1
21:03 +07 Thứ ba, 16/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 33

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 31


Hôm nayHôm nay : 7791

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 173767

Tổng cộngTổng cộng : 27728051

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ

Những điều cần biết để tổ chức đám cưới đẹp

Thứ tư - 14/11/2012 10:50-Đã xem: 2441
Để pháp luật công nhận, song song với đám cưới còn phải đăng ký kết hôn tức thiết lập giấy tờ giá thú hôn nhân hay gọi là tờ hôn thú tại chính quyền địa phương. Với tờ hôn thú được lưu giữ vào sổ bộ, đôi vợ chồng phải tuân thủ luật lệ về hôn nhân như không được song hôn (làm đám cưới một lần nữa mà người phối ngẫu còn sống hay chưa ly dị). Tờ hôn thú còn ràng buộc về vấn đề phân chia tài sản khi ly dị hay thừa kế tài sản khi một người trong đôi vợ chồng qua đời v.v... Tờ hôn thú rất quan trọng nên nhiều cô dâu không chịu động phòng nếu chàng rể nại cớ gì đó (bận rộn, chờ ngày lành tháng tốt, tang cha mẹ) chưa chịu làm hôn thú trước pháp luật.
Những điều cần biết để tổ chức đám cưới đẹp

Những điều cần biết để tổ chức đám cưới đẹp

ĐÁM CƯỚI TRONG PHONG TỤC VIỆT NAM

Theo phong tục Việt Nam ngày xưa vốn trọng nam, sau đám cưới nàng dâu hoàn toàn thuộc về gia đình dòng họ bên chồng. Nàng dâu phải ở bên gia đình chồng và làm những công việc nội trợ, quán xuyến những việc trong nhà gọi là làm dâu. Vì vậy muốn có dâu hiền, sinh con để nối dõi tông đường, nhà trai phải chủ động trong việc xin cưới. Khi biết được nhà nào có con gái hội đủ các đức tính công, dung, ngôn, hạnh, nhà trai tiến hành các thủ tục hỏi cưới. Đầu tiên là mai mối tức nhờ một người lớn tuổi có tư cách, đạo đức, gia đình yên ấm hạnh phúc tìm hiểu dọ hỏi bên đàng gái. Kế đến là vấn danh, nhà trai được ông bà mai giới thiệu sang nhà gái cầu thân cũng như sơ vấn, miền Nam còn gọi là Đám Nói. Sau đó chọn ngày tốt để làm Đám Hỏi hay còn gọi là lễ Đính Hôn, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái cầu hôn và trao nhẫn đính hôn cho cô dâu tương lai. Trong lễ Đính Hôn có thủ tục "Sỉ Lời" có nghĩa là hỏi thăm nhà gái đòi hỏi những gì (thách cưới). Sau khi thỏa thuận xong các điều kiện đòi hỏi của nhà gái, hai bên chọn ngày lành tháng tốt định ngày tổ chức Lễ Cưới hợp tuổi cô dâu, chú rể, tránh thời kỳ đại tang trong gia đình hai bên.

Kế đến quan trọng nhất là ngày đám cưới, bên đàng trai gọi là Lễ Thành Hôn, bên nhà gái gọi là Lễ Vu Quy. Trong lễ cưới này, phong tục ngày xưa có những nghi thức như: Nạp tài và thăm con dâu: Đàng trai mang lễ vật nhà gái đòi hỏi mang sang nhà gái và giao đủ số. Lễ Nhóm Họ tức họ hàng nhà gái tề tựu đông đủ, cô dâu lạy từ biệt cha mẹ, họ hàng. Dịp này cha mẹ cô dâu trao của hồi môn và thân nhân cô dâu trao quà cưới. Lễ Rước Dâu: Chú rể và phù rể sang nhà gái xin rước dâu. Chú rể, cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên và lên xe hay kiệu về nhà chồng. Lễ Cưới hay Lễ Thành Hôn: Sau khi đám rước dâu về tới nhà đàng trai đúng vào giờ tốt, gia đình nhà trai đốt pháo chào đón cô dâu và mời đàng gái vào nhà. Lễ Cưới được long trọng cử hành trước bàn thờ. Cô dâu lạy tổ tiên và ra mắt trước họ hàng nhà chồng. Sau đó cùng ngày là tiệc cưới đãi bà con, họ hàng, làng xóm đến chung vui và chúc mừng đôi trẻ có gia đình mới. Nhà đàng trai phải nhờ hay thuê mướn người đến nấu nướng, xẻ thịt trâu bò gà heo để đãi khách đến chúc mừng chia vui. Tiệc cưới nhiều khi kéo dài đôi ba ngày, chờ cho bà con họ hàng ở xa về hết mới thôi.

Ngày nay với tiến bộ của xã hội, tiệc cưới thường được tổ chức tại nhà hàng, khách sạn hay hội trường, các thủ tục, nghi thức cũng đơn giản hóa, bỏ bớt đi rất nhiều. Trong tiệc cưới ngày nay thường có những nghi thức như sau:

- Chào đón cặp tân lang và tân giai nhân (tức chú rể và cô dâu): Đến giờ khai mạc tiệc cưới với quan khách hai họ đông đủ và an vị nơi các bàn tiệc. Người hướng dẫn chương trình sẽ tuyên bố chào đón cô dâu và chú rể, giới thiệu tên họ của hai người. Lúc đó cô dâu, chú rể và các phù dâu, phù rể long trọng bằng những bước chậm, tiến vào bên trong và bước lên trên lễ đài (tức sân khấu của nhà hàng). Cô dâu và chú rể nhận được nhiều tràng pháo tay của quan khách.
- Giới thiệu phụ mẫu, anh chị em và thân tộc của cô dâu, chú rể. Đại diện cho họ đàng trai và đàng gái lên ngỏ lời cám ơn quan khách đã đến tham dự tiệc cưới.
- Chào khách và cám ơn từng bàn tiệc: Giữa tiệc cưới cô dâu, chú rể và song thân hai bên đến từng bàn khách để cám ơn và nhận lời chúc tụng cũng như quà cưới tặng cho đôi tân hôn. 
- Lễ rót rượu champagne: chú rể mở chai rượu champagne với tiếng nổ dòn tan tượng trưng lời báo hỷ, sau đó với sự trợ giúp của cô dâu bằng cách đỡ chai rượu, rót rượu chảy tràn trên những chiếc ly được xếp thành nhiều tầng tượng trưng cho hạnh phúc luôn chảy tràn đầy. Sau đó hai người vòng tay nhau uống rượu, bày tỏ sự tâm đầu ý hợp.
- Lễ cắt bánh cưới: Bánh cưới được làm to lớn, nhiều tầng trang trí rất đẹp, đủ đãi tất cả khách tham dự. Cô dâu cùng chú rể cắt bánh và vòng tay đưa bánh cho nhau cùng ăn bày tỏ ý tưởng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong đời sống vợ chồng. 


ĐÁM CƯỚI NGƯỜI VIỆT Ở MỸ VÀ VIỆT NAM CÓ GÌ KHÁC BIỆT?

Với sự khác biệt về đời sống xã hội, công ăn việc làm nên việc tổ chức đám cưới ở Mỹ và Việt Nam có nhiều điều khác biệt. Nói chung đám cưới ở Mỹ đơn giản, nhiều nghi thức được bải bỏ, nếu còn giữ cũng cử hành nhanh gọn để tránh mất thời giờ. Về chọn giờ rước dâu, ngày đám cưới ở Mỹ nhiều gia đình vẫn còn giữ, tuy nhiên quan trọng nhất là mọi việc phải được tổ chức vào hai ngày cuối tuần là thứ Bảy và Chủ Nhật. Ở Việt Nam có thể tổ chức bất cứ ngày nào trong tuần nhưng ngày nay với nền kinh tế phát triển, kỹ nghệ hóa nên cũng có xu hướng tổ chức trong ngày cuối tuần. Ở Mỹ lễ Đính Hôn hay Đám Hỏi hầu như được thông qua, nếu có làm cũng đơn giản trong gia đình hai bên mà thôi.

Chọn áo cưới cho cặp tân hôn, ở Việt Nam từ thôn quê đến thành thị cả cô dâu và chú rể đều mặc quần áo cưới theo kiểu Tây phương thay cho những bộ đồ cưới cổ truyền. Trong khi tại Mỹ cả hai lối trang phục đều được dùng trong ngày cưới: làm lễ Gia Tiên, Rước Dâu cô dâu chú rể mặc y phục truyền thống áo dài, khăn đống chú rể, khăn vành cô dâu. Về màu sắc có thể dùng các màu như trắng như nhiều nhất vẫn màu xanh dương và đỏ. Tuy nhiên nếu tổ chức nghi thức hôn phối trong nhà thờ, cả hai mặc y phục Tây phương toàn màu trắng. Y phục trong tiệc cưới thường theo kiểu Tây phương và thay đổi nhiều bộ đồ khác nhau như trong lúc khai mạc, chào khách từng bàn, cắt bánh, khiêu vũ có thể thay đổi y phục khác nhau.

Chọn địa điểm tổ chức tiệc cưới, từ Việt Nam cho đến Mỹ để cho dễ dàng, tươm tất thường chọn nhà hàng lớn từ 20 bàn trở lên. Ở Mỹ tiệc cưới tổ chức buổi tối trong khi ở Việt Nam thường tổ chức vào buổi trưa để khách khứa ở tỉnh xa có thể về kịp trong ngày. Ngày nay ở Mỹ nhiều đôi tân hôn chọn làm tiệc cưới ở khách sạn sang trọng và thức ăn theo lối Tây phương không nhiều món cầu kỳ, đơn giản nhưng thanh lịch quý phái. Nhiều bạn trẻ lại làm đám cưới ở những hải đảo du lịch xa xôi như Hawaii, Caribbean, khách khứa hai bên thường giới hạn người thân trong gia đình phải bay máy bay đến dự. Đám cưới xong cặp tân hôn sẽ hưởng tuần trăng mật ngay tại hải đảo theo phong cách của những tài tử nổi tiếng tránh xa chốn phồn hoa đô hội để lãng mạn tình tứ riêng cho mình một góc trời.


ĐÁM CƯỚI TẠI MỸ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

Lễ cưới chỉ diễn ra trong một ngày nhưng ảnh hưởng cả đời người. Vì vậy, việc chuẩn bị cần kỹ lưỡng, phải có kế hoạch trước một năm và kéo dài hàng tháng khi gần đến ngày đám cưới. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì đám cưới càng thành công tươm tất, tránh những trục trặc và tiết kiệm chi phí đám cưới. Việc chuẩn bị đám cưới không chỉ do cha mẹ đôi bên mà còn là trách nhiệm của chú rể lẫn cô dâu. Để có một lễ cưới toàn hảo, cần phải có một kế hoạch chi tiết viết ra trên giấy hay trên máy vi tính và cập nhật thường xuyên về những tiết mục trong ngày cưới như sau:

- Lập danh sách khách mời. Một buổi tiệc sẽ như thế nào nếu không có khách đến dự? Lập Danh Sách Chính gồm những người cần thiết phải mời, sau đó một Danh Sách Phụ là những người muốn mời thêm nếu Danh Sách Chính nhiều người bận không tham dự được. Vì vậy thiệp mời trong Danh Sách Chính phải gởi đi thật sớm để có thời giờ mời những người trong Danh Sách Phụ.

- Chọn và đặt nhà hàng. Sau khi có con số khách tham dự, chọn và đặt nhà hàng với bao nhiêu bàn, giá mỗi bàn và thực đơn gồm có những món gì. Cần phải thỏa thuận bằng giấy tờ với nhà hàng về ngày giờ, giá cả, thực đơn với số bàn có thể thêm lên hay giảm xuống (tránh khỏi phải chi trả cho những bàn trống). Nhiều nhà hàng nổi tiếng cần phải đặt trước cả năm, lúc đó chưa có số khách tham dự chính xác, bạn có thể ước tính con số tạm.

- Những dịch vụ thuê mướn, những món cần phải mua sắm trong ngày cưới: Xe hoa, xe đưa khách rước dâu, quay phim, chụp hình, áo cưới cô dâu, chàng rể, tuxedo (mua sắm hay thuê mướn), nhờ người làm dâu và rể phụ, ban nhạc giúp vui trong tiệc cưới, người điều khiển chương trình (MC), cần phần tiếng Mỹ nếu có nhiều khách Mỹ tham dự hay xui gia là người Mỹ, bánh cưới, rượu champagne, hoa trang trí trong nhà hàng, người tiếp tân đưa khách vào bàn, quyển sổ khách ghi danh, chiếu slide hình ảnh chú rể cô dâu (ai phụ trách), cô dâu trang điểm làm tóc ở đâu, nếu làm lễ trong nhà thờ phải chuẩn bị thêm một số việc cũng như giờ giấc sao cho phù hợp v.v... Nhờ người thân trong gia đình, bạn bè giúp bạn một tay trong các công việc. Để bớt lo lắng, bạn nên giao nhiệm vụ cho từng người và tiên liệu trước để có thể giải quyết kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. Để tránh lạc đường mất thời giờ cần phải in bản đồ các địa điểm như nhà chú rể, nhà cô dâu, nhà thờ, nhà hàng phát cho những người liên hệ.


Đi vào chi tiết trong những vấn đề trên có những việc cần phải lưu ý thêm:

- Chọn mẫu và in thiệp cưới với số lượng đầy đủ, in sớm và kiểm lại để tránh sai sót về tên họ, ngày giờ, địa chỉ. Địa chỉ của khách cần mời cũng mất khá nhiều thời giờ vì có số điện thoại khách nhưng không có địa chỉ đầy đủ để gởi thiệp mời.
- Không nên may trang phục cưới quá sớm, thực tế cho thấy số đo của cô dâu có thể thay đổi trong ngày hôn lễ. Tốt nhất cô dâu nên chọn kiểu dáng, chất liệu vải và chỉ may áo cưới trước khi lên xe hoa khoảng một tháng.
- Bộ lễ phục tuxedo, áo dài chàng rể cũng cần phải để ý mua sắm hay đặt may cho đẹp. Có nhiều cặp cho rằng bộ đồ của chàng rể không quan trọng, ý kiến này nhiều khi sai lầm rất tai hại vì hình ảnh cho thấy trong khi cô dâu quá đẹp lại đi bên cạnh chàng rể áo quần xốc xếch, tóc tai rối bời.
- Chọn cách trang điểm phù hợp nhất: các cô dâu không nên chủ quan khi quá tin tưởng trông cậy vào chuyên viên trang điểm. Các chuyên gia tư vấn khuyên rằng khi có thời gian rảnh rỗi, cô dâu tương lai nên tự trang điểm một vài kiểu, từ đó chọn ra kiểu phù hợp nhất cho mình trong ngày trọng đại đó.
- Chàng rể trước ngày cưới phải giữ sức khoẻ, không nên làm việc nhiều và quá căng thẳng, thức đêm chè chén nhậu nhẹt. Trong tiệc cưới dù ai bắt ép uống rượu cũng nên từ chối hay uống cho có hình thức. Phải luôn là người đứng chủ động trong mọi công việc giống như vai trò trụ cột gia đình trong tương lai, cần tập cho mình vai trò quyết định xử lý những vấn đề quan trọng, không nên khoán trắng mọi việc cho cha mẹ hay phải tìm hỏi ý kiến của vợ.
- Sắp xếp chương trình trong tiệc cưới và trao đổi trước với hai họ cũng như MC để cùng biết chương trình sẽ diễn tiến lớp lang như thế nào. Giới thiệu ai trước ai sau, người nào được mời nói. Cũng cần phải biết MC là người như thế nào, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp không. Nếu không quan tâm tới điều này nhiều khi MC cương ẩu, chú rể sẽ là người phải "chữa cháy" trong nhiều trường hợp khó xử.

Ở đâu cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ xem đám cưới của con là dịp trọng đại có cơ hội để phô trương quyền thế và sự giàu sang phú qúy. Đám cưới càng long trọng linh đình, khách tham dự càng đông, xe cộ bóng loáng hàng trăm chiếc càng nói lên đẳng cấp cao sang của gia đình. Nhiều thiệp cưới còn in thêm chi tiết chức vụ, nghề nghiệp của cha mẹ hai bên như giám đốc sở này sở nọ, tiến sĩ, giáo sư , bác sĩ v.v...Nhiều đám cưới hoành tráng rình rang cho đời biết tiếng, sau đám cưới cô dâu chú rể thiếu nợ ngập đầu, nay lưng làm việc cả chục năm trời mới trả hết. Bạn nên cẩn thận chọn cho mình một đám cưới phù hợp với tình trạng tài chính và nhớ rằng người đời có câu: "Không ai khen đám cưới và cũng không cười đám ma". Đám cưới là cho mình chứ không ngoài ai khác, làm sao có một đám cưới long trọng nhưng ấm cúng, đầy đủ nghi thức nhưng không rườm rà, khéo léo tế nhị tránh những việc làm khiến khách tham dự hiểu lầm mình phô trương không cần thiết. 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH


Đôi tân hôn cùng nâng ly rượu cưới.

Lễ cưới hôn phối trong nhà thờ.

Chuẩn bị tiệc cưới tại một nhà hàng.

Trang trí hoa và bánh cưới trong tiệc cưới ở nhà hàng.

Ban nhạc giúp vui trong một tiệc cưới ở Little Saigon.
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn