1
09:17 +07 Thứ bảy, 20/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 48


Hôm nayHôm nay : 5643

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 209179

Tổng cộngTổng cộng : 27763463

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » GIÁO HỘI HOÀN VŨ

ĐTC Phanxicô: “Hãy từ bỏ lòng ích kỷ và tham lam”

Chủ nhật - 14/02/2016 20:55-Đã xem: 2527
Tháng 10.2015, báo Paris Match của Pháp đã may mắn được phỏng vấn riêng Đức Phanxicô. Cgvdt chuyển ngữ bài phỏng vấn này để quý độc giả hiểu thêm nhiều điều thú vị về vị chủ chăn đáng kính.
ĐTC Phanxicô: “Hãy từ bỏ lòng ích kỷ và tham lam”

ĐTC Phanxicô: “Hãy từ bỏ lòng ích kỷ và tham lam”

“Vì thế, mỗi lần tôi nghe câu “Hoan hô Đức Thánh Cha !”, tôi liền mời gọi các tín hữu hô lên “Hoan hô Chúa Giêsu !”

“Nhân loại phải từ bỏ thần tượng hóa tiền bạc và phải đặt con người, nhân phẩm, lợi ích chung và tương lai thế hệ con cháu chúng ta trở lại làm trọng tâm mọi sự”

Gần ba năm sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô vẫn sống thật giản dị. Ngài tiếp chúng tôi trong nhà trọ Santa Marta, xây từ thời Đức Gioan-Phaolô II để các hồng y và linh mục vãng lai tạm trú. Và ĐTC chọn tòa nhà này, ngay trung tâm Vatican, làm nơi ở của mình. Ngài làm việc, sống và dâng lễ cũng tại đó. Ngôn từ và phẩm hạnh của ngài đã khơi dậy lòng sốt sắng ở bất kỳ mảnh đất nào mà ngài viếng thăm. Về phần mình, Đức Phanxicô vẫn tự xem là vị mục tử đơn thuần. Ngài đón tiếp những cặp ly dị tái hôn, tạo điều kiện thuận tiện cho việc hủy hôn chính đáng… Ngài tự nhận nhiệm vụ quy tụ dân Chúa trước các thách đố của một xã hội đang chuyển động.

 Paris Match: Thưa Đức Thánh Cha, ngài có khỏe không ?

ĐTC Phanxicô : Khá khỏe, nhưng như chị biết đấy, dù sao các chuyến tông du thật rất vất vả; và lúc này, với Thượng Hội đồng các giám mục, tôi còn quá ít thời gian.

• Ngày 18.10, trong kỳ họp Thượng Hội đồng về gia đình, ĐTC phong hiển thánh cho cha mẹ của nữ thánh Têrêsa thành Lisieux. Tại sao ngài chọn các vị ấy?

+ Ông Louis và bà Zélie Martin, thân sinh Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, là một đôi vợ chồng truyền giáo. Suốt cả đời mình, họ đã minh chứng cho vẻ đẹp của đức tin vào Chúa Giêsu. Mọi người đều biết gia đình Martin rất hiếu khách, niềm nở và luôn mở rộng cửa nhà cũng như tâm hồn. Trong khi vào thời đại đó, vẫn có một thứ đạo đức trưởng giả viện cớ lễ nghĩa, miệt thị người nghèo, nhưng cả hai ông bà ấy cùng với năm người con gái đã cống hiến sức lực, thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người túng thiếu. Họ đích thật là mẫu gương của sự thánh thiện và đời sống gia đình.

• Tại sao ĐTC là người Argentina, lại có lòng sùng mộ như thế đối với một trong các nữ thánh nổi tiếng nhất của Pháp ?

+ Đó là một trong các thánh nữ nói với chúng ta nhiều nhất về ân sủng Chúa. Chị thánh như săn sóc, cầm tay chúng ta và giúp ta dễ dàng leo lên đỉnh cao cuộc đời. Với điều kiện chúng ta hoàn toàn phó thác và để chị dẫn đưa ta đi. Theo dòng đời, Têrêsa bé bỏng đã hiểu rằng chính tình yêu, tình yêu hòa giải của Chúa Giêsu đã dẫn đường cho Giáo hội. Đó là những gì tôi học được từ thánh Têrêsa Lisieux. Tôi thường cầu nguyện nữ thánh, đặt vào tay chị một vấn đề khó khăn mà tôi đang phải giải quyết, một câu hỏi khó hay một hành trình sắp phải vượt qua. Lúc đó, tôi cầu xin thánh nữ chấp nhận ra tay nâng đỡ và gởi đến tôi một đóa hồng làm dấu chỉ. Tôi đã nhiều lần nhận được một đóa hồng…  

• Phải chăng, tình yêu mến của thánh Phanxicô đối với thiên nhiên và mối quan tâm đến môi trường khiến ĐTC chọn tông hiệu này ?

+ Trước đây tôi chưa từng nghĩ đến điều đó. Điều khiến tôi quyết định vào lúc ấy, không phải thông điệp của thánh Phanxicô về công cuộc tạo dựng, cũng không phải cách ngài sống sự nghèo khó theo Tin Mừng. Trong mật nghị hồng y, khi các phiếu cần thiết để bầu chọn giáo hoàng đã đạt tới ngưỡng, Đức Hồng y Claudio Hummes, bạn tôi, ngồi bên cạnh, đã ôm tôi và nhắc đừng quên người nghèo. Tôi liền nghĩ đến thế giới đang bị tổn thương vì chiến tranh, loạn lạc. Và qua chứng từ của mình, thánh Phanxicô thành Assisi thật sự là con người của hòa bình. Trong thông điệp Laudato Si’, khởi đầu bằng các ngôn từ của “Bài ca thụ tạo”, tôi cố chứng minh mối tương quan sâu sắc giữa việc dấn thân chống lại đói nghèo với hành động chăm sóc công cuộc tạo dựng. Chúng ta phải để lại cho con cháu một trái đất sống được và xây dựng một nền hòa bình đích thật cho thế giới.

• Là giáo hoàng của một thời đại đang đương đầu với những biến đổi về khí hậu trên diện rộng. Vậy đâu là thông điệp của ĐTC cho Hội nghị quốc tế về khí hậu diễn ra tại Paris ?

+ Người Kitô hữu thiên về hành động hiện thực, chứ không lo sợ mù quáng trước thiên tai. Tuy nhiên, chính vì thế, chúng ta không thể giấu giếm một sự thật hiển nhiên : tình trạng môi trường hiện nay khiến ta không chịu đựng nổi. Tôi hy vọng thực sự rằng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đề ra những chọn lựa cụ thể, được mọi người cùng sẻ chia và nhắm đến lợi ích chung, lâu dài. Phải kể đến những thể thức phát triển mới, để nhiều người đang khổ vì đói, vì bóc lột, chiến tranh, thất nghiệp, có thể sống đúng với nhân phẩm. Phải đóng góp những phương thức mới để chấm dứt việc khai thác quá mức hành tinh của chúng ta. Ngôi nhà chung này đã bị ô nhiễm và không ngừng xuống cấp. Chúng ta cần sự dấn thân của mọi người, phải bảo vệ loài người khỏi sự hủy diệt.

• Bằng cách nào, thưa ĐTC ?

+ Nhân loại phải từ bỏ thần tượng hóa tiền bạc và phải đặt con người, nhân phẩm, lợi ích chung và tương lai thế hệ con cháu chúng ta trở lại làm trọng tâm mọi sự. Nếu không, hậu duệ chúng ta sẽ phải sống trên đống rác bẩn. Chúng ta phải nuôi dưỡng và bảo vệ quà tặng Chúa đã ban cho chứ không khai thác một cách vô trách nhiệm. Mọi người phải chăm sóc những ai không có những điều kiện tối thiểu và bắt tay thực hiện những kế hoạch cải cách có hệ thống để xây dựng một thế giới công bằng hơn. Hãy từ bỏ lòng ích kỷ và tham lam để mọi người đều có thể sống tốt hơn một chút.

• Tháng 7 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) đã thông báo khám phá Képler-452 b, một hành tinh có kích cỡ bằng và giống trái đất. Liệu ở đó có những sinh vật biết suy nghĩ như chúng ta ?

+ Thật ra, tôi không biết trả lời cô như thế nào : đến nay, kiến thức khoa học luôn bác bỏ sự hiện hữu của sinh vật biết suy tư khác trong vũ trụ. Tuy nói như thế, mãi đến khi khám phá ra châu Mỹ, người ta vẫn không hình dung ra có lục địa này, nhưng thực chất, nó vẫn hiện hữu ! Dù sao, tôi nghĩ là cần phải tin nhận định của các nhà bác học. Tuy nhiên, phải luôn ý thức rằng Đấng Tạo hóa còn lớn hơn vô ngần so với kiến thức của chúng ta. Điều tôi tin chắc chính là vũ trụ và thế giới mà chúng ta đang sống không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên, của khối hỗn mang, nhưng do thần trí và tình thương của Thiên Chúa, Đấng yêu thương, Đấng luôn mong muốn có chúng ta và không bao giờ để ta cô độc. Điều chắc chắn nữa, là Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, đã nhập thể, chết trên Thánh giá để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, trong khi chúng ta là những phàm nhân, Ngài đã Phục sinh chiến thắng tử thần.

• ĐTC có tin rằng các quốc gia như Pháp đã đón nhận nhiều Kitô hữu, một ngày kia sẽ có thể giúp các cộng đồng Đông phương bị Hồi giáo cực đoan đe dọa, được trở về nhà ?

+ Đối với Kitô hữu, lời Chúa Giêsu kêu mời chúng ta nhận ra Ngài qua kẻ nghèo hèn và khách lạ đang kêu cứu, vẫn là một lệnh truyền. Ngài đã dạy ta mỗi hành vi liên đới với họ là liên đới với Ngài. Qua câu hỏi, cô còn đề cập đến một chủ đề khác rất quan trọng : chúng ta không thể chấp nhận để cho các cộng đồng thiểu số ở Trung Đông ngày nay phải rời bỏ nhà cửa, đất đai và công việc hằng ngày. Các Kitô hữu này vẫn là công dân có trọn quyền tại đất nước họ. Họ ở đó với tư cách là môn đệ Chúa Giêsu từ hai ngàn năm nay, hoàn toàn hội nhập trong nền văn hóa và lịch sử dân tộc. Trước tình hình khẩn cấp, chúng ta có nhiệm vụ hành động trong tư thế là con người, đồng thời là Kitô hữu và không thể quên đi các nguyên nhân gây nên tình trạng ấy. Chúng ta có tự hỏi tại sao nhiều người đã trốn chạy như thế, tại sao có nhiều chiến tranh và bạo lực ? Đừng quên những người xúi giục lòng hận thù và bạo lực, kể cả những kẻ đầu cơ chiến tranh, chẳng hạn những tập đoàn buôn bán vũ khí. Cũng đừng quên sự giả nhân giả nghĩa của những kẻ quyền lực trên thế giới này, miệng nói hòa bình, tay ngầm bán khí giới.

• Ngoài việc hỗ trợ tức thời, chúng ta phải làm gì cho người tị nạn ?

+ Không thể cố giải quyết thảm kịch này chỉ bằng cách đứng nhìn từ xa mà phải bằng hành động để xây dựng hòa bình; hay bằng những tác động cụ thể đến các nguyên nhân tạo nên nghèo khó. Phải dấn thân thiết lập các mô hình phát triển kinh tế đặt con người chứ không phải tiền bạc làm trọng tâm; cùng nhau hành động để nhân phẩm mỗi người, dù là nam hay nữ, mỗi trẻ em, mỗi người già đều luôn được tôn trọng.

 Phải chăng chủ nghĩa tư bản và lợi nhuận là các từ “quỷ quái” ?

+ Chủ nghĩa tư bản và lợi nhuận không quỷ quái, nếu người ta không thần tượng hóa chúng. Chúng không phải thế, nếu vẫn chỉ là công cụ. Ngược lại, khi để tham vọng tiền của vô độ chế ngự, hay lợi ích chung và nhân phẩm trở thành thứ yếu, thậm chí tuột xuống hàng thứ ba, hoặc tiền bạc và lợi nhuận bằng mọi giá trở nên bái vật chúng ta tôn thờ, và nếu lòng tham là nền tảng của hệ thống xã hội và kinh tế..., lúc ấy xã hội của chúng ta sẽ sụp đổ. Con người không được phục dịch cho tiền của.

• Năm Thánh lòng Chúa thương xót khởi đầu từ ngày 8.12. Ý tưởng Năm thánh đến với ĐTC như thế nào ?

+ Từ thời Đức Phaolô VI, Giáo hội mỗi lúc mỗi đặt trọng tâm về lòng Chúa thương xót. Suốt triều đại của thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trọng tâm này càng được nhấn mạnh hơn nữa, qua thông điệp “Dives in Misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), qua việc thiết lập lễ Lòng Chúa thương xót (Chúa nhật sau Phục sinh), và tôn phong hiển thánh Faustine Kowalska (nữ tu người Ba Lan, 1905 - 1938). Để tiếp nối đường lối này, bằng suy nghĩ và cầu nguyện, tôi xét thấy rất phù hợp để công bố một Năm Thánh đặc biệt, năm lòng Chúa thương xót.  

• Sự ngưỡng vọng tuyệt vời của mọi người dành cho ĐTC sẽ có thể giải quyết khủng hoảng trên thế giới ?

+ Hoạt động của giáo hoàng và Tòa Thánh vẫn không lệ thuộc vào mức độ cảm tình hay nhiệt tình do các nhân vật quan trọng thường tạo nên lúc này hay lúc khác. Chúng tôi tìm cách cổ vũ giải quyết các cuộc xung đột và kiến tạo hòa bình bằng đối thoại. Chúng tôi cũng không ngừng tìm kiếm các con đường hiếu hòa và thương lượng để giải quyết khủng hoảng. Tòa Thánh không có lợi ích riêng trên trường quốc tế, nhưng Tòa Thánh hành động qua mọi kênh khả dĩ để ủng hộ các cuộc gặp gỡ, đối thoại, những tiến trình hòa bình và nhân quyền. Qua sự hiện diện tại các quốc gia như Albania hay Bosnia-Herzegovina, tôi cố ủng hộ các mô hình sống chung và hợp tác giữa những người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, để họ vượt qua vết thương chưa thể hàn gắn do các thảm cảnh vừa qua. Tôi không đề ra các dự kiến, cũng không bận tâm đến chiến lược lẫn chính trị quốc tế, mà ý thức rằng, trong nhiều trường hợp, tiếng nói của Giáo hội là “vox clamantis in deserto”, tiếng hô trong sa mạc. Tuy nhiên, tôi tin rằng chính đức tin trong Tin Mừng buộc chúng ta trở nên những người xây dựng cầu nối chứ không phải thành lũy. Không nên phóng đại vai trò của giáo hoàng và Tòa Thánh. Điều vừa diễn ra giữa Hoa Kỳ và Cuba là một điển hình : chúng tôi chỉ tìm cách khơi dậy thiện ý đối thoại của các nhà chức trách hai nước, và nhất là chúng tôi đã cầu nguyện.

• Làm sao ĐTC giữ được sự bình dị của một tu sĩ Dòng Tên, sau khi đã cử hành thánh lễ tại Manilla trước 7 triệu tín hữu và hằng trăm triệu khán thính giả truyền thanh và truyền hình ?

+ Khi một linh mục cử hành thánh lễ, dĩ nhiên trước các tín hữu, nhưng trước hết là trước Thiên Chúa. Chúng ta càng đứng trước đám đông thì càng ý thức hơn về sự hèn mọn của mình và về việc mình chỉ là những “đầy tớ vô dụng”, như Chúa Giêsu yêu cầu. Mỗi ngày, tôi khẩn cầu ơn Chúa để có thể trở nên người phản chiếu sự hiện diện của Đức Giêsu, và chứng nhân cho lòng Chúa thương xót, khi Ngài ôm choàng chúng ta. Vì thế, mỗi lần tôi nghe câu “Hoan hô Đức Thánh Cha !”, tôi liền mời gọi các tín hữu hô lên “Hoan hô Chúa Giêsu !”. Khi còn là hồng y, Đức Albino Luciani (tức Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô Đệ nhất) trước muôn vàn tiếng tung hô, đã nhận xét tinh tế rằng : “Các bạn nghĩ là con lừa bé nhỏ kia, trên lưng nó là Đức Giêsu đang tiến vào Giêrusalem, nó có tưởng các tiếng “hosanna” của đám đông dành riêng cho mình?”. Chính vì thế, giáo hoàng, các giám mục, linh mục có thể giữ lời hứa hoàn thành sứ vụ nếu họ biết trở nên như con lừa bé bỏng ấy, giúp làm sáng tỏ nhân vật chủ chốt, và luôn ghi nhớ tiếng “hosanna” hôm nay sẽ bị thay thế mai này bởi “đóng đinh nó đi”.

• Đâu là di sản quý báu nhất ĐTC nhận được từ Dòng Tên ?

+ Đó là sự phân định mà thánh Inhaxiô thường đề cao, là việc tìm kiếm hằng ngày để biết Chúa rõ hơn và luôn theo sát Ngài hơn. Cố thực hiện từng việc một trong đời sống thường nhật, kể cả những việc nhỏ nhất, bằng tấm lòng mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân. Thử nhìn thực tại bằng ánh mắt của Chúa Giêsu, thực thi những lời dạy bảo của Ngài mỗi ngày và trong các tương quan với người khác.

• ĐTC có hình dung mình có thể đi vào tiệm bánh pizza ở Rome hay đi xe buýt trong trang phục của một linh mục bình dị không ?

+ Tôi không hoàn toàn rời bỏ chiếc áo sơ mi màu đen của giáo sĩ ở dưới áo chùng màu trắng ! Chắc chắn tôi vẫn thích đi bách bộ trong các dãy phố ở Rome, một thành phố rất đẹp. Tôi đã từng là “linh mục hè phố”. Vả lại, các cuộc gặp gỡ quan trọng nhất của Đức Giêsu và việc rao giảng của Ngài đều diễn ra trên đường phố. Dĩ nhiên, tôi rất thích đi ăn một chiếc bánh pizza thật ngon với bạn bè. Nhưng tôi biết rằng không mấy dễ dàng, và hầu như không thể. Điều tôi không bao giờ thiếu, chính là tiếp xúc mọi người. Tôi gặp rất nhiều người, còn đông hơn ở Buenos Aires, và điều này khiến tôi hết sức vui sướng ! Khi tôi giữ các tín hữu trong vòng tay, tôi biết là Chúa Giêsu cũng giữ tôi trong vòng tay Ngài. 

Viết Hiệp chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ