1
00:21 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 77

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 75


Hôm nayHôm nay : 288

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 283325

Tổng cộngTổng cộng : 27837609

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHẦU THÁNH THỂ

Phúc-Âm-hoá đời sống trong tình hiệp thông

Thứ hai - 27/07/2015 05:43-Đã xem: 2417
Cách thức rao truyền mới chỉ có thể hoàn thành mỹ mãn bởi những người rao truyền mới, vốn đã được canh tân bởi Thần Khí Thiên Chúa và được xức dầu bởi quyền năng của Ngài, và họ làm chứng rằng Chúa Yêsu đang sống.
Phúc-Âm-hoá đời sống trong tình hiệp thông

Phúc-Âm-hoá đời sống trong tình hiệp thông

Quá đề cao chủ nghĩa cá nhân và thiếu sự khiêm nhường là những nguyên nhân đưa đến sự chia rẽ hay bất hòa trong cộng đoàn. Nói cách khác, đó là những ngăn trở quan trọng làm cho cộng đoàn khó có sự hiệp thông trọn vẹn với nhau.
Do đó, chúng ta cần tìm hiểu về cộng đoàn hiệp thông. Cộng đoàn này, xét theo vĩ mô hay vi mô, luôn cần có sự hiệp thông của các thành phần Dân Chúa, vì Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông .
1. Khái niệm về sự hiệp thông.
Sự “hiệp thông” (tiếng La tinh là communio, tiếng Hy Lạp là koinonia) nghĩa là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ: Thông phần vào Thánh Thần, vào sự sống mới, vào tình yêu, vào Tin Mừng và trên hết là thông phần vào Thánh Thể (hiệp lễ) (x. 1Cr 10,16).
Hiệp thông là công trình của Chúa Ba Ngôi thể hiện nơi kẻ tin và ơn cứu độ được hiệp thông. Sự sống của Giáo hội cốt ở sự hiệp thông (x. Cv 2,42-47; 4,32-34; 5,12-14).
Tự bản tính, con người sống trong sự hiệp thông: Nhân vị chỉ trưởng thành như nhân vị trọn vẹn khi đối thoại với một nhân vị khác; bởi nhân vị mang tính chất “tương quan” như các Ngôi Vị Thiên Chúa.
2. Các chiều kích của sự hiệp thông.
Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại theo hai mặt: Một bên là Thiên Chúa vì yêu thương tự thông đạt cho nhân loại , một bên là sự đáp trả của nhân loại trong tin yêu và hy vọng .
2.1. Hiệp thông với Thiên Chúa.
Hiệp thông thể hiện qua sự hiệp nhất với Ba ngôi Thiên Chúa: “Được hợp nhất với Chúa Con trong sợi dây tình yêu của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu được hiệp nhất với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này tuôn tràn sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần” .
Sự hiệp thông với Thiên Chúa cần phải sinh hoa trái (x. Ga 15,5). Nói cách khác, người nào không sinh hoa trái thì không ở trong sự hiệp thông (x. Ga 15,2)
2.2. Hiệp thông với các Kitô hữu:
Giáo phận. Cộng đoàn Giáo phận hiệp thông quanh vị Chủ Chăn của mình, nơi đây hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân được nâng đỡ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Trong giáo phận, sự hiệp thông các cộng đoàn được thực hiện nơi những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế.
Sự hiệp thông trong giáo hội địa phương được gọi là “Giáo hội tham gia” (participatory Church), nghĩa là một Giáo hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi và chu toàn nghĩa vụ riêng của mình.
Giáo xứ. Giáo xứ là nơi mà mọi tín hữu được tập hợp và lớn lên trong đức tin, sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội và dự phần trong sứ mạng của Giáo Hội. Vì thế:
- Sự tham gia của người giáo dân trong kế hoạch mục vụ phải là nét bình thường của tất cả các giáo xứ, vì mỗi người là một thành phần của giáo xứ và của toàn thể dân Chúa.
- Giáo xứ cần dành nhiều cơ hội hơn cho người trẻ sống tình hiệp thông, như thành lập hiệp hội tông đồ và câu lạc bộ giới trẻ.
Không một người nào trong giáo xứ bị loại trừ khỏi sứ mạng của giáo xứ chỉ vì quá trình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá hay giáo dục của họ. Vì mỗi người theo Đức Kitô đều có một quà tặng để trao ban cho cộng đoàn, nên cộng đoàn phải có thiện chí đón nhận và hưởng nhờ tặng vật của mỗi người.
Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Các cộng đoàn này giúp người tín hữu sống thành những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu thời sơ khai (x. Cv 2,44-47; 4,32-35).
Các cộng đoàn này có mục đích giúp đỡ các thành viên của mình sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ. Đó là khởi điểm để xây dựng một nền văn minh tình thương.
Cộng đoàn cơ bản phải hiệp nhất với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, trong sự hiệp thông với các vị chủ chăn của Giáo hội và với Huấn quyền, biết dấn thân truyền giáo và không theo chủ nghĩa biệt lập hay sự khai thác ý thức hệ.
Sự hiện diện của những cộng đoàn cơ bản này này không làm vô hiệu những thể chế và cơ cấu để Giáo Hội hoàn thành sứ vụ của mình.
Những phong trào canh tân. Tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng tình hiệp thông qua đức tin và các bí tích, và để cổ võ việc hoán cải đời sống.
Các chủ chăn có trách nhiệm hướng dẫn, đồng hành và khích lệ để họ có thể hội nhập vào đời sống và sứ mạng của giáo xứ và giáo phận.
Những người trong các hiệp hội, hội đoàn và phong trào phải trợ giúp giáo xứ, giáo phận, và không được tự coi mình thay thế cho những cơ cấu giáo phận và giáo xứ.
Sự hiệp thông lớn mạnh hơn khi các lãnh đạo các phong trào này làm việc chung với vị chủ chăn trong tinh thần bác ái vì lợi ích chung (x. 1Cr 1,13) .
Tóm lại, hai chiều kích của sự hiệp thông: Hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau, không thể tách rời nhau. Một đàng, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông đích thực giữa các Kitô hữu. Đàng khác, hiệp thông giữa các anh chị em Kitô hữu chính là hoa trái hữu hình và thuyết phục nhất cho sự hiệp thông với Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu sống tình hiệp thông.
- Sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình là tình hiệp thông huynh đệ dựa trên quan hệ huyết thống, thể hiện qua việc nhận nhau là anh chị em theo ngày sinh. Tùy hoàn cảnh có thể gọi nhau theo thứ bậc như: anh (chị) Cả, chị Hai, chú Ba, anh Tư, cô Út....
- Mỗi người có thể đọc một chục kinh mân côi làm thành chuỗi mân côi sống để cầu nguyện cho nhau, quan tâm thăm viếng giúp đỡ nhau, noi gương Cộng đoàn Hội thánh sơ khai (x. Cv 2,42-47). Anh chị Cả hoặc một anh chị có uy tín được mời làm cố vấn gia đình, có nhiệm vụ dàn xếp các bất hòa, củng cố hiệp thông giữa các thành viên.
- Tránh nói xấu nhau, không tranh cãi to tiếng, tránh thái độ vô trách nhiệm với việc chung, nhất là tránh lạm dụng tín nhiệm vay mượn tiền bạc, thường là nguyên nhân gây bất hòa và làm tan rã các gia đình trong giáo xứ.
- Sống tình yêu thương cụ thể bằng việc nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho nhau; cảm thông chia sẻ và mau mắn đáp ứng nhu cầu của nhau; quảng đại tha thứ lỗi lầm cho nhau; năng thăm hỏi và động viên khen ngợi đúng lúc; phê bình góp ý cách tế nhị để giúp nhau sửa lỗi; biết tôn trọng nhau khi giao tiếp và có tinh thần trách nhiệm đối với việc chung.
Kết luận.
Cộng đoàn hiệp thông cần phải:
- Đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, và trở thành một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích Thánh Thể.
- Tham gia và đồng trách nhiệm, hiệp nhất với chủ chăn cũng như với Giáo Hội.
- Làm chứng cho những điều mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Câu hỏi thưa.
Câu 1: H. Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ đâu?
T. Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha, Đấng đã ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài qua Chúa Con, vì thế  đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông với nhau.
Câu 2: H. Sự hiệp thông trong Giáo Hội được thể hiện trên bình diện nào?
T. Sự hiệp thông trong Giáo Hội được thể hiện trên hai bình diện: một là hiệp thông với Thiên Chúa, hai là hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau.
Câu 3: H. Hai mối hiệp thông này liên kết với nhau như thế nào?
T. Hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu và hiệp thông giữa các Kitô hữu là hoa trái của sự hiệp thông với Thiên Chúa.
 

 


Tân Phúc Âm hóa  (7)
 
Tác giả :  Lm Emiliano Tardif
 
Dàn bài
 
Nhập đề
1.      Mới trong nhiệt tâm
2.      Mới trong phương pháp
3.      Mới trong cách diễn tả
4.      Những cách rao truyền mới
5.      Cách rao truyền mới phải toàn diện
6.      Cách rao giảng mới là công việc của Chúa Thánh Thần
7.      Cần những người rao giảng mới
8.      Chiến thuật mới
Kết luận
 
 
7. Cần những người rao giảng mới cho cách thức rao giảng mới.
 
Chắc chắn, chúng ta cần một cách thức rao giảng mới mẻ theo chiều hướng ta đã vạch ra trên kia.
 
Nhưng không thể có cách thức rao giảng mới nếu không có những người rao giảng mới, truyền lại cho người khác cái mình đã kinh qua.
 
D. Dino nói trong Thánh Lễ Bế mạc Đại Hội toàn quốc của Phong trào Canh Tân Italia ở Remini, trước 40.000 người tham dự, với mục đề : “Hãy đi rao truyền Chúa Kitô đang sống !” :
 
“Trong Thánh Lễ kết thúc kỳ Đại Hội của chúng ta này, đang khi chúng ta dâng lên Cha lời ca tạ ơn vì tất cả những gì chúng ta đã chiêm ngắm, và vì những gì tay ta đã sờ đụng được, bây giờ, chúng ta - cũng như các tông đồ - chỉ còn có việc loan báo cách mạnh mẽ cho thế giới cái kinh nghiệm tuyệt vời ấy, thuật lại những gì Đức Kitô phục sinh đã làm cho chúng ta.
 
Từ ngày cô Maria Madalena khóc trước nấm mồ trố́ng - bởi vì cô tưởng người ta đã đánh cắp mất Đức Yêsu của cô - đã vang lên sứ điệp của thiên thần : “Tại sao các người tìm kiếm Đấng sống  giữa các kẻ chết ? Ngài không có ở đây ! Ngài đã sống lại !”. Cũng như các tông đồ trước tiên, rồi đến các Kitô hữu, cho chí chúng ta, chúng ta phải lãnh nhận sứ điệp ấy mà sống, rồi công bố cho hết mọi người : Đức Kitô đang sống hôm nay, như hôm qua và mãi muôn đời ! Đấng bị chết trên thập giá, đã rời bỏ nấm mồ và đang sống. Từ âm u của nấm mồ ấy đã bừng lên một ánh sáng chói lọi, soi chiếu cho mọi người để làm phát sinh một tạo thành mới.
 
Nếu Chúa Yêsu không còn ở trong nấm mồ trống tại Yêrusalem, thì chắc chắn Ngài ở khắp nơi trong thế giới.
 
Chúa Yêsu không bảo các tông đồ của Ngài hãy truyền lại những học thuyết hay những ý tưởng trừu tượng, song làm chứng về những gì thấy tận mắt, nghe tận tai. Việc rao truyền Tin Mừng phải phát đi từ những ai đã sống cái kinh nghiệm đích thân với Chúa Kitô phục sinh.
 
Buồn thay ! Hình như thường thường chúng ta luôn lo lắng dạy dỗ đạo lý hơn là thông truyền sự sống. Muốn (làm cho người ta) lớn lên trong sự sống Thiên Chúa, thì trước hết, phải (làm cho người ta) được đầy quyền năng Chúa Thánh Thần đã. Chúng ta đã nhấn mạnh điều ấy trong những ngày vừa qua.
 
Một người rao truyền Tin Mừng, trước hết, là một chứng nhân đã có một kinh nghiệm bản thân về sự chết và sống lại của Chúa Yêsu Kitô, rồi truyền lại cho người khác không phải một đạo lý cho bằng một con người sống động, con người ấy đang hiến sự sống dồi dào cho họ.
 
Chỉ sau đó, và luôn là sau đó, người ta mới dạy giáo lý và chỉ dẫn về luân lý.
 
Nhiều khi, chúng ta huy động hết sức lực để làm cho người ta tuân giữ các giới răn. Chúng ta không được quên rằng : Luật chỉ được ban sau khi Thiên Chúa đã hiển linh trên núi Sinai. Kết cục là không ai có thể trở nên sứ giả thực thụ của Tin Mừng, nếu người đó chưa trải qua kinh nghiệm về sự sống mới do Chúa Yêsu Kitô ban cho. Khi chúng ta trở thành chứng nhân về những gì Chúa Yêsu đã làm, lúc ấy tất cả sẽ thay đổi. Việc loan báo, việc rao truyền Tin Mừng của chúng ta sẽ mau lẹ được kèm theo bằng những dấu lạ và điềm thiêng mà Chúa đã hứa.
 
Việc loan báo, lời rao giảng không được là một cách nói, cho dù hay ho về Chúa Yêsu, nhưng là cộng tác và để Chúa sử dụng ta như dụng cụ trong tay Ngài, hầu Ngài có thể hành động với tất cả quyền lực của Thần Khí Ngài. Cái đó có nghĩa là chúng ta phải loan báo cho tất cả mọi người tình yêu hay thương xót của Ngài, là chúng ta như những chứng nhân xác tín, phải làm cho người ta biết rằng Chúa Yêsu yêu họ, mỗi người một cách riêng biệt.
 
Có ai đó đã nói mới đây rằng : Chúng ta sống lại những điều đã xảy ra cách đây 2000 năm. Đúng, các ơn sủng của Thần Khí không phải là chuyện cổ xưa. “Thế giới hôm nay - Đức Giáo Chủ Phaolô VI nói - đã chán chạy theo các ông thầy, họ sẵn lòng đi theo các chứng nhân”. Những chứng nhân đã sống cái kinh nghiệm sự sống mới do Chúa Yêsu đem lại, nhờ gặp gỡ đích thân với Đấng đã sống lại.
 
Anh em thân mến,
Nếu chúng ta muốn thành những người rao truyền Tin Mừng đích thật, chúng ta chỉ còn phải lặp lại như các tông đồ : “Phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4.20).
 
Những gì chúng ta đã thấy và đã nghe thúc đẩy chúng ta. Người rao giảng, nếu không phải là một chứng nhân đã gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô phục sinh, sẽ trở thành một tên tuyên truyền những học thuyết trừu tượng. Người ấy phải kinh nghiệm ơn cứu độ trong chính xác thịt mình đã, mới có thể nói chắc chắn với người khác : “Cái gì đã xảy ra cho tôi, cũng có thể xảy ra cho bạn nữa !”
 
Vậy, thật chí lý, nếu cách thức rao giảng mới không thể nào thực hiện mà không có một “týp” người rao giảng mới.
Các môn đồ của Yêsu đã đi rao giảng Tin Mừng (hồi sinh thời của Ngài), ấy thế mà Ngài vẫn nhấn đến việc họ chưa có : “Các ngươi sẽ chịu ấy quyền lực Thánh Thần đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ là chứng nhân của ta... cho đến tận cùng mặt đất” (Cv 1.8). Cả chúng ta cũng cần được đổi mới bởi Thần Khí của Chúa Yêsu.
 
Cái phân biệt rõ sự khác nhau giữa một người rao giảng thường và một người rao giảng mới là biến cố Hiện Xuống. Duy mình Chúa Thánh Thần làm chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Yêsu Kitô phục sinh. Ai đã không có kinh nghiệm bản thân về Chúa Thánh Thần hiện xuống, không thể rao giảng có mãnh lực, vì không có người phàm nào có thể đánh động trái tim (làm người ta đổi đời sống cũ), nếu không phải là Chúa Thánh Thần. Ngài khiến chúng ta công bố rằng : Đức Yêsu là Chúa và Cứu Thế.
 
Người rao giảng mới không thể tự cho là đủ vì mình có sự thông thái, vì đã phục vụ, hay vì đã đi loan báo. Có một cái gì còn sâu xa hơn thế nữa ! Ba nhân vật sau đây xem ra rất mẫu mực, tuy vậy, họ vẫn còn thiếu “cái chi tiết nhỏ” :
 
· Nicôđêmô.
 
Nicôđêmô là một hiền nhân, một bậc thầy trong dân Israen, ông thông thạo Luật và mọi người đến hỏi ý kiến ông về những vấn đề khó khăn nhất. Tuy vậy, mặc dầu thông thái, có các chức tước và danh tiếng, ông vẫn còn thiếu “cái chi tiết nhỏ” nhưng căn bản : tái sinh. Biết trong đầu là một chuyện, mà biết bằng kinh nghiệm là chuyện khác. Cũng vậy, người ta có thể là một nhà thông thái trong những chuyện về Chúa, có chức tước địa vị trong môn học tôn giáo, và ngay cả giật được bằng tiến sĩ thần học tại một Đại Học danh tiếng, cái đó vẫn không đủ. Cái đó không phải là xấu, song cũng có thể xảy đến cho mình cái đã đến cho ông linh mục tổ chức rước kiệu trên kia, ông đã xếp đặt hết mọi việc hoàn chỉnh, nhưng đã quên mất “một chi tiết nhỏ” (nhưng thiết yếu nhất).
 
Ai đã từng được tái sinh sẽ thông truyền sự sống mới ấy, nếu không, tất cả sẽ chỉ dồn lại thành một mớ lý thuyết, hay một mớ đạo lý khô khan, trừu tượng.
 
· Samuen.
 
Bà Anna, mẹ cậu, đã hiến dâng cậu cho Chúa lúc mới vừa cai sữa. Lời thánh vịnh là bản nhạc đầu đời mà cậu được nghe, và các lễ nghi phụng vụ là khung cảnh sinh hoạt trong thời thơ ấu của cậu. Vì thế, chẳng lạ gì người thấy cậu ở trong Đền Thờ ngay từ niên thiếu, phục vụ bên cạnh Tư Tế Hêli. Kinh Thánh cho biết cậu phục vụ Chúa trong Cung thánh ngay từ niên thiếu (1S 3.1).
 
Thế mà, 6 câu sau đó, bản văn lại nói là Samuen chưa biết Chúa. Tức là, mặc dầu cậu đã được mẹ hiến dâng cho Chúa, và dù đã bao ngày giờ phục vụ và tận tụy lo việc Chúa, cậu vẫn chưa biết đích thân Đấng cậu phụng sự.
 
Cũng đáng buồn cho chúng ta ! Có thể chúng ta đã được hiến thánh để phục vụ trong Nhà Chúa mà không biết Chúa. Người ta có thể đã làm việc lâu trong vườn nho Chúa, mà không biết người chủ vườn nho, hay không hề thương mến người con thừa kế của chủ.
 
Chúng ta có thể lo mọi sự của Chúa mà vẫn không thuộc về Chúa của mọi sự.
 
Nhưng từ khi Samuen bắt đầu để tâm nghe không những lời Chúa, mà còn chính Chúa nói với mình, thì cậu mới trở thành vị ngôn sứ.
 
Thế nghĩa là chúng ta có thể chu toàn một sự phục vụ (kể cả phục vụ việc rao truyền lời Chúa) như những người làm công, những chuyên viên của thánh vụ; nhưng chỉ khi ta có một sự gặp gỡ đích thân với Chúa, lúc ấy ta mới trở thành ngôn sứ.
 
· Klêôpha.
 
Đức Yêsu đã thành công làm cho sống dậy các niềm hi vọng giải phóng dân Israen. Với tư cách là con cháu chính thức của Vua Đavít, Ngài nuôi dưỡng niềm trông đợi phục hưng Vương Quốc Isaen. Thế nhưng, tất cả đã tan thành mây khói trong ba ngày. Các Thượng Tế và luật sĩ bất ngờ bắt giữ Ngài, kết án tử hình và xử tử Ngài, để tránh mối họa đang đe dọa các cơ cấu hiện hành. Và lễ Vượt Qua năm ấy đã vấy máu của một Chiên vô tội chảy tràn núi Canvê.
 
Nơi những kẻ đã theo Ngài, tiếng gọi khôi phục quốc gia tắt ngúm đi mau lẹ. Chẳng còn làm gì được nữa ! Kẻ thì trốn lánh, kẻ thì di tản và có nhiều người còn đào ngũ, chối phăng mối liên hệ với người tử tội bị đóng đinh. Lại một lần nữa, giấc mơ giải phóng và công lý cho dân tộc Israen tàn lụi...
 
Ngày đầu tuần, hai môn đồ vượt cửa thành lũy Đavít để ruổi theo con đường khô khan của thất vọng, đang khi mặt trời hấp hối phía tây, để lại cả thế giới trong tang sầu.
 
Họ vừa đi vừa chuyện vãn với nhau - một cách buồn bã và nét mặt tối sầm - về tất cả những phép lạ và các việc chữa lành Ngài đã làm : Ngài làm hoàn hảo mọi sự, không hề gây cho ai tổn thương hay buồn khổ. Họ khâm phục quyền phép lớn lao của Ngài và nhìn nhận có bàn tay Thiên Chúa nơi Ngài... Nhưng tất cả nay đã hết thật rồi và hi vọng của họ đã tiêu tan.
 
Chẳng mấy chốc, trên cùng con đường ấy, một khách bộ hành đến nhập bọn với hai môn đồ. Ông cầm gậy đi đường, chân xủ dép dan và bận một áo chùng trắng nhẹ nhàng. Tiến lại gần và thấy vẻ khắc khoải của họ, người ấy hỏi : “Các ông nói về chuyện gì thế ?”
 
Ngạc nhiên về người lữ khách mù tịt mọi chuyện, họ dừng lại, bộ mặt ảo não, vì vô tình lữ khách đã chạm tới vết thương chưa lành miệng. Họ nói : “Duy chỉ mình ông là không hay biết gì về chuyện đã xảy ra mấy ngày nay sao ? Ông chui rúc ở đâu mà chẳng biết chút gì về những việc động trời đã xảy ra ba hôm nay, mà tất cả Yêrusalem đang còn kháo láo với nhau, và thế giới sẽ còn bình luận không biết đến bao giờ ?”
 
Lữ khách bí mật nhún vai, trả lời với vẻ ngạc nhiên : “Chuyện gì thế ?”. Câu ấy khiến cho Klêôpha nhớ lại mọi chuyện, và ông bắt đầu kể lại hết những gì ông biết về Đức Yêsu : các phép lạ, những việc chữa lành và sứ vụ tiên tri của Ngài. Rồi với giọng rầu rầu, ông thêm : “Chúng tôi đã hi vọng rằng chính Ngài sẽ giải phóng Israen, nhưng... các nhà cầm quyền của chúng tôi đã kết án tử hình, đã đóng đinh Ngài trên thập giá. Đó ! Những chuyện ấy đã xảy ra nay đã là 3 ngày rồi...” Đúng vậy, Klêôpha đã nghe thấy tiếng gào thét của đám dân đòi xử tử Vua dân Do Thái. Ông có mặt đâu đó trong lúc người ta điệu đoàn tử tội lên đồi Canvê, và từ chỗ núp, ông đã chứng kiến hơi thở cuối cùng của Ngài, đã thấy người ta táng liệm và lăn hòn đá lớn lấp cửa nấm mồ. Do đó, ông kể lại các chi tiết ấy một cách rành rọt.
 
Cuối cùng, ông cũng kể lại không mấy xác tín, mà lại có vẻ khó chịu là đàng khác... “Có điều là tảng sáng hôm nay, có mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi hoảng hồn một phen khi hớt ha hớt hải chạy về báo rằng : họ không thấy xác Ngài đâu, nhưng lại thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Ngài đang sống... Ôi chao ơi, lời đàn bà nói ấy mà, biết thế nào mà lường được... Tuy vậy, để xem sao, có mấy người trong nhóm chúng tôi đã đi tới mồ và cũng thấy như thế : tảng đá đã được lăn sang một bên, còn Ngài thì họ không thấy đâu...”
 
Klêôpha đã tường thuật không sai một nét, về tất cả những sự gì liên can đến đời sống và sự chết của Thầy, nhưng đến việc sống lại, thì ông chỉ biết lặp lại những gì các phụ nữ bảo là các thiên thần đã nói. Ông không có kinh nghiệm bản thân về Chúa Yêsu đang sống, cho nên ông kể lại điều những người khác nói hay người khác đã nói...
 
Ai không có kinh nghiệm về Chúa Yêsu phục sinh, sẽ chỉ luôn luôn lặp lại những gì các kẻ khác đã nói hay đã viết về đó, bởi vì họ chẳng có gì riêng để mà tự mình nói ra.
 
Nếu chúng ta nhận xét kỹ, diễn từ của Phêrô ngày lễ Hiện Xuống, nhưng với những điểm khác này :
 
- Klêôpha nói về sự chết và sống lại của Chúa Yêsu với một giọng buồn sầu. Chuyện kể về các biến cố bị bao phủ trong một bầu khí thất vọng. Niềm vui của ông đã bị chôn chặt trong nấm mồ của Đấng bị đóng đinh.
 
- Phêrô rao truyền một chứng tá về những gì ông đã kinh qua, đang khi Klêôpha lặp lại đơn giản bằng trí nhớ những gì các kẻ khác nói rằng : những người khác nữa đã nói...
 
- Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là việc làm chứng của Thánh Thần. Còn trên đường đi Em-mau, Klêôpha chỉ lặp lại chứng tá của mấy phụ nữ.
 
- Phêrô có xác tín về những điều ông nói. Klêôpha lặp lại không mấy xác tín.
 
- Tất cả các điều trên bộc lộ ra một sự khác biệt căn bản : Klêôpha là người tường thuật những gì các người liên hệ với ông đã kể lại về việc sống lại, đang khi Phêrô làm chứng về những điều ông đã sống, đã kinh nghiệm.
 
Phần ta, cũng nên tự hỏi có phải chúng ta chỉ là những phóng viên tường thuật, hay chúng ta là những người rao truyền Tin Mừng thực thụ ? Một phóng viên loan tin tức cho người ta biết nhưng không hoán cải được ai, đang khi một chứng nhân có sức mạnh của xác tín thuyết phục được người khác đổi đời sống.
 
Klêôpha công bố nhiều tin tức, nhưng không phải công bố Tin Mừng. Biết các chân lý và các sự việc mình loan báo một cách đầy đủ kỹ thuật, như thế không đủ. Phải còn đồng thời là một nhân chứng, rao truyền Tin Mừng với niềm vui lây lan, một niềm trông cậy vững vàng và một sự tin chắc của bản thân.
 
Chính vì thế mà kết quả hiển nhiên : diễn từ của Phêrô - nhân chứng, được xức dầu bằng quyền năng của Thánh Thần - khiến 3.000 người trở lại. Đang khi với 3.000 diễn từ theo kiểu Klêôpha - phóng viên -, người ta chẳng làm ai ăn năn trở lại cả.
 
Nói tóm, thật không đủ, nếu chỉ là những người thông thái như Nicôđêmô, là thợ vườn nho như Samuen, hay là người giảng thuyết như Klêôpha. Phải trải qua một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Yêsu phục sinh. Đó chính là “cái chi tiết nhỏ” song căn bản, khiến chúng ta trở thành những người rao truyền mới của Tin Mừng Chúa.
 
Cách thức rao truyền mới chỉ có thể hoàn thành mỹ mãn bởi những người rao truyền mới, vốn đã được canh tân bởi Thần Khí Thiên Chúa và được xức dầu bởi quyền năng của Ngài, và họ làm chứng rằng Chúa Yêsu đang sống.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn