1
21:05 +07 Thứ năm, 25/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 75

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 74


Hôm nayHôm nay : 17947

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 280633

Tổng cộngTổng cộng : 27834917

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ

Gia đình trẻ và nỗi buồn ly hôn

Thứ bảy - 26/11/2011 10:38-Đã xem: 1855
Hình hoạ

Hình hoạ

Trong khi thẩm phán, cán bộ tòa án làm hết sức mình, nhằm hàn gắn những rạn vỡ không đáng có thì hai người trong cuộc lại tìm mọi cách “dứt áo ra đi” để thỏa mãn tự ái cá nhân.





Những lý do lãng xẹt

Tốt nghiệp đại học, cùng được một công ty tuyển dụng nên Thanh và Hùng (Quận Bình Thạnh – TP.HCM) trở nên gắn bó, thân thiết với nhau. Yêu nhau hơn hai năm, cả hai mới quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân không thơ mộng như Thanh nghĩ. Khác với vẻ hào hoa, ga-lăng khi yêu, lúc này Thanh mới phát hiện Hùng là người đàn ông nóng nảy, cộc cằn. Đi làm về, người giúp việc chưa kịp nấu cơm, Hùng hầm hè trách vợ không biết sắp xếp công việc hợp lý cho người giúp việc nhà; đi du lịch không như ý, Hùng cằn nhằn Thanh mấy ngày vì chọn tour không hấp dẫn, ăn uống quá tệ. Thanh tâm sự với vị thẩm phán trong tâm trạng bức xúc: “Từ nhỏ đến lớn, ba má còn không nạt nộ em kiểu đó, chồng là gì mà ghê vậy? Đi làm cũng vậy, ở công ty ai cũng tôn trọng em, chỉ có chồng là coi vợ chẳng đáng đồng xu!”. Vị thẩm phán hỏi lại: “Có lần nào lựa lúc hai vợ chồng vui vẻ để nói cho chồng biết tâm trạng của mình khi anh nổi nóng, nạt nộ vợ chưa?”. Thanh không suy nghĩ: “Trời, ảnh phải tự biết chớ. Em đâu phải là ôsin đâu mà muốn nói gì thì nói. Nhịn vừa thôi chớ nhịn riết... nhục lắm, em chịu không nổi...”. Theo Thanh, ngoài chuyện “coi thường” vợ, Hùng chẳng có lỗi lầm gì khác, không bồ bịch, không rượu chè và rất thương con. Lá đơn ly hôn có lẽ chỉ là phút nông nổi của tuổi trẻ, bởi họ còn một sợi dây ràng buộc khác: bé gái xinh xắn vừa thôi nôi và chuyện nóng nảy của chồng thì chẳng phải là gì ghê gớm trong đời sống vợ chồng. Nhưng... ngoài dự đoán, việc hòa giải hoàn toàn thất bại. Anh chồng chỉ đến tòa một lần. Mặc ai nói gì, anh cũng chỉ một câu: “Cô ấy đã muốn ly hôn thì tôi chấp nhận. Đã tự ý viết đơn, nộp đơn lên tòa rồi thì tòa cứ theo đơn mà thực hiện. Tôi không cần hòa giải”.

Hiện nay, ngày càng có nhiều cuộc ly hôn, trong đó không ít chỉ vì tự ái cá nhân, đặc biệt là ở những gia đình trẻ. Cái tôi của mỗi người quá lớn, chẳng ai nhường ai. Theo NGƯT Lê Minh Nga (Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục và Tình yêu hôn nhân gia đình TP.HCM) thì trong số các vụ ly hôn của nhiều cặp vợ chồng son trẻ (dưới 35 tuổi), hầu hết lý do đưa ra là không hợp nhau, không hiểu nhau, sở thích không phù hợp, không có sự nhường nhịn, chiều chuộng, tha thứ cho nhau… Bên cạnh đó là mâu thuẫn do khác biệt về trình độ, thiếu sự quan tâm, cảm thông, chăm sóc và chia sẻ cùng nhau. Thực tế, ở những cặp vợ chồng trẻ, nguyên nhân ly hôn có thể là sự hụt hẫng, thất vọng khi đối mặt với sự thật phũ phàng: Tính cách của người chồng hay của người vợ, hồi nào khi chỉ mới là người tình của nhau, sao không thấy có những điều bất cập như khi đã sống chung với nhau. Sau khi đã kết hôn thành chồng vợ và bắt dầu làm cha, làm mẹ, nhiều tính xấu đến lúc đó mới biết, những thiếu thốn, vất vả của cuộc sống chung và việc nuôi con, dạy con làm cho cặp vợ chồng trẻ mệt mỏi và đổ lỗi cho nhau, trách móc nhau.

 

Phải có sự cân nhắc kỹ

Thẩm phán Minh Hương - Phó chánh án Tòa án Q.10, TP.HCM cho biết: “Dẫu chỉ thấy một tia hy vọng nhỏ nhoi, chúng tôi cũng tìm mọi cách để hòa giải. Những cuộc hòa giải bất thành cứ khiến chúng tôi day dứt nỗi buồn... Có những cuộc ly hôn khiến chúng tôi thẫn thờ, nuối tiếc suốt một thời gian dài sau đó...”. Luật sư Nguyễn Thị Bích Thủy - Chủ tịch Hội Luật gia Q.Bình Thạnh, người từng ngồi ghế thẩm phán cho nhiều vụ ly hôn, tiếc nuối: “Ở nhiều vụ, đặt bút ký quyết định ly hôn, tôi cứ thấy lòng mình trĩu nặng. Sao họ ly hôn dễ đến vậy? Cha mẹ chia lìa, thiệt thòi lớn nhất thuộc về những đứa trẻ, nhưng khi quyết định ly hôn, nhiều cặp vợ chồng chẳng mảy may chạnh lòng vì điều đó. Họ chỉ cần thỏa mãn cái tôi của mình. Giới trẻ ngày nay có lẽ còn quá mơ hồ và quan niệm đơn giản về cuộc sống hôn nhân. Yêu thì lấy, hợp thì chung sống, không hợp thì sẵn sàng dứt bỏ. Dường như đôi lứa không còn sự chịu đựng, nhẫn nại để vun đắp cho hạnh phúc gia đình…”

NGƯT Lê Minh Nga khuyên: “Cha mẹ ly hôn, đối với con cái là một hậu quả nặng nề, tâm tính bất thường, học hành sa sút, mặc cảm, bất mãn… Vì thế, trước khi quyết định ly hôn, mỗi người làm cha mẹ cần phải có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng, tự đặt cho mình những câu hỏi : Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn? Có nên giải quyết việc ly hôn vào thời điểm này? Cả hai có còn sự chịu đựng và tha thứ cho nhau hay không? Ly hôn liệu có là biện pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn gia đình? Vì vậy, trước khi quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình, các bạn trẻ cần phải tìm hiểu kỹ đối tượng của mình và học tập để biết tầm quan trọng của cuộc sống gia đình, về vai trò của người vợ – người chồng, trách nhiệm, bổn phận của từng người”.

 Đổ vỡ, ly hôn là điều bất hạnh không ai muốn, vì thế vợ chồng phải luôn là chỗ dựa và động viên cổ vũ cho mọi hoạt động của nhau trong cuộc sống và phải biết cách giải quyết mâu thuẫn để giữ hạnh phúc gia đình. Khi có vấn đề nảy sinh gay cấn, cần phải biết bình tĩnh, biết lựa chọn và biết tha thứ, chờ đợi nhau. Có như vậy thì dù khó khăn đến dâu cũng có thể giải quyết được vì ly hôn không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn gia đình.

Những mâu thuẫn dẫn đến ly hôn

Mâu thuẫn về tính tình: Lý do đưa ra là không hợp nhau, không hiểu nhau, sở thích không phù hợp, không có sự nhường nhịn, chiều chuộng, tha thứ cho nhau… Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành (cả thể xác lẫn tinh thần) trong gia đình.

Mâu thuẫn do khác biệt về trình độ: Trình độ văn hoá, chính trị, xã hội. Do nhận thức khác nhau, nhất là mất bình đẳng về giới: coi phụ nữ (vợ) là của riêng mình.

Mâu thuẫn về nghề nghiệp: Công việc giờ giấc đi làm của mỗi người khác nhau, thiếu sự quan tâm, cảm thông, chăm sóc và chia sẻ cùng nhau.

Mâu thuẫn về tài chính: Do thu nhập chênh lệch hoặc một bên phụ thuộc vào bên kia nên xảy ra tình trạng coi thường, tiền đong, gạo phát, thiếu đi sự tôn trọng lẫn nhau. Mâu thuẫn với gia đình bên chồng hoặc vợ: Giữa mẹ chồng nàng dâu, anh chị em họ hàng

Mâu thuẫn do người chồng bê tha: Bồ bịch, rượu chè, vũ phu, thiếu trách nhiệm với gia đình. 

Đại Nghĩa – Văn Thảo

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn