1
02:02 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 98

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 74


Hôm nayHôm nay : 1669

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 284706

Tổng cộngTổng cộng : 27838990

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Thánh Thể: Bí tích của sự HIỆP THÔNG

Chủ nhật - 13/01/2013 08:44-Đã xem: 1585
Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh có một tầm quan trọng hết sức. Các bài đọc được rút ra từ Thánh Kinh. Bài diễn giải cũng giải nghĩa Thánh Kinh, các thánh vịnh chúng ta hát cũng được rút ra từ Thánh Kinh. Các lời kinh, lời nguyện, các thánh thi cũng được cảm hứng từ Thánh Kinh và các hành vi cũng như các biểu tượng đều có ý nghĩa nhờ Thánh Kinh
Thánh Thể: Bí tích của sự HIỆP THÔNG

Thánh Thể: Bí tích của sự HIỆP THÔNG

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA.

Công Đồng Vaticanô II đã cho phép làm nổi bật lại Phụng Vụ Lời Chúa khi khẳng định về vai trò tối quan trọng của Thánh Kinh trong thánh lễ: “Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh có một tầm quan trọng hết sức. Các bài đọc được rút ra từ Thánh Kinh. Bài diễn giải cũng giải nghĩa Thánh Kinh, các thánh vịnh chúng ta hát cũng được rút ra từ Thánh Kinh. Các lời kinh, lời nguyện, các thánh thi cũng được cảm hứng từ Thánh Kinh và các hành vi cũng như các biểu tượng đều có ý nghĩa nhờ Thánh Kinh”[1]Như thế, Lời Chúa chính là hạt nhân chiếu tỏa suốt cuộc cử hành và là nguyên lý thống nhất của sự cử hành.
Công Đồng cũng muốn khuyến khích các tín hữu thưởng thức sự ngọt ngào và linh hoạt của Thánh Kinh khi nhắc lại rằng Lời Chúa là lương thực ban sự sống như Thánh Thể: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”
[2]Bàn tiệc Lời Chúa được xếp đặt ở ngay trước bàn tiệc Mình Máu Chúa. Giao Ước của Thiên Chúa được loan báo bằng Lời, trước khi được sống và được đổi mới bằng Thánh Thể. Dưới hai hình thức khác nhau, cùng một Chúa hiện diện trong Giáo Hội và nuôi dưỡng Giáo Hội cách thiêng liêng. Do đó, Phụng vụ Lời Chúa không phải là phần trước thánh lễ, cũng không phải chỉ là sự chuẩn bị cho những gì sẽ diễn ra sau đó nhưng là một trong hai phần chính yếu của Thánh Lễ. QCTQ đã viết: “Có thể nói Thánh Lễ gồm hai phần: Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phượng tự duy nhất. Quả thật, trong Thánh Lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng”[3].

Trong thánh lễ Chúa Nhật, phần chính của Phụng Vụ Lời Chúa bao gồm bài đọc 1, thánh vịnh đáp ca, bài đọc 2, lời tung hô Allêluia và bài Tin Mừng. Còn bài diễn giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện tín hữu khai triển và kết thúc phần Phụng Vụ Lời Chúa
[4]. Chúng ta sẽ lược qua các yếu tố này trong phần sau đây.

1 Bài đọc thứ nhất:

Bài đọc thứ nhất của thánh lễ Chúa Nhật (trừ mùa Phục sinh) thường được trích từ Cựu Ước. Bài đọc này được chọn phù hợp với bài Phúc Âm. Chính Công Đồng Vaticanô II đã phục hồi bài đọc Cựu Ước trong Phụng Vụ[5].
Nhưng tại sao đọc lại Cựu Ước? Thưa bởi vì Mạc Khải của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong Tân Ước. Cựu Ước cũng là Lời Chúa nói với con người. Thiên Chúa nói qua lịch sử cứu độ, qua các ngôn sứ và nhất là qua Giao Ước mà Người đã ký kết với dân Người (x.Dt 1, 1). Hơn nữa, Tân Ước chỉ có thể hiểu được trong mối liên hệ với Cựu Ước. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng ngay khi khởi sự sứ vụ của Người rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môshê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

Ngày hôm nay, khi đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, các Kitô hữu sẽ nhận thấy ở đó sự chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, một mạc khải tiệm tiến sẽ được thâu tóm nơi Đức Giêsu Kitô. Hiến chế Mạc Khải khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng linh hứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước. Chính Người đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Cựu Ước bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước và Tân Ước cũng được sáng tỏ nhờ Cựu Ước
[6]. Chính vì thế, khi đọc Cựu Ước, các tín hữu sẽ được dẫn đưa vào trong lịch sử cứu độ, hiểu được những gì đã và sẽ xảy ra, nhờ đó, họ cũng hiểu được những lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm mà họ sẽ nghe. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho hai môn đệ trên đường đi Emmaus cho thấy rõ điều này: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môshê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách Thánh” (Lc 24, 25-27).  1

2 Thánh vịnh đáp ca:

“Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca; bài này là thành phần trọn vẹn của Phụng Vụ Lời Chúa và có tầm quan trọng lớn về Phụng Vụ và Mục Vụ vì giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa. Thánh Vịnh đáp ca liên quan trực tiếp đến mỗi bài đọc và thường lấy ở sách Bài Đọc”[7].

Nhờ các thánh vịnh, người ta đi vào trong truyền thống cầu nguyện căn bản của dân Israel, được thực hành bởi chính Chúa Kitô và các môn đệ Người. Thánh vịnh đã và vẫn còn là cách diễn tả ưu tiên kinh nguyện của con người. Trong Phụng Vụ, thánh vịnh như lời đáp trả của cộng đoàn cho Lời Chúa được công bố trong bài đọc trước đó. Thánh vịnh được chọn theo bài đọc thứ nhất như một tiếng vọng lại Lời Chúa mà cộng đoàn vừa nghe. Điều quan trọng là cộng đoàn có thể hát thánh vịnh này, ít nhất là hát câu điệp khúc, hoặc câu đáp là một câu của Thánh Vịnh. Đó là lời ca tụng hoặc lời cầu xin của cộng đoàn đáp lại những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện. Khi cầu nguyện với Thánh Vịnh, các tín hữu liên kết với kinh nguyện của Chúa Kitô và của các tông đồ (Mt 26, 30).
  1

3. Bài đọc thứ hai:

Bài đọc thứ hai trong thánh lễ Chúa Nhật thường được trích từ thư của các Tông Đồ, đặc biệt các thư của thánh Phaolô. Đây là những bài đọc có tính liên tục. Phụng Vụ cho đọc những trích đoạn của cùng một lá thư trong nhiều Chúa Nhật. Như vậy, bài đọc thứ hai không liên hệ trực tiếp với bài đọc thứ nhất và bài Phúc Âm. Tuy nhiên, thư của các thánh Tông Đồ nói chung, các thư của thánh Phaolô nói riêng, mang đến cho từng cá nhân và cho cộng đoàn tín hữu những hướng dẫn cần thiết và cụ thể tùy hoàn cảnh, tùy nhu cầu. Các Ngài đem Lời Chúa chiếu soi vào những khía cạnh và những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày nhằm giúp các tín hữu sống đúng với ơn gọi và tư cách người môn đệ Chúa Giêsu trong mọi nơi, mọi lúc. Chính vì thế mà các thư này vẫn là Lời Chúa nuôi dưỡng và soi sáng cho cộng đoàn đang cử hành phụng vụ thánh lễ ở đây và lúc này.  1

4. Lời tung hô Allêluia.

Allêluia, tiếng Do Thái có nghĩa là “Chúc tụng Thiên Chúa”. Ca khúc này là một tiếng kêu vui mừng. Bằng tiếng Allêluia, cộng đoàn cử hành tung hô Thiên Chúa, Đấng sắp nói với họ qua Con Một Người. Trong Giáo Hội, tiếng Allêluia còn là một bài ca ca ngợi vinh quang của Chúa Kitô trên quyền năng của sự chết: “…Tôi lại nghe như có tiếng tung hô của đoàn người đông đảo, nghe như tiếng nước lũ, như tiếng sấm vang dữ dội: “Ha-lê-lu-ia”! Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh…” (Kh 19, 1-10). Do đó, Allêluia chính là bài ca phục sinh tiêu biểu. Cộng đoàn đứng khi hát Allêluia. Đó là thái độ bày tỏ sự kính trọng như QCTQ đã khẳng định: “Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng”[8].  1

5. Bài Tin Mừng.

Nghi thức Thánh Lễ ấn định nhiều chi tiết liên quan đến việc công bố Tin Mừng. Chẳng hạn, linh mục chủ tế cầu xin Chúa thánh hóa tâm hồn và môi miệng của chính mình hay của thầy phó tế để các ngài có thể công bố Lời Chúa cho xứng đáng. Sách Tin Mừng được rước từ bàn thờ đến giảng đài và được xông hương trước khi Lời Chúa được công bố. Cộng đoàn đứng khi nghe đọc Lời Chúa và linh mục hay phó tế hôn kính sách Tin Mừng sau khi đọc… Những quy định kể trên cho thấy Phụng Vụ dành một sự tôn kính rất đặc biệt cho bài đọc Tin Mừng. Lý do là qua bài đọc Tin Mừng, chính Chúa Kitô nói với con người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Không chỉ nói lời tin mừng, bản thân Người cũng là chính  Tin Mừng. Vì thế, khi nghe công bố Tin Mừng, không phải các tín hữu gắn bó với những cuốn sách chứa đựng lời tin mừng nhưng với chính Chúa Kitô, Đấng là Phúc Âm, là Tin Mừng. Các sách Tin Mừng là những phương tiện tốt nhất mà Giáo Hội có để nhận biết Chúa Kitô, bởi vì chúng là những chứng từ tiêu biểu nhất về đời sống và giáo huấn của Người.
*
*     *
Khi quy tụ để cử hành Thánh Thể, trước khi bẻ và chia sẻ bánh sự sống là Mình và Máu Chúa Kitô, các tín hữu cũng bẻ và chia sẻ Lời của Người. Nhờ việc chia sẻ Lời ban sự sống này, các tín hữu được hiệp thông với Thiên Chúa, với anh chị em của mình bằng chính tình yêu của Người. Thật vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa, Đấng Vô Hình muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết Thánh Ý Người. Người đã ngỏ lời với con người như với bạn hữu và liên lạc với họ để mời gọi họ đi vào cuộc sống của chính Người[9]. Ngay từ buổi ban đầu, Giáo Hội đã sống nhờ Lời của Thiên Chúa. Chính vì thế, trong Đức Kitô và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã trở nên như bí tích, như dấu chỉ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại[10]. Lời của Thiên Chúa tỏa sáng trên toàn thể đời sống của Giáo Hội, đồng thời tác động để làm cho thế giới trở nên công bằng và hòa bình hơn, không còn bạo động nhưng mở ra với việc xây dựng một nền văn minh tình thương. Lời Chúa đánh thức các Kitô hữu để họ có thể đáp trả cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của họ (1 Pr 3, 15), bằng cách yêu thương những người thân cận, không phải nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng yêu thương cách chân thật và bằng việc làm cụ thể (1Ga 3, 18). Như thế, Lời Thiên Chúa là nguồn mạch cho sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, những con người mà Chúa yêu thương.

Phần Phụng Vụ Lời Chúa chưa kết thúc ở đây nhưng còn được khai triển qua Bài Diễn Giảng, Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Tín Hữu.

  1

6. Bài diễn giảng:

Dựa vào Lời Chúa trong các bài đọc, bài diễn giảng cho thấy những việc Thiên Chúa thực hiện, không phải chỉ cho dân Israel thuở xưa nhưng cho cộng đoàn, trong cộng đoàn và với cộng đoàn đang hiện diện lúc này. Chính vì thế, Hiến chế Phụng Vụ Thánh (PVT) xác định rằng bài diễn giảng là thành phần của Phụng Vụ và nếu không có lý do hệ trọng thì không được bỏ giảng trong những Thánh Lễ Chúa Nhật và những lễ buộc có dân chúng tham dự[11]. QCTQ nhắc lại chỉ thị này, đồng thời khuyến khích các linh mục giảng cả trong thánh lễ ngày thường, nhất là trong Mùa Vọng và Mùa Chay hoặc nhân dịp một ngày lễ hay một biến cố đau thương nào, nếu dân chúng tham dự khá đông[12].

Ngoài mục đích giúp cộng đoàn am hiểu để sống Lời Chúa mà họ đã nghe, việc diễn giảng còn có mục đích là để xây dựng Giáo Hội. Chính trong tư cách là đại diện Chúa Kitô mục tử mà linh mục dạy dỗ, khuyến khích và loan báo cho anh chị em mình sự bình an và tình yêu của Thiên Chúa Cha. Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri. Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu. Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi. Kẻ nói tiếng lạ thì xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh” (1Co 14, 1-4). Như vậy, sẽ là điều rất đáng tiếc nếu việc diễn giảng Lời Chúa không giúp cho sự hiệp nhất và yêu thương trong cộng đoàn được củng cố và phát triển nhưng lại tạo nên những nghi kỵ và chia rẽ.
  1

7. Kinh Tin Kính:

“Kinh Tin Kính cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho giáo dân tập họp đáp lại Lời Chúa, được loan báo trong các bài đọc và giải thích trong bài diễn giảng…”[13]

Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, sau khi nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu, các tín hữu tuyên xưng niềm tin của mình nơi Thiên Chúa. Đây chính là lời đáp trả đối với Lời Chúa mà họ đã nghe[14]. Tuyên xưng đức tin là hành vi quan trọng trong việc cử hành thánh lễ Chúa Nhật. Chính vì nhân danh đức tin này mà các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu quy tụ lại. Kinh Tin Kính làm cho toàn thể cộng đoàn cử hành trở nên cộng đoàn tuyên xưng: tuyên xưng trong Giáo Hội đức tin của Giáo Hội.

Qua kinh Tin Kính, các tín hữu tuyên xưng một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải tư cách là Cha của Thiên Chúa, một người Cha hết tình yêu thương con cái mình. Người là suối nguồn, là cội rễ của mọi tình yêu. Vì tình yêu của Người mà mọi người được dẫn vào trong mối liên hệ phụ tử này để trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Tiếp đến các tín hữu tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tin rằng Người là Ngôi Hai, là Con Một Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra làm người, đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để cứu vớt nhân loại và cho họ tham dự vào sự sống thần linh của Người. Người đã tự hiến vì mỗi người và vì tất cả mọi người không trừ ai.

Sau đó, các tín hữu khẳng định niềm tin của mình nơi Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong Giáo Hội, Đấng ban phát mọi ân sủng.
Cùng với việc tuyên xưng niềm tin nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, cộng đoàn cũng tuyên xưng niềm tin nơi Giáo Hội. Tin rằng Giáo Hội là duy nhất, là thánh thiện, là công giáo và tông truyền. Giáo Hội không chỉ là đoàn dân lữ hành trên trần gian nhưng bao gồm tất cả những người đã sống qua các thời đại và đã ra đi, trong đó có các thánh trên trời hằng chuyển cầu cho mọi người cũng như những người đã chết đang được thanh luyện và mong chờ các tín hữu cầu nguyện cho…
*
*        *
Nếu tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của mọi người, nếu tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc tất cả, nếu tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát ân sủng cho cả người công chính cũng như người tội lỗi, nếu tuyên xưng Giáo Hội là duy nhất, là hiệp thông, nếu thật lòng tuyên xưng như thế thì chắc chắn các tín hữu không thể nuôi dưỡng trong lòng mình sự hận thù, óc bè phái, sự chia rẽ. Nếu không, những lời tuyên xưng ấy sẽ trở thành giả dối.  1

8. Lời nguyện chung:

Lời nguyện chung nằm ở giữa hai phần của thánh lễ. Nó được cắm rễ trong truyền thống của Do Thái giáo và được thực hành thường xuyên trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội. Trong Phụng Vụ Thánh Lễ hôm nay, Lời Nguyện Chung được coi như yếu tố cuối cùng của Phụng Vụ Lời Chúa. Tuy nhiên, thời xưa, người ta coi nó như khởi đầu của phần Phụng Vụ Thánh Thể và được thực hiện sau khi giải tán các dự tòng. Điều đó muốn nói lên rằng lời nguyện chung là lời nguyện được dành riêng cho các tín hữu, nghĩa là cho những người đã lãnh bí tích rửa tội[15], bởi vì khi dâng lời cầu nguyện, các tín hữu thực thi chức tư tế chung của mình. Thật vậy, nhờ bí tích rửa tội, mọi Kitô hữu trở nên chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô và được tham dự vào chức tư tế của Người. Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại điều này trong hiến chế về Giáo Hội như sau: “Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (Dt 5, 1-5) để biến dân tộc mới thành một “vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người” (Kh 1, 6 ; 5, 9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh…”[16].

Đáng tiếc là vào khoảng thế kỷ thứ VI, lời nguyện này đã biến mất khỏi thánh lễ. Cuộc canh tân Phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II đã cho phép nối lại với truyền thống cũ xưa:“Phải tái lập ‘lời nguyện chung’, sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là vào những ngày Chúa Nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì các nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người và cho phần rỗi của toàn thế giới”
[17].

Như vậy, rõ ràng đây là kinh nguyện của dân Thiên Chúa, của các tín hữu cầu nguyện cho Giáo Hội và cho thế giới. Cách thực hiện và nội dung của lời nguyện này cho thấy rằng Kitô giáo không phải là một giáo phái chỉ biết quan tâm đến các phần tử của nhóm mình, nhưng mở lòng các tín hữu ra với mọi người và hướng tới những nhu cầu không chỉ của riêng mình mà của tất cả mọi người. Thật vậy, nếu các Kitô hữu sống như những chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, họ không có quyền thu hẹp vào những mối bận tâm riêng, nhưng cần mở rộng ra với những nhu cầu của toàn thế giới. Cùng với lời cầu nguyện, người tín hữu còn được mời gọi thể hiện sự quan tâm tới người khác bằng những hành động cụ thể để những điều mình xin được thành sự. Chẳng hạn, khi cầu nguyện cho hòa bình thế giới, người tín hữu được thúc đẩy để trở thành khí cụ xây dựng sự bình an trong môi trường họ đang sống. Hoặc khi cầu xin cho những người túng thiếu, họ được mời gọi để chia sẻ những của cải vật chất cho anh chị em mình. Thánh Giacôbê đã nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì?” (Ga 2, 15-16)

Cầu nguyện cho một ai đó là dấu chỉ của tình liên đới. Nó nói lên  mối liên hệ giữa người cầu nguyện và người được cầu nguyện cho. Cầu nguyện cho nhau diễn tả tình huynh đệ mà người Kitô hữu muốn tỏ bày trước Thiên Chúa, Cha của mọi người. Khi người ta yêu thương ai thì khao khát, ước vọng, niềm vui, nỗi buồn của người được yêu thương trở thành sự khao khát, thành ước vọng, thành niềm vui, thành nỗi buồn của chính người yêu thương. Nếu hiểu như thế, khi các tín hữu cầu nguyện cho người khác thì đó cũng là lúc họ cầu nguyện cho chính mình.
Hơn nữa. cầu nguyện cũng là cách tôn vinh Thiên Chúa. Cầu nguyện cho mọi người đó là tuyên xưng rằng Thiên Chúa cao cả hơn tất cả, rằng Người là Cha của mọi người, gần gũi mọi người và yêu thương mọi người, không phân biệt đối xử, không loại trừ bất cứ ai. Tình yêu mênh mông của Người không chỉ giới hạn vào một cá nhân nào, một nhóm nào, nhưng đổ tràn xuống trên tất cả mọi người. Là con cái của cùng một Cha, không lẽ gì các tín hữu lại có những cách hành xử khác lạ với Cha của mình.
  1
*
*       *
Tóm lại, trong cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, cộng đoàn phụng vụ chính là Giáo Hội quy tụ lại để lắng nghe Lời Chúa của mình và cùng nhau đáp lại lời đã nghe. Việc nghe cùng một bản văn, việc tuyên xưng cùng một niềm tin, việc cầu nguyện bằng cùng một kinh nguyện cho phép các Kitô hữu nhận ra rằng họ thuộc về cùng một Giáo Hội duy nhất. Do đó, Lời Chúa được công bố và được lắng nghe hôm nay cũng vẫn tiếp tục củng cố và xây dựng Giáo Hội, cộng đoàn những người tin kính Chúa Kitô. Mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông được tỏ bày và xây dựng qua chính việc công bố và việc lắng nghe Lời Chúa. Thật vậy, nếu việc rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô làm cho người tín hữu hiệp thông với Người và với tha nhân thì việc nghe và đón nhận Lời Chúa cũng làm cho họ được hiệp thông như vậy. Tất nhiên, sự hiệp thông này đòi hỏi sự cộng tác của các tín hữu để làm cho nó được thành sự. Nếu không thì như lời Thánh Augustinô đã nói: “Ai tin rằng mình đã hiểu Kinh Thánh hay một phần của Kinh Thánh mà không cố gắng, dựa vào sự hiểu biết đó để sống tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân, sẽ cho thấy người ấy chưa hiểu gì”.

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ.

Sau nghi thức nhập lễ và phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta bước vào phần Phụng Vụ Thánh Thể, trung tâm của Thánh Lễ. Phần này gồm chuẩn bị lễ vật, Kinh Nguyện Thánh Thể và hiệp lễ.

1- Chuẩn bị lễ vật:

Trước đây phần này được gọi là phần dâng lễ nhưng ngày nay Phụng Vụ gọi đó là phần chuẩn bị lễ vật. Lễ vật mà chúng ta đưa lên bàn thờ là bánh, rượu và nước. Từ thực phẩm thuần túy nhân loại này, trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm cho chúng thành bí tích của hy tế cứu độ và thành lương thực liên kết mọi người trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Trong Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, Công Đồng Vaticanô II đã viết: “Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của công lao con người được biến thành Mình và Máu vinh hiển, trở nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời”[1] 

Liên quan tới chiều kích hiệp thông, các giáo phụ đã nhấn mạnh rằng bánh và rượu là dấu chỉ của sự hiệp nhất, bởi vì như muôn ngàn hạt lúa miến được nghiền nát để làm nên một tấm bánh và như nhiều trái nho được ép để làm nên một thứ rượu nho duy nhất, cũng vậy, các tín hữu, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, hiệp thông với chính Thân Mình Chúa Kitô để chỉ làm nên một thân thể. Thân thể này cũng bị nghiền nát bởi biết bao điều từ bỏ; nhất là Chúa Kitô đã bị nghiền nát bởi những khổ đau trên bàn thờ thập giá.

1.1 Chúc tụng trên bánh và rượu:

Lời đọc và cử chỉ nâng dĩa bánh và chén rượu của linh mục nói lên rằng đây là ân huệ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là lễ vật của cộng đoàn, biểu tượng trọn đời sống của mỗi người. Quả thật, lễ vật mà chúng ta dâng Chúa vừa do tình thương của Người vừa bao hàm sự cộng tác của chúng ta. Thật là điều rất có ý nghĩa khi ngay từ đầu cuộc cử hành tạ ơn này, chúng ta trình lên Chúa tất cả công lao của chính mình và của anh chị em để chúc tụng Người, nhờ đó chúng ta có thể cảm thấy trước rằng khi ăn bánh và uống rượu này, chúng ta sẽ được hiệp nhất với Chúa và với mọi người anh em nữa[2].

1.2 Pha nước vào rượu:

Nguồn gốc của sự thực hành này được tìm thấy trong phong tục của người Do Thái và Hy Lạp để làm cho rượu bớt nồng độ. Tuy nhiên, các nhà phụng vụ đã mặc cho nó nhiều ý nghĩa sâu xa. Dựa vào sự kiện người lính cầm đòng đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu làm cho máu và nước chảy ra (Ga 19, 34), các Kitô hữu Đông Phương coi cử chỉ pha nước vào rượu như biểu tượng cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Phụng Vụ Tây Phương lại giải thích đây là dấu chỉ sự kết hợp kỳ diệu giữa nhân tính của chúng ta với thần tính của Chúa Giêsu. Chính lời đọc của linh mục khi pha nước vào rượu diễn tả điều đó: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Như vậy, việc pha nước vào rượu đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất. Hiệp nhất giữa người tín hữu với Chúa Kitô và hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau vì tất cả đều là chi thể trong Nhiệm Thể mà Chúa Kitô là Đầu.

1.3 Quyên góp:

Từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến nay, ý nghĩa của việc quyên góp không thay đổi. Nó nói lên sự chia sẻ của người tín hữu với anh chị em túng thiếu của mình và với những nhu cầu vật chất của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã yêu cầu các cộng đoàn ở Galata và Corintho vào ngày thứ nhất trong tuần dành ra những gì họ tiết kiệm được để giúp đỡ những người nghèo ở Giêrusalem (1Co 16, 1-4). Do đó, sự dâng cúng của các tín hữu là một chứng từ của tình huynh đệ và tình liên đới, đồng thời nó cũng nói lên ý thức của các Kitô hữu trong việc xây dựng Giáo Hội.

1.4 Lời nguyện thầm và việc rửa tay:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa”. Lời nguyện thầm của linh mục được gợi hứng từ một đoạn trích trong sách tiên tri Daniel, thánh ca của Azarias trong lò lửa: “…xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con thay của lễ toàn thiêu chiên bò và ngàn vạn cừu non béo tốt. Ước gì hy lễ chúng con thượng tiến Ngài hôm nay cũng làm đẹp ý Ngài như vậy. Ước gì chúng con theo Ngài mãi đến cùng, vì những ai tin cậy vào Ngài, đâu có phải ê chề thất vọng” (Dn 3, 37. 39-40).

Sau lời kinh sám hối, linh mục rửa tay. Từ nguồn gốc, linh mục rửa tay vì lý do vệ sinh, vì những bàn tay của linh mục đã bị dơ sau khi đón nhận những lễ vật bằng hiện vật. Nhưng hơn thế, lời đọc khi rửa tay nói lên ý nghĩa thiêng liêng của hành vi ấy: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Với những lời khiêm tốn này, linh mục biểu lộ rằng Người cũng là tội nhân như bao nhiêu tín hữu khác. Linh mục được bước tới bàn thờ không phải vì công trạng hay những phẩm tính của mình nhưng hoàn toàn do hồng ân của Thiên Chúa mà Người đã được lãnh nhận trong bí tích truyền chức. Chính ân huệ của Thiên Chúa cho phép linh mục thực hiện hoạt động cực thánh này nhân danh cộng đoàn tham dự.

Như vậy, trước khi dâng lên Thiên Chúa hy lễ toàn hảo của Giao Ước mới và vĩnh cửu, chúng ta nhận biết rằng mình bất xứng. Đồng thời, mọi người đều hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ hất hủi những tấm lòng khiêm cung và tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình (Mt 18, 35).

1.5 Lời nguyện trên lễ vật:
Trước khi kết thúc phần chuần bị lễ vật, linh mục kêu gọi cộng đoàn cầu nguyện. “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận”. Lời kêu gọi này diễn tả việc tiến dâng hy lễ Thánh Thể không phải chỉ do một mình linh mục, cũng không phải chỉ riêng cộng đoàn đang hiện diện liên kết với linh mục tiến dâng, nhưng là toàn thể Giáo Hội. Thật vậy, việc cử hành hy tế Thánh Thể là việc của cả Giáo Hội và các tín hữu được mời gọi vượt qua chính mình để bước vào trong hoạt động của Giáo Hội. Do đó, lời cầu nguyện của các tín hữu không phải chỉ là những lời cầu nguyện cá nhân nhưng hiệp nhất với lời cầu nguyện của chủ tế và của toàn thể Giáo Hội.

BBT GXTNO st
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn