1
18:39 +07 Thứ ba, 23/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 46

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 9378

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 242982

Tổng cộngTổng cộng : 27797266

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐẠO & ĐỜI

Tiếp kiến chung ĐTC: “Đừng sợ mời Giêsu đến dự tiệc cưới!”

Thứ năm - 04/06/2015 08:48-Đã xem: 1161
VATICAN. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ tư, ngày 20.5.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican.
Tiếp kiến chung ĐTC: “Đừng sợ mời Giêsu đến dự tiệc cưới!”

Tiếp kiến chung ĐTC: “Đừng sợ mời Giêsu đến dự tiệc cưới!”

VATICAN. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ tư, ngày 03.06.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô:

“Kính chào tất cả anh chị em

Những bài giáo lý của chúng ta, bắt đầu với bài suy gẫm hôm nay, sẽ đề cập đến tính mỏng dòn dễ vỡ của gia đình, trong những điều kiện sống khi gia đình đang bị thử thách.

Một trong số những thách đố này là sự nghèo túng. Chúng ta nghĩ đến biết bao gia đình đang cư trú tại những vùng ngoại ô của các thành phố lớn, và ngay cả những khu vực nông thôn. Biết bao khốn khó, biết bao suy sụp! Và rồi, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn, trong những nơi chốn có chiến tranh xảy đến. Chiến tranh luôn là một điều tệ hại. Hơn nữa, chính nó đã hủy hoại cách nghiệm trọng mọi dân thường, và cả các gia đình. Thực sự là, chiến tranh là “mẹ của tất cả nghèo túng”, một kẻ cướp nguy hiểm đối với cuộc sống, đối với các linh hồn, ngay cả đối với những tình cảm thánh thiêng và thân thương nhất.

Hơn hết, có rất nhiều gia đình nghèo túng cố gắng để duy trì cuộc sống hằng ngày của mình cho xứng với nhân phẩm, bằng cách luôn luôn trông cậy một cách cởi mở vào phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài học này không biện minh cho sự dửng dưng của chúng ta, nếu không nói là càng khiến chúng ta hổ thẹn hơn! Đó gần như là một phép lạ mà, thậm chí ngay cả trong sự nghèo  túng, gia đình có thể tiếp tục để hình thành, và thậm chí ngay cả để bảo tồn – như có thể – tình người đặc biệt trong mối dây liên hệ của nó. Điều này gây khó chịu đối với những chuyên gia đề ra các tiêu chuẩn hạnh phúc, vốn là những người chỉ xem những tình cảm, việc sinh sản con cái, những mối dây gia đình, như là một yếu tố thứ hai trong chất lượng của cuộc sống. Ngược lại, chúng ta phải bái gối trước những gia đình này, vì đó là trường học nhân văn đích thực vốn cứu rỗi các xã hội khỏi sự tàn ác.

Thực sự, chúng ta sẽ còn lại gì nếu chúng ta thúc thủ trước sức ép của quyền bính chính trị và tiền bạc, cũng như khước từ cả những tình cảm gia đình? Một thứ đạo đức học dân sự mới sẽ chỉ có được khi những người hữu trách đối với đời sống cộng đồng chấn chỉnh lại các tương quan xã hội khởi đi từ việc đấu tranh với các vòng lẩn quẩn giữa gia đình và nghèo đói, vốn dẫn đưa chúng ta tới vực thẳm.

Nền kinh tế hiện tại thường chuyên môn hóa vào việc thụ hưởng những sự sung túc của cá nhân, nhưng lại thi hành một cách đại trà sự bóc lột những tương quan gia đình. Đây là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng! Biết bao công việc to lớn của các gia đình, một cách tự nhiên, không được coi trọng trong những bản dự chi ngân sách. Thực ra, kinh tế và chính trị rất bủn xỉn để công nhận điều này. Ngoài ra, sự huấn luyện nội tâm của con người và sự trao đổi những tình cảm xã hội lại phải có trụ cột của nó ngay tại đó. Nếu nó bị lấy đi thì mọi thứ sẽ sụp đổ xuống.

Không chỉ là vấn đề cơm bánh. Chúng ta nói về cả việc làm, sức khỏe, và giáo dục. Thật quan trọng để hiểu rõ điều này. Chúng ta hãy thường xuyên biết động lòng trắc ẩn khi trông thấy hình ảnh của những đứa bé suy dinh dưỡng và yếu đau, vẫn thường đập vào mắt chúng ta từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đồng thời, biết bao cái nhìn rạng ngời của rất nhiều trẻ thơ, thiếu thốn mọi thứ, ắt cũng sẽ đánh động chúng ta, khi chúng ở trong những ngôi trường chẳng có gì cả, nhưng lại tự hào khoe với chúng ta bút chì và tập vở của chúng. Và chúng đã có cái nhìn đầy yêu thương đối với thầy giáo và cô giáo của chúng! Thực sự những trẻ em này biết rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh.

Chúng ta, những Kitô hữu, phải gần gũi với các gia đình đang gặp thử thách vì nghèo đói. Thực tế, sự nghèo túng xã hội đả thương gia đình và nhiều khi còn hủy diệt nó nữa. Sự thiếu công ăn việc làm hay mất việc, hay là tính tạm thời bấp bênh của công việc, càng chất thêm gánh nặng lên đời sống gia đình, và khiến cho các tương quan gia đình càng bị thách đố nghiêm trọng hơn. Những điều kiện sống trong những khu phố nghèo túng, cùng với những vấn đề dân sinh và di chuyển, chẳng hạn như sự cắt giảm các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục, gây ra thêm những khó khăn sau đó. Thêm vào những yếu tố vật chất này là sự tổn hại đối với gia đình từ những kiểu mẫu giả tạo, vốn được lan truyền bằng phương tiện truyền thông dựa trên chủ nghĩa tiêu thụ và tôn thờ dáng vẻ bên ngoài, sẽ tác động đến những giai cấp xã hội nghèo túng hơn và gia tăng sự phá vỡ những mối dây gia đình.

Giáo Hội là mẹ nên không được quên lãng thảm kịch này của con cái mình. Thậm chí chính Giáo Hội cũng phải trở nên nghèo, để trở nên phong nhiêu và trả lời cho biết bao sự nghèo khó. Một Giáo Hội nghèo là một Giáo Hội vốn thực hành một sự giản đơn tự nguyện trong chính đời sống mình – trong cùng những thể chế cách thức của nó, trong cách sống của những thành viên của giáo Hôi- để phá vỡ mọi bức tường của sự loại trừ, mà trên hết là đối với những ai nghèo khó, Chúng ta mong muốn điều ấy trong cầu nguyện và hành động. Chúng ta hãy nài xin khẩn thiết cùng Chúa, Đấng có thể lay động chúng ta, để mang lại cho các gia đình của chúng ta những tác nhân Kitô giáo cho cuộc cách mạng trong sự gần gũi gia đình, điều cần thiết cho chúng ta ngay lúc này. Ngay từ khởi đầu, sự gần gũi gia đình ấy đã làm nên Giáo Hội. Và đừng quên rằng sự phán xét của những người nghèo túng, những ai hèn mọn, và thiếu thốn sẽ đến trước sự phán xét của Thiên Chúa (Mt 25, 31- 46).”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai


Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các khách hành hương đến tiếp kiến ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ Tư, ngày 29.4.2015.

“Xin chào tất cả anh chị em,

Sau khi đã tìm hiểu hai trình thuật từ sách Sáng Thế, những suy tư của chúng ta về kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa trên tương quan giữa người nam và người nữ sẽ hướng trực tiếp về Đức Giêsu.

Ngay từ đầu sách Tin Mừng của mình, Thánh Sử Gioan đã tường thuật lại câu chuyện tiệc cưới ở Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên (x. Ga 2,1-11). Đức Giêsu không chỉ tham dự buổi lễ cưới, nhưng còn “cứu nguy cho buổi lễ ấy” bằng một phép lạ hóa nước thành rượu ngon! Như thế, dấu lạ đầu tiên trong chuỗi những dấu lạ Ngài thực thi để bày tỏ vinh quang nằm trong bối cảnh của một tiệc cưới, và điều này cho thấy một sự đồng cảm lớn lao Ngài dành cho một gia đình vừa mới khai sinh, nhờ sự thúc dục và quan tâm đầy nét từ mẫu của Mẹ Maria. Điều này giúp chúng ta nhớ đến sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa hoàn thành công trình tạo dựng và các tuyệt tác của Ngài; tuyệt tác đó là chính người nam và người nữ. Nơi đây, Đức Giêsu bắt đầu các phép lạ của mình cũng bằng một tuyệt tác, trong một cuộc hôn nhân, một tiệc cưới giữa người nam và người nữ. Như thế, Đức Giêsu dạy bảo chúng ta rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau! Đây chính là tuyệt tác!

Từ lúc diễn ra tiệc cưới ở Cana cho đến nay, đã có rất nhiều thứ thay đổi, nhưng “dấu chỉ” này của Đức Kitô vẫn mãi là một thông điệp có giá trị.

Ngày nay, dường như chẳng dễ để nói về hôn nhân như là một ngày vui mà người ta kỷ niệm vào những chặng đường khác nhau trong cuộc đời của hai người. Có một sự thật là số lượng người kết hôn với nhau đã giảm đi. Đây là một thực tế: giới trẻ không còn muốn kết hôn nữa. Thay vào đó, tại nhiều nước, con số vợ chồng ly dị gia tăng, và số con cái người ta có trong gia đình thì giảm xuống. Những khó khăn vẫn còn đó, có thể giữa hai người, có thể trong gia đình, đã khiến họ phá vỡ mối dây hôn phối thường xuyên và nhanh chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Chúng ta hãy nghĩ đến những nạn nhân đầu tiên, và vô cùng quan trọng đã phải chịu đựng hậu quả nhiều hơn ai hết trong vụ ly dị, đó chính là con cái. Nếu chúng ta cảm nghiệm từ chi tiết nhỏ nhặt nhất rằng hôn nhân là một mối dây “đã xác lập chắc chắn” thì chúng ta sẽ mặc định như thế mà không cần ý thức. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã đi đến quyết định từ bỏ chính ý định về một mối dây không thể chia cắt và một gia đình kéo dài. Tôi tin rằng chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về việc tại sao nhiều bạn trẻ không cảm thấy muốn kết hôn. Có phải do lối nghĩ về một nền văn hóa tạm bợ… tất cả đều tạm bợ, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn?

Việc nhiều người trẻ không muốn kết hôn là một trong những bận tâm nổi lên ngày nay: vì sao giới trẻ không muốn kết hôn? Vì sao họ chỉ thích sống chung và nhiều khi chỉ muốn có “một trách nhiệm giới hạn” thôi? Tại sao nhiều người – ngay cả những người đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy – không còn mấy tin tưởng vào hôn nhân và gia đình? Chúng ta phải tìm hiểu, nếu chúng ta muốn các bạn trẻ có thể tìm thấy con đường đúng đắn để bước đi. Tại sao họ không còn tin vào gia đình?

Những khó khăn không chỉ đến từ vấn đề kinh tế, dù rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Rất nhiều người cho rằng phong trào giải phóng phụ nữ đã gây ra những thay đổi trong những thập niên gần đây. Nhưng lập luận này cũng không đúng. Chính hình thức gia trưởng luôn muốn thống trị người nữ. Chúng ta đã trở thành một nhân vật xấu xa, như Ađam đã làm, khi Thiên Chúa hỏi ông: “Tại sao người ăn trái cây ấy?” Ông trả lời: “Chính người phụ nữ đã đưa cho con.” Lỗi là tại người phụ nữ. Tội nghiệp người phụ nữ quá! Chúng ta phải bảo vệ cho người phụ nữ. Trên thực tế, hầu như tất cả người nam và người nữ đều muốn có một sự đảm bảo về tình cảm, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh phúc. Gia đình nằm ở vị trí cao nhất trong bậc thang hạnh phúc của giới trẻ. Nhưng vì sợ sai lầm, nhiều người đã không muốn suy nghĩ về nó; dù là Kitô hữu, họ vẫn không muốn nghĩ đến bí tích hôn nhân, đến dấu chỉ duy nhất và bất khả lặp lại của giao ước, vốn là điều sẽ trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ chính nỗi sợ sẽ vấp ngã là rào cản lớn nhất để đón nhận lời của Đức Kitô, lời hứa ban ơn sủng cho sự hiệp nhất lứa đôi và cho gia đình.

Chứng tá thuyết phục nhất của phúc lành hôn nhân Kitô giáo chính là đời sống tốt đẹp của cặp vợ chồng Kitô giáo và của gia đình. Không hề có một cách thức nào tốt hơn để nói về nét đẹp của bí tích! Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hóa sẽ giúp bảo vệ mối dây liên kết giữa người nam và người nữ, là loài được Thiên Chúa chúc lành từ khi tạo dựng trời đất; và đây chính là nguồn mạch của bình an, thiện hảo dành cho đời sống lứa đôi và gia đình. Chẳng hạn, vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, giá trị cao quý của mối dây liên kết giữa người nam và người nữ giúp chống lại những lạm dụng thông thường, như chuyện người chồng đòi ly dị vợ dù với những động cơ thấp hèn. Tin Mừng gia đình, Tin Mừng loan báo chính bí tích này chống lại nền văn hóa ly dị.

Ngày nay, nền tảng Kitô giáo về sự bình đẳng triệt để giữa đôi hôn phối phải sinh ra những hoa trái mới. Chứng tá về giá trị xã hội của hôn nhân sẽ trở nên thuyết phục nhờ con đường này, con đường chứng tá thu hút người ta, con đường của sự hỗ tương và bổ túc cho nhau giữa hai người.

Vì thế, là những người Kitô hữu, chúng ta phải trở nên đòi hỏi hơn về vấn đề này. Chẳng hạn: quyết tâm ủng hộ quyền bình đẳng lương trong cùng một việc lao động. Tại sao người ta trả cho người phụ nữ ít hơn đàn ông? Sự chênh lệch như vậy là một điều xấu xa. Đồng thời, cũng cần phải nhận ra sự phong phú có giá trị của tình mẫu tử của người nữ và tình phụ nữ của người nam nơi lợi ích của con trẻ. Tương tự như vậy, cũng không kém phần quan trọng khi các gia đình Kitô giáo trở thành nơi nương tựa dành cho nhau, đặc biệt trong hoàn cảnh đói nghèo, suy đồi và bạo lực gia đình như hiện nay.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ mời Đức Giêsu đến dự tiệc cưới! Đừng sợ mời Giêsu đến nhà chúng ta, vì Người luôn ở với chúng ta và che chở gia đình chúng ta. Mẹ Maria, Mẹ của Người cũng thế! Khi người Kitô hữu kết hôn “trong Chúa”, họ sẽ được biến đổi trong một dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Thiên Chúa. Người Kitô hữu không kết hôn chỉ cho mình, nhưng họ kết hôn trong Chúa vì lợi ích của tất cả cộng đồng và toàn thể xã hội.

Tôi sẽ tiếp tục nói về ơn gọi gia đình Kitô hữu trong bài giáo lý tuần tới.

Xin cảm ơn anh chị em!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

VATICAN. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ tư, ngày 6.5.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican.

“Xin chào tất cả anh chị em,

Trong loạt bài giáo lý về gia đình, ngày hôm nay, chúng ta sẽ đụng chạm trực tiếp đến nét đẹp của hôn nhân Kitô giáo. Đây không đơn giản chỉ là buổi lễ mà người ta cử hành trong nhà thờ, với hoa, váy cưới, chụp hình… Hôn nhân Kitô giáo là môt bí tích được cử hành trong Giáo Hội, làm nên Giáo Hội và khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình mới.

Thánh Phaolô đã diễn tả điều này trong câu nói: “Mầu nhiệm này – mầu nhiệm hôn nhân – thật là cao cả, tôi có ý muốn nói đến Đức Kitô và Giáo Hội” (Ep 5,32). Được soi sáng bởi Thánh Thần, thánh Phaolô đã xác nhận rằng tình yêu hôn nhân là hình ảnh tình yêu giữa Đức Kitô với Giáo Hội! Thật là một phẩm giá không tưởng! Nhưng trên thực tế, nó được ghi khắc trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, và với ân sủng của Đức Kitô, hằng hà sa số các cặp đôi Kitô hữu, dù có nhiều giới hạn và tội lỗi, đã hiện thực hóa tình yêu ấy.

Thánh Phaolô, khi nói về đời sống mới trong Đức Kitô, đã nói rằng tất cả các Kitô hữu được mời gọi để yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương mình, là “phục tùng lẫn nhau” (Ep 5,21), có nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Ở đây nói đến một phép ẩn dụ giữa vợ-chồng và Đức Kitô – Giáo Hội. Rõ ràng đây là một phép ẩn dụ không hoàn hảo lắm, nhưng chúng ta phải thừa nhận nó theo nghĩa thiêng liêng, rằng thật cao cả, đơn giản và mang tính đột phá biết bao dành cho những người nam người nữ, được trao phó cho ân sủng của Thiên Chúa.

Người chồng – thánh Phaolô nói – phải yêu thương vợ “như yêu thân thể mình” (Ep 5,28), yêu mến vợ như Đức Kitô “yêu mến Giáo Hội và hiến thân mình cho Giáo Hội” (c.25). Anh chị em có hiểu điều này không? Hãy yêu vợ như Đức Kitô yêu mến Giáo Hội. Đây không phải là chuyện đùa đâu, rất nghiêm túc đấy! Bổn phận yêu mến và tôn trọng phẩm giá người nữ, theo gương Đức Kitô là rất lớn, trong cộng đoàn Kitô hữu.

Hạt giống tân Phúc Âm, là cái tái thiết lập tính hỗ tương nguyên thủy của việc trao hiến và tôn trọng nhau, đã dần dần lớn lên qua dòng lịch sử, và cuối cùng trở nên mạnh mẽ.

Bí tích hôn nhân là một hành vi đức tin và tình yêu to lớn: nó làm chứng cho sự can đảm tin vào nét đẹp trong việc tạo dựng của Thiên Chúa và sống một loại tình yêu thúc đẩy mình đi xa hơn, ra khỏi chính mình, và thậm chí ra khỏi chính gia đình mình. Ơn gọi Kitô hữu hướng đến tình yêu trọn vẹn và không giới hạn là điều mà, với ơn sủng của Đức Kitô, nằm ở vị trí nền tảng của sự tự do làm nên hôn nhân.

Chính Giáo Hội cũng hoàn toàn dấn thân vào hôn nhân Kitô giáo suốt dòng lịch sử: Giáo Hội đã vui mừng trong những thành công của họ, cũng như đau buồn trong những thất bại của họ. Nhưng chúng ta phải nghiêm túc tự vấn mình: chính chúng ta có đón nhận từ tận sâu thẳm, trong tư cách là các tín hữu và các chủ chăn, mối dây không thể phân chia này giữa câu chuyện của Đức Kitô và Giáo Hội với câu chuyện hôn nhân và gia đình nhân loại không? Chúng ta có sẵn sàng dấn thân cách nghiêm túc vào trách nhiệm này, nghĩa là mỗi cuộc hôn nhân bước đi trên con đường tình yêu mà Đức Kitô đã có đối với Giáo Hội? Điều này rất quan trọng!

Tính sâu sắc này của mầu nhiệm tạo dựng, được nhận biết và thiết lập trong sự tinh tuyền của nó, mở ra một chân trời lớn thứ hai, vốn làm nên đặc tính của bí tích hôn nhân. Quyết đinh “kết hôn với Thiên Chúa” cũng bao hàm một chiều kích sứ mạng, nghĩa là hình thành trong tim mình một sự sẵn sàng để mang ơn lành của Chúa và ân sủng của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người. Thực ra, các đôi vợ chồng Kitô giáo cũng tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội. Cần có sự can đảm để làm điều này. Vì thế, cứ mỗi lần tôi chào thăm những đôi mới cưới, tôi thường nói: “Hãy can đảm lên”, vì cần có sự can đảm để yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội.

Việc cử hành bí tích Hôn Phối không thể để lọt việc đồng trách nhiệm trong đời sống gia đình đối với sứ mạng yêu thương lớn lao của Giáo Hội. Đời sống của Giáo Hội sẽ thêm phong phú hơn nơi nét đẹp của giao ước hôn nhân này, cũng như nó sẽ nghèo nàn khi đi giao ước hôn nhân bị làm biến dạng. Để có thể trao ban cho mọi người ơn đức tin, tình yêu và niềm hy vọng, cũng cần có sự trung tín đầy can đảm của các đôi hôn phối nhờ ân sủng bí tích mà họ lãnh nhận. Dân Thiên Chúa cần họ dấn thân hằng ngày trong đức tin, trong tình yêu và niềm hy vọng, với tất cả niềm vui và nỗi buồn mà hành trình dấn thân này mang đến trong một cuộc hôn nhân và trong gia đình.

Lộ trình đã được xác định mãi mãi, đó là lộ trình của tình yêu: yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương, mãi mãi. Đức Kitô luôn chăm sóc cho Giáo Hội: Người luôn yêu thương Giáo Hội, gìn giữ Giáo Hội, như chính mình. Đức Kitô chưa bao giờ thôi cất khỏi khuôn mặt nhân loại đủ mọi loại vết nhơ, nếp nhăn. Việc lan tỏa sức mạnh và sự dịu dàng của Thiên Chúa từ cặp đôi này đến cặp đôi kia, từ gia đình này đến gia đình kia thật tuyệt đẹp và cảm động làm sao! Thánh Phaolô thật có lý khi nói rằng: đây thật sự là một “mầu nhiệm lớn lao”. Người nam người nữ nào có đủ sự can đảm để mang kho tàng được chứa đựng trong “những bình sành dễ vỡ” của nhân loại chúng ta, là nguồn lực thiết yếu của Giáo Hội, cũng như cho toàn thể thế giới! Xin Thiên Chúa chúc lành thật nhiều cho những con người như thế!”

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

“Xin chào tất cả anh chị em,

Hôm nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về một đặc tính cần thiết của gia đình, đó là ơn gọi tự nhiên của nó trong việc giáo dục con cái để chúng có thể thể lớn lên trong tinh thần trách nhiệm với chính mình và với tha nhân. Có vẻ điều này đã được nhận thức rõ ràng tuy nhiên ngay cả trong thời đời đại của chúng ta cũng chẳng thiếu vắng những khó khăn. Thật khó khăn để cha mẹ có thể dạy dỗ con cái nếu họ chỉ gặp chúng vào buổi tối, khi họ trở về nhà trong sự mỏi mệt. Và cũng thật khó khăn cho cả những người làm cha làm mẹ đã chia tay và do chính hoàn cảnh này của họ khiến mọi việc trở nên nặng nề hơn.

Nhưng trên hết, phải giáo dục con cái như thế nào đây? Đâu là truyền thống chúng ta đã có để thông truyền lại cho con cái mình ngày hôm nay?

Đủ mọi loại các nhà phê bình đã khiến các bậc cha mẹ phải lặng thinh bằng hàng ngàn cách thức, để bảo vệ những thế hệ trẻ khỏi bị tổn thương – những tổn thươn có thực hay chỉ là phỏng đoán – trong việc giáo dục của gia đình. Gia đình đã bị tố cáo, bởi nhiều thứ khác, như chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa thiên vị, chủ nghĩa xu thời, sự đè nén tâm cảm vốn gây ra những xung đột.

Việc này gây ra một rạn nứt giữa gia đình và xã hội khiến niềm tin lẫn nhau bị bào mòn; và như thế, sự hợp tác để giáo dục giữa xã hội và gia đình bước vào cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn như, trong các trường học có những liên lạc giữa cha mẹ và giáo viên. Đôi khi đã có những căng thẳng và sự bất tín lẫn nhau; và hậu quả đương nhiên đổ xuống đầu con trẻ. Mặt khác, cũng đã phát sinh nhiều những người được gọi là “chuyên gia”, đảm nhận cả vai trò của cha mẹ ngay cả trong những khía cạnh thâm sâu hơn của giáo dục.

Về đời sống tình cảm, về nhân cách và sự phát triển, về quyền và bổn phận, những “chuyên gia” biết tất cả: mục tiêu, động cơ và cả kỹ thuật. Và các bậc cha mẹ chỉ cần nghe theo, học hỏi và tự thích nghi. Sự riêng tư trong vai trò của cha mẹ đã bị gây hoang mang và bị chiếm dụng một cách thái quá trong những cuộc gặp với con cái của họ, dẫn đến việc cha mẹ không bao giờ dám sửa dạy con nữa. Họ luôn có thiên hướng phó thác chúng nhiều hơn cho các “chuyên gia”, thậm chí ngay cả trong những khía cạnh nhạy cảm và riêng tư trong đời sống của họ, và rồi họ tự cô lập mình  trong góc khuất của cô đơn; và như thế cha mẹ đang mạo hiểm tự loại bỏ chính mình khỏi đời sống của con cái họ.

Rõ ràng là thái độ này không hề tích cực: chẳng có sự hòa hợp, không có đối thoại và thay vì phải cổ võ sự cộng tác giữa gia đình và các cơ sở giáo dục khác nhau, thì lại đặt cả hai vào vị thế đối đầu.

Làm sao chúng ta khắc phục được điểm này? Chẳng có gì phải nghi ngờ rằng cha mẹ, hay đúng hơn, những nhà giáo dục tiêu biểu trong quá khứ đã có một vài giới hạn. Nhưng cũng thực là đúng đắn khi có những sai lầm mà chỉ có cha mẹ mới có quyền để phạm phải, bởi vì họ có thể bù đắp cho các con của mình theo một cách thức bất khả thi với người khác. Mặt khác, chúng ta biết rõ ràng rằng, cuộc sống đã trở nên quá bủn xỉn về thời gian để đàm đạo, phản tỉnh, và hồi tâm. Nhiều cha mẹ đã bị bắt cóc bởi công việc và những bận tâm khác, họ trở nên bối rối trước những đòi hỏi mới mẻ của các con và bởi sự phức tạp từ thực tế cuộc sống, và họ cảm thấy mình như bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi sẽ sai lầm. Nhưng, vấn đề không chỉ để nói xuông. Trái lại, một chủ nghĩa đối thoại hời hợt cũng chẳng mang lại một cuộc gặp gỡ đích thực trong tâm trí và tâm hồn. Tốt hơn, chúng ta nên tự chất vấn mình: hãy nỗ lực để thấu hiểu con cái mình đang thực sự ở đâu trong hành trình của chúng? Tâm hồn của chúng đang thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và trên hết: chúng ta có thực sự muốn biết không? Chúng ta có xác tín rằng trong thực tế chúng chẳng mong chờ một thứ gì khác?

Cộng đoàn Ki tô hữu được kêu gọi để mang lại rường cột cho sứ mạng giáo dục của các gia đình, và thực hiện chúng trước hết dưới ánh sáng của Lời Chúa. Thánh Phao lô tông đồ nhắc nhở về tính tương hỗ trong bổn phận giữa cha mẹ và con cái: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 20-21). Ngay tại nền móng của tất cả đã có tình yêu, vốn là thứ Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta, đức mến ấy không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật(1 Cor 13,5-6). Thậm chí ngay cả những gia đình tốt lành cũng cần phải chịu đựng lẫn nhau, và họ phải thực hiện với nhiều kiên nhẫn! Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự giáo dục từ gia đình, để ngày càng lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng (Lc 2, 40.51-52). Và khi Đức Giêsu đã nói: “Mẹ của ta và anh em của ta” là tất cả những ai “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21) thì Người cho thấy rằng gốc rễ của mối liên hệ này có thể nở hoa, đến độ làm cho họ vượt qua chính mình.

Ngay cả trong trường hợp này, ân sủng tình yêu của Đức Ki tô mang đến sự thành toàn cho những điều đã được ghi khắc vào bản tính con người. Chúng ta đã có biết bao gương mẫu tốt lành của các bậc phụ mẫu Ki tô hữu đầy tràn sự khôn ngoan! Chúng minh chứng rằng sự giáo dục gia đình tốt lành là cột sống của chủ nghĩa nhân văn. Sự chiếu tỏa của nó đối với xã hội là phương cách cho phép để bù đắp những khiếm khuyết, những vết thương, những khoảng trống của tình phụ tử và mẫu tử bằng cách đụng chạm đến những đứa con kém may mắn hơn. Sự chiếu tỏa này có thể làm nên những phép lạ thực sự. Và trong Giáo Hội những phép lạ như thế xảy ra hằng ngày.

Thiên Chúa ban tặng cho các gia đình Ki tô hữu niềm tin, sự tự do và sự can đảm cần thiết cho sứ mệnh của họ. Nếu giáo dục gia đình tìm lại được sự kiêu hãnh trong vai trò của chính mình, nhiều điều có thể được cải thiện tốt hơn đối với các cha mẹ không kiên định và những đứa con đang chán nản. Và bây giờ, những người cha và người mẹ hãy trở về từ chốn lưu đày và hãy đảm nhận vuông tròn sứ mệnh giáo dục của chính mình.”

 Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn