chúng ta lấy ơn báo oán và thực sự yêu các kẻ thù của mình.
Khi xin Thiên Chúa cứu chúng con cho khỏi tội lỗi lúc bị cám dỗ, là chúng ta tỏ ra đang chiến đấu với sự lười biếng và đang hết sức tìm cách tiêu trừ những thói hư để tiến đến với ơn cứu độ của mình. 
Khi cầu xin Thiên Chúa “cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, là chúng ta tỏ ra kính sợ sự công chính của Ngài, và nhờ đó, chúng ta sẽ được hạnh phúc thật. Bởi vì, kính sợ Thiên Chúa là đầu mối sự khôn ngoan, và nhờ nhân đức kính sợ Thiên Chúa mà con người xa lánh tội lỗi.
(Bí Mật Kinh Mân Côi - Bông Hồng 12 và 14).
 
2. TRUYỆN TÍCH
TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI CỨU RỖI BÀ CỤ 98 TUỔI
Trong tháng mười, Tháng Mân Côi, các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đã hằng ngày sốt sắng dâng lên Mẹ Maria Tràng Chuỗi Mân Côi, những lời Kinh mà chính Thiên Chúa Cha đã truyền cho Sứ Thần Gabriel công bố, để tỏ lòng tôn sùng và biết ơn Mẹ. Vâng, vì đức tin mạnh mẽ và lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối của Mẹ vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, Mẹ đã thưa „xin vâng“, Mẹ đã hoàn toàn tự nguyện hy sinh cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Nhờ thế, Ngôi Hai Thiên Chúa mới có thể nhập thể làm người và cũng nhờ thế, toàn thể nhân loại mới được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi.
 
Dĩ nhiên, mục đích chính và trực tiếp của Kinh Mân Côi là nhằm tôn thờ Đức Kitô, chứ không phải Mẹ Maria. Vì khi đọc Kinh Mân Côi, các tín hữu suy ngắm 20 mầu nhiệm cuộc đời cứu thế của Đức Kitô – 5 Sự Vui, 5 Sự Sáng, 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng – mà trong đó Mẹ Maria giữ một vai trò trọng yếu, mang tính cách quyết định, họ sẽ khám phá được tình yêu vô biên của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô, Con Một của Người. Và chính sự tôn thờ Thiên Chúa, lòng biết ơn và cảm tạ Đức Kitô qua Kinh Mân Côi của các tín hữu là chính sự tôn vinh làm đẹp lòng Mẹ Maria nhất, vì mục đích duy nhất đời Mẹ là tôn thờ và làm sáng danh Thiên Chúa. Đàng khác, Kinh Mân Côi là lời kinh được bắt nguồn trong Kinh Thánh.
 
Trong Tông thư Marialis Cultus thời danh của Ngài, ĐTC Phaolô VI khẳng định rằng: „Tràng chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Phúc Âm“ và ĐTC Gioan Phaolô II còn cụ thể hơn: „Thực ra việc lần hạt Mân Côi không gì khác hơn là cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Thánh Nhan Đức Kitô.“ Bởi vậy, chính ĐTC Gioan Phaolô II đã đánh giá: „Kinh Mân Côi là một lời kinh đơn sơ, nhưng đẹp và sâu xa nhất“. Còn nhà thần học Karl Rahner thì nhận định rằng: „Kinh Mân Côi là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất, dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa.“ Nói cách khác, Kinh Mân Côi là con đường chắc chắn dẫn tới sự cứu rỗi. Suốt dòng lịch sử trên 2000 năm của Giáo Hội đã minh nhiên chứng nhận điều đó. Ở đây chúng tôi xin trích câu chuyện kể có thật của cha Gereon Goldmann OFM, một nhà truyền giáo lâu năm tại Nhật Bản như sau:
 
Tại khu ngoại ô „Cầu Gỗ“ của thủ đô Tokyo có khoảng 500.000 dân sinh sống và trong số đó có vài ba trăm tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ St. Elisabeth. Khu ngoại ô „Cầu Gỗ“ vốn được coi là một trong những khu phố nghèo nhất của thủ đô Tokyo rộng lớn với dân số 13 triệu người. Khắp khu ngoại ô này hầu hết các nhà đều làm bằng gỗ và thấp nhỏ. Khu ngoại ô này là cả một viện dưỡng lão khổng lồ, được chăm sóc về mặt y tế một cách khá chu đáo. Trong số các vị cao niên sống ở đây, mà đa số đã phải nằm liệt giường từ nhiều năm hay từ hằng chục năm rồi, có một số nhỏ là người Công Giáo.
 
Hàng tháng tôi đến thăm các ông bà cụ người Công Giáo và mang Mình Thánh Chúa cho họ hai lần. Một hôm vào khoảng 2 giờ sáng máy điện thoại nhà tôi reo. Đó là cú điện thoại của cô y tá điều dưỡng trực, cô báo cho tôi hay là tôi phải đến gấp, vì ở ngôi lều số 8 có người đang hấp hối và rất mong muốn gặp tôi.
 
Thế là tôi lấy xe máy và mang theo dầu thánh chạy đến viện dưỡng lão ngay lập tức. Người canh cổng quen biết tôi nên liền mở cổng cho tôi vào. Cô y tá điều dưỡng cũng đã chờ tôi sẵn ở lối vào. Tôi liền hỏi cô người hấp hối nằm ở đâu và tôi cứ đinh ninh là một ông cụ người Công Giáo mà tôi thường đến thăm viếng. Nhưng cô y tá trả lời: „Không phải ông cụ người Công Giáo muốn gặp cha, nhưng là một bà cụ khác.“ Nghe cô y tá nói, tôi cứ tự thắc mắc mãi, vì theo tôi biết thì tại ngôi lều số 8 đâu có bà cụ già nào là người công Giáo. Cô y ta dẫn tôi tới giường một bà cụ mà trước đây mỗi lần tôi tới viện dưỡng lão bà đều đăm đăm nhìn tôi như muốn trao đổi với tôi điều gì đó. 
 
Nhìn bà cụ tôi đoán biết bà không thể qua được, tuy nhiên bà cụ vẫn còn đủ sức nói chuyện rất rõ ràng, dù rằng bà chỉ nói một cách chậm rãi mà thôi. Từ trên 80 năm qua, bà cụ luôn cầu xin Chúa cho bà trước khi chết được gặp một Linh mục Công Giáo và hôm nay tôi là một Linh mục Công Giáo đang đứng trước mặt bà.
 
Tôi liếc nhìn tấm bảng ghi tên tuổi của bà cụ treo ở đầu giường, tôi biết được bà cụ đã 98 tuổi. Tôi liền hỏi bà là tại sao bà lại muốn gặp vị Linh mục Công Giáo. Sau một lúc lâu với những câu nói cắt quảng, bà cụ kể tiểu sử đời bà. Bà từng là một nữ học sinh của một trường Công Giáo. Tại trường bà đã được một nữ tu dạy trong suốt ba năm trời. Và khi bà 17 tuổi bà đã được chịu phép Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Bà nói: „Con đã được nhận lãnh nước thánh và tiếp sau đó là bánh thánh của Chúa.“ Nhưng sau đó, bà lập gia đình, và theo truyền thống xưa kia ở Nhật thì việc lập gia đình là do gia đình dàn xếp, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Và chồng bà là một thầy Sãi coi giữ một ngôi chùa ở trên miền núi cao hẻo lánh. Thế là bà phải sống trong ngôi chùa, hằng ngày lau dọn trong chùa, chăm sóc các ngôi mộ và trong ngày cầu siêu cho các vong linh bà phải chu tất công việc hương khói. Chồng bà biết bà là người Công Giáo nên ông vẫn để bà được tự do đi nhà thờ, nhưng ở khắp miền đó không hề có ngôi nhà thờ nào cả. Và sau đó bà sinh con, nhưng chẳng bao giờ bà có thể đi nhà thờ được. Và cuộc đời bà cứ trôi qua như thế trong suốt 70 năm trời. Sau đó, lần lượt chồng bà và tất cả các con bà đều qua đời, và một vị Sư khác đến trụ trì ngôi chùa nên bà bó buộc phải rời bỏ ngôi chùa và đến ngụ tại viện dưỡng lão này.
 
Tôi hỏi bà là trong bao nhiêu năm dài như thế có khi nào bà nghĩ đến Thiên Chúa của các Kitô hữu không thì bà đăm đăm nhìn tôi một cách lạ thường và cố sức đưa cánh tay phải khẳng khiu ra khỏi tấm mền đang đắp trên người bà, giơ lên cho tôi xem Tràng chuỗi Mân Côi bà đang cầm trong tay. Bà nói: „Trong bao nhiêu năm trời, chưa một ngày nào mà con không mang Chuỗi tràng hạt Đức Bà trên người, hoặc con cầm trong tay hay bỏ trong túi, hằng ngày và nhiều lần trong ngày con đã lần hạt Mân Côi. Con đã hằng ngày lần hạt Mân Côi cầu Chúa cho con trước khi chết được gặp một vị Linh mục Công Giáo để ngài mang cho con bánh thánh của Chúa.“ 
 
Nói xong, bà cụ bắt đầu cầu nguyện. Bà đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng Maria. Trong khi bà cụ cầu nguyện như thế thì tôi liền ban Bí tích Xức Dầu cho bà, vì xem chừng sự sống của bà không còn kéo dài bao lâu nữa, chỉ còn được tính bằng phút bằng giây mà thôi. Quả thật, khi tôi chưa hoàn tất các nghi thức Xức Dầu, thì bà cụ trong khi đang lâm râm cầu nguyện Tràng chuỗi Mân Côi đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong an bình. Chắc chắn linh hồn bà đã được Mẹ Maria sai các Thiên Thần đón về Trời để thưởng công cho lòng trung thủy gắn bó của bà với Mẹ qua Tràng chuỗi Mân Côi.
 
Câu chuyện bà cụ già người Nhật Bản trên đây đã hùng hồn khẳng định rằng „chưa hề có ai cầu khẩn Mẹ Maria mà Mẹ không nhận lời và để ra về tay không“. Vâng, Mẹ Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên sót bất cứ ai luôn gắn bó với Mẹ bằng Tràng chuỗi Mân Côi. Mẹ sẽ cứu vớt họ khỏi bị hư mất đời đời. Lời hiệu triệu năm xưa của Mẹ tại Fatima „Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi“ vẫng còn vang vọng mãi trong mọi tâm hồn.
 
“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen“.
Lm. Nguyễn Hữu Thy
(Trích trong: Die schönsten Mariengeschichten, Heft 16, Miram-Verlag Jestetten)
(Nguồn: vietcatholicnews.com)
 
Ghi chú trích dẫn:
1/ Tin Mừng: Bản dịch Lời Chúa của Uỷ Ban Phụng Vụ, HĐGMVN.
2/ Suy niệm Tin Mừng và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh.
3/ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, Bí Mật Kinh Mân Côi (Le Secret admirable du très saint Rosaire); bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
 
 
KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
Đặc trách
Tu sĩ FX. Trần Kim Ngọc, OP.
Email:
kinhmancoi.net@gmail.com
ĐT: 0988560042 (+84. 988560042)
Website:
http://kinhmancoi.net  
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn