1
19:01 +07 Thứ sáu, 19/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 47

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 45


Hôm nayHôm nay : 9875

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 200587

Tổng cộngTổng cộng : 27754871

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » GIÁO HỘI VIỆT NAM

Giao lưu ngắm đứng Giáo tỉnh Hà nội lần I tại Giáo phận Thanh Hóa

Thứ hai - 25/03/2013 11:36-Đã xem: 1892
"Hy vọng rằng trên miền đất hoa phượng đỏ, một lần nữa sự sống động của Đức tin công giáo Việt Nam và những nét văn hoá đậm đà bản sắc được bảo tồn sẽ toả sáng như khúc ca bất diệt ca ngợi tình Chúa. Và cũng hy vọng qua những lần hội ngộ giao lưu, ngắm đứng – hay những nét đẹp độc đáo khác trong đời sống đạo của giáo hội Việt Nam sẽ lan toả sức sống bền bỉ trong chính da thịt mình. Bắt nguồn từ đó, những giá trị văn hóa lâu đời của Đức tin Việt sẽ được bảo tồn, duy trì và phát triển một cách hữu hiệu và thiết thực nhất."
Thi ngắm đứng lần thứ I giáo tỉnh Hà Nội

Thi ngắm đứng lần thứ I giáo tỉnh Hà Nội

Nhằm cổ võ tinh thần sống Đạo, hiệp nhất của các tín hữu Công giáo trong toàn khu vực miền Bắc, cũng như khơi dậy những nét đẹp văn hoá trong cung cách sống Đạo của người Việt Nam đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, các vị chủ chăn của 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội - qua sự đề xướng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục giáo phận Thanh Hoá đã cùng xây dựng nên một cuộc gặp gỡ mới trong tình thân ái. Đó là cuộc thi Ngắm Đứng toàn giáo tỉnh Hà Nội, sẽ được tổ chức một năm một lần luân phiên tại các giáo phận trong toàn miền Bắc. Hôm nay, ngày 22/03/2013, cuộc thi được diễn ra lần thứ nhất tại Toà Giám Mục Thanh Hoá, với sự góp mặt đông đủ của mọi thành phần dân Chúa thuộc giáo tỉnh Hà Nội. 

Ngắm Đứng (một tên gọi khác của việc ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu) là một hình thức đặc biệt trong đời sống Phụng tự của giáo hội Công giáo Việt Nam đã tồn tại lâu đời. Đó là cách các tín hữu tưởng nhớ về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, qua sự phối hợp với những âm hưởng dân gian và các nghi thức theo phong tục, tập quán Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, trước sự đổi mới của thời thế, nét đẹp này đã dần có nguy cơ bị mai một. Đứng trước hiện thực đó, cùng sự nhận thức rõ được tầm quan trọng và nét đặc sắc trong loại hình Phụng tự mang bản sắc riêng, tại Việt Nam đã có nhiều tổ chức tôn giáo, cá nhân thực hiện những đề tài nghiên cứu mang tính bảo tồn và khôi phục. 

Có thể coi Cuộc thi chung kết ngắm đứng toàn giáo tỉnh Hà Nội được khởi xướng và tổ chức đã làm nên một dấu mốc quan trọng cho việc hội nhập văn hoá, sống Đức tin giữa lòng dân tộc một cách hữu hiệu và thiết thực nhất. Đó không chỉ là sự quy tụ, hiệp nhất các tín hữu trong các nghi thức cử hành phụng vụ chung, mà còn là một phương cách nhắc nhớ về những giá trị tinh thần to lớn đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ sống và làm chứng cho Đức tin. 

Với chủ đề "Giao lưu, góp ý về các hình thức đạo đức bình dân và duy trì hội thi Ngắm Đứng miền Bắc", cuộc thi được diễn ra với sự hiện diện cao quý của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường - chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc HĐGM Việt Nam, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục giáo phận Hải Phòng, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục giáo phận Thái Bình, Đức cha Lorenso Chu Văn Minh - Giám mục phụ tá giáo phận Hà Nội - Giám đốc đại chủng viện Thánh Giuse, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu - Giám mục phó giáo phận Bùi Chu, Đức cha chủ nhà Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục Giáo phận Thanh Hoá. Cùng với đó là sự hiện diện của cha Gioan Nguyễn Văn Minh - một người con giáo phận Thanh Hoá hiện đang mục vụ tại TGP Sài Gòn, các cha thuộc linh mục đoàn giáo phận Thanh Hoá và trong 9 giáo phận còn lại thuộc giáo tỉnh Hà Nội, quý thầy, quý sours, các chú ứng sinh, đông đảo anh chị em đến từ các giáo phận và 19 thí sinh tham dự cuộc thi ngắm giáo tỉnh lần thứ nhất. 

Đức cha Giuse phát biểu chào mừng và công bố lý do hội thi này

Phần thứ nhất của chương trình là phần đón tiếp, giao lưu và thảo luận về nguồn gốc, hình thức, bảo tồn và phát triển ngắm đứng tại giáo tỉnh Hà Nội hiện nay.

Đại diện cho giáo phận chủ nhà, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói lên cảm nhận và có lời chào đón thân ái đến quý Đức cha, quý cha và quý vị tham dự. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghi thức ngắm đứng trong đời sống đạo tại Việt Nam, với những giá trị to lớn về tinh thần và giá trị văn hoá. Trong niềm vui của giáo phận Thanh Hoá đang kỷ niệm 80 năm thành lập trong sự "Tri ân quá khứ - chấn hưng hiện tại - dấn thân tương lai", tri ân quá khứ không chỉ dừng lại ở việc biết ơn một cách lý thuyết, mà đó là sự tiếp nhận những di sản văn hoá tinh thần mà các bậc tiền nhân để lại. Đó là động lực để giáo phận Thanh Hoá tổ chức cuộc giao lưu về ngắm đứng ngày hôm nay. Trước biến cố của thời đại, những biến động không nhỏ của việc di dân, chuyển đổi cơ cấu sống, những di sản văn hoá đang có nguy cơ bị mai một. Từ cuộc giao lưu ngay hôm nay, Đức cha Giuse bày tỏ mong ước tại giáo tỉnh Hà Nội sẽ thiết lập thêm được một hoạt động thường niên, quy tụ được nhiều những cá nhân xuất sắc trong cộng đoàn Ki-tô hữu Việt Nam có lòng yêu mến một nét đẹp sống Đạo truyền thống, từ đó cấu tạo nên nhóm nghiên cứu chuyên biệt về bộ môn này. 

Như một lời gợi mở lại về lịch sử ra đời, hình thức tổ chức và những ảnh hưởng tích cực của ngắm đứng với đời sống Đức tin của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục giáo phận Hải Phòng đã trình bày sắc bén những nghiên cứu của ngài về một phương thức Phụng tự độc đáo. Theo dấu tích của thời gian, Đức cha đã có những gợi mở về sự ra đời của ngắm đứng dưới thời cha Đắc Lộ truyền giáo tại Đàng ngoài, cùng với đó là sự đa dạng trong cung cách ngắm giữa các vùng miền khác nhau. Đức cha cũng nêu lên những ảnh hưởng sâu sắc của loại hình chuyên biệt này tại giáo hội Việt Nam về giá trị giáo lý khi nhắc nhớ con người về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cũng như những đóng góp tích cực của loại hình ngắm đứng trong quá trình hội nhập văn hoá khi dùng chính những nét văn hoá dân tộc để ca ngợi Thiên Chúa. Ngắm đứng còn đóng một vai trò quan trọng “giữ vững đức tin” ngay trong những năm tháng khó khăn nhất tại giáo hội miền Bắc, trong thời kỳ truyền đạo, sống đạo và giữ đạo, hay trong những năm tháng đối mặt với hiện thực xã hội khắc nghiệt thì người giáo dân vẫn kiên cường giữ vững Đức tin dù bị bắt bớ, tù đày. Tuy nhiên, một hiện thực khách quan đang cho thấy rằng nguyện ngắm Mùa chay dường như cũng đang chịu chung số phận với những làn điệu dân ca truyền thống, đang có nguy cơ bị mai một.  

Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ chia sẻ chủ đề "Ngắm đứng: Một hình thức hội nhập văn hóa"

Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên: "Truyền thống nguyện ngắm mùa chay"

Đồng thuận thêm cho những suy tư của Đức cha Hải Phòng, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN đã đưa ra những ý kiến cho sự bảo tồn và phát huy di sản văn hoá tinh thần tốt đẹp này. Ngài nhận định rằng: "chúng ta có thể coi việc ngâm nga kể lại cuộc khổ nạn của Chúa là một hình thức hội nhập văn hoá trong đời sống Đạo của Việt Nam" và "tuy những việc đạo đức bình dân này là những việc đạo đức ngoài Phụng vụ nhưng lại liên kết chặt chẽ với Phụng vụ và nếu được thực hiện đúng thời, đúng lúc, chúng sẽ giúp các cử hành phụng vụ thêm sốt sắng và hữu hiệu hơn". Ngài chỉ rõ sự tiếp nhận mọi nghi thức của các nền văn hoá trên thế giới, trong sự kiện toàn và cổ võ những giá trị đem đến sự hoà hợp giữa giáo hội Công giáo hoàn cầu và giáo hội Công giáo địa phương, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 

 

 

Phần thứ hai của chương trình là giờ thi ngắm của 19 thí sinh thuộc các giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội. Với sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc, chương trình thi ngắm diễn ra hết sức trọn vẹn với sự góp mặt của đội Bát âm, đoàn bồi tế, trống khẩu. Qua những cung điệu ngân nga, trầm bổng có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách ngắm của từng vùng miền, làm nổi bật lên những giá trị tinh thần hết sức quý báu đã được truyền tụng lại cho đến ngày nay. Những nét riêng biệt và cách thể hiện khác nhau cũng là khó khăn để chấm điểm cho các thí sinh, chính vì vậy ban giám khảo đã có cuộc hội ý thảo luận lấy một số nguyên tắc chung làm chuẩn cầm cân nảy mực. 

Kết quả cuối cùng, ban giám khảo đã lựa chọn ra hai giải nhất dành cho Ông Gioan Baotixita Trần Văn Hải thuộc giáo phận Vinh và chị Maria Nguyễn Thị Thoa thuộc giáo phận Thanh Hoá, hai giải nhì được trao cho hai thí sinh đến từ giáo phận Bắc Ninh, hai giải Ba được trao cho thí sinh thuộc hai giáo phận Vinh và Thanh Hoá. 

Chương trình kết thúc vào 16h chiều cùng ngày, để lại bao niềm vui, sự hân hoan của chính con chiên và các vị chủ chăn, những người luôn có lý tưởng bảo tồn các di sản văn hoá tốt đẹp của bậc tiền nhân để lại. Theo thống nhất, chương trình giao lưu lần thứ hai sẽ được luân phiên đến giáo phận Hải Phòng vào năm 2014. Hy vọng rằng trên miền đất hoa phượng đỏ, một lần nữa sự sống động của Đức tin công giáo Việt Nam và những nét văn hoá đậm đà bản sắc được bảo tồn sẽ toả sáng như khúc ca bất diệt ca ngợi tình Chúa. Và cũng hy vọng qua những lần hội ngộ giao lưu, ngắm đứng – hay những nét đẹp độc đáo khác trong đời sống đạo của giáo hội Việt Nam sẽ lan toả sức sống bền bỉ trong chính da thịt mình. Bắt nguồn từ đó, những giá trị văn hóa lâu đời của Đức tin Việt sẽ được bảo tồn, duy trì và phát triển một cách hữu hiệu và thiết thực nhất. 

>> Xem thêm hình ảnh tại đây 

Ms. Thuỷ Phạm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ