1
09:44 +07 Thứ tư, 24/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 51

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 48


Hôm nayHôm nay : 5522

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 251321

Tổng cộngTổng cộng : 27805605

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ

Ý nghĩa của Logo Năm Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ & Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến

Chủ nhật - 30/11/2014 10:01-Đã xem: 2421
Giáo xứ nào cũng là một sự sống. Ðể tránh cho sự sống giáo xứ khỏi rơi vào tình trạng cằn cỗi, trái lại, để nó luôn luôn trẻ trung, càng ngày càng phát triển, giáo xứ cần phải được thường xuyên đổi mới.
Ý nghĩa của Logo Năm Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ & Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến

Ý nghĩa của Logo Năm Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ & Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến

Tân-Phúc-Âm-hoá giáo xứ

Tân-phúc-âm-hoá giáo xứ là đổi mới giáo xứ. Giáo xứ không ưu tiên là một cơ sở, một cơ chế, một địa hạt có ranh giới, nhưng ưu tiên là một cộng đồng các tín hữu, (Giáo luật 515,1), là một gia đình của Chúa, một huynh đoàn chỉ có một linh hồn (Lumen gentium 28,1964), là căn nhà của gia đình đầy tình huynh đệ sẵn sàng đón tiếp, (Gioan Phaolô II Catechesi tradendoe, 1979).
Giáo xứ nào cũng là một sự sống. Ðể tránh cho sự sống giáo xứ khỏi rơi vào tình trạng cằn cỗi, trái lại, để nó luôn luôn trẻ trung, càng ngày càng phát triển, giáo xứ cần phải được thường xuyên đổi mới.
 Ðổi mới cách nào?
Thưa sẽ không có một mô hình nào dám tự nhận là lý tưởng. Dưới đây, tôi chỉ xin nêu lên một số gợi ý. Một phần rút ra từ cuốn La Vigne et les Sarments của Pierre Coughlan, Fayart, 1992, và một phần rút ra từ những kinh nghiệm mục vụ đó đây.
 1/ Những cộng đoàn nhỏ
Hiện nay, những cộng đoàn nhỏ đang là một yếu tố quan trọng trong việc đem lại sinh khí cho giáo xứ. Có nơi gọi họ là cộng đoàn cơ sở (communauté ecclésiale de base). Có nơi gọi họ là cộng đoàn sự sống (communauté de vie chrétienne). Thường thường các cộng đoàn nhỏ này có khuynh hướng tồn tại lâu dài. Nhưng nếu được huấn luyện, thì các loại tổ chức ngắn hạn như: Hội đồng giáo xứ, nhóm giáo lý viên, ca đoàn, cũng có thể đứng vào diện những cộng đoàn nhỏ có khả năng đổi mới giáo xứ.
Các cộng đoàn nhỏ này cần được huấn luyện về hai mặt: Một mặt là tu đức, một mặt là dấn thân phục vụ.
Trong huấn luyện tu đức, họ được hướng dẫn tập trung vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu, “Hãy ở lại trong Cha như Cha ở trong con” (Ga 15,1-4). “Ai ở trong Cha và Cha ở trong họ, kẻ ấy sẽ mang nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Bởi vì, “Cha là thân cây nho, chúng con là những cành nho” (Ga 15,5). Họ phục vụ, bởi vì chính Ðức Kitô gọi họ dấn thân: “Tại sao con còn đứng đó, cả ngày không làm gì cả... Hãy đi làm vườn cho Cha” (Mt 20,6).
Ðối với họ, dấn thân là cộng tác với các bề trên trong đạo, nâng đỡ và xây dựng giáo đoàn, là thao thức tìm cách nâng cao đời sống giáo đoàn lên, nhất là về mặt đạo đức, là bén nhạy với những nhu cầu của kẻ nghèo túng, bệnh nạn, cô đơn, là tham gia vào việc truyền giáo. Họ phục vụ, bởi vì họ biết các ơn họ được là do Chúa Thánh Linh ban cho, để họ lo cho công ích (x. 1 Cr 12,7...).
 2/ Những phong trào
Những phong trào này có tính cách Hội Thánh. Chúng giống như những đợt gió mạnh, yểm trợ cho các nhu cầu mũi nhọn của thời điểm. Hiện nay, trong Hội Thánh nói chung và trong Hội Thánh Việt Nam nói riêng, đang nổi dậy ba phong trào quan trọng sau đây:
 a) Phong trào Thánh Kinh
Trở về với Thánh Kinh, đó là điều mà công đồng Vaticanô II đã kêu gọi qua Hiến Chế “Mạc khải”. Từ đó, các nền tu đức, các bài giảng, các kinh, các thể loại sùng kính đã trở về tìm chất lượng nơi Thánh Kinh. Ngày nay, trước sự nảy nở và phát triển tràn lan của các thứ giáo phái, mọi Hội Thánh địa phương đều cảm thấy việc trở về với Thánh Kinh là nhu cầu bức thiết. Mới rồi, Liên-Hội-Ðồng các Giám Mục Phi Châu và Madagascar đã ra văn thư kêu gọi các thành phần Dân Chúa hãy tăng cường việc học Kinh Thánh, phải coi Kinh Thánh là trọng tâm và nền tảng của đời sống đạo. Trong văn thư ấy, các Ðức Giám Mục cho rằng lơ là với Thánh Kinh, đó là mặt yếu nhất của nhiều Hội Thánh địa phương. Các Ngài phàn nàn là đang khi các giáo phái tập trung vào việc phổ biến Thánh Kinh, thì giới công giáo vẫn giữ thói quen phổ biến ảnh tượng hơn là Kinh Thánh. Tài liệu cũng cho biết là mỗi năm, Giáo hội tại Brésil mất đi khoảng 600.000 người công giáo, vì số này đã theo các giáo phái. Riêng tại Phi Châu đã có hơn 10.000 giáo hội khác nhau, cùng với những giáo phái khác nhau (Réflexion de la Rencontre de collaboration africaine, Mars, 1992).
Tôi thấy nhiều giáo xứ còn rất coi nhẹ Lời Chúa, ngay nhiều linh mục cũng chưa quan tâm đủ đến Lời Chúa là nguồn ban sự sống. Nếu cứ đà này, đời sống đạo sẽ khó tránh khỏi nhiều mất mát trong những năm tới, khi các giáo phái ùa vào Việt Nam.
 b) Phong trào thánh nhạc
Thời nay, tham gia tích cực vào đời sống Hội Thánh là một đòi hỏi quan trọng. Hình thức tham gia đơn sơ và tối thiểu là hát cộng đồng trong thánh lễ. Hát thánh nhạc cộng đồng, đó cũng là điều Liên Hội Ðồng các Giám Mục Phi Châu và Madagascar nêu lên, như là một trong các biện pháp để đối phó với sự lan tràn các giáo phái. Hát thánh nhạc cộng đồng còn là một hình thức cầu nguyện chung, có sức khơi động những cảm xúc lành thánh, cùng với những tư tưởng tốt đẹp, nâng tâm hồn lên.
Một linh mục cho biết, việc đầu tiên ngài đã làm, để giúp một họ đạo trước đây khô khan được hồi sinh, là dạy họ hát thánh ca cộng đồng trong các thánh lễ. Kết quả thực không ngờ. Nhà thờ dần dần đông lên, các giờ thánh lễ trở nên sốt sắng hơn. Tất nhiên, cần chọn những bài bình dân, hay và vắn.
 c) Phong trào xã hội
Qua sự tham gia các phong trào xã hội, người tín hữu tập quen mở đời sống đức tin về hướng xã hội, theo tinh thần Hiến Chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay”.
Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II trong Christifideles laici, số 2 đã chỉ rõ hai cơn cám dỗ đang làm suy yếu đức tin. Một là muốn tách rời đức tin ra khỏi cuộc sống, biến đức tin thành một môn khoa trình bày lý thuyết về các chân lý tôn giáo, để nghiên cứu, để học, để nhớ, thế thôi. Hai là muốn tách rời Hội Thánh ra khỏi thế gian, biến Hội Thánh thành một pháo đài khép kín. Hai cơn cám dỗ này dụ dỗ người tín hữu trốn tránh các trách nhiệm dấn thân. Tại Việt Nam, hai cơn cám dỗ này đã không hoàn toàn thất bại. Nhiều người công giáo Việt Nam vẫn an tâm với việc tuyên xưng đức tin bằng các công thức nghi lễ theo chế độ đền thờ, chứ không để ý đến việc làm chứng đức tin bằng hướng mở ra cuộc sống và xã hội.
 3/ Tiếp xúc riêng
Tiếp xúc riêng là tiếp xúc với từng cá nhân, với từng gia đình, với từng nhóm, với từng giới. Khi các tiếp xúc này có tính cách mục vụ, linh mục sẽ hiểu được phần nào tình hình các linh hồn, nhất là những chuyển biến tâm lý xã hội. Nhờ đó ngài sẽ lãnh nhận và sẽ cho đi một cách thích hợp.
Theo ý kiến Ðức Cha Luigi Giussani vị sáng lập phong trào Communio et Liberatio, thì nhờ có những tiếp xúc mục vụ riêng, mầu nhiệm Hội Thánh đã được nhiều người cảm nghiệm như một tình yêu sống động, hoạt động. Người ta sẽ thấy hình ảnh một Hội Thánh dễ thương, khác với hình ảnh Hội Thánh cơ chế, một hình ảnh không dễ gây thiện cảm đối với nhiều người (La Vigne et les Sarments, trang 147).
Khi theo dõi các bài giảng đó đây, tôi thấy nhiều bài mang dấu ấn của thời điểm và địa điểm, nên có sức sống lôi cuốn. Ðược vậy, tác giả các bài ấy chắc đã có nhiều kinh nghiệm do nhiều tiếp xúc.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, những tiếp xúc riêng với các bệnh nhân, các người bị bỏ rơi, những người có vấn đề, thường gây được nhiều kết quả tốt, góp phần làm cho bầu khí cộng đoàn trở nên huynh đệ hơn.
 4/ Văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc
Qua các cuộc thăm viếng mục vụ tại các giáo đoàn và qua các tiếp xúc chung riêng, tôi có nhận xét này là con người thời nay, nhất là giới trẻ, rất nhạy bén với những giá trị văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc. Họ muốn được thấy nội dung đức tin khoác chiếc áo đẹp, có nét văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc. Chúng ta thường trình bày đức tin qua các bài giảng, tiếp xúc, các nghi thức, các bài hát, các cuộc tổ chức lễ, kiến trúc, trang trí và qua chính các con người. Những cách đó chỉ là những hình thức diễn đạt. Nhưng cách diễn đạt đức tin với hình thức mang trình độ cao về văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc, bao giờ cũng gây được nhiều kết quả cao, khác với hình thức diễn đạt thiếu trình độ về các mặt đó.
Cũng do nhận thức ấy, tại nhiều giáo đoàn đã có những sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ phát triển các giá trị ấy, như cấp học bổng cho học sinh nghèo, mua sách báo tốt về cho dân đọc, tạo dịp cho giới trẻ tiếp cận với những người và những môi trường có trình độ văn hoá cao. Những sáng kiến ấy gây hứng khởi cho nhiều người trong cộng đoàn, tạo nên bầu khí mở ra về các giá trị lớn.
Dịp lễ Noel 1992 vừa qua, đài truyền hình Việt Nam đã trình chiếu một đoạn phim tài liệu về nhà thờ Chánh toà Phát Diệm. Từng triệu khán giả đã theo dõi và khen ngợi công trình lịch sử ấy. Ai cũng coi đây là một thánh đường rất đẹp, có nhiều nét văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc. Từ sự kiện trên đây, tôi thầm nghĩ: Nếu toà nhà đức tin của Hội Thánh Việt Nam nói chung, và của mỗi giáo xứ nói riêng, đã là một công trình đẹp, được trình bày với những nét văn hoá, khoa học, nghệ thuật và bản sắc dân tộc, thì công việc truyền giáo chắc sẽ khác hơn bây giờ.
 5/ Nhịp cầu
Nhịp cầu nói đây là những người và những việc có khả năng đối thoại để xây dựng những liên hệ tốt đối với các tôn giáo bạn và với các người không tín ngưỡng.
Nhờ các nhịp cầu, nhiều giáo đoàn đã tạo được sự thông cảm và tình nghĩa giữa công giáo và ngoài công giáo. Họ sống thanh thản, làm chứng cho Tám Mối Phúc, khác với những cộng đoàn khép kín, sống trong thế cô đơn, nghi kỵ, với những cái nhìn hẹp hòi, lố bịch, thiếu cả đến những đức tính nhân bản như sự trung thực, tình liên đới và sự bao dung.
Trong cuốn Vraie et Fausse Réforme dans l'Église, cha Congar nêu lên một nguy cơ thường xảy ra nơi một số Hội Thánh địa phương, đó là phong cách sống đạo theo kiểu Synagogue, tức Hội Ðường của đạo Do Thái. Ngài ám chỉ não trạng chủ trương loại trừ những ai không cùng quan điểm tôn giáo với mình. Não trạng đó, nếu còn tồn tại nơi cộng đoàn, sẽ rất hại cho việc truyền giáo.
 6/ Hướng huấn luyện chung giáo đoàn
Nói một cách tổng quát, thì việc Tân-phúc-âm-hoá chung giáo đoàn chọn hai hướng huấn luyện, một là huấn luyện có tính cách nuôi dưỡng lòng đạo, hai là huấn luyện có tính cách sai đi làm chứng cho Thiên Chúa bằng phục vụ tha nhân.
Huấn luyện về tín lý, về luân lý, về nhân bản, về truyền giáo, về văn hoá, về lòng yêu tổ quốc, nhưng nhất là về tinh thần hiệp thông của Lời Chúa “Ta là cây nho, các con là ngành” (Gioan 15,5).
Như vậy, việc giáo dục, đào tạo nhân sự là rất quan trọng. Không có nhân sự giáo dân được đào tạo đúng hướng, linh mục sẽ không thể làm tốt được việc Tân-Phúc-Âm-hoá giáo đoàn. Mà xây dựng con người, đào tạo nhân sự là chuyện đòi nhiều thời gian, có khi từng chục năm. Tôi e rằng: Về vấn đề xây dựng con người, đào tạo nhân sự, chúng ta vẫn chưa tránh được hoàn toàn ba lầm lỗi, đó là trì trệ, hẹp hòi, và thiếu chân thành.
ù
Ðể kết, tôi nghĩ sẽ không phải là thừa, nếu tôi quả quyết rằng: Việc Tân-Phúc-Âm-hoá giáo xứ tuỳ thuộc rất nhiều vào ý chí và tài đức linh mục phụ trách giáo đoàn. Tôi không nhìn vào những kết quả lớn cho bằng nhìn vào những gì đã bắt đầu và đang mọc lên. Tôi nhận thấy rất nhiều, rất đẹp. Và cũng rất đẹp sự ta nhìn nhận những thiếu sót lỗi lầm.
Xin Ðức Kitô là Chúa chiên lành thương đến ta và giáo đoàn của ta.
ĐGM Bùi Tuần


 
-------------------------------------------------------------------------------------------
 

I. Ý nghĩa của Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến 

BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ CÁC HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ - Đời sống thánh hiến trong Giáo Hội ngày nay - Tin Mừng, Ngôn Sứ, Hy Vọng 

 

http://conggiao.info/pic/news/2014/Nov/17/logo-Namdoisongthanhhien.jpg



Một con chim bồ câu nhẹ nhàng đỡ một quả cầu có nhiều mặt trên cánh của mình, trong khi nó bay lượn trên dòng nước chảy, và trên đó nổi lên ba ngôi sao, được bảo vệ bằng cánh kia. 
  
Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến, qua những biểu tượng, diễn tả những giá trị nền tảng của đời sống thánh hiến. Người ta nhận ra ở đó “công trình liên lỉ của Chúa Thánh Thần, Đấng mà trong suốt dòng thời gian thể hiện sự phong phú của việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm qua những đặc sủng đa dạng và do đó làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội và trong thế giới, trong thời gian và không gian” (Vita consecrata 5). 
  
Trong dấu họa hình mà chim bồ câu phác thảo có thể nhận ra từ Hòa Bình bằng tiếng Ả-rập: một lời nhắc nhở cho ơn gọi đời sống thánh hiến là gương mẫu về sự hòa giải phổ quát trong Chúa Kitô. 
  
Những biểu tượng trong Logo
  
Chim bồ câu trên mặt nước
  
Chim bồ câu là thành phần của lối biểu tượng cổ điển nhằm tượng trưng công trình của Chúa Thánh Thần, nguồn mạch sự sống và sự sáng tạo. Đó là lời nhắc lại khởi đầu lịch sử: từ khởi thủy, Thánh Thần của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (x. Kn 1,2). Chim bồ câu, bay lượn trên mặt biển đầy sự sống, nhắc lại sự phong nhiêu kiên nhẫn và tin tưởng, trong khi những dấu xung quanh nó cho thấy hoạt động tạo dựng và canh tân của Chúa Thánh Thần. Chim bồ câu cũng gợi lên việc thánh hiến nhân tính của Chúa Kitô trong phép rửa. 
  
Nước, được hình thành bởi những tranh ghép hình gạch cẩm thạch, ám chỉ tính phức tạp và sự hài hòa của các yếu tố nhân loại và vũ trụ, mà Chúa Thánh Thần làm “rên siết” theo những kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa (x. Rm 8, 26-27), để, ngay cả bị đe dọa bởi biển khơi thù nghịch – chim bồ câu bay trên nước hồng thủy (Kn 8,8-14) – , chúng hội tụ thành một cuộc gặp gỡ ân cần và phong nhiêu dẫn đến một cuộc tạo thành mới. Những người sống đời thánh hiến trong dấu chỉ của Tin Mừng – vốn dĩ vẫn là những người lữ hành giữa các dân tộc trên những nẻo đường của biển khơi – đang sống tính đa dạng đặc sủng và phục vụ của họ như là “những người quản lý khéo léo những ân huệ muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1P 4,10). Được ghi dấu cho đến chỗ tử vì đạo qua Thập giá của Chúa Kitô, họ sống trong lịch sử với sự khôn ngoan của Tin Mừng, đưa Giáo Hội đến chỗ ôm lấy và chữa lành toàn thể nhân loại trong Chúa Kitô. 
  
Ba ngôi sao
  
Chúng nhắc nhở căn tính của đời sống thánh hiến trong thế giới: như là lời tuyên xưng Ba Ngôi (confession Trinitatis), dấu huynh đệ (signum fraternitatis) và đức ái phục vụ (servitium caritatis). Chúng diễn tả sự chuyển động vòng tròn và tương quan của tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, mà đời sống thánh hiến tìm cách sống cách thường ngày nơi thế giới trong dấu chỉ của tình huynh đệ. Các ngôi sao cũng nhắc lại ba con dấu vàng qua đó khoa tranh ảnh byzantine tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, khuôn mẫu và bảo trợ cho đời sống thánh hiến. 
  
Quả cầu đa diện
  
Quả cầu đa diện nhỏ tượng trưng cho thế giới, với những dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, như Đức Phanxicô khẳng định (x. EV 236). Hơi thở của Chúa Thánh Thần nâng đỡ nó và dẫn nó đến tương lai. Nó mời gọi những người nam và nữ sống đời thánh hiến “trở nên những chứng nhân của Chúa Thánh Thần (pneumatophoroi), những người nam và nữ thuộc về Chúa Thánh Thần đích thực, có khả năng làm phong nhiêu lịch sử  cách âm thầm” (VC 6). 
  
Các từ ngữ
  
Đời sống thánh hiến trong Giáo Hội ngày nay. Tin Mừng, Ngôn Sứ, Hy Vọng (Vita consecrata in Ecclesia hodieEvangelium, Prophetia, Spes)
  
Các từ ngữ trên logo còn làm nổi bật hơn căn tính và các chân trời, những kinh nghiệm và những lý tưởng, ân sủng và con đường mà đời sống thánh hiến đã sống và đang tiếp tục sống trong Giáo Hội Dân Thiên Chúa, trong cuộc lữ hành nơi các quốc gia và các nền văn hóa hướng về tương lai. 
  
Tin Mừng (Evangelium): chỉ quy luật tối cao của đời sống thánh hiến, là “bước theo Chúa Kitô theo giáo huấn của Tin Mừng” (Perfectae Caritatis 2a). Trước tiên như là “ký ức sống động về đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu” (VC 22), tiếp đến như là sự khôn ngoan cuộc sống dưới ánh sáng của những lời khuyên khác nhau do Thầy đề nghị cho các môn đệ của Ngài (x.Lumen gentium 42). Tin Mừng mang lại niềm vui và sự khôn ngoan để định hướng (x. EV 1). 
  
Ngôn Sứ (Prophetia): nhắc lại đặc tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến vốn “được trình bày như là một hình thức đặc biệt tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần thông truyền cho toàn Dân Thiên Chúa” (VC 84). Ta có thể nói về một thừa tác vụ ngôn sứ đích thực, vốn nảy sinh từ Lời Chúa, được đón nhận và được sống trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Chứng tá này được diễn tả trong những tố giác đầy can đảm, trong việc loan báo “những cuộc viếng thăm” mới mẻ của Thiên Chúa và “việc khám phá những con đường mới mẻ để thực hành Tin Mừng trong lịch sử, hướng đến Nước Thiên Chúa” (ibid.). 
  
Hy Vọng (Spes): nhắc lại việc hoàn tất tối hậu mầu nhiệm Kitô giáo. Chúng ta đang sống trong thời đại của sự bấp bênh lan rộng. Niềm hy vọng của chúng ta cho thấy tính mỏng giòn văn hóa và xã hội của nó, chân trời thì tối tăm bởi vì “những dấu vết của Thiên Chúa xem ra thường xuyên bị quên lãng” (VC 85). Đời sống thánh hiến mang nơi nó một sự căng thẳng cánh chung thường hằng: nó làm chứng trong lịch sử rằng mỗi niềm hy vọng sẽ có một sự đón tiếp chung cuộc, nó thay đổi sự chờ đợi thành “sứ mạng, để Nước Thiên Chúa được củng cố và tiến triển ở đây và bây giờ” (VC 27). Là dấu chỉ của hy vọng, đời sống thánh hiến trở nên gần gũi và đầy lòng thương xót. 
  
“Được thúc đẩy nhờ tình yêu của Thiên Chúa vốn đã được Thánh Thần làm lan tỏa trong tâm hồn chúng ta” (x. Rm 5,5), những người sống đời thánh hiến do đó ôm lấy vũ trụ và trở nên ký ức về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, trở nên trung gian hiệp thông và hiệp nhất, trở nên lính canh cầu nguyện trên đỉnh núi lịch sử, những người liên đới với nhân loại trong những lo âu của nó và trong sự tìm kiếm âm thầm Chúa Thánh Thần. 
  
————————– 
  
Nghệ sĩ vẽ Logo Năm Đời Sống Thánh Hiến
  
Nữ họa sĩ Carmela Boccasile của Xưởng vẽ Arte Dellino đã được giao vẽ logo này. Xưởng này được thành lập vào năm 1970 (Bari –Rooma, ý) bởi vợ chồng họa sĩ Lillo Dellino và Carmela Boccasile. 

  
—————————————– 
  

Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015 được Đức Phanxicô loan báo vào dịp đại hội lần thứ 82 Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền tại Rôma, hôm 29/11/2013. Đức Thánh Cha kêu gọi « đánh thức » thế giới nhờ đời sống thánh hiến. Điều đó muốn nói tầm quan trọng mà ngài dành cho đời sống thánh hiến trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa. 
  
Năm Đời Sống Thánh Hiến sẽ được khai mạc vào ngày 30/11/2014, nhằm Chúa Nhật I Mùa Vọng. Tối hôm trước (29/11) sẽ có buổi canh thức cầu nguyện. Ngày 2/2/2016, Ngày quốc tế đời sống thánh hiến, sẽ là ngày bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến.

 

2. Ý nghĩa Logo “Chương trình mục vụ của Giáo hội Việt Nam trong năm 2015: Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến” 
http://conggiao.info/pic/news/2014/Nov/12/logo.jpg

1.  Thành viên của các giáo xứvà các cộng đoàn sống đời thánh hiến được diễn tả bằng hình ảnh của 6 nhân vật theo thứ tự từ phải qua trái: cha xứ, con trai, cha, mẹ, con gái và tu sĩ. Gia đình đứng giữa (con trai, cha, mẹ, con gái) diễn tả nội dung: “tiếp tục hướng đi của chương trình mục vụ năm ngoái là Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”, đồng thời diễn tả giáo xứ cùng với dòng tu và anh em di dân cũng là một gia đình rộng lớn và đầm ấm: “Đồng thời, trong năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), chúng tôi mời anh chị em hướng đến một gia đình rộng lớn hơn, là giáo xứ”.
  
2.  Sáu nhân vật đứng cận kề bên nhau trên một con đường và con đường này dẫn ra ngoài từ một ngôi thánh đường (màu gạch đỏ với Thánh giá vút cao) nhằm diễn tả nội dung: các thành viên phải “cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.” 
  
3.  Để có thể ra ngoài loan báo Tin Mừng, các thành viên phải: 
  
٠ “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”: nội dung này được diễn tả bằng hình ảnh chén thánh và bánh thánh. 
  
٠ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy; các Tông đồ giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế đời sống:” nội dung này được diễn tả bằng hình ảnh cuốn sách thánh mở ra.
  
٠ Tất cả đều được Chúa Thánh Thần soi sáng: được diễn tả bằng ngọn lửa Thánh Thần mang hình dạng chim bồ câu. 
  
4.  Giađình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.” Vòng tròn của những chữTân phúc-âm-hóa đời sống  giáo xứvà các cộng đoàn sống đời thánh hiến mang hình dạng của những tia sáng màu vàng nhằm diễn tả ý tưởng “chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh”.


Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn