1
11:48 +07 Thứ ba, 16/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 69


Hôm nayHôm nay : 4042

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 170018

Tổng cộngTổng cộng : 27724302

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHẦU THÁNH THỂ

Các đề tài học hỏi về Năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ

Thứ bảy - 09/05/2015 09:33-Đã xem: 1689
Tân-phúc-âm-hoá giáo xứ là đổi mới giáo xứ. Giáo xứ không ưu tiên là một cơ sở, một cơ chế, một địa hạt có ranh giới, nhưng ưu tiên là một cộng đồng các tín hữu, (Giáo luật 515,1), là một gia đình của Chúa, một huynh đoàn chỉ có một linh hồn (Lumen gentium 28,1964), là căn nhà của gia đình đầy tình huynh đệ sẵn sàng đón tiếp, (Gioan Phaolô II Catechesi tradendoe, 1979).
Các đề tài học hỏi về Năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ

Các đề tài học hỏi về Năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ

 
 
ĐỀ TÀI 1 : TÂN PHÚC-ÂM-HÓA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ
 
Trong năm nay chúng ta sống chủ đề mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Tân Phúc-Âm-hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu Tân Phúc-Âm-Hóa là gi? và Tân Phúc-Âm-Hóa cách nào?
 
1. Tân Phúc-Âm-hóa là gì? (1) Tân Phúc-Âm-Hóa: Theo thư chung của HĐGMVN, “Tân Phúc-Âm-hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. (Thư Chung 2013 số 4). (2) Tân Phúc-Âm-Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ: Tân Phúc-Âm-Hóa Cộng đoàn giáo xứ nghĩa là làm cho giáo xứ được: thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và  chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân (Thư Chung 2014 số 1). Làm sao để cộng đoàn giáo xứ có thể gặp gỡ cá vị với Đức Kitô và để Chúa Kitô đổi mới khuôn mặt của cộng đoàn giáo xứ.
 
2. Tân Phúc-Âm-hóa cách nào? Để thực hiện Tân Phúc-Âm-Hóa Giáo xứ , Thư Chung 2014 đã đề nghị chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)
[1]:
 

2.1. Giáo xứ phải là cộng đoàn siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh[2](1) Cần tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ cách ý thức và sống động hơn: Muốn vậy, mỗi người giáo dân thể hiện bằng việc đi tham dự thánh lễ đúng giờ, đừng lấy bớt của Chúa. Đi lễ vào nhà thờ không đứng bên ngoài. Đi lễ với y phục đứng đắn, không mang theo điện thoại, nếu có mang theo thì phải tắt điện thoại trước khi bước vào nhà thờ. Có lòng ước ao rước Chúa. Dọn mình xứng đáng để lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Tham dự thánh lễ sống động là cùng thưa kinh, cùng hát cộng đoàn, tích cực tham gia trong phụng vụ như đọc Lời Chúa, lời nguyện, dâng lễ vật... (2) Đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật không phải để chu toàn luật buộc, mà là mong muốn gặp gỡ Chúa thật sự, xin Chúa biến đổi cuộc sống thật sự.
 

2.2. Giáo xứ là cộng đoàn biêt lắng nghe Giáo Huấn của các Tông Đồ[3]Chân thành lắng nghe Lời Chúa, đón nhận và ghi khắc bài giảng của vị chủ tế, rút ra bài học đem thực hành. Lắng nghe với niềm tin và lòng khiêm tốn để Lời Chúa thấm nhập và đổi mới tâm hồn. Tích cực học hỏi giáo lý, đào sâu giáo lý đức tin để sống và loan báo niềm tin của mình cách tích cực và phong phú như Thư Chung có nói đến: “người tín hữu ngày nay cần có căn bản về giáo lý, để vững vàng và sâu sắc trong đức tin, hơn thế nữa, còn để làm chứng cho đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.” (Thư Chung 2014 số 3). Tham gia và cổ vũ cho công tác dạy giáo lý, nâng đỡ các giáo lý viên. Lưu tâm nhắc nhở con em học giáo lý.
 

2.3. Cộng đoàn Giáo xứ luôn hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ[4]Trên nền tảng của Bí Tích Rửa Tội mỗi người đều là con Thiên Chúa, bình đẳng với nhau về phẩm giá, nên cần tôn trọng lẫn nhau. Tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Cụ thể tránh não trạng địa phương, người làng. Tránh óc bè phái, tạo thành nhóm chống đối gây chia rẽ. Có tinh thần đón nhận nhau và làm việc chung, cộng tác trong tình thân ái, tương trợ trong các công tác của giáo xứ. Chia sẻ công việc cho nhau, giúp nhau hoàn thành công việc mặc dầu có sự phân công. Các cộng đoàn tu sĩ hiện diện trong giáo xứ sống hiệp thông bằng tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, phục vụ trong tình yêu thương và chia sẻ công việc mục vụ với chủ chăn.
 
2.4. Cộng đoàn Giáo xứ không ngừng cầu nguyện: Tân Phúc-Âm-Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ đòi hỏi cộng đoàn giáo xứ canh tân về việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn, làm cho ta nối kết với Thiên Chúa. Giáo xứ phải là cộng đoàn cầu nguyện, cầu nguyên riêng và cầu nguyện chung. Trong những dịp lễ có tính chất truyền thống, cần thể hiện đời sống cầu nguyện mang tính cộng đồng bởi đức tin được lớn lên nhờ hiệp thông với lời cầu nguyện của cộng đoàn. Những dịp như vào tháng 5 kính Đức Mẹ mọi người cùng tham dự lần Hạt Mân Côi Kính Đức Mẹ có thể kết hợp dâng hoa. Dịp tháng sáu kính Trái Tim Chúa Giêsu, có thể đọc kinh liên gia trong gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Dịp tháng mười một kính nhớ các đẳng linh hồn có thể đọc kinh tại nhà mồ. Hoặc lần hạt chung cầu nguyện cho các linh hồn.
 
Kết luận: Trở lại với hình ảnh sống động của cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai được diễn tả trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47). Cộng đoàn giáo xứ nếu để Tin Mừng thấm nhập vào trong đời sống của cộng đoàn; đổi mới nội tâm, biết năng đón nhận Mình Thánh Chúa, sống hiệp nhất và yêu thương, cộng đoàn giáo xứ sẽ là lời chứng mạnh mẽ loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho anh chị em và đưa nhiều ngừơi về với Chúa.
 
Câu hỏi gợi ý:
(1) Loan Báo Tin Mừng là việc quan trọng và cần thiết cho ngày hôm nay. Bạn có thể làm gì để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em?
(2) Khi đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, bạn đã dâng Thánh Lễ với tâm tình nào?
(3) Bạn có thấy cầu nguyện là cần thiết không? Bạn có quyêt tâm đọc, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày không?

 

[1] X. Thư Chung 2014 số 1.
[2] X. Thư Chung 2014 số 2.
[3] X. Thư Chung 2014 số 3.
[4] Thư Chung 2014 số 4.

 
ĐỀ TÀI 2 :  PHỤNG VỤ
LÀ NGUỒN LỰC THÁNH HÓA BẢN THÂN
VÀ THÁNH HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Dẫn nhập.
Trong đời sống của các Kitô hữu trước đây, khi nói một ai đó là “đạo dòng, đạo gốc” là người nói muốn ám chỉ đến đời sống đạo đức căn bản của người đó, bởi vì người này không chỉ có đạo “một mình”, nhưng còn có cả “dòng họ”, có “gốc” đạo hẳn hoi.
 
Nhưng ngày nay, khi nói đến hai chữ: “đạo dòng”, “đạo gốc”, người ta lại muốn ám chỉ đến những người khi đến nhà thờ tham dự các lễ nghi phụng vụ chỉ có đi “lòng vòng (dòng)”, hay đứng ở các “gốc” cây xung quanh nhà thờ, chứ không hề vào trong Nhà thờ để hiệp thông cử hành Phụng vụ.
 
Thậm chí, hôm nay, người ta còn nói đến từ “đi lễ ôm” khi có một số các bạn trẻ khi đi dâng lễ ngày Chúa Nhật lại ngồi với nhau trên xe Honđa ở ngay lề đường, hút thuốc, nói chuyện… chỉ chờ thánh lễ xong là chạy ngay.
 
Chắc chắn đối với những người như thế, họ đến nhà thờ không phải để tham dự Thánh lễ, nhưng vì không đi thì “sợ tội”, hay chỉ vì sự ép buộc của cha mẹ, gia đình, dư luận xã hội. Do đó, khi thoát khỏi môi trường của Giáo xứ, gia đình thì tất cả những thực hành tôn giáo cũng sẽ dần bị buông trôi. Và một hậu quả tất yếu là đời sống đức tin cũng sẽ bị mai một.
 
Trong khi đó, Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh đã khẳng định: “Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa
[1].
 
Như thế, Phụng Vụ chính là nguồn lực để thánh hóa bản thân và thánh hóa cả cộng đoàn (giáo xứ).
 
1. Khái niệm.
Trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh, công đồng Vatican II đã định nghĩa về phụng vụ như sau: “Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người
[2].
 
Vì là hành vi thực thi chức tư tế của “Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”, nên Phụng Vụ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người tín hữu, như lời khẳng định của Công đồng: “Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp”.
 
2. Phụng vụ trong đời sống cá nhân.
Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, và đồng thời cũng được mời gọi nên thánh: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48). Mà muốn nên “trọn lành”, người tín hữu cần kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Is 6, 6). Và để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, có thể có nhiều cách, nhưng chính Phụng vụ là phương thế tốt nhất giúp người tín hữu kết hợp với Thiên Chúa, bởi vì trong Phụng Vụ, người Kitô hữu được nghe chính lời của Thiên Chúa nói với dân Người. Và nhất là qua việc cử hành Thánh Thể, người tín hữu còn được lãnh nhận chính Thịt và Máu của Chúa Giêsu vào tâm hồn mình. Lãnh nhận Thánh Thể, chính là lãnh nhận chính sự sống của Đấng Thánh vào tâm hồn mình, và nhờ đó mà được thánh hóa (x. Ga 6, 50. 53. 56-57). Hiến chế về Phụng Vụ Thánh cũng khằng định: “Chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh
[3].
 
Ý thức được tầm quan trọng đó của Phụng vụ, nên Thánh Công Đồng đã nhắc nhở: “Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực
[4].
 
Tuy nhiên, như trên đã nói, Phụng vụ không chỉ là một cử hành cá nhân nhưng là hoạt động của “Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”. Do đó, Phụng Vụ không chỉ giúp cho bản thân người tín hữu được thánh hóa, nhưng còn là phương thế và là nguồn lực để thánh hóa cả cộng đoàn.
 
3. Phụng vụ trong đời sống cộng đoàn.
Ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội, cộng đoàn các tín hữu luôn được nhận biết như là một cộng đoàn cử hành phụng vụ. Chính việc “Bẻ bánh” đã qui tụ các tín hữu ban đầu thành một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin, sách Tông đồ Công vụ ghi lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng(Cv 2, 42).
 
Chính nhờ việc thường xuyên cử hành việc “bẻ bánh”, các tín hữu đầu tiên đã trở nên một cộng đoàn hiệp thông không chỉ trong lời tuyên xưng mà còn là một cộng đoàn của tình yêu. Sách Tông đồ Công vụ viết tiếp: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng mình, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 5, 32.  34-35).
 
Đồng thời, nhờ việc hiệp thông trong lời cầu nguyện và cuộc sống như thế, cộng đoàn các tín hữu sơ khai này đã trở nên một cộng đoàn truyền giáo: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).
 
Như thế, phụng vụ chính là nguồn lực giúp củng cố đời sống đức tin các tín hữu thuở ban đầu. Đồng thời, với sự hiệp nhất và chuyên chăm trong việc cử hành phụng vụ đã giúp các tín hữu trở nên một cộng đoàn chứng nhân của tình yêu, và chính nhờ đó, Giáo Hội ngày càng phát triển.
 
Áp dụng.
- Tham dự phụng vụ cách tích cực, sinh động.
- Chuẩn bị trang phục chỉnh tề khi tham dự phụng vụ.
- Vào trong nhà thờ khi tham dự phụng vụ.
 
Câu hỏi thảo luận.
(1) Theo bạn tại sao ngày hôm nay nhiều người khi đi tham dự Thánh lễ lại muốn đứng ngoài nhà thờ?
(2) Phụng vụ đóng vai trò nào trong việc xây dựng cộng đoàn (giáo xứ)?
 

 

[1] PV 10
[2] PV 7
[3] PV 10
[4] PV 14
 
 

 

Đề tài 3. Giáo xứ: 
Cộng đoàn thừa sai với chứng từ của đời sống thánh hiến

“Hài nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan
và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”
 (Lc 2,40)

 
Giáo xứ là “giếng nước đầu làng” nơi mọi người đến để được giải khát, nơi quy tụ và truyền thông, tạo nên cuộc sống của cộng đồng sống yêu thương hiệp thông, từ đó tạo nên chứng từ để truyền giáo. Cũng như bí tích của Tình Yêu Thần linh biểu lộ qua hai bậc sống hôn nhân và độc thân trinh khiết, đời sống hiệp thông của cộng đoàn giáo xứ cũng được hợp thành từ chứng từ sống động của các gia đình, hội thánh thu nhỏ, và của các cộng đoàn “tu trì” tức sống đời thánh hiến với các lời khuyên Phúc âm.
1/ Đời sống thánh hiến
– Bậc tu trì hay đời sống thánh hiến “được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, vẫn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh một cách vững bền”.[1] Thực ra, mọi Kitô hữu đã được Rửa tội đều phải sống các lời khuyên của Phúc âm vốn có nhiều, nhưng đối với các tu sĩ hay những ai tự nguyện đảm nhận ơn gọi sống đời thánh hiến, họ được kêu gọi sống “sự hoàn hảo của đức ái” bao hàm nghĩa vụ tuân giữ đức khiết tịnh trong sự độc thân vì Nước Trời, đức khó nghèo và đức vâng phục. Tuyên giữ các lời khuyên này, trong một bậc sống vững bền được Hội thánh công nhận, là đặc tính của “đời sống thánh hiến” cho Thiên Chúa. Đời tu hay đời sống thánh hiến là một cách thế để sống một cách “thân mật hơn” sự thánh hiến đã bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.[2] Người tu sĩ muốn mình bước theo Đức Kitô sát gần hơn, tự hiến cho Thiên Chúa đáng mến trên hết mọi sự, và theo đuổi sự trọn hảo của đức mến để phục vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội thánh vinh quang của thế giới tương lai.[3]
– Đã có nhiều hình thức sống đời thánh hiến khác nhau, đan tu hoặc cộng đoàn. Đời ẩn tu, để ngợi khen Thiên Chúa và mưu cầu phần rỗi cho thế giới bằng việc sống cách biệt với thế giới, trong thinh lặng đơn độc, chuyên cần cầu nguyện và sám hối. Đời tu dòng, với lời tuyên khấn công khai và sống thành cộng đoàn huynh đệ, làm chứng tá cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, và sự hiện diện rất cần thiết cho sự khởi đầu của công cuộc truyền giáo. Các hội viên Tu hội đời sống giữa thế giới, cố gắng vươn tới sự trọn hảo của đức mến và góp phần vào việc thánh hóa trần gian cách đặc biệt từ bên trong, và sự hiện diện của họ tác động như men trong bột.[4]
2/ Thánh hiến và sứ vụ
– “Những ai tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm có sứ vụ đầu tiên là sống sự thánh hiến của mình. Vì họ ‘dấn thân phục vụ Hội thánh do chính sự thánh hiến của mình, cho nên họ buộc phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của hội dòng’”.[5]
Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Hội thánh gia tăng không bởi chiêu mộ nhưng bởi sự thu hút”.[6] Ở đâu có niềm vui thì có sức thu hút. Nhiều người cảm thấy bị thu hút vì nhận ra những người Kitô hữu thường sống vui và hạnh phúc, cách đặc biệt nơi những người sống đời thánh hiến. Bởi vì người ta nhận ra họ “sống hiện tại cách say mê”, như là “những chuyên viên hiệp thông”. Trong một xã hội xung đột, một xã hội khó chung sống giữa các nền văn hóa với nhau, một xã hội chèn ép những kẻ cô thế, xã hội bất bình đẳng, các môn đệ ấy của Đức Kitô được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được. Kitô hữu sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên là những con người của sự hiệp thông, can đảm hiện diện tại những nơi có đố kị và tranh chấp, trở nên dấu chỉ khả tín của sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đổ tràn xuống các tâm hồn niềm say mê cho hết mọi người được nên hiệp nhất (x. Ga 17,21),[7] nhưng tiên vàn sự hiệp thông cần được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong dòng: trong nhà của họ “không được phép cư ngụ những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kị”.[8]
– Trong cộng đoàn hội thánh địa phương, cũng như giữa lòng trần thế, các tu sĩ như những lính canh tỉnh thức (x. Is 21,11-12), tiếp tục bước đi với niềm tín thác vào Chúa và “làm thức tỉnh thế giới”, bởi vì đặc tính của của đời sống thánh hiến là tính tiên tri (prophetic). Biết Thiên Chúa và biết con người đồng loại, vị tiên tri có khả năng phân định và tố giác tội ác và những bất công, bởi vì họ là con người tự do, chỉ phải trả lẽ với Thiên Chúa chứ không trả lời cho quyền bính thế gian nào hết; họ chỉ quan tâm đến lợi ích của Thiên Chúa chứ không gì khác. Vị tiên tri thường đứng về phía người nghèo, người cô thế cô thân, vì biết chính Thiên Chúa đứng về phía họ.
– Hơn ai hết, trước lời cuối cùng của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ xưa cũng như hôm nay “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”, những người sống đời thánh hiến được mời gọi đi ra khỏi chính mình để đến những ‘vùng ngoại vi’ của cuộc đời. Cả một nhân loại đang chờ đợi họ: những người đang tuyệt vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước đường đời tương lai, những người già yếu bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trong lòng rỗng không, những đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống, khao khát sống đời tâm linh…
3/ Giáo dân sống Năm đời sống thánh hiến như thế nào?
– Các giáo dân trong họ đạo và giáo phận được khuyến khích chia sẻ lý tưởng, linh đạo, sứ vụ với các tu sĩ, những người sống đời thánh hiến. Chung quanh mỗi dòng tu, chung quanh các Tu đoàn Tông đồ và những Tu hội đời, có một gia đình rộng lớn hơn, “gia đình đặc sủng” bao gồm nhiều dòng, hay tu hội, hiệp hội, nhận biết nhau trong cùng một đặc sủng, và đặc biệt là, các giáo dân cảm thấy mình được kêu gọi chia sẻ đặc sủng ấy trong điều kiện sống giáo dân của mình.
– Đức Thánh Cha mời gọi mọi cộng đồng Kitô hữu sống Năm đời sống thánh hiến, trước hết “để tạ ơn Thiên Chúa và nhớ lại những hồng ân mà chúng ta đã và còn đang nhận lãnh nhờ sự thánh thiện của những vị sáng lập và sự trung thành với đặc sủng của biết bao người tận hiến. Tôi mời gọi hết mọi người hãy kề sát những người tận hiến, để chia vui với họ, để san sẻ những khó khăn của họ, để hợp tác với họ, trong tầm mức có thể được, trong việc thực thi tác vụ và công việc của họ mà cũng là của toàn thể Hội thánh. Hãy giúp họ cảm nhận được lòng ưu ái và thiện cảm của toàn thể dân Chúa”.[9]
Câu hỏi thảo luận
1/ Trong giáo xứ của anh chị em, có những thành viên tu hội đời, hay cộng đoàn đời thánh hiến nào? Đâu là đặc sủng, sứ vụ đặc thù của họ?
2/ Cộng đoàn giáo xứ và các gia đình có chia sẻ gì về đặc sủng và về sứ vụ với các dòng tu, tu hội này hay không?
3/ Sống mầu nhiệm hiệp thông Hội thánh giữa các thành phần linh mục, tu sĩ, giáo dân ngày nay có gặp những trở ngại nào cho công cuộc loan báo Tin mừng? Và đâu là những ích lợi?
––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Lumen Gentium, 44.
[2] X. Perfectae Caritatis, 5.
[3] X. Bộ Giáo Luật, đ. 537.
[4] X. GLHTCG, 915-930.
[5] GLHTCG, 931. x. Bộ Giáo Luật, đ. 783; x. Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 69.
[6] Evangelii Gaudium, 14.
[7] ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả những người tận hiến nhân dịp Năm đời sống thánh hiến, I. 2.
[8] Ibid., II.3.
[9] Ibid., III.2

 

Đề tài 4. Giáo xứ: 
Cộng đoàn Hội Thánh hiệp thông trong thờ phượng

“Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh
và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)

 
Tân Phúc-âm-hóa là làm mới lại nhiệt huyết trong tương quan cá vị ngày càng sâu với Chúa Kitô, vốn là Đấng “hôm qua, hôm nay, và mãi mãi” vẫn là một, qua những sáng kiến được diễn tả cách mới mẻ gần với văn hóa của con người thời đại, trước hết là trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Cộng đoàn giáo xứ tiếp nối cộng đoàn Hội Thánh sơ khai biết “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Canh tân trước hết là trở về nguồn để nhận ra những gì cơ bản nhất.
1/ Thánh lễ vượt trên thời gian và luôn là hiện tại
Canh tân phụng vụ là trở về nguồn đồng thời nhận ra rằng trong Phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Còn “Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà hủy diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Đức Kitô đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống”[1]. Cử hành Phụng vụ là “nhắc nhớ lại” (anamnesis) các công trình kì diệu của Thiên Chúa đó nhờ Đức Kitô. Cộng đoàn Hội Thánh ngày nay siêng năng tham dự thánh lễ vì muốn sống mầu nhiệm thánh thiêng luôn ở thì hiện tại này để được dự phần vào ơn cứu độ qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô.
Bởi thế, Mầu nhiệm Vựợt Qua trong thánh lễ được cử hành chứ không phải được tái diễn. Thánh Thần, được tuôn ban xuống cho qua lời khẩn cầu (epiclesis) của tư tế, thánh hóa các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chính các tín hữu cũng trở thành hy lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Cộng đoàn Hội Thánh cử hành, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa, được tham dự trước vào sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh vì thế luôn được sống trong tâm tình thờ phượng, cách thức yêu thương cao nhất.
2/ Thánh Thể: Hy tế Tạ ơn – chóp đỉnh của hành động thờ phượng
– Thờ phượng là hành động cốt yếu của một tôn giáo, và tín ngưỡng. Thực hành đức thờ phượng cũng là sống đức công bằng đối với Thiên Chúa: chúng ta trả lại cho Thiên Chúa điều mà, vì là các thụ tạo, chúng ta mắc nợ Ngài. “Ngươi phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10). Thờ phượng chủ yếu được diễn tả qua hành vi thờ lạy, cầu nguyện, dâng hy lễ … Mọi hoạt động của Hội Thánh, mà chóp đỉnh là đời sống phụng vụ xoay quanh Hy tế Thánh Thể và các bí tích, đều là để thờ phượng Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
– Cộng đoàn giáo xứ và các cộng đoàn nhỏ là cộng đoàn thờ phượng, thể hiện qua việc thờ lạy, cầu nguyện và hy lễ. Thờ lạy tức là nhận biết Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng và Cứu độ chúng ta, là Chúa và Chúa Tể mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối quy phục Ngài vì nhận biết chúng ta là thụ tạo hư vô, không thể hiện hữu nếu không bởi Thiên Chúa. Vì thế, thờ lạy là ca tụng, ngợi khen như Đức Maria: “linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (kinh Magnificat), là chúc tụng Chúa, tuyên xưng trong khiêm hạ với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh (Lc 1,46-49).
– Cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn Hội Thánh sơ khai “siêng năng cầu nguyện”. Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là cách diễn tả việc ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Phải siêng năng cầu nguyện vì Chúa Giêsu dạy “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
– Cộng đoàn Hội Thánh thờ phượng cách chính đáng nhất qua việc dâng lên Thiên Chúa những hy lễ như là dấu chỉ của thờ lạy và tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông. Hy lễ bên ngoài để trở nên là hy lễ đích thật phải diễn tả hy lễ tinh thần: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát …” (Tv 51,9). Chúa muốn lòng nhân tức là tình yêu, hơn là lễ tế vật chất (Mt 9,13; 12,7). Hy lễ phải dâng có sự thông dự nội tâm và tình yêu thương phải lan tới người lân cận. Chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta (x. Dt 9,13-14). Kết hợp mình với hy lễ của Người, các thành phần của Thân Mình Đức Kitô có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa mà thờ lạy.
3/ Cộng đoàn giáo xứ thờ phượng Chúa trong cuộc sống
– Thánh lễ được tiếp nối vào cuộc sống của Kitô hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, tập chú đặc biệt vào ba cột trụ: Thờ lạy (chầu Thánh Thể), Lời Chúa (lắng nghe và chia sẻ), và sứ vụ (truyền giáo).
– Vì Đức Kitô hiện diện thật sự trong bí tích bàn thờ, nên chúng ta phải tôn vinh Người bằng một phụng tự tôn thờ. “Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng bày tỏ lòng biết ơn, một dấu chỉ tình yêu và một bổn phận thờ lạy đối với Chúa Kitô, Chúa chúng ta”[2]. Vì thế, về mặt thực hành, một khoảng thinh lặng đầy tâm tình thờ phượng như thế sau hiệp lễ, như tình hình thực tế hiện nay trong Giáo hội sống giữa một thời đại ồn ã hay vội vã, là cần thiết. Môn đệ thân tín còn được mời gọi dành một thời gian lâu hơn và thường xuyên, để ở với Chúa Thánh Thể bên nhà chầu.
– Với sự tỉnh thức luôn đó trong tâm thái an tịnh như trong phụng vụ, chúng ta được mời gọi kết hợp thường xuyên với việc tập chú lắng nghe Lời Chúa qua các sự kiện hay biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Lời Chúa được chiêm nghiệm ấy cần được đem chia sẻ với anh chị em trong cộng đoàn nhỏ của giáo xứ, khu xóm, và gia đình có sức nâng đỡ và nuôi sống đời tâm linh của cộng đoàn cũng như từng thành viên. Các nhóm Kitô hữu nhỏ cầu nguyện và chia sẻ Thánh Kinh chính là sáng kiến thời đại được Chúa Thánh Thần khơi dậy và thúc đẩy.
– Từ đó, lệnh truyền của Chúa “anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy” mới được thi hành, thế nhưng lệnh truyền ấy được thực thi trước hết là qua chứng từ hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh địa phương trong khi phục vụ, trong các sứ vụ bác ái xã hội và truyền giáo.
Câu hỏi thảo luận
1/ Anh chị có cảm thấy sốt sắng hay nhàm chán khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ? Tại sao?
2/ Anh chị có cảm thấy những việc làm, những hy sinh của mình trong gia đình, trong khu xóm, giữa những bạn hữu mình, trong nghề nghiệp, … liên hệ gì đến hy lễ của mình, hòa hợp với hy lễ Đức Kitô trong Thánh lễ không?
3/ Tại giáo xứ của anh chị, các Kitô hữu giáo dân có tham dự giờ chầu thường xuyên, giờ chầu lượt đông đảo và sốt sắng không?
 

Đề tài 5. Giáo xứ:
Cộng đoàn Hội thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng LỜI

“Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” (Cv 2,42)
 
Hội Thánh (Ecclesia) là một sự tập hợp những người được Lời Chúa triệu tập, hợp thành Dân Thiên Chúa và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể Chúa Kitô; chính họ cũng trở thành Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô[1]. Giáo xứ, cách cụ thể, là cộng đoàn Hội thánh hiệp thông trong thờ phượng, nơi mọi tín hữu được tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể, để nghe ‘những người lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa’[2] (tức là các giám mục, những người kế vị “các Tông đồ” với sự trợ giúp của các linh mục hợp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô) giảng dạy Lời Chúa, giáo lý cứu độ của Đức Kitô.[3]
1/ Là cộng đoàn Hội thánh tông truyền
– Toàn thể Hội thánh có đặc tính tông truyền vì, nhờ các vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Tông đồ, Hội thánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc của mình trong sự hiệp thông đức tin và sự sống. “Sứ vụ thần linh mà Đức Kitô ủy thác cho các Tông đồ, sẽ tồn tại cho đến tận thế, bởi vì Tin Mừng, được truyền lại bởi các ngài, phải luôn luôn là nguyên lý của toàn bộ sự sống đối với Hội thánh. Chính vì vậy các Tông đồ … đã cẩn thận thiết đặt những người kế nhiệm […] Để sứ vụ đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ đã trao cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, như trao một di chúc, nhiệm vụ phải hoàn thành và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khuyên họ lưu ý đến hết đoàn chiên mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội thánh của Thiên Chúa. Các ngài đã thiết đặt những người như vậy và quy định rằng sau đó, khi những người này qua đời, thì những nam nhân khác đã được thử thách sẽ lãnh nhận thừa tác vụ của họ”[4]. “Cũng như nhiệm vụ được ủy thác cho một mình ông Phêrô, người đứng đầu các Tông đồ, phải được lưu truyền cho các vị kế nhiệm ông, là một nhiệm vụ trường tồn, thì cũng vậy, nhiệm vụ của các Tông đồ là phải chăn dắt Hội thánh, và được thực thi liên tục bởi việc truyền chức thánh cho các giám mục, nhiệm vụ đó cũng trường tồn” (ibid.). Vì vậy, Hội thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã thiết đặt các giám mục kế nhiệm các Tôngđồ làm các mục tử của Hội thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô” (ibid.).
– Hội thánh còn có đặc tính tông truyền vì “được sai đi” khắp thế gian, đến với muôn dân, ngỏ lời với mọi người, bao trùm mọi thời đại (đặc tính công giáo). Hội thánh tự bản chất có đặc tính truyền giáo (Ad gentes, 2). Tất cả các thành phần của Hội thánh, bằng những cách khác nhau, đều tham dự vào tính chất “được sai đi” này. Ơn gọi Kitô hữu, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm ‘việc tông đồ’, tức là mọi hoạt động của Nhiệm Thể vốn làm cho Nước Chúa ở mọi nơi trên trần thế được rộng mở.[5]
– Như là thuộc Hội thánh địa phương, giáo xứ cũng mang tính tông truyền. Chúa Kitô đã hứa với các Tông đồ rằng Người sẽ ở lại với các ngài cho đến tận thế. Mọi việc thuộc sứ vụ truyền giáo cho lương dân hay việc tông đồ có sinh hoa kết quả hay không đều tùy thuộc vào sự kết hợp với Đức Kitô. Đức ái, được múc nguồn từ bí tích Thánh Thể, luôn là linh hồn của mọi sứ vụ tông đồ và truyền giáo.
2/ Tập trung vào Lời Chúa
– Đời sống của các thành viên và cộng đoàn của giáo xứ cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, vốn không thể tách biệt. Khi cầu nguyện cũng như khi loan báo Tin mừng, Hội thánh luôn luôn dựa trên Lời. Phải lắng nghe, suy niệm, cử hành, sống và làm chứng cho Lời ấy. Vì thế, Kitô hữu cần không ngừng được huấn luyện lắng nghe Lời Chúa. Hội thánh không loan báo Tin mừng nếu chính mình không được nghe Tin mừng. Đức giáo hoàng BênêđictôXVI nói: “Lời Chúa thiết yếu phải không ngừng được đặt vào tâm điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh”[6]. Lời Chúa trước hết trong Thánh Thể, một khi được lắng nghe và cử hành, sẽ nuôi dưỡng và củng cố tâm hồn các tín hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin mừng trong đời sống hằng ngày. Lời sống động và hiệu quả chuẩn bị cho bí tích, Lời sinh hiệu quả tối đa trong bí tích.[7]
– Bởi thế, trong các giáo xứ, việc học hỏi Thánh Kinh phải là cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu. Lời mạc khải nhất thiết phải là căn bản cho việc dạy giáo lý và giúp các nỗ lực truyền bá đức tin trở nên phong phú (x. Dei Verbum 21-22). Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi: công cuộc loan báo Tin mừng đòi hỏi một sự thấm nhập nên thân mật với Lời Chúa; việc ấy kêu gọi các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Thánh Kinh, đồng thời khuyến khích mỗi người và cộng đoàn đọc Thánh Kinh với tâm tình cầu nguyện.[8]
– Trên hết, cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong những cuộc tụ họp Thánh Thể, vì đó là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Dân Người. “Bài giảng trong Thánh Lễ có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó. Nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích”[9]. Đức thánh cha gợi ý: “Một bài giảng tốt phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh.” Hình ảnh, tâm tình, ý tưởng đó trước hết xuất phát từ trong chính Lời Chúa trong các bài đọcThánh Kinh của phụng vụ.[10] Lời khuyên từ sách Huấn ca: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32,8).
Câu hỏi thảo luận
1/ Giáo xứ liên kết với giáo phận như thế nào để giữ được đặc tính tông truyền?
2/ Các cộng đoàn nhỏ trong giáo xứ của anh chị có chia sẻ, học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa hay không? Và làm như thế nào?
3/ Để có một bài giảng tốt hay chuẩn mực và hữu ích cần những điều kiện nào?
–––––––––––––––––
[1]  x. GLHTCG 777.
[2] Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh Tông Đồ I: Sách Lễ Rôma.
[3] x. ibid., 2179.
[4] CĐ Vatican II, Lumen gentium, 20.
[5] CĐ Vatican II, Apostolicam actuositatem, 2.
[6] Verbum Domini, 1.
[7] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium, 174.
[8] Ibid., 175.
[9] Ibid., 137.
[10] Ibid., 157.
 

Đề tài 6. Giáo xứ:
Cộng đoàn Hội thánh
 hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót

 
“Họ luôn luôn hiệp thông với nhau” (Cv 2,42)
Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu,
xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

 
1/ Gặp gỡ “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4)
– “Hội Thánh sống thật khi tuyên xưng lòng thương xót, thuộc tính đáng yêu quý nhất của Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, khi Hội Thánh dẫn con người đến nguồn của lòng thương xót của Ngài, Hội Thánh vừa là người nhận vừa là người trao… Vì tội lỗi đang hoành hành trên thế gian nên Thiên Chúa đã ban Người Con Một, Thiên Chúa là Tình yêu không thể mạc khải gì khác ngoài lòng thương xót…” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Dives in misericordia). Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh – Chết – Phục sinh, “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), chính là hiện thân của Lòng Thương Xót vô cùng.
– “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 17-03-2013). Dung mạo hay thương xót của Thiên Chúa trong Năm thánh về Lòng Thương Xót sắp tới, đặc biệt được Phúc âm Luca, “nhà văn mô tả nét dịu hiền của Chúa Kitô” (scriba mansuetudini Christi), mô tả trong các dụ ngôn đồng tiền đánh mất, con chiên đi lạc, dụ ngôn người Cha đầy lòng thương xót.
– Việc đón nhận lòng thương xót của Chúa đòi hỏi chúng ta phải thú nhận tội lỗi của mình: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Và đồng thời đòi hỏi sự tín thác, vì “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). “Cần phải trở về tòa cáo giải, nơi cử hành bí tích Hòa giải, nơi chúng ta “thường trú”, để tín hữu thấy được lòng thương xót, lời khuyên nhủ và an ủi, cảm nhận được Tình yêu và Lòng Thương Xót Chúa hiện diện, bên cạnh sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể” (ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn từ cho các tham dự viên khóa họp XXI của Tòa Ân Giải Tối Cao). Thánh thiện trước tiên là ý thức bản thân như một tội nhân (th. Gioan Thánh Giá). Chính khi ý thức mình là tội nhân, đó là bước đầu cho việc thay đổi và chấp nhận hoán cải nhờ Lòng Thương Xót của Chúa.
2/ Thực thi lòng thương xót
– “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau.”[1] Ngay từ Cựu ước đã có những chỉ thị pháp lý đủ mọi loại như: năm tha nợ, cấm cho vay lấy lãi và cầm cố, nghĩa vụ đóng thuế thập phân, trả lương mỗi ngày, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho. Những việc đó đáp lại lời khuyên: “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo. Nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em trong miền đất của anh em” (Đnl 15,11). Chúa Giêsu biến những lời này thành của Người: “Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12,8). Nói như thế, không có nghĩa là Người làm giảm nhẹ đi lời tiên tri xưa: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy người cùng khổ” (Am 8,6), nhưng Người mời gọi chúng ta nhận biết sự hiện diện của Người nơi những người nghèo là anh em của Người (cf. Mt 25,40).[2]
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, cũng đã bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Hội Thánh hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm”. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã dành nhiều ưu ái hơn cho những người gặp cảnh khốn cùng, không bao giờ ngưng an ủi, bảo vệ và giải thoát những người đó, bằng vô số công việc bác ái (caritas), những việc này là cần thiết mọi lúc và mọi nơi.[3] Cách đặc biệt, trong khi chăm sóc mục vụ gia đình, “trước tiên, cần phải chăm sóc những người bị thương tích. Hội thánh là Mẹ, Hội thánh phải đi trên con đường của lòng thương xót và tìm cách diễn tả lòng thương xót của Chúa cho mọi người”.[4]
– Ý nghĩa và các việc làm của lòng thương xót: Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về phương diện vật chất gồm có, ví dụ như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết (cf. Mt25,31-46).
– Sự khốn cùng của con người biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, bị đàn áp chịu bất công, bệnh tật thể chất và tâm thần, sau cùng là cái chết. Tất cả những sự khốn cùng này của con người là dấu chỉ của một sự khốn cùng thâm sâu hơn: thiếu vắng Thiên Chúa. Đó là tình trạng yếu đuối nguyên thủy, trong đó con người đang sống, sau khi con người phạm tội đầu tiên. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy con người rất cần ơn cứu độ. Những nỗi khốn cùng đó lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, đã muốn mang lấy xác phàm tội lụy với những nỗi khốn cùng đó, khi Người đồng hóa mình với ‘những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây’ (Mt 25,40.45).
“Ngợi ca lòng thương xót Chúa đã ban tặng con /
Hỡi trái tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài /
Chiều đồi núi Canvê năm nào Ngài chết treo thân, /
Thập tự Ngài đã hiến dâng máu đào để cứu chuộc con./
Và dòng suối yêu thương chan hòa từ trái tim thâu tuôn tràn
tẩy xóa đi bao lỗi tội tái sinh đời con
” (Lời bài hát).
Câu hỏi thảo luận
1/ Hội thánh có thể biểu lộ dung mạo lòng thương xót Chúa như thế nào, qua những hình thức nào tại địa phương mình?
2/ Anh chị có thể chia sẻ một kinh nghiệm hoán cải do gặp gỡ lòng thương xót của Chúa ở trong gia đình, hay cộng đoàn giáo xứ hay giáo họ mình hay không?

3/ Cộng đoàn nhỏ hay nhóm của anh chị sống sự hiệp nhất như thế nào xuyên qua cùng hiệp công phục vụ trong việc bác ái, đồng hành với những anh chị em, hay gia đình gặp cảnh khốn cùng?

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015.
[2] cf. GLHTCG 2449.
[3] cf. GLHTCG 2448.
[4] ĐGH Phanxicô, trả lời phỏng vấn trên chuyến trở về từ Đại hội Giới trẻ 2013.
 
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn