1
03:41 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 68

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 66


Hôm nayHôm nay : 3652

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 286689

Tổng cộngTổng cộng : 27840973

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CÁC THUẬT NGỮ

Vàng thau lẫn lộn. Các thành ngữ trong dân gian.

Thứ bảy - 11/02/2023 16:44-Đã xem: 1057
Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"… cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.
Vàng thau lẫn lộn. Các thành ngữ trong dân gian.

Vàng thau lẫn lộn. Các thành ngữ trong dân gian.

 
VÀNG THAU LẪN LỘN
 
Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị.

    Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai... đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".

    Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"... cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.

    Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.

     

     

    ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG

    Trong "Truyện ngụ ngôn Việt Nam" có câu chuyện kể về một chú ếch hợm hĩnh, nông nổi, đáng thương.

      Số là, có một con ếch, do sự ngẫu nhiên nào đó, ngay từ khi sinh ra đã ở trong một cái giếng nọ. (Cũng có thể không phải do ngẫu nhiên mà còn là do sở thích của họ hàng nhà ếch nữa. Chả thế trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có câu: Giếng đâu thì ếch đó). Sống cùng với ếch ở trong giếng chỉ có vài con nhái, cua, ốc nhỏ. Từ dưới đáy giếng nhìn lên  ếch ta chỉ nhìn thấy khoảng trời bé bằng cái vung. Nó nghĩ: Tất cả vũ trụ chỉ có vậy, vì thế  ếch tự coi mình là chúa tể. Hàng ngày, nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng khiến các con vật bé nhỏ kia hoảng sợ. Nó càng lấy làm oai.

      Nhưng có một năm, có thể do thái độ xấc xược "coi trời bằng vung" của  ếch thấu đến tai Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nổi giận đùng đùng và quyết định phế truất "ngai vàng" nơi đáy giếng của  ếch nên đã làm một trận mưa thật to. Nước trong giếng dềnh lên, tràn vào bờ, đưa  ếch ta ra ngoài.

      Quen thói cũ,  ếch nhâng nháo nhìn lên trời, nó bỗng thấy cả một bầu trời rộng lớn hơn nhiều cái khoảng trời nó vẫn thấy.  Ếch ta không tin và thấy bực bội vì điều đó. Để ra oai, nó cất tiếng kêu ồm ộp. Vị chúa tể hy vọng là sau tiếng kêu của mình mọi thứ đều phải trở lại như cũ. Nhưng bầu trời vẫn là bầu trời. Còn nó vì mãi nhìn lên trời chả thèm để ý đến xung quanh, nên đã bị một con trâu đi qua dẫm bẹp.

      Từ cách nhìn thế giới bên ngoài chỉ thông qua miệng giếng của chú  ếch nọ mà thành ngữ "Ếch ngồi đáy giếng" trước hết để chỉ "những người hiểu biết ít do điều kiện tiếp xúc hẹp". Sau nữa, lại từ thái độ nhâng nháo "coi trời bằng vung" của ếch mà thành ngữ này còn hàm ý nói về sự chủ quan, coi thường thực tế. Số phận của những người đó, nếu không giống như con ếch huênh hoang, hợm hĩnh nọ, thì chí ít, họ cũng phải trả bằng những thất bại chua xót khi tiếp xúc với thực tiễn phong phú và sinh động, mà khi hiểu ra thì sự đã rồi.

      SUY DIỄN KHÁC: 
      Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị. Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai… đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".

      Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"… cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.

      Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.

       

      NIÊU CƠM THẠCH SANH

      Câu thành ngữ chỉ của cải vật chất không bao giờ hết, hết lại có, vơi lại đầy.

        Niêu là một loại nồi nhỏ được làm bằng đất nung để nấu cơm, kho cá.

        Thạch Sanh là nhân vật trong truyện cổ tích, hiền lành khỏe mạnh có công giết đại bàng cứu công chúa. Niêu cơm Thạch Sanh biến hóa, ăn không bao giờ hết.

        Chuyện kể:

        Sau khi chém được chằn tinh, giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh được nhà vua làm lễ cưới gả công chúa Quỳnh Nga cho. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ. Thấy vậy, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa khước từ lấy làm tức giận. Họ hội binh lính 18 nước kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua đừng động binh. Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ 18 nước bủn rủn tay chân, không còn nghĩ gì tới chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Cả mấy vạn tướng lĩnh, quân sĩ thấy Thạch Sanh chỉ cho dọn ra vẻn vẹn có một niêu cơm tí xíu thì bĩu môi không muốn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn hết. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ hết lại đầy. Cảm phục và sợ hãi chúng cúi đầu lạy tạ vợ chồng Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước.(1)


        Niêu cơm bé xíu nhưng chính là tượng trưng cho uy quyền, cho sự thần thông biến hóa để được sự giàu có thịnh vượng, cho thỏa mãn ước mơ ở đời. Vận câu thành ngữ này vào cuộc sống mang nhiều ý nghĩa.

        Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
         NXB Thông tấn

         

        Khi tìm hiểu ý nghĩa thành ngữ đục nước béo cò người ta thường lưu tâm đến một hiện thực dễ dàng quan sát thấy ở các vùng nông thôn. Ta đã biết, cò là một loài vật đêm ngày lặn lội kiếm con ốc, bắt con tôm, con cá trên đồng ruộng. Phải nhọc nhằn lắm, may ra cò mới kiếm được miếng ăn hàng ngày. Thế nhưng, trong các vụ cày bừa, ruộng nước đục ngầu, bùn, lấm làm cho cá tôm ở dưới nước không chịu được phải ngoi mình lên mặt nước. Thế là chẳng vất vả bao công, cứ thế cò chén những con vật xấu số do hoàn cảnh "đục nước" mà phải ngoi mình làm mồi cho nó. Biết lợi dụng vụ cày bừa, với những chân ruộng đục nước, cò có thể kiếm chác, nuôi thân béo mầm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự quan sát này thì chưa làm bộc lộ rõ được cách đánh giá của nhân dân ta đối với kẻ cơ hội lợi dụng hoàn cảnh rối ren nội bộ mà kiếm lợi lộc qua thành ngữ đục nước béo cò!

        "Nghĩ đến câu đục nước béo cò
        Nên bao nhiêu sự thật sờ sờ
        Các xừ cứ tảng lờ như chẳng rõ"

        (Thơ Tú Mỡ)

        Hẳn là trong quan niệm dân gian còn có một ý tứ gì thâm hậu hơn được tiềm ẩn trong thành ngữ này. Đục nước trong đục nước béo cò không hẳn chỉ phản ánh nhân tố khách quan đưa lại sự rối ren của hoàn cảnh (như do cày bừa) mà còn có thể do bản thân các nhân tố chủ quan gây nên. Cảnh đàn cá tranh ăn, cảnh cá lớn nuốt cá bé, chẳng làm khuấy động môi trường sống của chúng ta là gì. Một điều thú vị hơn là tại sao "đục nước" lại chỉ béo mỗi chú cò và chính cò là biểu hiện của kẻ cơ hội? Có lẽ đối với nhân dân ta, con cò gắn liền với cuộc sống đồng ruộng, ngoài việc tự thân kiếm ăn, cò còn là kẻ cướp công, ăn bớt ăn xén công sức của kẻ khác. Cốc mò cò xơi, cò ăn bớt của cốc, chẳng phải là xuất phát từ cách nhìn nhận đó hay sao? Cho nên cò là biểu trưng cho hạng người cơ hội, và với thành ngữ đục nước béo cò nhân dân ta phê phán hành vi của bọn cơ hội chủ nghĩa.

        "Rân nhảy ra đúng lúc, khi lãnh chúa Kỳ Bường là lão Phô đã gục, khi Chính phủ bị người phải vung tiền ra mua, khi tình hình rối loạn dễ đục nước béo cò. Cha hắn sao biết chỗ lắt léo ấy" (Phan Tư- "Gia đình má Bảy")
         

        GIẢI THÍCH THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ: ĂN CƠM NHÀ THỔI TÙ VÀ HÀNG TỔNG

        Với một số đối tượng, thì có khuyên bảo, dạy dỗ đến đâu cũng vô ích, không có tác dụng gì. Công sức dạy bảo khuyên nhủ đó cũng như "nước đổ đầu vịt" mà thôi.

          Như đã biết, đầu vịt đã bị thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng dành thấm vào đâu được. Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo ban của một số người. Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra do kém trí thông minh,  ít hiểu biết hoặc trì độn. Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biếtt là lời hay lẽ phải đấy, nhưng cứ không nghe theo không làm theo như chẳng nghe gì cả. Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, nói với đầu gối còn hơn. Như vậy, cả kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh đều gặp nhau ở chỗ là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.

          Dần dần thành ngữ "nước đổ đầu vịt" được mở rộng để chỉ sự vô tác dụng, vô ích, không có kết quả nói chung.


          THÀNH NGỮ TỤC NGỮ: NHƯ NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT
          Gần nghĩa với "nước đổ đầu vịt" còn có một loạt thành ngữ như: như nước đổ lá khoai (môn), như nước đổ đầu chày...Ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính cấp cơ sở (theo cách nói bây giờ) bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ (tương đương huyện bây giờ). Trong tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, tức là người đàn ông cùng đinh, không có tấc đất cắm dùi, chuyên đi làm thuê và kiềm nghề làm mõ. Hể có việc gì của làng: ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả. Ngoài một công cụ thông tin là cái mõ, ngày xưa còn cái tù và tức là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

           
          Thành ngữ trên thường được dùng trong tiếng Việt để nói cái ý những người làm việc công, và không được hưởng tí quyền lợi gì.
           
          Dần dà, thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được mở rộng ý nghĩa ra. Tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này.
           
          Gần nghĩa với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có thành ngữ ăn cơm nhà vác ngà voi.

           

          KHÔN CHO NGƯỜI TA RÁI, DẠI CHO NGƯỜI TA THƯƠNG
          Trong tiếng Việt, câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương được hiểu là khôn thì phải khôn hẳn, khôn đến mức khiến người ta phải sợ, phải kính nể, còn nếu dại thì cũng phải biết thân, biết phận để người khác dễ thông cảm, bỏ qua mà tỏ lòng kính mến, yêu thương.

            Ẩn kín đằng sau nó là một bài học quý giá đối với mọi người. Rằng trong cuộc sống “đừng dở dở ương ương cho người ta ghét”!

            Câu tục ngữ khôn cho ngươi ta rái, dại cho người thương thuộc loại tục ngữ đối. Phép đối trong câu tục ngữ này theo hai bậc. Bậc đối thứ nhất là đối ý, trong đó khôn cho người ta rái đối với dại cho người ta thương. Bậc đối thứ hai là đối lời, trong đó khôn đối với dại và rái đối với thương. Nhờ có phép đối này mà ta có thể xác minh được nghĩa của từ rái, vốn chưa sáng rõ trong câu tục ngữ này. Theo phép đối, nhất là đối lời, nghĩa là rái phải trái với thương. Lần vào kho từ vận tiếng Việt, quả nhiên, chúng ta bắt gặp từ rái với nghĩa là sợ, hãi. Đó là một từ cổ còn được bảo tồn trong phương ngữ. Từ rái này cũng còn xuất hiện trong câu tục ngữ đối khác là yêu như chị em gái, rái như chị em dâu. Xác định được nghĩa của từ rái, thì tất cả mọi từ trong câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương đều trở nên sáng rõ và dễ hiểu.


            MỘT NGHỀ THÌ SỐNG ĐỐNG NGHỀ THÌ CHẾT

            Câu thành ngữ ý nói một nghề mà giỏi thì thành đạt, một nghề mà chắc chắn thì sống, đừng có hời hợt, nghề gì cũng biết nhưng không chuyên một nghề gì thì sẽ đổ vỡ không thành.

              Chuyện kể:

              Ở một làng nọ, có một người muốn làm giàu, chuyên học đòi, ai mách gì cũng nghe theo.

              Một hôm, nghe người ta đồn ở làng Ứng Thủy có nghề làm gầu kiếm ra tiền. Anh ta bèn cất công sang Ứng Thủy để học. Ba năm sau thành nghề, anh làm được gầu rồi thì năm ấy lại mưa đều, nước dư nước dật, ruộng đồng tốt tươi, chẳng ai cần đến gầu để chống hạn cả. Có người bảo: “Mưa nhiều, thì sẽ úng. Ở làng Vạc có nghề làm guồng chống úng, anh sang đó mà học”. Anh ta nghe người ta mách lại sang làng Vạc học nghề làm guồng. Nhưng năm ấy thời tiết lại khô hạn, có nước đâu mà cần guồng chống úng. Thấy trời nắng anh ta lại quyết tâm lên đường học nghề làm nón. Lần này chắc mẩm sẽ thành. Nhưng chẳng tính toán gì, lúc anh ta học được nghề làm nón thì thiên hạ chẳng mấy ai dùng nón nữa. Người ta sử dụng mũ nỉ, mũ lưới, vừa tiện vừa gọn. Chẳng bán được hàng, chẳng ra nghề ngỗng gì, anh ta ngửa mặt lên trời than:

              - Trời ơi, tôi già mất rồi. Một đống nghề như tôi mà vẫn chết đói ư!

              Người ta làm nghề gì cũng muốn thành đạt, nghề tinh xảo mà phát triển. Muốn được như vậy phải tu chí đến nghề, ta gọi là “chuyên”. Vậy nên có câu “Nhất nghệ tinh” là làm một nghề cho tinh thông còn hơn chín mười nghề hời hợt, chẳng nghề gì tinh thông cả. Câu thành ngữ hàm ý ca ngợi những người biết say sưa theo đuổi nghề nghiệp của mình để đem lại cuộc sống đẹp. Đồng thời hàm ý chê bai, phê phán những người thiếu kiên trì không có được nghề nào tinh thông cả.
              Dân gian có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
              Còn “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, như anh chàng truyện trên là vậy.

              Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

              (1) Theo “Đông Tây ngụ ngôn” – Ôn Như Nguyễn Văn Học – NXB Văn học, 2003



              LẤY THÚNG ÚP VOI

              Câu thành ngữ ngụ ý nói về một việc làm khó khăn, không thể thực hiện được cố che giấu một việc lộ liễu.

                Chuyện kể:

                Có một thầy cúng đã dốt nhưng hay huênh hoang, bảo thủ. Từ bé đến lớn thầy rất ít ra khỏi nhà, vì thế rặt những gì nhà thầy có là thầy coi như thiên hạ cũng chỉ có thứ ấy. Nhà thầy có nuôi một con mèo và một con ngỗng ăn cỏ. Vậy nên thầy nghĩ thiên hạ chỉ có hai giống ấy.

                Một hôm, người ta đồn có con voi từ rừng về phá làng. Chuyện đến tai thầy. Thầy hỏi người nhà:
                - Nó có mấy chân?
                Người nhà bảo:
                - Nó có bốn chân.

                Vậy là thầy chắc nhẩm, nó to lắm cũng thì cũng chỉ bằng con mèo là cùng.
                Thầy mới hỏi lại:
                - Thế nó ăn gì?
                Người nhà bảo:
                - Nó ăn cỏ.

                Thầy nói luôn:
                - Vậy có gì to tát đâu mà làm ầm cả lên thế. Chắc bằng con ngỗng là cùng.

                Con voi về làng, phá nhà, quật chết người, thầy mới hung hăng gọi người nhà ra bảo.

                - Việc ấy cứ để ta. Mang cho ta cái thúng ra đây!

                Tưởng thầy có phép thần chú gì để đuổi voi nên người nhà đi lấy thúng cho thầy, rồi hỏi:

                - Thầy làm phép gì ạ?

                Thầy huênh hoang đáp:
                - Ta úp nó lại, lấy đá đè lên, nó có mà chạy đằng giời.

                Rõ ràng là thầy cúng ở truyện trên chưa cầm thúng úp vào con voi, nhưng ai cũng biết rằng cái thúng thì bé mà con voi thì quá lớn, quá khổ thì úp sao đặng. Cái sự vô lý đến nực cười. Nếu có dùng cái thúng úp lên con voi thì phần được che phủ chẳng thấm tháp gì với phần không được che, tức là cái nhỏ không thể che lấp được cái lớn, muốn che giấu không thể che được, vẫn lộ ra.

                Dễ gì lấy thúng úp voi
                Giấu đầu thì lại bị lòi đuôi ra.

                 

                Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

                 


                MÈO GIÀ HÓA CÁO
                Câu thành ngữ ý nói đến kẻ tinh ranh càng lâu ngày càng thêm tinh khôn ranh mãnh.

                Chuyện kể:

                Xưa có con muỗi và con dơi, hai con có việc bất bình đi thưa kiện nhau.

                Muỗi thì muốn mèo làm thầy kiện, dơi thì cầu chuột làm thầy cãi. Thầy kiện và thầy cãi vốn không ưa nhau lại chẳng biết tranh tụng ra sao nên cậy thế, thầy kiện mèo mới tiện mồm xơi thịt quách thầy cãi chuột. Dơi không còn thầy cãi, dơi thua kiện bèn tính cách báo thù muỗi.

                Muỗi sợ không dám bay ra ban ngày nên cứ đợi nhá nhem tối bay ra. Dơi cũng đợi có thế, kéo đàn kéo lũ ra đớp cho thật nhiều muỗi mới hả giận.

                Vì thương nhớ thầy kiện chuột nên dơi cứ tâm niệm mình là chuột, thế rồi lột xác bộ mặt của chuột vào mình để trả thù loài muỗi. Vì thế bộ mặt dơi bây giờ mới chẳng khác gì mặt chuột.

                Còn nói về con mèo, càng ngày nó càng ăn chuột dữ lắm, không những thế lại còn dở chứng ăn vụng. Không có ai ngăn cản nó càng làm dữ, lâu ngày trở thành mèo già hoang. Thấy nó đã trở thành mèo già hoang, lang bạt kỳ hồ, nên trời ấn chỉ bắt nó thành loài cáo.
                Ai ngờ nó thành cáo rồi thì càng ranh ma quỉ quyệt hơn, không chỉ vồ chuột, nó còn rình bắt trộm gà vịt của người.

                Từ đấy dân gian truyền tụng nhau “mèo già hóa cáo” là vậy. (1)

                Thực ra mèo không phải là cáo. Truyện trên nói mèo càng già thì càng ranh mãnh quỉ quyệt. Nói cáo nhưng lại thành ra con người. Người chuyên lừa đảo, sống ranh ma quỉ quyệt thì người ta ví như loài cáo vậy./.

                Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

                (1) Theo “Đông Tây ngụ ngôn” – Ông Như Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003.



                QUA CẦU RÚT VÁN
                Câu thành ngữ có ý ám chỉ những người vô ơn, bội nghĩa. 

                Chuyện kể:

                Ngày xưa, có hai người học trò một tên là Lưu Cải, một tên là Lễ Châu. Họ cùng nhau đèn sách mấy năm liền nên tình cảm như anh em ruột thịt.


                Sắp đến kỳ thi, Lễ Châu bị ốm.Tưởng bệnh tình khó qua khỏi, Lễ Châu bèn nói với Lưu Cải:

                - Tôi nay chắc không sống được. Ngôi nhà và mảnh vườn này của cha mẹ tôi để lại, anh hãy bán nó đi, một phần lấy tiền đi thi, bõ công đèn sách mấy năm qua, một phần để làm ma cho tôi. Anh đỗ đạt kỳ này là tôi mãn nguyện lắm rồi.
                 
                Lưu Cải thương bạn khóc nức nở. Theo lời bạn, Lưu Cải bán mảnh vườn lấy tiền vừa để lo thuốc thang cho bạn, vừa thêm vào việc lều chõng của mình. Rồi kỳ thi năm ấy, nhờ có tiền đi thi nên Lưu Cải đã đỗ, rồi được bổ làm quan. Thời gian trôi đi, nhờ thuốc thang chữa trị, lại thấy bạn mình thi đỗ thì thấy làm vui nên bệnh của Lễ Châu lui dần, rồi một ngày kia bệnh tình khỏi hẳn.


                Nhớ đến bạn năm nào cùng chung đèn sách, Lễ Châu nghĩ đến tình xưa, nghĩa cũ đặng tìm đến bạn cũ nhờ đỡ đần để có dịp chờ ngày thi tiếp. Từ ngày làm quan, Lưu Cải tính tình thay đổi, lạnh nhạt với bạn cũ. Sợ bạn mình nhờ vả, liên lụy nên Lưu Cải tìm cách trốn tránh, rồi sinh lòng hại bạn. Nhưng Lễ Châu không hề biết bụng dạ của bạn đã thay đổi nên chẳng chút nghi ngờ. Một ngày kia, trời đã tối, tìm gặp được Lưu Cải, Lễ Châu theo bạn vào nhà. Thời ấy, người ta đào hào xung quanh nhà để chống trộm. Muốn vào nhà phải qua một chiếc cầu, dưới đó là hào sâu có cắm chông và rắn rết. Lưu Cải đi trước, lợi dụng lúc tối trời, vừa bước sang bên này ván cầu, anh ta bèn rắp tâm rút cái ván để cho Lễ Châu lăn xuống hào mà chết. Nghe tiếng rút ván Lễ Châu hiểu ngay sự tình nên đã kịp dừng chân. Tưởng bạn đã rơi xuống hào sâu chết rồi, Lưu Cải mới lỉnh vào vườn trong.


                Lễ Châu trở về nhà, buồn rầu vì tình bạn tráo trở. Lưu Cải làm quan được mấy năm thì bỗng nhiên một hôm bị sét đánh chết. Hôm đưa ma bạn về, Lễ Châu mới kể chuyện cũ cho thầy dạy mình nghe. Thày dạy mới bảo:

                - Đó là kẻ “qua cầu rút ván”, người như thế khó qua khỏi được trời quở trách. Chết bất đắc kỷ tử là phải lắm rồi. 

                Trước thì được người giúp đỡ, khi thành công, thành danh rồi thì lại bội ơn, khinh bạc người, rồi tìm cách hại người, những kẻ như thế, xưa nay, đời nào cũng có. Nên dân gian mới có câu:


                Khi chưa, tình nghĩa trăm đàng
                Được thì rút ván, phũ phàng làm ngơ.

                Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

                 


                RUỘT ĐỂ NGOÀI DA
                Câu thành ngữ chỉ người vô tâm vô tính, bộp chộp, không giấu ai điều gì.

                  Chuyện kể:

                  Thuở ấy, ở Thiên đình, các quả đào cứ đến độ chín đều được biến thành cô tiên bay ra nô đùa thỏa thích trong vườn.

                  Một hôm Thái thượng Lão quân trông coi vườn đào gặp một cô tiên tay xách làn xinh xắn, bay lả lướt trong vườn mà thấy lòng mình rạo rực, bèn lại gần bắt chuyện. Vì say đắm cảnh sắc lại thêm những lời tình tứ nên cả hai quên hết những điều luật Thiên đình. Thái thượng Lão quân thì kể cho nàng tiên nghe bao chuyện về Pháp đình, còn nàng tiên thì cũng chẳng giấu giếm gì những điều ong bướm trong vườn đào.

                  Họ cứ thế đùa chơi, lả lơi nồng thắm, cho đến khi hoàng hôn buông xuống mới sực nhớ ra. Thái thượng Lão quân thì vội lui về dinh thự của mình, còn nàng tiên thì chỉ trong chốc lát nhập vào quả đào thắm.
                  Nhớ buổi hàn huyên hôm qua, nên sớm hôm sau, nàng tiên lại từ quả đào bay ra. Lòng dạ xốn xang nên nàng tiên không sao giấu kín được nỗi niềm bèn tụ tập các nàng tiên lại rồi thao thao kể về chuyện pháp đình đến chuyện ong bướm mà hai người đã kể cho nhau nghe suốt một buổi.

                  Một miệng đâu đã kín, thế mà ở vườn hôm đó có chín mười miệng, nên chuyện ấy lan đi nhanh chóng. Ngọc Hoàng hay tin, cho rằng Thái thượng Lão quân để lộ thiên cơ chỉ vì ong bướm lả lơi, nên ra lệnh truất chức vụ trông coi vườn đào của Lão quân, cho đi coi chuồng ngựa. Còn nàng tiên nọ chuyện cứ oang oang, gặp đâu nói đấy nên Ngọc Hoàng phán rằng:

                  - Ngươi không giữ khuôn phép nhà trời, ruột để ngoài ra, thiếu chín chắn. Từ nay ngươi không được làm quả đào trong vườn nhà trời nữa. Cho ngươi xuống hạ giới nhập vào thứ cây quả hợp với lòng dạ của ngươi.

                  Nói đoạn, cây đào và quả đào nọ tự nhiên biến mất. Sau này, ở hạ giới, thấy xuất hiện một cây có trái, nhưng hột lại bám ở phía ngoài. Đồn rằng đó là cây đào nọ mà Ngọc Hoàng bắt phạt xuống trần gian. Người ta bảo hột nó để ngoài da, mới đặt tên cho nó là cây đào lộn hột. Ngày nay, nhiều vùng gọi nó là cây điều.


                  Đặc điểm của quả đào lộn hột là hột nằm bên ngoài, lộ ra. Có thể vì thế mà dân gian liên tưởng ví hột như ruột vậy.

                  Truyện trên kể về cô tiên lữ từ quả đào mà ra, nhưng chính là nói người . Phần nhiều “ruột để ngoài ra” thường được gán cho người phụ nữ, nên có câu:
                   
                  Đàn ông nông nổi giếng khơi
                  Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

                  Ở đây có cái đáng chê và cái đáng khen. Cái chê là vạch áo cho người xem lưng, nói toạc móng heo ra, cái khen là người bộc tuệch, thực bụng, có sao nói hết.

                  Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn


                  Nguồn: Thành ngữ tục ngữ: Vàng thau lẫn lộn - Tạp chí Quê Hương




                  Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
                  Click để đánh giá bài viết

                  Những tin cũ hơn