1
22:20 +07 Thứ năm, 28/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 71

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 53


Hôm nayHôm nay : 11527

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271854

Tổng cộngTổng cộng : 27443359

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA

Trọng Tâm Của Sứ Điệp Fatima

Thứ tư - 14/11/2012 10:09-Đã xem: 1797
Trước hết cần phải xác định rằng, theo định luật chung, một khi một sự mặc khải riêng tư đã được Giáo Hội chính thức công nhận thì mang tính cách bó buộc tinh thần nào đó đối với chính Giáo Hội và các tín hữu trong các hành động cụ thể của mình; nói cách khác, theo khả năng và điều kiện cho phép, người ta cần phải tôn trọng các sứ điệp đó, cũng như nỗ lực đem thực thi vào cuộc sống của mình như một phương tiện hữu hiệu trong việc kiện toàn đời sống mình. Dĩ nhiên, sự bó buộc đó không có tính cách tín lý, tức như đối với một Tín điều, nghĩa là một điều bắt buộc phải tin!
Trọng Tâm Của Sứ Điệp Fatima

Trọng Tâm Của Sứ Điệp Fatima

 
Trọng tâm của Sứ điệp Fatima
«Loài người đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa»

Trước hết cần phải xác định rằng, theo định luật chung, một khi một sự mặc khải riêng tư đã được Giáo Hội chính thức công nhận thì mang tính cách bó buộc tinh thần nào đó đối với chính Giáo Hội và các tín hữu trong các hành động cụ thể của mình; nói cách khác, theo khả năng và điều kiện cho phép, người ta cần phải tôn trọng các sứ điệp đó, cũng như nỗ lực đem thực thi vào cuộc sống của mình như một phương tiện hữu hiệu trong việc kiện toàn đời sống mình. Dĩ nhiên, sự bó buộc đó không có tính cách tín lý, tức như đối với một Tín điều, nghĩa là một điều bắt buộc phải tin! 

Trở lại các mặc khải riêng, người ta nhận thấy từ gần hai thế kỷ nay Mẹ Maria đã đặc biệt liên tiếp hiện ra tại nhiều nước khác nhau ở Âu Châu cũng như trên khắp thế giới, để loan báo những sứ điệp quan trọng và khẩn cấp đến tất cả con cái loài người. Ở đây chúng tôi chỉ trích dẫn một vài lần trong các biến cố đó:

Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra tại Paris/nước Pháp với một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Phaolô tên là Catharina Labouré và giao phó cho vị nữ tu sứ mệnh phải truyền bá việc mang ảnh Đức Mẹ Ban Ơn để cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại. 

Năm 1846, Đức Mẹ hiện ra với hai trẻ tại một miền núi hẻo lánh La Salette. Trước mặt hai trẻ đó Đức Mẹ đã ôm mặt khóc và trong nước mắt Đức Mẹ đã thiết tha kêu xin nhân loại hãy thôi đừng tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa cách nặng nề mãi như thế nữa.

Năm 1858, Mức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với bé gái quê Bernadette và biến nơi hẻo lánh đó thành một «dưỡng đường toàn cầu» cho mọi tâm hồn đau khổ khắp nơi trên thế giới, hầu đánh thức nơi họ sự tin tuởng phó thác vào tình thương xót hải hà của Thiên Chúa.

Và cuối cùng vào năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại ngọn đồi Cova da Iria ở Fatima và đã biến nơi đây thành một «chỗ thống hối ăn năn» cho cả nhân loại. 

1
Fatima:Quang cảnh các tín hữu hành hương nghèo ngủ nghỉ ở lề đường 

Lucia đã cho hay rằng câu nói cuối cùng và đồng thời cũng là lời kêu mời tha thiết của Đức Mẹ trong lần hiện ra thứ sáu vào ngày 13.10.1917 đã ghi sâu vào tâm khảm em, đó là: «Loài người đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.»

Chắc chắn rằng câu nói đó đã tóm tắt toàn bộ sứ điệp của Đức Mẹ muốn gởi đến thế giới qua ba trẻ tại Fatima, tức: Lời kêu mời nhân loại hãy thành tâm ăn năn trở về cùng Thiên Chúa và hãy cải thiện cuộc sống!

Điều đáng lưu tâm ở đây là việc nhấn mạnh đến sự đền bù phạt tạ các tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Đó chính là tâm thức tôn giáo sâu xa và lòng mộ đạo chân chính nhất, mà trong nền thần học cũng như trong công cuộc rao giảng Tin Mừng vào các thập niên vừa qua người ta đã sao nhãng rất nhiều.

Ba trẻ Fatima và tất cả những người mà ba trẻ đã truyền thông cho biết sứ điệp trên của Đức Mẹ, đều hết sức xúc động và cảm nhận được trách nhiệm phải ăn năn quay trở về cùng Thiên Chúa, và không chỉ vì tội riêng mình, nhưng còn vì tội mọi người khác nữa: «Các con hãy cầu nguyện, các con hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh hãm mình để đền thay cho kẻ có tội. Bởi vì, sẽ có nhiều người bị sa vào hỏa ngục, do không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ» (Lần hiện ra thứ 4). Thực ra, trách nhiệm đối với kẻ khác mà Đức Mẹ đã nhắn nhủ tại Fatima, cũng đã được nhấn mạnh đến trong Thánh Kinh; chẳng hạn thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu ở Ga-lát: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và làm như thế anh em đã chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2).

Ngày nay trong thời hậu công đồng Vatican II, tuy người Kitô hữu đã ý thức được rõ ràng hơn về trách nhiệm đối với tha nhân, nhưng người ta lại có khuynh hướng nhấn mạnh đến hành động bác ái đó với tính cách một chiều, tức chỉ nhấn mạnh đến việc làm phúc bố thí để giúp đỡ tha nhân bằng của cải vật chất. Vì thế, sứ điệp Fatima muốn nhắc nhủ chúng ta rằng chúng ta còn cần phải cầu nguyện cho kẻ khác, hy sinh hãm mình cho họ và thay họ đền bù phạt tạ các tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa nữa.

Đức Hồng Y giáo sư Josef Ratzinger, hiện là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã có lần viết: «Xét về toàn bộ cho thấy rằng ý tưởng đền bù thay cho người khác là một dữ kiện của chứng từ Kinh Thánh mà sự tái khám phá ra nó có thể giúp cho Kitô giáo trong việc canh tân có tính cách quyết định và việc đào sâu lòng tự tín của mình trong thời đại hôm nay.»

Các phương tiện mà Mẹ Maria đã nêu danh ở Fatima như là một sự hỗ trợ cho sự ăn năn hối cải của chúng ta cũng như của người khác, và đồng thời như dấu chỉ của thiện chí muốn cải thiện làm lành, đó là: 


* Thành tâm và sốt sắng cầu nguyện, 

* siêng năng lần Hạt Mân Côi mỗi ngày,

* hy sinh hãm mình đền bù tội lỗi,

* và tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

«Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi»

Ngày nay, nhiều Kitô hữu đã lấy làm khó khăn rầy rà và tỏ ra lúng túng trong việc đọc kinh lần hạt Mân Côi. Vâng, ai chưa quen và nhất là chưa biết yêu mến Kinh Mân Côi, sẽ cảm thấy việc lần hạt Mân Côi là một việc làm nặng nề, nhàm chán và coi như là một việc giết chết thời giờ. 

Trên thực tế, Tràng Hạt Mân Côi là một Kinh Nguyện có tính cách chiêm ngắm suy niệm phát xuất từ chíng Kinh Thánh. Không có sự chiêm ngắm và suy niệm thì Tràng Hạt Mân Côi cũng tương tự như một cái xác không hồn và việc lần hạt Mân Côi cũng giống như chiếc máy chỉ lặp đi lặp lại trên đầu môi chóp lưỡi những công thức quen thuộc nhàm chán. Đó là điều Đức Giêsu đã từng cảnh cáo: «Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngoại. Họ tưởng rằng cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời» (Mt 6,7).
Tự bản chất, Kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp điệu khoan thai, yên tĩnh và nhất là một tâm hồn lắng dịu biết âm thầm suy ngắm 15 mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu mà cứ trước mỗi chục hạt chúng ta đã nhắc đến. Bởi vậy, điều kiện để có thể khám phá ra được giá trị và sự ngọt ngào của Kinh Mân Côi, người ta cần phải có một tâm hồn an lành, hài hòa và lương thiện. Trong khi tâm hồn còn bất ổn trong các tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, nghĩa là khi tâm hồn còn trong tình trạng phạm tội nặng, người ta sẽ không bao giờ có thể lần hạt Mân Côi cách chính đáng và sốt sắng thực sự được.

Đàng khác, vì những mầu nhiệm cao trọng của Kinh Mân Côi đã được trích dẫn từ trong chính Kinh Thánh, nên mỗi khi lần hạt Mân Côi người tín hữu lại được diễm phúc hít thở chính tinh thần của Kinh Thánh. 

Vì thế, nếu ai chưa cảm nghiệm và chưa nếm thử được sự êm ái ngọt ngào thiêng liêng đó, thì hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi và hãy sốt sắng đọc lên từng kinh Ave Maria – Kính mừng Maria, và rồi cứ để cho lòng mình chìm sâu vào trong các mầu nhiệm Mân Côi…, chắc chắn người đó sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thanh thoát, nhẹ nhàng và hạnh phúc kỳ diệu đang chìm ngập linh hồn mình.

Chân phước Mẹ Têrêxa Can-cun-ta, «vị Tông đồ của người nghèo», mỗi khi có được giây phút nào rảnh rỗi, Mẹ đều cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi và lần hạt. Khi có người quan sát thấy điều đó và vui đùa hỏi Mẹ là nếu Mẹ siêng năng lần hạt như thế, thì mỗi ngày Mẹ lần được bao nhiêu chuỗi, Mẹ Têrêxa đã trả lời là: «Tôi chẳng bao giờ đếm cả.»

«Các con hãy hy sinh hãm mình để đền bù thay cho kẻ có tội» 

1

Fatima: Cảnh các tín hữu đi bằng đầu gối để hy sinh hãm mình 

Đối với não trạng con người ngày, việc hy sinh hãm mình là một điều xa lạ, hoàn toàn lỗi thời và không cần thiết. Nhưng Thiên thần đã dạy cho ba trẻ Fatima biết là trong mọi sự các em đều có thể thánh hóa để làm nên của lễ làm vui lòng Chúa, chứ không nhất thiết phải thực hiện những việc to lớn kỳ diệu nào khác. Điều đó muốn nói lên rằng, để hiện thực được đức tin Kitô giáo của mình, chúng ta cần phải thánh hóa mọi hành động và mọi sinh hoạt bình thường trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nói cách khác, tất cả những vất vả khó chịu trong cuộc sống, như việc chu toàn bổn phận, phải quan tâm lo lắng cho người khác, phải ra tay giúp đỡ người đau khổ bệnh hoạn, v.v… đều có thể giúp cho chúng ta nên thánh, đều là những điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.

Sau những lần Đức Mẹ đã hiện ra, ba trẻ Fatima đã cho biết rằng, một điều đã trở nên quá xa lạ đối với con người ngày nay, kể cả đối với một số lớn các Kitô hữu, là việc hy sinh hãm mình để đền bù tội lỗi. Nhưng như ĐTC Gioan XXIII đã có lần nói: «Người ta không thể làm người mà không có luân lý đạo đức. Người ta không thể làm Kitô hữu mà không có lòng ăn năn hoán cải và đền bù tội lỗi.» Chính ba trẻ Fatima, dù còn thơ ngây vô tội, cũng đã can đảm thực hành việc hy sinh hãm mình, nhiều khi còn khắc nghiệt đến chỗ vượt sức tưởng tượng so với lứa tuổi các em, cốt để đền bù phạt tạ thay cho bao tội lỗi của nhân loại đã xúc phạm đến Thiên Chúa. 

Bởi vậy, chỉ trong vòng mấy tháng trời mà ba trẻ Fatima - qua tinh thần can đảm hy sinh hãm mình một cách anh hùng của mình – đã tạo nên được một phong trào đạo đức sâu xa trong quần chúng, điều mà bình thường các vị chuyên môn phải nỗ lực liên tục trong nhiều thập niên mới mong đạt tới được một phần nào mà thôi. 

Ở đây chúng ta cũng phải xác nhận rằng, theo não trạng con người ngày nay, người ta thường chỉ nhắm đề cao lãnh vực tinh thần, như tìm cách thuần hóa và tìm cách cải thiện các tư duy, các ý nghĩ và các quan niệm chủ quan của mình, hầu để sống hợp lý hơn, hầu để sống có nhân bản hơn. Đó là một điểm tích cực! Nhưng một điều khác lại không đúng, khi người ta hoàn toàn phủ nhận sự đóng góp của thể xác trong việc hoàn lương cải thiện cuộc sống mình, tức những hành động hy sinh hãm mình cụ thể trên chính thân xác mình. Về điểm này thánh Phaolô đã phát biểu quan điểm của ngài như sau: «Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân xác tôi cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể của Người là Giáo Hội» (Cl 1,24). Đúng vậy, không ai còn có thể phủ nhận được rằng - trong một mức độ cần thiết và hợp lý - các hy sinh hãm mình phạt xác luôn mang những giá trị cần thiết nhất định, không thể thiếu trong việc nên thánh.

Hãy sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria

Trong lần hiện ra thứ ba vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã nói với ba trẻ: «Để cứu rỗi những người tội lỗi, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Bà trên khắp thế giới.» Ở đây, danh từ «Trái Tim Mẹ Maria» là điểm son, là nguồn an ủi dịu dàng của toàn biến cố Fatima.

Trong thực tế, đối với nhiều người ngày nay, việc sùng kính Trái Tim, dù là của Chúa hay của Đức Mẹ, đều xem ra lỗi thời, thiếu sức lôi cuốn. Trước hết, họ cảm thấy rằng Trái Tim Chúa và Trái Tim Đức Mẹ chẳng có liên hệ gì tới cuộc sống hằng ngày của họ cả, nếu không nói là họ còn cảm thấy xa lạ và không cần thiết. Vì thế, có người đã băn khoăn tự hỏi: Nếu việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu đã không tránh được bao khó khăn, thì nay việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ sẽ còn trở nên khó khăn biết chừng nào? 

Một điều chắc chắn là người ta cần phải kiên nhẫn khi phải đối mặt với những khó khăn đó. Nhưng họ cũng cần phải biết rằng không phải tất cả mọi tín hữu Công Giáo đều gặp phải cùng những khó khăn như thế. Dĩ nhiên, những cố gắng giải thích, đề cao và ca tụng về Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn được những khó khăn đã nêu trên.

Nhưng một điều chúng ta phải nhìn nhận là: Nói chung, con tim vốn được con người qua mọi thế hệ và thời đại quan niệm như trung tâm huyền bí của một người. Trái tim hợp nhất tất cả mọi chi thể và mọi hoạt động trong thân thể con người; nhất là trái tim là kho tàng tình yêu của con người, là nơi xuất phát tình yêu. Vì thế, trái tim con người một khi đầy tình yêu thì sẽ làm cho con người trở nên đáng yêu và cuộc sống của họ có giá trị. Nhưng ngược lại, một khi trái tim con người trở nên chai đá, vô cảm trước mọi khổ đau của đồng loại và đầy hận thù, thì sẽ biến con người thành nguy hiểm, đáng ghét và cuộc sống họ hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vậy, bậc thánh hiền đã có lý khi nói: «Hư giả tại tâm», vì chính những điều không tốt phát xuất từ trái tim con người sẽ làm cho họ ra ô uế (x. Mt 15,18-19).

Trái Tim Đức Maria là trung tâm của con người Mẹ, một nơi đã được mọi ơn thánh Thiên Chúa tuôn đổ xuống một cách dư dật (x. Lc 1,28b), cốt để thánh hóa Mẹ và để làm cho Trái Tim Mẹ trở nên tinh tuyền vẹn toàn, không chút vấn vương bất cứ vết nhơ tội lỗi nào, dù là của nguyên tổ hay của riêng tư Mẹ. 

Từ trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mình, Đức Maria đã đầy tin tưởng phó thác thưa lên tiếng Xin Vâng trước lời đề nghị của Thiên Chúa là muốn cho Trinh Nữ làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Con Một của Người. Và qua đó, chính từ Trái Tim vẹn sạch của Mẹ đã phát xuất ra tình yêu đồng công cứu chuộc: Nghĩa là tình yêu cùng tham dự trọn vẹn vào cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập tự của Đức Giêsu, Con Mẹ, hầu cho nhân loại tội lỗi được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chính tình yêu được dành cho các kẻ có tội đó lại được Mẹ bày tỏ một cách đặc biệt ở Fatima. Vâng, qua ba trẻ Fatima, Đức Maria đã một lần nữa bày tỏ tình yêu của Mẹ đối với nhân loại: Mẹ kêu mời ba trẻ hãy hy sinh hãm mình đền bù thay cho tội lỗi nhân loại đã xúc phạm quá nhiều đến Thiên Chúa, và hai hy lễ đầu tiên được dâng lên Thiên Chúa để bù đắp cho bao kẻ có tội là cái chết của hai trẻ thơ vô tội Phan-xi-cô và Jacinta.

Nhưng sự sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria không chỉ được thể hiện qua tâm tình đầy xác tín hay qua việc cử hành các lễ nghi phụng vụ, nhưng là thực hành chính tình yêu đồng công cứu chuộc của Mẹ trong cuộc sống hằng ngày của mình, như hy sinh, ăn chay, hãm mình và siêng năng cầu nguyện. Dĩ nhiên, điều đó phải được bắt đầu bằng những nỗ lực chiến đấu xa lánh đường tội lỗi và hoàn toàn thành tầm quay trở về cùng Thiên Chúa, nguồn chân thiện mỷ tuyệt đối.

Vì thế, việc dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là một điều kiện nhất thiết để hiểu thấu được cách sâu xa vai trò quan trọng của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Con Mẹ. Theo thánh Ludwig Grignion đệ Monfort, thì sự dâng hiến cho Trái Tim Đức Mẹ là một sự nhắc lại sự dâng hiến cho Chúa Giêsu trong phép Rửa Tội qua tay Mẹ Maria. 

Sự sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria cũng muốn nói lên rằng, đó là một sự sùng kính đạo đức sâu xa đối với Mẹ Maria, chống lại những hình thức sùng kính Đức Mẹ mang tính cách thuần túy phô trương bên ngoài, trong đó, để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, người ta đã quá quan tâm đến các hình thức cầu nguyện và ca hát rộn ràng bên ngoài, trong khi đó những tâm tình tha thiết và những lời mời gọi khẩn cấp của Đức Mẹ thường lại không được quan tâm nhấn mạnh. 

Nói tóm lại, lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ một cách chân chính và sâu xa, là sống và thực hành sứ điệp Fatima, tức đem ra thực thi ba mệnh lệnh đã được Đức Mẹ nhắn nhủ qua ba trẻ ở Fatima, đó là :

• Ăn năn cải thiện cuộc sống;

• Siêng năng lần hạt Mân Côi;

• Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyện Tội Mẹ Maria. 

Để thay lời kết: 

Khi một Người Mẹ lên tiếng cảnh cáo con cái mình


Người ta nhận thấy rằng, có hai mặc khải quan trọng của Đức Mẹ tại Fatima mà ngày nay người ta đã thường bỏ qua và ít quan tâm tới. Đó là thị kiến về hỏa ngục và tất cả những nhắn nhủ khác của Đức Mẹ liên quan tới hỏa ngục.

Cả trong thời đại hôm nay, các Kitô hữu sốt sắng vẫn một lòng sống tin tưởng vào lòng nhân hậu khoan dung của Thiên Chúa. Đó là một đều tích cực. Nhưng chúng ta cũng không được phép quên rằng, Thiên Chúa còn là Vị Thẩm Phán Tối Cao đầy nghiêm minh, Đấng sẽ không bao giờ tha thứ cho :

• những tội lỗi đã làm đảo lộn công trình sáng tạo của Người;

• việc một người dùng hành động độc ác để tiêu diệt, để bóc lột hay nô lệ hóa một người anh em đồng loại khác của mình.

Như vậy, điều đó có nghĩa là sứ điệp Fatima là một sự sửa sai cho những kiểu cách sống đạo quá «tự do phóng khoáng» theo ý riêng của chúng ta.

Còn mặc khải thứ hai ở Fatima cũng đã trở nên xa lạ đối với một số lớn con người ngày nay, lại được gói ghém trong câu: «Nếu nhân loại làm theo những gì Bà nói cùng các con, thì nhiều người sẽ được cứu rỗi và hòa bình sẽ được vãn hồi… Nếu nhân loại không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một cuộc chiến tranh khác còn tàn khốc hơn nữa sẽ xảy ra… ». Đó chính là điều đã xảy và chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc thế chiến thứ hai vào các năm 1939-1945.

Nhưng lời tiên báo vẫn còn tiếp tục: «Nếu nhân loại…không biết lắng nghe các ước muốn của Bà, nước Nga (chủ nghĩa cộng sản vô thần) sẽ bành trướng và gieo rắc các lạc thuyết ra khắp nơi trên thế giới, sẽ gây ra chiến tranh và các cuộc đàn áp tôn giáo…, nhiều dân tộc sẽ bị tiêu diệt.»


« Nhưng cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng … Nước Nga sẽ ăn năn trở lại.» Đây cũng là điều mà chúng ta đã được vui mừng từng chứng kiến tận mắt vào các năm 1989-1990, khi chế độ cộng sản vô thần ở Liên Sô và tại các nước Đông Âu - sau trong vòng trên dưới 72 năm hiện diện như một thách đố đầy ngạo nghễ đối với cả nhân loại - đã hoàn toàn bị thoái hóa, tự cáo chung và tự giải thể, để trả lại cho dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu các quyền chính đáng của con người.

Ở đây, một điều quan trọng mà chúng ta cũng cần phải xác tín, là khi Đức Maria đưa ra những lởi nhắc bảo hay cảnh cáo con cái loài người, Mẹ chỉ làm theo cách thức và đường hướng chung của Kinh Thánh, nghĩa là cách thức và đường hướng mà Thiên Chúa đã từng sử dụng – qua các vị Tiên tri – để cảnh báo Dân Người, như : «Các ngươi hãy ăn năn sám hối, để được sống» (Ed 18,32); hay như cách thức chính Đức Giêsu đã dùng: «Nếu các ngươi không ăn năn sam hối, thì các người cũng sẽ bị chết như vậy» (Lc 13,3).

Qua những lời nhăn nhủ và cảnh cáo nghiêm trọng của Đức Maria dành cho con cái loài người như trên, phải chăng người ta đã không nhìn thấy được tình mẫu tử sâu xa và tha thiết của một người mẹ được dấu kín trong đó? 

Vâng, khi biết rõ rằng những hậu quả khủng khiếp do tội lỗi gây ra, đang chực chụp xuống trên đầu con cái loài người, Đức Maria đã thân hành từ trời xuống đến nhắc bảo cho con cái mình biết mà lo hồi tâm, ăn năn sám hối, hầu cho các hậu quả đó không xảy ra cho họ, hay ít ra được rút ngắn lại. 

Chắc hẳn, đó chính là điều có liên quan tới thị kiến của thánh Gioan Tông đồ, tác giả Sách Khải Huyền, về con rồng đỏ vô thần (x. Kh 12,3-4; 13,1-9), và đó cũng chính là điều liên quan tới thị kiến của ba trẻ Fatima về hỏa ngục. 

Ngày nay, sau khi sứ điệp Fatima đã được Giáo Hội chính thức phê chuẩn và công khai công nhận như những mặc khải của Thiên Chúa muốn nhắn gởi đến toàn thể nhân loại qua Mẹ Maria, mỗi người Kitô hữu trong chúng ta cần phải dứt khoát chọn lựa lắng nghe và sống theo sứ điệp hợp lý vả khẩn thiết đó, tức:


• Sám hối và cải thiện đời sống;

• Siêng năng cầu nguyện và hy sinh hãm mình đền tội;

• Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

(Tháng Mân Côi 2007 - Kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima:1917-2007) 
Lm Nguyễn Hữu Thy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn