1
23:29 +07 Thứ năm, 18/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 33

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 8361

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 190500

Tổng cộngTổng cộng : 27744784

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » THÔNG TIN GIÁO XỨ » Linh mục đoàn Giáo phận

Tuần tĩnh tâm của các linh mục: Người của Thiên Chúa

Thứ tư - 14/11/2012 10:41-Đã xem: 2576
GPVO - Cuộc sống của linh mục càng ngày càng trở nên bận rộn. Tình trạng này có thể làm cho người ta “có nguy cơ trở nên cứng cỏi, chai đá” trong đời sống nội tâm. Vì thế, cần có thời gian để hồi tâm, thinh lặng và lắng nghe.
Tuần tĩnh tâm của các linh mục: Người của Thiên Chúa

Tuần tĩnh tâm của các linh mục: Người của Thiên Chúa

38 linh mục trong giáo phận đã có cuộc tĩnh tâm đợt thứ nhất tại Tòa Giám mục Xã Đoài từ ngày 5 đến ngày 10/11/2012.

Mỗi năm các linh mục phải dành một số ngày để tĩnh tâm, đó là đòi buộc theo giáo luật điều 533, số 2.

Những ngày cách li khỏi các sinh hoạt của giáo xứ – thăm viếng, gặp gỡ, xây dựng và các công việc mục vụ khác – quả là cơ hội hiếm có trong năm của một cha sở.

Năm nay các linh mục tĩnh tâm theo phương pháp linh thao, do cha Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J., hướng dẫn.

Ngoài các giờ kinh phụng vụ, thánh lễ và chầu Thánh Thể, những người dự cuộc tĩnh tâm nghe giảng 2 lần và có 3 tiếng đồng hồ cầu nguyện mỗi ngày. Đây là những phương thế giúp các linh mục thánh hóa và canh tân đời sống trong ân sủng, để trở thành những con người mới theo hình ảnh của Chúa Giêsu mục tử và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

Người của Thiên Chúa

Người của Thiên Chúa, đó là chủ đề của cuộc tĩnh tâm lần này. Theo đó, vị tu sĩ của dòng Tên đã trình bày các đề tài giúp suy tư về ơn gọi, sứ vụ và căn tính của linh mục.

Định nghĩa tốt nhất về ‘người của Thiên Chúa’ theo Cựu Ước là: người được “thánh hiến cho Thiên Chúa”. Các tư tế được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 29,1), để lo việc tế tự hay những hiến sinh – nazir (Ds 6,7), đặt biệt là các ngôn sứ, như trường hợp Giêrêmia (Gr 1,5).

Theo thánh Phaolô, một người của Thiên Chúa là người sống giữa thế gian nhưng bày tỏ những đặc tính của Thiên Chúa mà người ấy thấu hiểu, vì luôn luôn ở gần và sống trong sự dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, với tâm tình là mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Sống gần Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, người ấy thấu hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, nhờ thế có thể nói và hành động nhân danh Thiên Chúa.

Khi gọi Timothê là người của Thiên Chúa, thánh Phaolô muốn gợi lên một thực tại là người môn đệ được dành riêng và “thánh hiến” cho việc phụng sự Thiên Chúa.

Cũng theo nghĩa ấy – tức theo nghĩa tư tế và ngôn sứ của Cựu Ước – Giáo hội quen gọi linh mục là người của Thiên Chúa, người được chọn gọi, tách rời, dành riêng để thuộc trọn về Chúa, làm công việc của Chúa.

Đức giáo hoàng Phaolô VI cho một nghĩa khá đầy đủ về “người của Thiên Chúa”: “Đúng như cách diễn tả của mọi người, linh mục là “người của Thiên Chúa, nghĩa là “một con người mà lẽ sống là phụng thờ Thiên Chúa, say mê tìm kiếm người, nghiên cứu và nói về Người và phục vụ Người” (TGM Montini, lời tựa cho quyển sách của Pierre Veuillot, Chức linh mục của chúng ta, Fleurus, 1954).

1

Lm Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J. Ảnh Đức Ngợi

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói với các linh mục tại Roma vào đầu mùa Chay 2010 rằng: “Linh mục là những con người của Thiên Chúa, sống hiệp thông với Chúa Kitô để dẫn đưa nhân loại đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.”

“Sự chọn lựa sống này đòi hỏi linh mục phải phát huy những tâm tình và cảm thức theo ý muốn Thiên Chúa. Điều này giả thiết một sự hoán cải, vốn không đơn giản, vì đi ngược lại với não trạng đương thời.”

“Ba khía cạnh cốt yếu của đời sống linh mục để có một chứng từ hữu hiệu: tình bạn với Chúa Kitô, sự tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sự hiệp thông trong tình yêu”.

Người ta chờ đợi gì nơi linh mục?

Khi được hỏi “Bạn chờ đợi gì nơi linh mục?” thì Francois Mauriac (1885-1970), văn sĩ Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1933, giải Nobel về văn chương 1952, trả lời: “Tôi chỉ xin các ngài cho tôi Thiên Chúa, chứ không xin các ngài nói về Thiên Chúa. Đối với tôi, việc rao giảng hiệu nghiệm của linh mục luôn là chính đời sống của ngài. Một linh mục tốt không cần có gì để nói với tôi: tôi nhìn ngài và điều đó là đủ cho tôi rồi.”

“Dòng tu nói tốt hơn hết về Thiên Chúa, đó là các đan sĩ Biển Đức, vì họ không bao giờ lên tòa giảng, nhưng làm cho chúng ta sống thảm kịch thánh lễ... Tôi hiểu Kierkegaard biết bao khi ông ta nói: Thiên Chúa là một Ai đó mà ta nói với, chứ không phải là Đấng mà ta nói về” (Qu’attandez-vous du prêtre?Paris 1949, p. 91).

Jean Guitton (1901-1999) là triết gia và thần học gia Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1961, quan sát viên giáo dân duy nhất tại Công đồng Vatican II, nói về linh mục trong một bài báo như sau:

“Chúng tôi xin các linh mục, trước hết và trên hết, hãy cho chúng tôi Thiên Chúaqua quyền năng tha tội và tế lễ. Linh mục là người của Thiên Chúa, sứ giả mầu nhiệm của đức tin. Nhân loại bị chìm đắm trong bóng tối và sương mù bao phủ. Con người bị lường gạt và thất vọng bởi những cái tương đối, nên chỉ khao khát một Đấng Tuyệt Đối” (Le Figaro 22/4/1982).

Anh làm việc cho ai?

Chiều kia, một rabbi đi dạo quanh một nông trại gần đó, và gặp một người bảo vệ, được thuê để canh gác nông trại.

Vị rabbi hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh bảo vệ nông trại cho ai?”

Người bảo vệ nói tên chủ mình và anh hỏi lại: “Còn ngài, thưa rabbi, ngài đang canh cho ai?

Một chốc thinh lặng để cố tìm câu trả lời, ông đáp: “Hiện giờ tôi không canh cho ai cả”. Rồi vị rabbi thêm: “Anh bạn có muốn làm việc cho tôi không?”

“Dĩ nhiên, tôi rất thích” – người bảo vệ trả lời – “nhưng tôi phải làm gì?”

Vị rabbi đáp: “Anh có bổn phận nhắc tôi là tôi đang canh gác cho ai.”

Hiện giờ tôi đang làm việc cho ai? Có thể tôi đang làm việc mệnh danh là ‘của Chúa’ nhưng lại làm ‘cho tôi’.

Tôi có quá bận tâm đến công việc của Chúa đến mức quên Chúa của các công việc không?

“Chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? ... Ta không biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác (xem Mt 7,21-23).

*  *  *

Trên đây là tóm lược một số ý tưởng trong tập linh thao Người của Thiên Chúa, được cha giảng phòng trình bày cho các linh mục trong tuần tĩnh tâm vừa qua. 

Những ngày tĩnh tâm của các linh mục đã kết thúc với thánh lễ cầu nguyện cho việc tân Phúc âm hóa tại nhà thờ chính tòa Xã Đoài sáng thứ bảy ngày 10/11/2012. Thánh lễ do Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự.

Sau thánh lễ các linh mục ra viếng nghĩa trang giáo phận, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh mục đàn anh đã qua đời.

Chiều nay, 12/11/2012, các linh mục sẽ bắt đầu tuần tĩnh tâm đợt thứ hai.

[Bài kế tiếp sẽ nói về những mẫu gương của đời linh mục.]

Lm Phạm Quang Long ghi

1

Ảnh Đức Ngợi


Tuần tĩnh tâm của các linh mục [2]: Những mẫu gương của đời linh mục
12.11.2012

 

 
GPVO - Trong những ngày này, các linh mục đã bước vào tĩnh tâm đợt thứ hai. Người giảng phòng vẫn là cha Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J., người sẽ hướng dẫn các linh mục tĩnh tâm theo phương pháp linh thao.

 

 

Vị tu sĩ dòng Tên đưa ra những suy tư về cuộc đời của ngôn sứÊlia và các linh mục nổi tiếng khác như những chứng từ của củađời linh mục qua các thế hệ.

Êlia, mẫu gương của linh mục

Một hình ảnh tiêu biểu của linh mục là ngôn sứ Êlia, người của Thiên Chúa.

Êlia là một ngôn sứ vĩ đại, người đã thách thức các sư sãi bụt thần Baan về mầu nhiệm hiển linh của Thiên Chúa Israel (1 V 18,20-40). Sau những ngày phủ đầy vinh quang rực rỡ bởi chiến thắng vẻ vang, ông phải đương đầu với chuỗi ngày cô độc, cay đắng, tủi hờn.

Êlia đã phải “ra đi để thoát mạng” (19,3). Êlia, người đã từng đấu tranh cho chính nghĩa cường quyền, giờ đây trở thành yếu đuối, bé nhỏ, mệt nhọc trong thân xác và suy sụp trong tinh thần. Trong mệt mỏi, chán chường, ông đã thốt lên lời kinh tuyệt vọng: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (19,4-5).

Đó là lời cầu nguyện qui về mình, bi đát hóa hoàn cảnh của riêng mình, khi Êlia không còn cảm nghiệm quyền năng của Thiên Chúa nữa.

Ẩn náu trong hang sâu núi thẳm, người ngôn sứ đơn độc giờ đây chỉ còn biết trông chờ sự trợ giúp của Thiên Chúa mà thôi. Nhưng Thiên Chúa giờ đây cũng vắng bóng. Kinh nghiệm về Thiên Chúa quyền năng nhường chỗ cho kinh nghiệm về Thiên Chúa thinh lặng.

Rồi Êlia lên núi Khôrep 40 đêm ngày, làm lại cuộc hành trình của Môsê. Vì Khôrep là nơi Thiên Chúa kí kết giao ước, nên Thiên Chúa muốn ông hành hương về cội nguồn của giao ước, để tìm gặp Thiên Chúa, nhằm phục hồi đức tin tinh tuyền và bảo tồn giao ước.

Thiên Chúa không xuất hiện trong khung cảnh ồn ào, náo động, nhưng đã xuất hiện trong thinh lặng, trong “cơn gió hiu hiu”. Vốn đã quen với sự xuất hiện của Thiên Chúa trong cảnh uy hùng, giờ đây Êlia phải học khám phá Thiên Chúa trong điều mới mẻ, trong sự bất ngờ.

Quan trọng hơn, Êlia học biết rằng thinh lặng không những là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mà còn là môi trường thuận tiện để nghe tiếng Chúa. Chính sự xuất hiện nhẹ nhàng của Thiên Chúa làm cho Êlia hiểu rằng Thiên Chúa luôn ở đó, ở rất gần ông, cả khi ông không cảm nghiệm sự hiện diện của Người.

Khôrep là đỉnh cao của lòng tin, là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, cũng là hình ảnh của sa mạc, đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, khả dĩ giúp tâm hồn tìm lại dung nhan thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc sống trần thế.

Êlia là ngôn sứ theo đúng nghĩa một con người của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng hằng sống và chân thật. Nên ông hãnh diện vì có thể dâng hiến toàn thể cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa: “Có Thiên Chúa hằng sống của các đạo binh, Đấng tôi phục vụ! (18,15).

Êlia còn là ngôn sứ theo đúng nghĩa của một người tôi tớ. Ngôn sứ là người làm mọi điều Chúa truyền và nói mọi lời Chúa dạy: “Vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này”.

Cuối cùng, Êlia là ngôn sứ vì muốn toàn dân Israel – cũng như toàn thể muôn dân – đều nhận biết Đức Chúa là Thiên Chúa hằng sống, duy nhất và chân thật. “Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Êlia tiến ra và nói: Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ” (18,36-37).

Ngôn sứ đích thực không chỉ là người nói thay Thiên Chúa, theo nghĩa là phát ngôn viên, chỉ dạy đường lối của Thiên Chúa, mà còn là người bị bách hại vì bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa.

Nói cách khác, ngôn sứ chỉ sống cho Thiên Chúa và cũng chết cho Thiên Chúa. Ngôn sứ giả có thể nói ‘nhân danh’ Thiên Chúa, nhưng không dám vì Thiên Chúa hi sinh quyền lợi mình, chứ chưa nói chi đến mạng sống!

Trước câu hỏi “Êlia, ngươi đang làm gì ở đây?”, thì Êlia chỉ có một câu trả lời: “Con đang tìm Chúa”. Điều đó ngụ ý rằng không chỉ khi Chúa hỏi Êlia mới nhớ rằng ông tìm Chúa, nhưng thực sự ông tìm Chúa trong suốt cả cuộc đời. Chính trong viễn tượng này, Êlia được coi là tổ phụ của những người tìm Chúa.

Cuộc đời Êlia là một đề tài thật phong phú để suy niệm, giúp nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cũng như giúp linh mục chúng ta có một số tiêu chuẩn đánh giá sứ mệnh ngôn sứ của mình trong thế giới hiện nay.

Đức giáo hoàng Gioan XXIII: chỉ muốn là linh mục trên hết mọi chức tước

Giám mục Angelo Roncalli, trước khi được bầu làm giáo hoàng, có thời làm ngoại giao Tòa thánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, sứ thần Tòa thánh ở Pháp. Ngài chỉ muốn là linh mục trên hết mọi chức tước hay địa vị khác.

Khi làm giáo chủ tại Venezia, ngài nói với cha tổng đại diện: “Họ nói tôi là nhà ngoại giao, nhưng Giáo hội chỉ có một thể thức ngoại giao, đó là chức linh mục. Tôi luôn cố gắng thực hành hình thức ngoại giao này”.

Khi chịu chức linh mục ở tuổi 23, ngày 9/8/1904, ngài viết trong nhật ký: “Tôi nhớ rõ giữa những cảm xúc trào dâng trong tâm hồn, mãnh liệt nhất là tình yêu lớn lao đối với Giáo hội, vì vương quyền Chúa Kitô, một ý niệm dâng hiến toàn thân, và với một ý hướng, một lời nguyền thánh thiêng, thực sự trung thành với ngai tòa thánh Phêrô và làm việc không mệt mỏi vì các linh hồn” (Elliot, trang 42).

Ngài yêu mến gia đình riêng ở quê nhà. Tất cả họ đều là nông dân ở Sotto-il Monte. Ngài luôn bày tỏ tình yêu và giúp đỡ từng người tùy khả năng của mình.

Với thân phụ đang phải mang gánh nặng của tuổi già, ngài viết: “Chỉ có một sự an ủi là đã sống một cuộc đời tốt đẹp. Cha tha lỗi cho con nếu xem như con đang giảng cho cha, nhưng chính vì tình yêu đối với cha mà con nói những điều này; cha nhớ rằng con làm linh mục vì chính mục đích này, không phải làm cho cha trở nên giàu có và hưởng mọi của cải trần gian này nhưng để giúp cha được hài lòng về phương diện thiêng liêng trong đời này và hạnh phúc đời sau” (trang 55).

Cách cư xử với phụ nữ: “Sẽ không thích hợp nếu tôi là người viết thư trước cho một nữ tu mà tôi không quen biết ... (theo lời đề nghị của một người tên là Giovanni). Đối với linh mục chúng tôi, mọi phụ nữ, cả những nữ tu, phải giống như các linh hồn thánh thiện ở trên thiên đàng. Chúng tôi phải làm mọi điều có thể cho họ, nhưng với tư cách đứng đắn” (trang 101).

Ngài nói về những thuộc cấp hay phê bình bề trên như sau: “Ồ linh mục phải bỏ quá nhiều – hôn nhân, con cái, biết bao thú vui bị cấm đoán. Họ phải được phép sử dụng một môn thể thao lớn nhất của giáo sĩ là: chỉ trích bề trên” (trang 188).

Đức giáo hoàng Phalo VI: yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Giáo hội.

Montini, người sau này là giáo hoàng Phalo VI, là linh mục và chỉ muốn là linh mục. Trong những hoàn cảnh bất ngờ nhất và những trách nhiệm nặng nề nhất – là linh mục, giám mục hay giáo hoàng – ngài luôn chứng tỏ một sức sống sung mãn mà ơn gọi linh mục đem lại, khi biết mình sống mạch lạc ơn gọi đó.

Năm 1954, khi giám mục Montini rời khỏi văn phòng quốc vụ khanh để đi nhậm chức tổng giám mục Milano, ông Vladimir d’Ormesson, đại sứ Pháp, thay mặt cho ngoại giao đoàn, ngỏ lời với ngài như sau: “Điều mà các nhà ngoại giao chúng tôi trân trọng và yêu quý nơi ngài là, bên sau vị bộ trưởng của Tòa thánh, chúng tôi luôn bắt gặp vị linh mục”.

1

Viếng nghĩa trang tưởng nhớ các linh mục đàn anh. Ảnh Văn Huệ

Trên đây là tóm lược những ý tưởng trong tập linh thao Người của Thiên Chúađược cha giảng phòng trình bày cho các linh mục. 

Bài kế tiếp sẽ tiếp tục nói về những mẫu gương của đời linh mục.

Lm Phạm Quang Long ghi

>> Tuần tĩnh tâm của các linh mục [1]: Người của Thiên Chúa



Tuần tĩnh tâm của các linh mục [3]: Những mẫu gương của đời linh mục (tiếp theo)
 

 

 
GPVO - Hôm nay, các linh mục thuộc nhóm thứ hai đã trải qua ngày cuối cùng của tuần tĩnh tâm theo phương pháp linh thao. Xin trích đăng vài mẫu gương của đời linh mục mà cha Giuse Hoàng Văn Quảng, sj, đã trình bày cho các linh mục trong những ngày vừa qua.

 

 

Bí quyết thánh thiện của hồng y Mercier (1851-1926)

“Tôi muốn mạc khải cho anh em một bí quyết của sự thánh thiện và hạnh phúc: nếu mỗi ngày, trong vòng năm phút, anh em biết làm cho trí tưởng tượng của mình thinh lặng, nhắm mắt lại trước các sự vật khả giác và bịt tai đối với mọi tiếng động của trần gian, để đi vào trong tâm hồn anh em. Và nơi đó, trong thánh điện của linh hồn (được thanh tẩy) của anh em, vốn là đền thờ của Chúa Thánh Thần, anh em có thể thưa với Người:

“Lạy Chúa Thánh Thần, Linh Hồn của linh hồn con, con thờ lạy Chúa;

xin soi sáng con, xin hướng dẫn con,

xin thêm sức cho con, xin an ủi con.

Xin dạy cho con biết điều con phải làm, xin ban cho con các huấn lệnh của Chúa.

Con xin hứa sẽ tuân phục tất cả mọi điều Chúa muốn nơi con và chấp nhận tất cả mọi điều gì Chúa cho phép xảy đến cho con.

Con chỉ xin Chúa dạy cho con biết ý muốn của Chúa mà thôi.”

[chú thích: Theo René Laurentin, thì kinh này được thịnh hành ở Thụy Sĩ, nhưng không xác định ai là tác giả của nó. X. L’Esprit-Saint, source de vie. Les plus beaux textes de quatre millénaires, p. 377)]

“Nếu anh em làm như vậy thì đời sống anh em sẽ diễn ra trong hạnh phúc, tâm hồn được thanh thản và được ủi an cả khi ở giữa những đau buồn, vì ân sủng sẽ tương ứng với thử thách. Ân sủng sẽ cho anh em sức mạnh để chịu đựng thử thách và anh em sẽ đến trước cửa Thiên Đàng, tràn đầy công phúc. Sự tuân phục Chúa Thánh Thần là bí quyết của sự thánh thiện.”

(HY Mercier, La Vie Intérieure. Appel Aux Âmes Sacerdotales. Retraite Prêchée à Ses Prtres (1918)

Những điều dốc quyết của Gioan Bosco trước khi làm linh mục

Linh mục không bao giờ vào Thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình. Nếu trung thành với ơn gọi, ông sẽ lên trời với những linh hồn mà gương tốt của ông đã cứu giúp; nếu ông làm sai và gây gương mù cho anh em, ông sẽ xuống hỏa ngục với anh em, tư tưởng này sẽ giúp tôi cố gắng để tuân giữ những quyết tâm sau đây:

1/ Tôi sẽ không dạo chơi khi không cần thiết.

2/ Tôi sẽ sử dụng thời giờ cách nghiêm nhặt.

3/ Trong điều liên quan đến vấn đề cứu rỗi các linh hồn, người ta thấy tôi luôn sẵn sàng chịu đau khổ, hành động và chịu sỉ nhục.

4/ Chớ gì đức ái và sự hiền hòa của thánh Phanxicô de Sales soi chiếu mỗi vận hành của tôi.

5/ Tôi luôn tỏ ra hài lòng về thức ăn mà người ta dọn cho tôi, nếu không thực sự nguy hại cho sức khỏe của tôi.

6/ Tôi sẽ luôn uống rượu có pha nước và chỉ coi nó như thuốc, nghĩa là dùng vào những ngày và trong mức độ mà sức khỏe đòi hỏi.

7/ Bởi vì lao động là một khí giới mạnh mẽ chống lại kẻ thù của ơn cứu độ, nên tôi chỉ ngủ năm tiếng mỗi đêm. Trong ngày, đặc biệt sau cơm trưa, tôi không nghỉ trưa, trừ khi đau yếu.

8/ Mỗi ngày tôi dành thời giờ để suy niệm và đọc sách thiêng liêng. Trong ngày, tôi sẽ có một cuộc viếng Thánh Thể ngắn. Tôi dành mười lăm phút để chuẩn bị Thánh Lễ cũng như để tạ ơn sau khi chịu lễ.

9/ Ngoài tòa giải tội và ngoại trừ trường hợp thực sự cần thiết, tôi sẽ không bao giờ dừng lại để trò chuyện với phụ nữ. 

(A. Auffray, Saint Jean Bosco, pp.76-77).

 


 

Nguồn tin: GPVO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ